-Những thanh niên mới tốt nghiệp phổ thông không được trang bị chút hiểu biết nào với nhiệm vụ làm giàu càng nhanh càng tốt cho gia đình và bản thân đã làm loạn cả Đông Âu.

LTS: TS Nguyễn Hoàng Ánh, là một thành viên trong lớp trí thức được cử đi đào tạo tại Liên Xô và Đông Âu những năm 1970s - 1980s, thời điểm Liên Xô và các nước Đông Âu đang có ảnh hưởng và ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam. Bà hiện giảng dạy tại ĐH Ngoại thương.

Qua gần 30 năm giảng dạy, TS Nguyễn Hoàng Ánh chứng kiến nhiều đổi thay về thời cuộc, quan hệ giữa các nước, sự vận động của xã hội Việt Nam thời Mở Cửa, Đổi Mới, và đứng trước lớp sinh viên nói tiếng Anh của thế kỷ 21... với những trải nghiệm dài, rộng thú vị.

Sau hàng loạt chia sẻ của các bạn trẻ về được - mất khi đi du học ở các nước tiên tiến hiện nay, câu chuyện của TS Ánh dưới đây sẽ hệ thống lại trào lưu du học của người Việt từ xuất phát điểm đầu tiên.

{keywords}
Sinh viên Nguyễn Hoàng Ánh (áo trắng) cùng bạn bè du học sinh Tiệp Khắc năm 1980. Ảnh nhân vật cung cấp

Giáo dục Việt một thời 'bế quan tỏa cảng'

Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến chưa hề có du học, kể cả từ Việt Nam ra nước ngoài hay từ bên ngoài vào Việt Nam.Với chính sách bế quan tỏa cảng, chỉ các ông quan đi sứ và số ít doanh nhân là có dịp đi ra hay giao tiếp với người nước ngoài.

Nền giáo dục Việt Nam vẫn tiếp thu "sách thánh hiền" của Trung Quốc từ hàng trăm năm trước nên cũng không có nhu cầu cập nhật kiến thức. Chính vì vậy, Việt Nam thời đó hoàn toàn không có khoa học công nghệ gì, đất nước với 3000 km bờ biển nhưng chỉ toàn thuyền gỗ, loanh quanh đánh bắt gần bờ.

Sử chép Việt Nam chỉ có một ông Thần Toán, tưởng thành tích gì ghê gớm, hóa ra chỉ là tính toán chính xác gạch để xây cái cổng thành, điều mà một học sinh lớp 7 bây giờ làm dễ dàng. Trong thời gian đó, châu Âu đã có Leonardo Da Vinci và Copernicus với những phát hiện làm thay đổi cả thế giới.

Sự bế quan tỏa cảng, không học hỏi bên ngoài đã làm Việt Nam lạc hậu không chỉ với Phương Tây mà ngay cả với những nước châu Á như Nhật hay Trung Quốc.

Du học Việt Nam thật sự chỉ bắt đầu vào thời kỳ Pháp thuộc, với lứa trí thức đầu tiên của Việt Nam được gửi sang Pháp để học hỏi về văn mình Tây phương. Một số trong những trí thức đó là học sinh giỏi, được Pháp lựa chọn đi đào tạo, một số là con quan lại.

Những người này một số sau khi đi về trở thành quan chức trong bộ máy chính quyền của Pháp như Phạm Quỳnh, một số lại trở thành nhà hoạt động xã hội hay văn hóa nghệ thuật như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh)....

Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu đã mở đường cho du học sinh qua Nhật. Những du học sinh thời ấy thực sự đã cùng với những trí thức Pháp tiến bộ như Victor Tardieu gây dựng nên nền văn hóa, mỹ thuật tân thời của Việt Nam và đã thu được một số kết quả khá rực rỡ như khai sinh ngành báo tiếng Việt, thành lập nhóm Tự lực Văn đoàn hay sự ra đời nền mỹ thuật Việt Nam.

Một số trong những thế hệ du học sinh những năm 40 của thế kỷ trước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, trở về Việt Nam giúp cách mạng kháng chiến và đã lập được những thành tích to lớn như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ...

Đi du học chỉ trở thành ồ ạt từ năm 1960, bằng Thông tư số 95-TTg[1] của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 13 tháng 04 năm 1960, lúc đầu chủ yếu là đi Liên Xô và Trung Quốc, sau đó mới phát triển sang những nước khác.

Nhưng tính chất du học thời kỳ này khác với những thời kỳ trước đây vì toàn thể chi phí trong thời gian du học là do nước tiếp nhận chu cấp, kể cả vé máy bay đi về (1 lần) căn cứ vào kết quả tuyển chọn của phía Việt Nam.

Bên cạnh những tiêu chuẩn như sức khỏe, trình độ văn hóa..., tiêu chuẩn được tuyển chọn đầu tiên là chính trị. Theo khoản 1 điều 2 của Thông tư sống còn với hàng chục ngàn lượt lưu học sinh từ 1960 đến khi Liên Xô tan rã và với tương lai khoa học công nghệ của đất nước, người được tuyển chọn trước hết phải:

a) Đối với cán bộ:

- Trung thành với cách mạng (lập trường, tư tưởng, thái độ công tác và học tập tốt);

- Lý lịch rõ ràng, không phạm sai lầm nghiêm trọng;

- Về quan hệ gia đình, không có vấn đề phản cách mạng. (Xét điều kiện bản thân người được lựa chọn là chủ yếu; nhưng không thể xem nhẹ quan hệ gia đình; khi xét quan hệ gia đình phải điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, xác minh rõ ràng, kết luận thận trọng).

b) Đối với học sinh:

Cũng như tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ, nhưng khi xét chọn phải thận trọng hơn. Cần chú ý lựa chọn con em nhân dân lao động (công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, cán bộ, công chức cách mạng), quan hệ gia đình tốt, học tập và lao động tích cực, có ý thức tổ chức và kỷ luật."

Điều đáng chú ý là đối với học sinh (tốt nghiệp lớp 7 hoặc lớp 10/10 trường phổ thông) là từ 14-17 tuổi thì tiêu chuẩn chính trị còn phải xét tuyển thận trọng hơn với cán bộ!

Chính vì vậy hồi quanh 1975 tôi đã chứng kiến một anh đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cho lớp 10, bố mẹ là công chức, nhân thân tốt nhưng không được đi nước ngoài vì ông nội (đã mất trước khi anh ra đời) từng làm cho Pháp!

Sở Giáo dục giải thích là để anh được học Đại học trong nước đã là ưu đãi lắm rồi, chứ lý lịch như anh đáng ra không được học Đại học. Sở đã nói đúng vì rất nhiều học sinh của bố mẹ tôi học giỏi mà hết lớp 10 đành ngậm ngùi làm công nhân vì không bao giờ được nhận vào Đại học!

Ngay từ hồi ấy tôi đã thắc mắc, theo như thông báo thì tuyển học sinh du học là để sau này trở thành trí thức nòng cốt về xây dựng đất nước. Như vậy thì phải tuyển người giỏi chứ thực tế nhiều người có lý lịch tốt nhưng không có năng lực, không theo được, rất phí.

Hơn nữa quan hệ ngoại giao thời chống Mỹ giữa Việt Nam và Pháp rất tốt, thời những năm 70 Pháp còn là nước trung gian cho hòa đàm Paris, sao những người làm công chức cho Pháp lại bị kỳ thị? Và vì sao con cháu họ lại phải chịu tội cho những người thậm chí chúng còn không biết mặt?

Đến lượt tôi đi du học năm 1979, lúc ấy chính sách xét tuyển lưu học sinh miền Bắc đã nới bớt nhưng khi đưa danh sách lên Thành ủy duyệt vẫn có ý kiến là bố mẹ tôi lý lịch tiểu tư sản, lại không phải là đảng viên, may mà vẫn trót lọt.

{keywords}
Sinh viên Nguyễn Hoàng Ánh tại Tiệp Khắc năm 1980. Ảnh nhân vật cung cấp

 Đó là thời cực thịnh của du học sinh đi Nga và Đông Âu, hàng năm có khoảng hơn 1.000 sinh viên được gửi đi học, trong đó 50% là đi Nga.

Trước khi bước chân vào trường Đại học Ngoại ngữ để học tiếng trước khi lên đường, chúng tôi phải ký vào một cam kết là phải chấp nhận học theo ngành được phân công, nếu không phải quay về học trong nước.

Oái oăm là lúc đó chúng tôi chỉ biết ngành học của mình 1 năm sau, khi đã qua kỳ thi ngoại ngữ. Và cách phân ngành học cũng không ai hiểu nối, như tôi đăng ký thi Đại học Bách khoa, khoa Hóa Thực phẩm (vì thích sản phẩm vị phở của ĐHBK thời ấy), thi khối A với lý lịch là học sinh chuyên Toán nhưng lại được phân công đi học Du lịch.

Buồn cười nhất là đến khi qua Tiệp chúng tôi mới được biết Tiệp không nhận đào tạo ngành Du lịch cho sinh viên nước ngoài nên chúng tôi phải chuyển sang học Ngoại thương. Tôi chả có khái niệm gì về ngành này nhưng cũng chẳng có con đường nào khác.

Rất nhiều sinh viên cũng ở hoàn cảnh như tôi, học những ngành mà họ không hiểu và không lựa chọn. Lưu học sinh xì xào về chuyện nếu có người quen thì sẽ được học ngành mình thích nhưng chúng tôi mới 16-17 tuổi nên ngoan ngoãn chấp nhận.

{keywords}
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh hiện giảng dạy tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp

'Cơn bão' VN ở Đông Âu

Lần đầu tiên trong đời tôi được hiểu cá nhân con người có thể được tôn trọng, được đối xử công bằng, được công nhận, miễn làm tốt công việc của mình. Nhờ vậy, tôi dần ra khỏi cái vỏ nhút nhát, vụng về của một người con gái được giáo dục về đủ mọi loại nghĩa vụ nhưng chưa bao giờ được biết mình là ai và mình cũng có quyền sống hạnh phúc như bất kỳ ai khác.

Cộng thêm việc được sống ở thành phố Praha đẹp tuyệt vời, thời trang, âm nhạc, phim ảnh khá cởi mở và không đắt đã làm cho đời du học sinh của tôi dù rất nghèo nhưng tràn ngập hạnh phúc.

Nếu không có gánh nặng trợ cấp cho gia đình thì cuộc sống thật hoàn hảo vì chúng tôi còn trẻ, lại có niềm vui học tập, khám phá nên những thiếu thốn vật chất trở nên nhỏ bé. Nghĩ lại với số học bổng có 27USD/tháng mà chúng tôi vẫn có thể mua hàng gửi về cho gia đình và tiết kiệm mua sắm chuẩn bị về nước thì quả là thiên tài!

Tình hình thay đổi từ 1982 trở đi, ngoài lưu học sinh được cử đi học, Việt Nam ồ ạt xuất khẩu người lao động sang Nga và Đông Âu.

Những thanh niên mới tốt nghiệp phổ thông, hầu hết học hành không đi đến đâu, không có kỹ năng sống, nay bị ném sang một nước hoàn toàn xa lạ, không được trang bị chút hiểu biết nào với nhiệm vụ làm giàu càng nhanh càng tốt cho gia đình và bản thân đã làm loạn cả Đông Âu. Những du học sinh lập tức bị cuốn theo hoặc ảnh hưởng từ làn sóng này.

(Còn nữa)

Nguyễn Hoàng Ánh


[1] http://thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu/Thong-tu-95-TTg-chon-hoc-sinh-gui-di-hoc-chuyen-mon-nuoc-anh-em-vb21199t23.aspx

Bài cùng tác giả: 

Thời xe Phượng Hoàng ngang vé... độc đắc

Cơn lũ hàng Trung Quốc là thực trạng của cả thế giới. Nhưng hàng Trung Quốc mà dân gian thường gọi là hàng Tàu trong ký ức của tôi không mang gương mặt xấu xí như vậy.

Tổ quốc dạy tôi yêu như thế!

Muốn yên thân nên đã có lần tôi định nhận là người nước khác. Nhưng tôi không thể mở miệng ra nói được, tôi cảm thấy nhục nhã nếu phải phủ nhận gốc rễ của mình. Và lúc ấy tôi mới hiểu ra rằng, tôi rất yêu nước.

Tại sao HQ, Singapore tránh được "lệ thuộc" TQ?

 Biến cố lịch sử Trung Quốc đe dọa biển đảo Việt Nam đã thúc đẩy chúng ta nhìn lại sự phụ thuộc của thị trường Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Quan chức có cần giỏi ngoại ngữ?

"Phiên dịch là cầu nối với các nước khác. Nếu cái cầu ấy ọp ẹp, bấp bênh, ván lát rơi ra thì quan hệ quốc tế có thể "thụt chân" chứ chẳng chơi".