Tạm gác lại những cá chết, thuỷ triều đỏ, Formosa Hà Tĩnh để chờ kết luận từ cơ quan chức năng, hôm nay tôi viết về một siêu dự án đang là tâm điểm dư luận.

* Dự án tỷ đô dọc sông Hồng, nghe lãng mạn như thơ
*
"Dự án tỷ đô dọc sông Hồng được đồng thuận khá cao"

Đó là Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện Sông Hồng, do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên của Thaigroup làm chủ đầu tư.

Điều mà công luận đang đứng ngồi không yên là siêu dự án này liệu có góp phần "băm nát sông Hồng"; Sẽ biến cả vùng đồng bằng sông Hồng với 27 tỉnh thành rộng lớn trở thành con tin của nhà đầu tư; Sẽ biến 288km sông Hồng - tài sản chung của đất nước, nơi mang đến sinh kế cho người dân trở thành tài sản riêng.

Lo ngại của công luận là có cơ sở. Bởi siêu dự án này sẽ xây dựng tới 6 nhà máy thuỷ điện. Điều đó sẽ tạo nguy cơ có những vùng đất bị chìm trong biển nước bởi các đập thuỷ điện. Hệ sinh thái có khả năng bị phá vỡ khi phù sa sẽ không thể bồi đắp cho vùng hạ lưu. Và, thêm tới 6 thuỷ điện này thì sông Hồng sẽ thêm nguy cơ cạn trơ đáy. Những thiệt hại về môi trường đó không thể nào đong đếm hết được.

Hôm nay, bao nhiêu người dân ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã "khóc" cho một Tây Nguyên khát cháy, cho đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn. Có lẽ nào, ngày mai, những người dân ở đồng bằng châu thổ Sông Hồng sẽ phải khóc cho chính mình?

{keywords}

"Theo hồ sơ của dự án, tổn vốn đầu tư là 24.500 tỉ đồng. Trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư là 30%, tức phải có 7.350 tỉ đồng. Đó là chưa kể doanh nghiệp này còn đang triển khai hàng loạt dự án khác, cũng quy mô mỗi dự án cũng vào khoảng vài ngàn tỉ đồng. Trong hồ sơ dự án, chính Bộ Tài chính cũng còn nghi ngại nguốn vốn của chủ đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng chủ đầu tư đang muốn "nấu cháo rìu".

Và còn rất nhiều câu hỏi khác đang được dư luận bàn tán, cần câu trả lời minh bạch.

Chưa hết. Giá bán điện mà chủ đầu tư đưa ra sau khi các nhà máy vận hành đang được cho là cao hơn giá thị trường, thấp nhất là 1.900 đồng/kwh. Và nếu chấp thuận, nhà nước sẽ phải lấy tiền ngân sách để cấp bù cho doanh nghiệp. Điều này đi ngược lại thị trường mua bán điện cạnh tranh dự kiến được vận hành trong thời gian tới.

Song song với nguồn thu đến từ bán điện và phí cảng, một nguồn thu khác mà nhà đầu tư nhắm đến là thu phí vận tải thuỷ. Nếu như các dự án đường bộ, nhà đầu tư sẽ phải xây dựng và bảo trì đường với các khoản chi phí khổng lồ, thì đây điềm nhiên thu phí 50.000-60.000 đồng/tấn hàng, cao hơn cả đường bộ mà chỉ cần nạo vét một số điểm để luồnh sâu hơn.

Chủ đầu tư khẳng định sẽ nạo vét một số điểm trên tuyến khai thác. Nhưng việc nạo vét ấy sẽ tốn chi phí doanh nghiệp, hay lại đem về những nguồn thu khổng lồ từ khai thác cát, sỏi và khoáng sản, đặc biệt khi vấn đề này được giao các địa phương tự xử lý.

Mặc dù trong hồ sơ về dự án, tất cả các bộ ngành và địa phương đều đồng ý về chủ trương thực hiện. Nhưng hãy nhìn trên khắp  mặt báo, còn hàng loạt vấn đề liên quan đến dự án khủng ngày cần tiếp tục làm rõ để người dân có thể yên lòng.

Cả 6 con đập thuỷ điện định xây dựng dọc sông Hồng đều không nằm trong quy hoạch, việc sử dụng nguồn nước, bảo vệ đê điều... cũng không nằm trong quy hoạch. Vậy mà các bộ ngành lại đề nghị bổ sung vào quy hoạch để cho doanh nghiệp thực hiện. Một quy hoạch ngành sinh ra dựa trên những nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, tính toán dựa vào nhu cầu phát triển, để đảm bảo một sự bền vững cho hàng chục năm, thậm chí vài chục năm trong tương lai. Ấy thế mà, cứ có nhà đầu tư nhòm ngó thứ gì lại cho làm và hợp thức hoá bằng cách "bổ sung vào quy hoạch".

Sau một số những chuyện từng xảy như lấp sông Đồng Nai, dự án xây khách sạn trong công viên Thống Nhất…. người dân rất tâm tư, lo tài sản công sẽ bị chia chác. Sông cho doanh nghiệp. Biển cho doanh nghiệp. Đất nông nghiệp cho doanh nghiệp. Rừng cho doanh nghiệp.

Ai được lợi? Xin đừng bắt nhân dân phải trả giá từng ngày?

Bạch Hoàn

* Dự án tỷ đô dọc sông Hồng, nghe lãng mạn như thơ
*
"Dự án tỷ đô dọc sông Hồng được đồng thuận khá cao"