“Cấp dưới làm sai, cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm. Ví như vụ việc ở Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Hải Dương, đó là hiện tượng rất không bình thường” – ông Vũ Mão.

Những chỉ đạo sát sao và kịp thời của người đứng đầu Chính phủ thời gian qua đã tạo nên hình ảnh người lãnh đạo gần dân, sát dân, quan tâm đến muôn mặt của đời sống. Tuy vậy, cũng không ít băn khoăn đặt ra: tại sao một nền hành chính luôn cần có sự thôi thúc, chỉ đạo, yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ mới chuyển động được?

{keywords}

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng trách nhiệm công vụ của công chức cần phải rõ ràng. Ảnh: Phượng Hòa/VOV

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội.

PV: Thưa ông, việc Thủ tướng Chính phủ liên tục có những yêu cầu chỉ đạo xem xét hàng loạt sự việc xảy ra thời gian nói lên điều gì?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, điều đó nói lên tình trạng trì trệ trong nền hành chính của chúng ta rất nghiêm trọng. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải trực tiếp chỉ đạo cả việc lớn lẫn việc nhỏ cho thấy ông bức xúc thế nào trước sự trì trệ của nền hành chính. Những chỉ đạo của Thủ tướng theo tôi là việc làm cần thiết.

Cách đây hơn 30 năm khi tiến hành đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước với loạt 27 bài báo “Những việc cần làm ngay” gây chấn động dư luận. Liên hệ với cách làm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay, tôi thấy cũng theo phong cách đó, một việc làm cần thiết khi đất nước gặp khó khăn, nền hành chính quá trì trệ.

Các cơ quan có trách nhiệm chịu sự chỉ đạo của Thủ tướng phải ý thức được và phải tìm ra nguyên nhân, giải pháp để giải quyết hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng.

PV: Trong báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, chúng ta luôn thấy thừa quyết tâm cải cách hành chính nhưng khi có sự việc xảy ra thì không thấy trách nhiệm công vụ mà chỉ thấy sự đổ lỗi. Ông cắt nghĩa điều này như thế nào?

Ông Vũ Mão: Tôi cho đây là sự trì trệ rất lớn về mặt nhận thức, tư tưởng, đạo đức của công chức. Rõ ràng sự trì trệ này xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm đồng thời là sự thiếu sót từ pháp luật, cho nên người ta mới có thể tùy tiện đổ lỗi. Nếu các văn bản pháp luật quy định một cách chặt chẽ chức trách của từng loại công vụ, công chức sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm được. Tôi cho đây là vấn đề rất đáng lưu tâm, cần suy nghĩ để cải cách pháp luật sao cho phù hợp với một nền hành chính mới.

PV: Chúng ta nhìn thấy trước được điều gì khi một bộ máy Nhà nước luôn cần sự hối thúc mới chuyển động?

Ông Vũ Mão: Một nền hành chính quốc gia bình thường là phải được vận hành thường xuyên, đều đặn; tất cả những vấn đề xảy ra trong xã hội đều phải được xử lý theo đúng pháp luật, đúng chức trách của những người có trách nhiệm.

Nhưng bây giờ nền hành chính ấy đang không bình thường, quá trì trệ, vì vậy cần phải thiết lập lại kỷ cương, trật tự. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói pháp luật là thượng tôn, hàng đầu. Pháp luật của ta chưa ổn, thông tư của các Bộ quá nhiều, các nghị định của Chính phủ cũng chưa hẳn đã hoàn thiện, luật vẫn còn chung chung. Những hạn chế đó buộc chúng ta phải rà soát lại các văn bản pháp luật, để tìm được căn nguyên, gốc rễ rồi từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật đúng theo tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Thứ hai, việc tổ chức chỉ đạo trì trệ, ở các cấp đều trì trệ làm ảnh hưởng đến bộ máy. Chỉ tiêu đánh giá mức độ hài lòng của người dân về cải cách hành chính của ta trên trường quốc tế rất thấp. Thực tế này buộc chúng ta phải có cách khắc phục.

Thứ ba, đạo đức công chức đang xuống cấp, có lẽ một phần do sự tự rèn luyện, kiểm tra kiểm soát quyền lực quá kém.

Thứ tư, chúng ta chưa cảnh giác hết yếu tố cơ chế thị trường. Chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường là cần thiết để phát triển kinh tế, nhưng mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động vào khiến người ta chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân, trong khi chúng ta lại không có giáo dục, kiểm tra, kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả như vậy.

PV: Phải chăng đây là do khái niệm trách nhiệm công vụ ở từng vị trí công tác vẫn còn tù mù từ trong văn bản cho đến nhận thức, thực thi?

Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ dùng từ “tù mù” ở đây là rất đúng, bởi những quy định của chúng ta đều có cả, lâu nay ta đều nói đúng quy trình nhưng trong quy trình đó có khiếm khuyết, mà dựa vào đó để nói đúng quy trình là không ổn. Pháp luật của chúng ta cũng còn nhiều điểm không rõ ràng, không quy định rõ trách nhiệm. Muốn sửa nó, phải nghiên cứu lại hệ thống văn bản pháp luật.

Điểm đáng nói nữa là trách nhiệm công vụ của công chức, đặc biệt của người có chức quyền, cần phải rõ ràng hơn, phải quy trách nhiệm đến cùng khi xem xét xử lý công việc. Cấp dưới làm sai, cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm. Ví như vụ việc ở Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Hải Dương, đó là hiện tượng rất không bình thường. Chủ tịch tỉnh này nói đây là việc lớn nhưng giao cho Phó Chủ tịch giải quyết vì mới đi công tác về. Nếu nói đơn giản như vậy thì dễ dàng quá. Đây là công việc của tỉnh, trong khi mình là lãnh đạo tỉnh, phải chịu trách nhiệm giải quyết. Có thể không trực tiếp, nhưng phải giám sát, theo dõi, kiểm tra xem vụ việc được giao cho Phó Chủ tịch có được thực hiện không.

Trong khi đó lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh-Xã hội nói rằng đây là việc của người tiền nhiệm để lại, nói như vậy thì lãnh đạo Sở đương nhiệm phải chăng bất lực?

PV: Người dân vẫn đang chờ đợi xem mọi việc sẽ chuyển động ra sao sau khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Chúng ta phải gỡ từ đâu nếu cứ mãi đổ lỗi cho nhau, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Thủ tướng đã chỉ đạo, các cơ quan có trách nhiệm phải vận hành. Không chỉ bộ, ngành địa phương phải vào cuộc, mà cơ quan trung ương với trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình cũng phải có trách nhiệm chỉ đạo, để có kết luận rõ ràng.

Nền hành chính của chúng ta đã trì trệ quá lâu rồi, bây giờ sửa đổi một cách quyết liệt sẽ rất vất vả, mất công, thậm chí mất lòng nhưng vì sự phát triển của đất nước, để xây dựng một nền hành chính, một nền công vụ hiệu quả, hiện đại thì đó là việc cần làm.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hà Thanh-Ngọc Chi/ theo VOV.VN

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt