Cử tri, nhân dân đang mong đợi QH sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc kê khai tài sản, không thể để tình trạng không kiểm đếm hết của chìm của nổi của các quan chức.

Khẳng định quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực; cái gốc để chấn chỉnh kỷ cương bộ máy vẫn là đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, các khách mời tham gia trao đổi về chủ đề “Chấn chỉnh kỷ cương bộ máy nhà nước - Vai trò của cơ quan dân cử” cho rằng: Một hệ thống dân cử mạnh sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng, thúc đẩy hệ thống chính quyền các cấp kỷ cương, hành động. Muốn vậy, mỗi đại biểu phải trở thành một “ngọn đuốc” rọi sáng mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Trước thềm năm mới, Đại biểu Nhân dân đã có cuộc bàn tròn về chủ đề thú vị này với 3 vị khách mời : Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh Khóa VI và VII.

Quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực

- Xin được hỏi ông Vũ Mão, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính là một trong những thông điệp trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đưa ra cho năm 2017. Phải chăng, kỷ cương hành chính của chúng ta có nơi, có lúc đang có vấn đề?

- ÔNG VŨ MÃO: Phải thẳng thắn rằng, bộ máy hành chính nhà nước của chúng ta bấy lâu nay đang có sự trì trệ. Nhiều công việc, chỉ đạo điều hành của Chính phủ chưa được chính quyền các cấp triển khai đúng tiến độ, chất lượng không cao, nhiều khi là đối phó. Việc kiểm tra, phát hiện các sai phạm còn rất ít. Tôi cho đây là sự trì trệ rất lớn về mặt nhận thức, tư tưởng, đạo đức của công chức. Đạo đức công vụ đang xuống cấp, một phần cũng do khâu kiểm tra, kiểm soát quyền lực yếu kém. Chưa kể, tình trạng tham nhũng, lãng phí còn phổ biến, nhiều dự án đầu tư công nghìn tỷ thua lỗ, doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, tình trạng chạy chức chạy quyền, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, doanh nghiệp thân hữu xảy ra ở nhiều nơi với nhiều cấp độ.

{keywords}

Ông Vũ Mão

Rõ ràng, một bộ máy trì trệ như thế, tình trạng tham nhũng còn xảy ra ở nhiều cấp như thế, rất khó để có được một nền hành chính hiệu quả, đồng hành, kiến tạo phát triển được! Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương siết chặt kỷ cương hành chính là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên cần phải thực hiện một cách triệt để, thực chất, không ngại va chạm.

- Thưa ông Đặng Văn Khoa, như ông Vũ Mão đã chỉ ra, tình trạng trì trệ, tham nhũng xảy trong bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều cấp. Từ quan sát thực tế, ông có thể chấm điểm mức độ kỷ cương, hành động của chính quyền thời gian qua?

- ÔNG ĐẶNG VĂN KHOA: Xây dựng hệ thống chính quyền kỷ cương, hành động luôn là một mục tiêu của Nhà nước Việt Nam ta. Tuy nhiên, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) công bố mới nhất cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh có xu hướng suy giảm đáng kể trong giai đoạn 2011 - 2015. Thẳng thắn mà nói, chúng ta chưa có một hệ thống chính quyền kỷ cương nghiêm minh, chặt chẽ, chuẩn mực, hoạt động mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả, khoa học, công tâm, một lòng vì dân vì nước đúng như mong đợi của người dân. Nếu chấm điểm mức độ kỷ cương - hành động của hệ thống chính quyền, tôi mạo muội ghi mức trung bình.

- Thưa ông Vũ Mão, phải chăng kỷ cương, kỷ luật của bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua không được bảo đảm có một phần trách nhiệm của QH?

- ÔNG VŨ MÃO: Xét về chức trách, thời gian qua QH đã nỗ lực nhiều, nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta còn bất cập, còn lỗ hổng, chồng chéo. Chưa kể vẫn còn tình trạng luật khung, luật ống, phải chờ đợi nghị định, thông tư hướng dẫn mới đi vào cuộc sống, mà thông tư nhiều khi lại bị méo mó theo các lợi ích cục bộ... Rồi việc giám sát, đưa pháp luật vào cuộc sống có lúc còn chưa thật hiệu quả.

Mặt khác, những trì trệ, lỏng lẻo của kỷ cương, kỷ luật của bộ máy nhà nước như tôi nói ở trên có trách nhiệm của QH, với vai trò là cơ quan xây dựng chính sách, quyết định đầu tư các dự án lớn, cũng như giám sát toàn bộ bộ máy nhà nước, vốn nhà nước. Như vậy, trách nhiệm của QH thể hiện ở việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng thực tiễn cuộc sống; giám sát để cả bộ máy vận hành theo đúng khuôn khổ pháp luật; bảo đảm tính thượng tôn pháp luật trong các quan hệ xã hội, đời sống.

Trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 2 vừa qua, QH đã phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 trước QH, cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ. Tôi cho rằng QH bày tỏ thái độ như vậy là hợp lý. Hơn nữa, QH cũng đã giao các cơ quan liên quan tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, xử lý nghiêm các vi phạm kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Đây là thông điệp mạnh mẽ của QH về công tác cán bộ.

- Thưa ông Đặng Văn Khoa, với điểm số khắt khe ông vừa dành cho bộ máy hành chính thì có vẻ như HĐND, đại biểu HĐND cũng chưa làm thật tốt nhiệm vụ của mình với vai trò là cơ quan kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương?

- ÔNG ĐẶNG VĂN KHOA: Cả về lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, quyền lực của cơ quan hành pháp địa phương cần phải được kiểm soát chặt chẽ bởi quyền lực của HĐND địa phương. Thật sự, HĐND, các đại biểu HĐND chưa làm thật tốt nhiệm vụ của mình với vai trò cơ quan giám sát, kiểm soát quyền lực ở địa phương. Chất lượng hoạt động chưa cao, thậm chí có nơi có lúc còn rất hình thức, chiếu lệ, xuê xoa của HĐND là một nguyên nhân quan trọng trong sự thiếu nghiêm minh, kém hiệu quả trong kỷ cương, trong hành động của hệ thống chính quyền.

{keywords}

Ông Đặng Văn Khoa

Tôi xin nói đến đại biểu HĐND. Để có thể trở thành một đại biểu dân cử tâm huyết là phải tự nguyện yêu thích công việc dân cử. Tôi cho rằng cần phải có thật nhiều ứng cử viên tự ứng cử, tự nguyện làm người đại diện cho dân từ trái tim, từ đáy lòng mình. Thực tế, tôi từng nghe nhiều người chia sẻ rằng họ làm đại biểu do... tổ chức phân công. Tôi từng biết không ít người thích cái danh đại biểu dân cử nhưng hoàn toàn không muốn dành thời gian, công sức để làm tròn trách nhiệm của mình. Còn quá nhiều đại biểu nhiều năm lấy im lặng là vàng, chọn cách ẩn mình trong đám đông, bàng bạc như chiếc bóng trong mỗi kỳ họp, trong đời sống nhân dân.

Cái gốc vẫn là đạo đức cách mạng của người cán bộ

- Năm vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm trước các hiện tượng “cả họ làm quan”; bổ nhiệm cán bộ là con em lãnh đạo, nguyên lãnh đạo; bổ nhiệm cán bộ trẻ “thần tốc”; thao túng trong công tác cán bộ ở một số đơn vị... ĐBQH Nguyễn Anh Trí có quan điểm như thế nào về những hiện tượng này?

- ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: Tại Kỳ họp thứ 2 QH Khóa XIV vừa qua, công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thực sự đã làm nóng nghị trường. Tôi cho rằng, chọn cán bộ, công chức phải là người có đức, có tài, năng lực tương xứng với vị trí, yêu cầu công việc. Mọi quy trình, thủ tục đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ cần phải làm sao lựa chọn cho được nhiều người giỏi, người tốt cho bộ máy.

Đối với việc bổ nhiệm cán bộ trẻ tuổi, theo tôi, nếu cán bộ đó trẻ, rất trẻ nhưng làm được việc, có phẩm chất, năng lực đáp ứng được theo vị trí, yêu cầu của chức vụ thì bổ nhiệm là hợp lý. Thay vì chú ý đến câu chuyện bổ nhiệm một người quá trẻ, hay quá già, chúng ta cần phải chú ý đến câu chuyện quan trọng hơn ở đây, rằng những người ấy có đủ phẩm chất, năng lực cho vị trí, công việc đó hay không?

Về việc bổ nhiệm con cháu của các lãnh đạo và hiện tượng cả họ làm quan, tôi cho rằng, cái gốc vẫn là nếu họ có đạo đức, năng lực, đảm đương được công việc, và việc bổ nhiệm tương ứng với năng lực thực sự thì cũng không nên đánh mất cơ hội của những cá nhân này. Điều quan trọng là trong quy hoạch phải bình đẳng và trong thủ tục bổ nhiệm cũng phải công minh. Bổ nhiệm vị trí, công việc quá sức không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân đó, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ đội ngũ lãnh đạo ở đơn vị, địa phương, bộ ngành đó. Nguy hại hơn, nó còn làm lung lay niềm tin của người dân đối với công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước.

- Vấn đề kỷ cương của bộ máy xét cho cùng là vấn đề đạo đức, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, thực thi pháp luật. Xin hỏi ông Vũ Mão, để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của bộ máy, chúng ta phải chấn chỉnh con người trong bộ máy như thế nào?

- ÔNG VŨ MÃO: Số lượng cán bộ công chức trong bộ máy hưởng lương ngân sách hiện nay rất nhiều. Đạo đức công chức đang xuống cấp như tôi nói ở trên do sự tự rèn luyện của cán bộ yếu kém và khâu kiểm soát quyền lực không tốt. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Câu chuyện ở đây là chúng ta cũng cần quyết tâm chấn chỉnh công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ. Đừng để nói khơi khơi là chọn người tài, người có năng lực nhưng thực tế lại thiên về cánh hẩu, nhóm lợi ích và các mối quan hệ không lành mạnh. Việc đào tạo, sử dụng cán bộ như thế nào cần phải được xem xét lại một cách rõ ràng. Phải quy định rõ trách nhiệm công vụ của công chức, đặc biệt là người đứng đầu, phải quy trách nhiệm đến cùng khi xem xét, xử lý công việc. Phải làm sao để Nghị quyết Trung ương 4 thực sự đi vào cuộc sống.
Một điều vô cùng quan trọng là câu chuyện kiểm soát quyền lực. Tham nhũng xuất phát từ quyền lực, người có quyền lực mới có điều kiện để tham nhũng. Kiểm soát quyền lực thực chất là không cho những kẻ tham nhũng hoành hành. Kiểm soát tài sản, kiểm kê tài sản của người có chức quyền là khâu quan trọng nhất. Muốn kiểm kê tài sản phải có bàn tay sắt, kỷ luật nghiêm từ những người lãnh đạo cao nhất.

{keywords}

Ông Nguyễn Anh Trí 

- Trên diễn đàn QH vừa qua có đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra rằng, thời gian qua cụm từ “đúng quy trình” đã bị lợi dụng và chính là bàn đỡ, rèm che bảo hộ cho một số cán bộ lãnh đạo suy thoái thực hiện thành công việc chọn người nhà mà không chọn người tài. Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, làm thế nào để “quy trình” không bị lợi dụng?

- ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: Cử tri phản ánh tại các cuộc tiếp xúc rằng: “Quy trình khi xem xét đúng hết, luật là đúng nhưng cái đúng đó là để cho các ông cán bộ vận dụng mang nhiều lợi ích nhất cho cá nhân, nhóm lợi ích của ông cán bộ đó!” Theo cử tri: “Không có loại tham nhũng nào tạo ra lợi ích riêng cho cá nhân, dòng họ, phe cánh lớn hơn tham nhũng về chức quyền!”. Là một cán bộ, đảng viên, tôi rất suy nghĩ về những điều nhân dân nói.

Để tuyển chọn được người tài, tôi cho rằng, trước hết phụ thuộc vào đạo đức cách mạng của người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải biết hy sinh, đặt lợi ích quốc gia, lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, dòng họ. Trên thực tế, quy trình của Đảng, Nhà nước đề ra là chặt chẽ nhưng có nơi, có lúc quy trình đó đã bị lợi dụng, như quy hoạch chỉ là con em, người thân, người quen; lấy ý kiến thì dân chủ một chiều, thậm chí là có định hướng; đào tạo thì chỉ cho người mình có chủ định, chưa thực sự bình đẳng… Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua cũng đã chỉ ra thực trạng này. Vấn đề mấu chốt vẫn là ở đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, nhất là người lãnh đạo.

Như đã nói ở trên, trong lựa chọn cán bộ thì tính bình đẳng, công minh rất quan trọng. Hiện nay tỷ lệ thi tuyển cán bộ mới được khoảng 10%, còn lại vẫn là xét tuyển với nhiều khoảng tối của tiêu cực. Do đó, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch trong thi tuyển cán bộ, công chức. Đi cùng với đó là phải xử phạt nghiêm minh những kẻ lợi dụng quy trình để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Thứ nữa, sự lựa chọn cán bộ cẩn trọng, có nguyên tắc nhưng cũng cần linh hoạt. Bên cạnh những quy định cứng, cần có cơ chế mềm để người lãnh đạo có quyền chủ động hơn trong lựa chọn cán bộ, gắn với đó là quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu khi bổ nhiệm cán bộ đó. Ví dụ ở các vị trí như Bộ trưởng có thể cho phép Thủ tướng Chính phủ tiến cử và phê duyệt bổ nhiệm.

Ngoài ra, cần tạo cơ chế để cộng đồng, xã hội góp tiếng nói vào công tác cán bộ, đặc biệt là quy trình phát hiện, tiến cử. Đi cùng với đó là tạo ra văn hóa tiến cử cán bộ đúng đắn; tăng cường sự giám sát trực tiếp của cộng đồng đối với công tác cán bộ. Đặc biệt, cũng cần xem xét chế độ tự tiến cử để người tài chủ động, xung phong giúp nước, giúp cộng đồng, xã hội.

Đại biểu “máu lửa” sẽ tăng chất cho HĐND

- Là người gắn bó nhiều năm với cơ quan dân cử, theo ông Vũ Mão, cơ quan dân cử đóng vai trò như thế nào trong quá trình “xốc” lại kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy bộ máy nhà nước hành động, kiến tạo phát triển?

- ÔNG VŨ MÃO: Với vai trò cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan dân cử có vai trò và trách nhiệm lớn trong việc xây dựng và giám sát bộ máy nhà nước, chấn chỉnh kỷ cương, phép nước. Trước hết, QH cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật. Phải sâu sát và mạnh tay đưa ra các quy định bảo đảm công bằng, bình đẳng, công khai minh bạch; chuyển đổi triệt để từ mô hình Nhà nước kinh doanh sang Nhà nước kiến tạo phát triển.

Tình trạng tham nhũng đến mức báo động thời gian qua có nguyên nhân từ pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đủ mạnh. Chúng ta còn thiếu các quy định đủ sức đẩy lùi tham nhũng, thiếu các quy định để cho những kẻ muốn tham nhũng không thể tham nhũng và cảm thấy sợ hãi. Cử tri, nhân dân đang mong đợi QH sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc kê khai tài sản, không thể để tình trạng không kiểm đếm hết của chìm của nổi của các quan chức.
Cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôi cho rằng, QH phải đẩy mạnh và đổi mới công tác giám sát. Phải làm sao để hoạt động giám sát thực sự là công cụ sắc bén để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi trái pháp luật của bộ máy công quyền, truy rõ địa chỉ của mỗi sai phạm; đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.HĐND ở các địa phương cũng vậy. Vừa qua, HĐND các cấp đã được kiện toàn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vị thế đã có, phải tiếp tục đổi mới hoạt động ngày càng thực chất hơn, phát huy vai trò của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND trong việc giám sát hoạt động của UBND, của các cơ quan chuyên môn, nơi hàng ngày tiếp xúc với nhân dân, giải quyết công việc cho các doanh nghiệp.

- Xin được hỏi ĐBQH Nguyễn Anh Trí, với chức trách của mình, mỗi ĐBQH cần phải làm gì để đóng góp vào việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của bộ máy nhà nước?

- ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: Theo tôi, trước hết, mỗi đại biểu cần thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước; giữ mối liên hệ, tiếp xúc, đối thoại với cử tri. Là một đại biểu mới, tôi thấy rằng, việc “học làm đại biểu” rất quan trọng, làm sao để có thể trở nên “chuyên nghiệp”, khi đại biểu chuyên nghiệp thì sẽ có QH chuyên nghiệp.
QH, ĐBQH cần phải tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát. Thời gian qua, hoạt động giám sát thông qua chất vấn tại kỳ họp, giải trình tại các ủy ban có hiệu quả tích cực. Cùng với đó, hình thức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn cũng có tác dụng nhắc nhở các chức danh nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Theo tôi, tới đây cần thực hiện công việc này hàng năm.

Chúng ta cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tạo điều kiện để QH, ĐBQH thực sự có quyền lực hơn, đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng, kiểm soát bộ máy nhà nước. Mỗi đại biểu cần có trách nhiệm để bản thân mình “quan trọng hơn” một cách thực chất, trách nhiệm. Bản thân mỗi đại biểu cũng phải kỷ cương, sáng tạo và đoàn kết. Đặc biệt, ĐBQH phải gắn liền với nhân dân, gắn liền với cử tri. Chỉ có cử tri mới “dạy” đại biểu phát biểu điều gì, quan tâm điều gì, chất vấn điều gì và làm như thế nào.

- Câu hỏi cuối xin được dành cho ông Đặng Văn Khoa, người được nhân dân yêu mến gọi là “ông hội đồng Khoa”, “khẩu đại bác” trên nghị trường. Làm thế nào để đại biểu HĐND có vai trò “quan trọng hơn” trong việc chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở các địa phương, thưa ông?

- ÔNG ĐẶNG VĂN KHOA: Dẫu còn rất nhiều vấn đề vĩ mô, nhiều vấn đề liên quan đến Hiến pháp, đến thể chế chính trị nhưng tôi tin rằng nếu mỗi đại biểu hoạt động “máu lửa”, sẽ góp phần quan trọng vào chất lượng hoạt động của HĐND. Từ đó, góp phần xây dựng hệ thống chính quyền địa phương kỷ cương - hành động.
Người đại biểu nhân dân có yêu thích nghiệp dân cử mới có thể gắn bó máu thịt với người dân. Mối quan hệ đó sẽ cho người đại biểu xúc cảm, cho thông tin, cho chứng cứ, lý luận và các giải pháp để người đại biểu chắt lọc, lên tiếng tại nghị trường. Đồng cảm, liên hệ chặt chẽ với người dân là điều cốt tử trong hoạt động của đại biểu dân cử. Người đại biểu xa rời nhân dân như cây tách khỏi đất mẹ sẽ không còn nhựa sống, sẽ khô héo, nhạt nhòa trong nghị trường và chết dần trong lòng nhân dân.

Thực tế, để người đại biểu lên tiếng quyết liệt ở nghị trường, mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, với tham nhũng... cần phải có nghĩa khí. Để có được nghĩa khí, đại biểu cần xác định rõ tâm thế là người đại diện cho những người chủ của đất nước. Sức mạnh của người đại biểu là sức mạnh của dân. Phải luôn tâm niệm: Tôi là đại biểu dân cử, tôi đến nghị trường với thế lực của nhân dân. Tôi có những chính kiến và yêu cầu của mình xuất phát từ đòi hỏi của người dân, của kỷ cương phép nước.

Một vấn đề nữa là, người đại biểu không chỉ biết thắp lửa mà còn phải truyền lửa. Cơ quan dân cử hoạt động theo cơ chế biểu quyết theo đa số. Người đại biểu dân cử phải truyền được ngọn lửa về những gì mình mong mỏi đến các đại biểu khác trong nghị trường.

Đại biểu dân cử là một nghề nghiệp đặc biệt mà muốn làm tốt phải có trái tim nhạy cảm. Người đại biểu như sợi dây đàn căng ra giữa dòng đời, rung lên trước những vui buồn, hạnh phúc, đau thương, oan ức của người dân. Người đại biểu cũng cần có óc “hoài nghi khoa học”. Bất cứ vấn đề gì cũng cần lắng nghe nhiều chiều với tâm thế rộng mở, với tư duy khoa học, cũng cần đặt ra nhiều câu hỏi nhằm tìm hướng giải quyết tốt nhất. Nghe dân hay nghe quan chức đều với tinh thần đó để tự tìm ra lý lẽ cho những chính kiến của riêng mình.

Tôi tin rằng, cả nước với 300.000 đại biểu dân cử các cấp, nếu tất cả đều là những người có “lửa”, vì nhân dân sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn, sẽ trở thành 300.000 ngọn đuốc rọi sáng mọi ngóc ngách của cuộc sống; thiêu cháy những trì trệ, những quan tham, nhóm lợi ích và cả những chính sách “trên trời”...; canh gác cánh cửa tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho nhân dân.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta có những đại biểu là những người tự nguyện dấn thân vào con đường dân cử, với trái tim nhạy cảm, gắn bó máu thịt với nhân dân, với nghĩa khí, với tinh thần phản biện sẽ đưa hoạt động QH và HĐND “rực lửa”, đạt tới tầm cao của dân chủ thực sự. Chắc chắn rằng, một hệ thống dân cử mạnh mẽ như vậy sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng, thúc đẩy hệ thống chính quyền kỷ cương - hành động. Đó là hồng phúc của dân tộc.

- Trân trọng cảm ơn các vị khách mời!

Thái Cường (thực hiện)/ theo Đại biểu nhân dân

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt