“Nạn ngập lụt, kẹt xe dù được đưa vào chương trình cần phải đột phá giải quyết nhưng thực tế, nó đang trở nên ngày một trầm trọng hơn. Nhiều ý kiến, thảo luận, hội thảo lắm rồi. Nhưng nên bắt đầu như thế nào thì vẫn còn rất mù mờ.”- TS. Huỳnh Thế Du chia sẻ.

LTS: Ở các đô thị phát triển, vai trò Nhà nước rất quan trọng, Nhà nước ấn định hướng phát triển đô thị theo hướng nào đó bằng việc xây dựng hạ tầng thiết yếu. Ví dụ Nhà nước xây dựng con đường, một trục giao thông công cộng, sau đó khu vực tư nhân, tức thị trường họ vào và cứ thế đi theo. Đây là phương pháp phát triển đô thị theo kiểu “nắn dòng”. Nhà nước là người trị thủy nên chủ động đi trước.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện với TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright chuyên về kinh tế đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng xung quanh vấn nạn ngập lụt cũng như kẹt xe ở TP. Hồ Chí Minh.

Tôi xin bắt đầu bằng câu hỏi, tại sao TP.HCM bị ngập lụt ngày càng nặng cùng với nạn kẹt xe? Ông có thể giải thích hay mô tả ngắn gọn, dễ hiểu về bản chất của vấn này này là gì?

Ngập lụt và kẹt xe đang nằm trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM từ nhiệm kỳ trước cho đến nhiệm kỳ này. Một số nhận định của tôi về vấn nạn này như sau:

Từ câu chuyện Tân Sơn Nhất bị ngập cả đường băng và bên trong cho thấy ngập lụt ở TP.HCM không phải nước dâng lên mà vấn đề là thoát không kịp! Có nghĩa là diện tích mặt đất và diện tích cơ sở hạ tầng ngầm không đủ cho thoát nước.  

Nguyên nhân khách quan là do những năm gần đây lượng mưa do biến đổi khí hậu thất thường. Có những trận mưa lớn hơn bình thường. Mưa to, mưa dồn vào một vùng, một khu vực nào đó. Nguyên nhân chủ quan là do tốc độ xây dựng quá nhanh với mật độ cao, nghĩa là diện tích không gian thấp. Nếu xây cao tầng mà diện tích thoát nước nhiều thì nước sẽ tràn đi. Còn kiểu xây mà quây lại hết như đang làm hiện nay thì giống như đắp đê, không còn đường cho nước rút.

Như vậy, về bản chất, ngập lụt ở TP.HCM là do không gian chứa nước tạm và diện tích cho nước tràn ngày càng bị thu hẹp.

{keywords}
TS Huỳnh Thế Du. Ảnh: Quang Định/Tuổi trẻ

Tôi băn khoăn không biết các nhà quản lý có lường trước được những hệ lụy xảy ra khi thành phố tăng tốc phát triển hay không và chắc hẳn các đô thị phát triển trên thế giới cũng để lại những bài học khiến chúng ta phải xem xét và suy ngẫm?

Đúng là vai trò và trách nhiệm của quản lý nhà nước trong chuyện này “có vấn đề” rất lớn! Nhà nước không ấn định được quy hoạch của mình, không ấn định được những phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu để thị trường đi theo.

Ở các đô thị phát triển khác, vai trò Nhà nước rất quan trọng, Nhà nước ấn định hướng phát triển đô thị theo hướng nào đó bằng việc xây dựng hạ tầng thiết yếu. Ví dụ Nhà nước xây dựng con đường, một trục giao thông công cộng, sau đó khu vực tư nhân, tức thị trường vào và cứ thế đi theo. Đây là phương pháp phát triển đô thị theo kiểu “nắn dòng”. Nhà nước là người trị thủy nên chủ động đi trước.

Chúng ta hiện nay thì ngược lại, do rất nhiều hạn chế và ràng buộc nên không làm được, để cho phát triển tự phát đi trước rồi Nhà nước mới chạy theo. Và vì chạy theo nên chỉ “giật gấu vá vai” nên mới không giống ai.

Ví dụ nhà ở thì hầu hết là nhà đơn lẻ, gần như toàn bộ diện tích được sử dụng cho xây dựng, diện tích trống còn lại để hứng nước rất ít. Thoát nước chảy ra cống là một chuyện, nhưng khi mưa thì cần diện tích ở trên mặt đất đủ rộng để chứa nước. Ví dụ tôi có 1m3 nước chứa trong diện tích 1m2 thì độ sâu sẽ là 1m. Nhưng chứa trong 10m2 thì độ sâu chỉ còn 1 tấc. Bởi vì phải có giai đoạn chứa tạm thời chứ không thể chảy hết ngay được. Hiện diện tích chứa tạm quá nhỏ nên ngập rất là nhanh. Như vậy phải xử lý cao tầng lên để tăng diện tích chứa tạm thời lên là cách thoát khỏi tình trạng hiện nay.

Nhưng chúng ta chưa làm được điều đó. Nói “không làm được” hay “chưa làm được” là cách nói nhẹ nhàng chứ thực ra là thất bại. Có những cái định hướng phát triển hạ tầng đô thị trọng yếu sau này có thể sẽ ấn được quy hoạch vào, vừa phát triển đường, vừa phát triển tàu điện ngầm, và hệ thống kỹ  thuật cấp thoát nước đô thị. Cả một trục với nhau đồng bộ thì mới giải quyết được những thứ nhùng nhằng như bây giờ.

Thành phố đang trong tình trạng càng chống càng ngập. E rằng tới lúc không còn đủ sức để “giật gấu vá vai”?

Chính xác như vậy. Một mảnh đất 2 tầng giờ xây 10 tầng nó lại trục trặc thêm. Quá trình tái phát triển đang đi như vậy đấy…

Có phải do chúng ta đột phá chưa đúng hướng, chưa đủ mạnh để có thể xoay chuyển tình thế?

Sự thật là không làm được! Chúng ta đặt ra mục tiêu như thế vài nhiệm kỳ rồi, nhưng ngày càng thấy chuyện ngập, chuyện kẹt nghiêm trọng hơn.

Tôi nhấn mạnh lại rằng, định hướng  phát triển hạ tầng của ta sai, chạy theo thị trường để mở đường nhưng không được mà cứ theo đuôi thị trường tự phát. Ta không “nắn” được chút nào mà còn bị phát triển tự phát “nắn” cho méo mó, trầm trọng…

Tôi thấy đã có nhiều giải pháp được đưa ra và đang áp dụng. Ví dụ như giải pháp giảm kẹt xe bằng cách xây cầu vượt.

Thực tiễn đã chứng minh, một siêu đô thị thường không bao giờ có khả năng xử lý được những vấn đề theo kiểu “tắc đường là mở đường” như chúng ta đang làm! Vì nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác trong điều hành, quản lý.

Mọi người cứ nghĩ theo hướng tư duy “giải pháp cầu vượt”. Chỗ nào tắc là tôi làm cầu vượt, tức là xả cái van cho một đoạn ùn tắc đường. Sau một thời gian lại đâu vào đấy, tiếp tục ùn tắc, cái đó gọi là “cầu ẩn”.  Thực tế cho thấy, cầu tăng vẫn kẹt đó thôi. Chẳng có chút nào “đột phá” lớn nào cả.

Chả lẽ chúng ta thất bại?

Chưa làm được, bế tắc hay thất bại đều đúng cả. Tôi chưa thấy giải pháp tổng thể nào có tính khả thi cao nào.

Nạn ngập lụt, kẹt xe dù được đưa vào chương trình cần phải đột phá giải quyết nhưng thực tế, nó đang trở nên ngày một trầm trọng hơn,. Tương lai là thành phố chỉ còn một điểm ngập và một điểm kẹt xe! Tức là ngập lụt và kẹt xe đã tràn ra toàn thành phố. Nhiều ý kiến, thảo luận, hội thảo lắm rồi. Nhưng bắt đầu như thế nào thì vẫn còn rất mù mờ.

Phải nói thật với nhau, nếu nhìn cả thành phố này, ai cũng có cảm giác phải xử lý nhiều thứ.

Nguồn lực của ta có hạn, thêm nữa là thói quen và sự kháng cự của số đông. Giống như một người ngày nào cũng đi làm, vào cơ quan, sẽ có phản xạ lên xe là chạy đến cơ quan. Có hôm định đi đến nơi này nơi kia nhưng chạy một hồi mới biết đang vào cơ quan. Nghĩa là định hình một thói quen, cứ việc đó mà làm. Thay đổi vô cùng khó.

Tương tự như vậy, thực tế của chúng ta là nguồn lực thì có hạn nhưng sự kháng cự thì rất tự nhiên, vô thức rất mạnh mẽ của số đông, rất là lớn. Đề thay đổi một lúc là điều không thể.

Nói vậy không lẽ chuyện này mình đành để trao lại cho các thế hệ sau này xử lý?

Đâu có được!

(Còn nữa)

Lan Hương