"Tôi chỉ sợ chuyện này mà không sớm được cải thiện, đến một mức nào đó sẽ có kiến nghị bỏ hết các trạm thu phí! Giống như trường hợp ở các nước châu Mỹ Latinh, đang tư nhân hóa thì đột ngột chuyển qua quốc hữu hóa trở lại. Khi bãi bỏ các trạm thu phí thì điều gì xảy ra? Lại chuyển sang nhà nước và nhà nước lại gặp trục trặc tiếp! Và phải giải quyết bao nhiêu hợp đồng đã ký. Lúc đó thật là ngổn ngang, nợ công tăng lên cùng mọi thứ…", ông Huỳnh Thế Du chia sẻ tiếp câu chuyện liên quan đến các dự án BOT giao thông.

Kỳ 1: "Đầy tớ" dám bán đứng "ông chủ"?

Kinh nghiệm ở các nước châu Mỹ Latinh và một số nước khác có thể rút ra bài học gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Thế Du: Không chỉ châu Mỹ Latinh mà nhiều nước khác cũng vậy, quá kỳ vọng vào mô hình hợp tác công tư.

Trở lại vấn đề kinh điển là người ta nói lý do cho mô hình hợp tác công tư là năng lực và nguồn lực của khu vực công có hạn nên muốn cho tư nhân tham gia để huy động vốn và nâng cao năng lực quản lý. Bới lúc đó quản lý theo dự án. Nhưng họ quên rằng bên kia, tức tư nhân cũng vì mục tiêu lợi nhuận và đây là sản phẩm độc nhất. Gần như các dự án đều độc nhất hết, kể cả 2 cây cầu bắc qua cùng một dòng sông chỉ cần vị trí xê dịch một chút là có vô số thứ để biện giải rồi.

Chính vì không có cái để so sánh nên dự án công tư thực chất rất khó theo các quy định cứng nhắc của ngân sách. Theo quy trình của ngân sách thì phải có đấu thầu mọi thứ thì sẽ chặt chẽ hơn. Còn hợp tác công tư bản chất là tiền của người dân mà đại diện là Nhà nước. Nhưng ông Nhà nước lại bị những trục trặc chi phối như chúng ta đã bàn nãy giờ.

{keywords}
Ảnh minh họa: Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 6 thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình (ảnh: Báo Lao động)

Như vậy, theo ông, những trục trặc đầy dẫy như thế thì có nên duy trì mô hình hợp tác công tư nữa không hay là mô hình này chỉ xuất hiện và phù hợp với giai đoạn lịch sử nào đó?

Ông Huỳnh Thế Du: Nó cũng có những thành công nhất định  với điều kiện phải cân nhắc thật kỹ. Cho tới nay thì vẫn có nhiều trường hợp thành công chứ không phải hoàn toàn thất bại.

Bản chất của sự phát triển Phú Mỹ Hưng , đường Nguyễn Văn Linh - Nam Sài Gòn ở TP.HCM là mô hình của hợp tác công tư rất thành công. Trên thế giới cũng có vô số mô hình thành công. Tuy nhiên, nếu làm không rõ ràng thì nó sẽ gặp những trục trặc như nhiều dự án hiện nay.

Như vậy, vô số trường hợp các dự án BOT giao thông ở nước ta hiện nay đang ngang nhiên trục lợi, lợi dụng móc túi người dân đi qua một cách công khai gây bức xúc lớn trong xã hội mà chưa có cách gì kiểm soát được là do đâu?

Ông Huỳnh Thế Du: Cuối cùng vẫn là cơ chế tham gia của người dân và các tổ chức dân sự. Chính những người này sẽ giám sát khi thấy trục trặc.

Chẳng hạn như khi nhà đầu tư muốn tăng giá phí qua trạm thì người ta bắc camera ra đếm lưu lượng xe đi qua, thông tin liên quan đến dự án cần được tiếp cận để nhiều người có thể đánh giá được chi phí thực chất của dự án;  nhà đầu tư nói chăm lo đời sống cho người dân khi thu hồi đất nhưng thực ra lại đẩy người dân ra lề đường thì sẽ bị phát hiện, lên tiếng. Có như vậy mới chống được sự cấu kết của cán bộ viên chức nhà nước với doanh nghiệp đầu tư.  

Mặt trái của mô hình hợp tác công tư rất nguy hiểm. Nếu không khéo sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sự cấu kết đó giữa 2 “ông”: cán bộ công chức nhà nước và doanh nghiệp. Nói cách khác đây là mảnh đất mà mỡ cho lợi ích nhóm và cả xã hội sẽ bị thiệt thòi.

Thưa ông, tại sao dự án  Phú Mỹ Hưng hay nói tổng quan hơn là phát triển khu Nam Sài Gòn ra đời sớm nhất lại thành công trong khi xã hội ta lúc ấy chưa được cởi mở như hiện nay?

Ông Huỳnh Thế Du: Xét về chính trị học thì hai dự án này là những “siêu dự án” đã thành công lớn vì có đủ 3 yếu tố như sau:

1. Có những người dám nghĩ dám làm, thuật ngữ kinh tế gọi là “doanh nhân công”, cụ thể là ông Phạm Chánh Dưỡng và ông Lawrence Ting  người Đài Loan;

 2. Liên minh ủng hộ dự án rất là mạnh, tức các nhà lãnh đạo TP.HCM từ Bí thư Võ Trần Chí, Chủ tịch Nguyễn Vĩnh Nghiệp, phó chủ tịch Phạm Chánh Trực. Ở Trung ương là các ông Võ Văn Kiệt và Phạn Văn Khải hết sức ủng hộ. Bên phía Đài Loan cũng vậy, công ty tham gia vào dự án trong gian đoạn là của Quốc dân Đảng rất được ủng hộ để rót tiền vào đầu tư dự án này vì những mục đích lớn hơn là lợi nhuận.

3. Có lợi ích dài hạn liên quan, đây là điều cực kỳ quan trọng. Có nghĩa là nếu đường Nguyễn Văn Linh mà không thành công, cơ sở hạ tầng không dùng được thì sẽ không phát triển được bất động sản ở đây. Nhà cửa, biệt thự phố sẽ không bán được. Và sẽ không thu hồi vốn được.

Kể cả khu chế xuất Tân Thuận nữa. Thực chất dự án đường nam Nhà bè – bắc Bình Chánh từ quốc lộ 1 đến khu chế xuất Tân Thuận là dự án đưa ra để phát triển khu công nghiệp thôi. Chính nhờ liên minh đó và một yếu tố cực kỳ quan trọng lúc đó là nhóm doanh nhân công chấp nhận rủi ro để làm.

Điều thú vị là một số người như ông Phan Chánh Dưỡng chẳng hạn đứng vào vị thế rất khó để mà “này nọ”. Và thêm một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là nhiều người nghĩ rằng nó sẽ không thành công nên những thế lực có quyền lực có thể “xơ múi” được thì không tham gia, không nhúng tay nhúng chân vào nên dự án thoát khỏi “trục trặc”.

Theo ông, bản thân nhà nước có năng lực để điều chỉnh hoặc hạn chế phần nào những nguyên nhân gây trục trặc, điều chỉnh để cho mô hình PPP hoạt động đúng mục đích, mang lại hiệu quả cho xã hội?

Ông Huỳnh Thế Du: Về cơ bản nếu chỉ nhà nước thì không có năng lực này! Nếu không có tiếng nói của các tầng lớp khác  nhau trong xã hội để cùng tham gia thì vô phương!

Tôi chỉ sợ như thế này thôi, bức xúc của công chúng tăng đên một mức nào đó thì sẽ có một quyết định cực kỳ nguy hiểm là giải tán hết những thứ đó, tức bỏ hết các trạm thu phí! Giống như trường hợp ở các nước châu Mỹ Latinh, đang tư nhân hóa thì đột ngột chuyển qua quốc hữu hóa trở lại. Khi bãi bỏ các trạm thu phí thì điều gì xảy ra? Lại chuyển sang nhà nước và nhà nước lại gặp trục trặc tiếp! Và phải giải quyết bao nhiêu hợp đồng đã ký. Lúc đó thật là ngổn ngang, nợ công tăng lên cùng mọi thứ.

Theo ông, phải làm sao cân bằng cho được lợi ích của các bên trong mô hình PPP trước khả năng mọi chuyện bị cực đoan hóa?

Ông Huỳnh Thế Du: Bây giờ đang là đỉnh của PPP, còn rất nhiều dự án nữa sắp ra đời. Những trục trặc và bức xúc đã lớn rồi. Theo tôi, phải nhanh chóng rà soát đánh giá lại một cách tổng thể. Cái nào nên, cái nào không nên. Dự án nào nhà nước thực sự có năng lực quản lý, kiểm soát, thẩm định thì hãy nên làm. Chứ còn cứ làm rầm rộ sẽ ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, tạo ra sự câu kết giữa một nhóm doanh nghiệp và quan chức nhà nước  Lợi ích nhóm mà chúng ta hay nói chính là những thứ như thế này sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm. 

Để tránh hình thành những liên minh, sự cấu kết giữa các ông “đầy tớ” và nhà đầu tư,  nhà nước phải có cơ chế công khai minh bạch để đưa ra ánh sáng, phải giám sát chặt chẽ. Các tổ chức công dân, báo chí được quyền tham gia kiểm tra, đưa ra công khai. Chứ như hiện nay thì ngày cả báo chí các anh cũng đố mà làm được gì.

Cuộc sống như Mác nói là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập chứ đâu có câu trả lời dễ dàng bằng vài câu khẩu hiệu phải làm thế này thế kia là xong. Vấn đề rất phức tạp nhưng bằng biện pháp công khai, minh bạch, chúng ta có thể xử lý, tháo gỡ những “trục trặc” đang hoành hành gây bất bình lớn trong xã hội hiện nay ở các dự án BOT giao thông hiện nay!

Xin chân thành cám ơn ông đã giành cho Tuần Việt Nam cuộc trao đổi hôm nay. Chúc sức khỏe ông!

 Thùy Vân, Minh Hưng    

* Cứu DNNN là bớt xén của người nghèo
* Mệnh lệnh chồng chất và những tổn thất vô giá
* Tăng trưởng bằng mọi giá sẽ khiến ta sa lầy
* Việt Nam: Mãnh hổ hay mèo rừng?
* Liêm chính trong kinh doanh, ai cho lương thiện?