LTS: Trong bài trước, tác giả Nguyễn Huy Viện đã chỉ ra một số hệ lụy về con người khi nền giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Còn bài này góp phần chỉ ra những rào cản trói buộc trong cơ chế quản lý giáo dục hiện nay.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đương nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm về những hạn chế yếu kém do ngành mình quản lý. Tuy nhiên, nếu quy tất cả trách nhiệm cho ngành giáo dục thì hoàn toàn không khách quan và không công bằng. 

Lý do là giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan phải thực thi theo đúng chủ trương đã được hoạch định. Vì vậy trách nhiệm đó cũng thuộc về cả hệ thống chính trị. 

Khách quan mà nói, trong mấy chục năm qua, qua nhiều đời bộ trưởng, ngành giáo dục đã có rất nhiều cố gắng tìm tòi, tham khảo nhiều mô hình giáo dục của các quốc gia tiên tiến áp dụng vào Việt Nam nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. 

Nguyên nhân một phần vì tiếp thu chắp vá, nhưng nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý giáo dục Việt Nam chưa đủ không gian cho các mô hình giáo dục tiên tiến vận hành để mang lại hiệu quả. 

Không những vậy, do cơ chế quản lý giáo dục chưa phù hợp cho việc áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, nên càng áp dụng nhiều mô hình, càng làm cho nền giáo dục rối rắm, không có đường ra. 

Điều đó không chỉ để lại hậu quả cho quốc gia mà còn biến hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác thành “chuột bạch”. Sản phẩm của ngành giáo dục dù là con người nhưng cũng chỉ là những sản phẩm thử nghiệm. 

{keywords}
Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, không thể chậm trễ hơn

Trong khi đó, tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều quốc gia khác lại nhanh chóng áp dụng thành công các mô hình giáo dục tiên tiến? 

Vì trong cơ chế quản lý nhà nước nói chung cũng như quản lý giáo dục nói riêng, các quốc gia đó chỉ tập trung quản lý vĩ mô, đường hướng chiến lược, hệ thống pháp luật. Trên cơ sở đó, nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội quốc gia trong đó có giáo dục phát triển. 

Riêng về giáo dục, họ tạo cơ chế mở và quyền tự chủ, thông thoáng cho các nhà trường. Nhờ vậy, họ phát huy được tối đa tính chủ động, năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong tự do học thuật cũng như trong xây dựng chiến lược phát triển nhà trường; trong xây dựng nội dung, chương trình đào tạo cũng như phương pháp dạy và học của thầy và trò. 

Trong không gian giáo dục như vậy, người thầy không phải là nhà truyền giáo, áp đặt một chiều kiến thức có sẵn, mà là người bạn đồng hành của học sinh trong quá trình tìm tòi, khám phá tìm ra chân lý. 

Với cơ chế quản lý như vậy, nền giáo dục không bị xơ cứng, thoái hóa, lạc hậu với thời gian mà ngược lại luôn sống động tạo ra các sản phẩm là những con người có tư tưởng khai phóng, có tư duy độc lập; có năng lực phản biện và dám phản biện bảo vệ chân lý; luôn chủ động, sáng tạo trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày của bản thân và trong đời sống xã hội; không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn chuẩn mực về tính kỷ luật và đạo đức, nhân cách. 

Trong thời đại ngày nay, muốn quốc gia phát triển và muốn có xã hội văn minh thì không thể thiếu nguồn nhân lực như vậy. 

Nhân lực là nhân tố mang tính quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Có những quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore … nhưng do họ có chiến lược đúng đắn trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nên đất nước đạt được những bước tiến thần kỳ, những thành tựu rực rỡ về phát triển kinh tế - xã hội trong một thời gian ngắn, được cả nhân loại ngưỡng mộ. 

Thực tiễn cho thấy, những quan điểm cho rằng giáo dục là truyền thụ, áp đặt kiến thức sẵn có thì chỉ đào tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, chỉ biết làm theo theo sai khiến của người khác. Những người như vậy không có năng lực tư duy độc lập, không có năng lực phản biện và không dám phản biện. Quan điểm giáo dục như vậy không chỉ kìm hãm giáo dục mà tai hại hơn là kìm hãm quốc gia phát triển. 

Tất cả các quốc gia thịnh vượng, cất cánh về kinh tế - xã hội đều có nền giáo dục thành công, đều dựa trên quan điểm giáo dục không những là truyền thụ kiến thức, mà còn là trang bị phương pháp, phát huy sáng tạo, khả năng độc lập tư duy, năng lực phản biện và tinh thần phản biện khoa học cho người học. 

Để có được điều đó, trước hết phải đổi mới tư duy, xây dựng cơ chế thông thoáng trong phát triển giáo dục. Đó là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho quốc gia phát triển nhanh và bền vững. 

Quay lại vấn đề giáo dục của Việt Nam, từ chiêm nghiệm thực tế của đất nước, người viết bài có mấy suy nghĩ dưới đây. 

Đảng và Nhà nước đã giao ruộng đất và quyền tự chủ cho nông dân, nhờ đó người nông dân không chỉ tự lo được cuộc sống của họ mà còn đảm bảo lương thực và thực phẩm cho toàn xã hội, đưa quốc gia thoát khỏi tình trạng thiếu đói triền miên trong những năm 80 của thế kỷ trước. Cũng nhờ đó, nông, thuỷ, hải sản đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong mấy chục năm qua. 

Đảng và Nhà nước cũng đã đã giao quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp sau Đổi mới. Họ đã nhanh chóng khắc phục tình trạng khan hiếm hàng hoá, chấm dứt chuyện từng bánh xà phòng, từng cái săm lốp xe đạp, hay từng mét vải phải phân phối, phải bốc thăm và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, hàng hoá công nghiệp rất dồi dào, phong phú. 

Vì vậy Đảng và Nhà nước cần tin tưởng và mạnh dạn hơn nữa trong việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở khoa học, nhà trường, trước hết là các trường đại học, học viện và các trường đào tạo nghề để họ chủ động, sáng tạo trong học thuật và đào tạo. Cần tạo không gian và môi trường thông thoáng, cởi mở cho giáo dục phát triển để khai sáng dân tộc. 

Khi người nông dân đã được tự chủ trên cánh đồng; các doanh nhân đã được tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, thì các nhà khoa học, các nhà trí thức, các nhà trường cũng cần được tự chủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để tạo ra những lớp người có kỹ năng, có kiến thức, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước ngày nay. 

Nguyễn Huy Viện