- Thử hỏi sau “cơn sốt Trần Đặng Đăng Khoa”, sẽ có bao nhiêu người bắt tay lập kế hoạch của chính mình, hay quyết định bỏ việc dành thời gian đi lang thang đây đó…?

Những ngày qua, câu chuyện chàng trai trẻ Trần Đặng Đăng Khoa 30 tuổi bỏ ra 5 tháng một mình bon bon “ngựa sắt” từ Sài Gòn đến tận Paris hoa lệ khiến rất nhiều người Việt ngưỡng mộ. Thứ nhất là về niềm đam mê xê dịch, khả năng phưu lưu và mạo hiểm của anh. Thứ hai là việc anh đã đặt chân lên nhiều quốc gia trên thế giới. Thứ ba là việc anh ta đã lên kế hoạch chi tiết, tìm nhà tài trợ và chuẩn bị kỹ lưỡng cho thành công của chuyến đi.

Không bỗng dưng và cũng không hề đơn giản mà Đăng Khoa trở thành người truyền cảm hứng như vậy. Theo thông tin trên báo chí, anh đã dành hơn 20 năm để vun đắp và nuôi dưỡng đam mê. Từ 2009, anh bắt đầu những chuyến phượt đầu tiên cùng bạn bè, qua đó rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng như chạy xe khi thời tiết xấu, sửa xe, xử lý tai nạn, chuẩn bị giấy tờ… Chuyến đi bằng xe máy qua 7 nước Đông Nam Á của Đăng Khoa vào Tết 2015 cũng là động lực thôi thúc giấc mơ vòng quanh thế giới. 

{keywords}
Hình ảnh của Đăng Khoa ở Paris. Ảnh: FBNV

Còn với chuyến đi lần này, Đăng Khoa đã dành 2 năm chuẩn bị cho mọi thủ tục, giấy tờ, visa và kêu gọi tài trợ rất công phu. Nhất là khâu chuẩn bị thủ tục để đưa được xe máy đi qua 23 quốc gia thuận lợi, cho một hành trình dài 20 ngàn km và 150 ngày. Tất nhiên, sự chuẩn bị sức khỏe, tinh thần kiên cường và vốn tiếng Anh là không thể thiếu.

Tất cả tạo ra một cơn sốt. Tôi đọc được trên Mạng xã hội rất nhiều status bày tỏ mơ ước của mọi người muốn được đi vòng quanh thế giới. Một số ước giá được trẻ lại để đi. Một số mong con mình không cần học một đại học ghê gớm, mà chỉ cần con đi khắp thế giới. Các status này được ủng hộ và chia sẻ rất nhiệt tình...

Những mơ ước rất đẹp, lãng mạn, bay bổng. Nhưng nếu chỉ dừng lại đó thì rồi rất có thể chúng sẽ tan nhanh như bong bóng xà phòng.

Người Việt vốn giàu mơ ước, ngay cả những ước mơ lớn lao, xa vời. Nhưng dường như chúng ta lại thiếu nhiệt huyết, thiếu khả năng lên kế hoạch và lao vào thực hiện để biến chúng thành hiện thực. Thử hỏi sau “cơn sốt Trần Đặng Đăng Khoa”, sẽ có bao nhiêu người bắt tay lập kế hoạch của chính mình, hay quyết định bỏ việc dành thời gian đi lang thang đây đó, hay đơn giản là bắt đầu khuyến khích nơi con mình niềm khát khao khám phá những vùng đất mới?

Khi bắt tay thực hiện giấc mơ, chúng ta va chạm vào đủ mọi giới hạn, cả từ thực tế, từ truyền thống văn hóa không ưa khám phá, mạo hiểm của người Việt và cả từ chính bản thân mình. Tiền đâu mà đi? Sức đâu mà đi? Thời gian đâu mà đi? Bỏ việc rồi đi về ai nuôi mình?... Rốt cuộc thành ra "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà".

{keywords}
Lịch trình xuyên châu lục của chàng trai 8X

Ngược lại, với nhiều dân tộc, đặc biệt là người Âu - Mỹ, có vẻ như khả năng phiêu lưu ở sẵn trong máu của họ. Phải chăng vì đây là quê hương của những người như “ông tổ phượt” Marco Polo hay nhà thám hiểm Christopher Columbus. Đọc báo hàng ngày chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp chuyện ai đó quyết định bỏ việc, bán nhà và lấy tiền đi “lang thang”.

Như chuyện chàng trai Taylor Gleason, 21 tuổi (năm 2016) đi 50 nước trong 2 năm. “Tôi đã sống với giấc mơ của mình. Tôi đã đến được hầu hết những nơi mình mong muốn, làm được những thứ mình muốn làm. Giờ thì tôi đã sẵn sàng để đi làm và xây dựng sự nghiệp”.

Có người còn đi cùng bạn đời hoặc mang cả nhà đi theo. Chẳng hạn, năm 2012, Seth và Olivia Hanson - một cặp vợ chồng sống ở Austin, Texas, Mỹ - quyết định nghỉ việc, bán nhà để thực hiện chuyến du lịch 10 nước trong 6 tháng.

Hay cặp vợ chồng Andrea và Ben Williams, sống ở Wales, Vương Quốc Anh đã bán nhà, nghỉ việc để thực hiện chuyến đi của đời mình cùng hai con tới một số nước trước khi đến Australia định cư.

Lên kế hoạch kỹ lưỡng và chuẩn bị từng chi tiết là yếu tố không thể thiếu trong những chuyến du hành này. Họ sẽ bàn bạc, chuẩn bị tiền, lên lịch trình, đặt chỗ khách sạn, mua vé trước từ rất lâu. Phải chăng làm gì cũng có kế hoạch là một nét cơ bản trong tính cách nhiều người phương Tây, như là kết quả của những nền giáo dục bài bản, cẩn thận và nền văn hóa sẵn sàng cho các chuyến đi khám phá vùng đất mới?

Như trường hợp Taylor Gleason nói trên, để kiếm đủ tiền đi du lịch trong hai năm, chàng trai 21 tuổi đã vừa học vừa làm việc cật lực tại trường đại học để ra trường sớm hơn dự định. Ngoài ra, anh cũng kết nối với những người bạn quốc tế mà mình đã quen trong thời gian học tập để kiếm chỗ lưu trú.

Vậy mới thấy, “dám ước mơ” là điểm khởi đầu không thể thiếu. Nhưng chỉ khi “dám thực hiện”, chúng ta mới có thể ghi dấu chân lên những vùng đất mới, để làm giàu có thêm bản thân, để đến lúc nào đó đi vòng quanh thế giới biết đâu cũng thành "phình phường" thôi với người Việt?

Nguyễn Anh Thi