Người xưa có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”. Đó là lời tổng kết, sự nhắn gửi đến hậu thế, mong muốn của cha ông. Nhưng hơn là hơn cái gì? Có chức tước cao hơn, có tiền bạc nhiều hơn, bằng bất cứ giá nào? Câu hỏi ấy chắc các bậc làm cha làm mẹ và những người làm con đã tự mình có câu trả lời. Ở đây chỉ xin nêu ít ý kiến liên quan đến nước nhà, dân tộc.

LTS: Người xưa có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”. Nhưng hơn là hơn cái gì? Có chức tước cao hơn, có tiền bạc nhiều hơn, bằng bất cứ giá nào? Trong bài viết mới nhất, TS. Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phần nào trả lời được những câu hỏi cấp thiết này.

Ủy viên Trung ương Đảng hiến kế kiểm soát quyền lực

Trải qua mấy ngàn năm, nay xin phép cha ông cho nhìn lại, xem thử người Việt Nam ta mạnh yếu mặt nào, không phải để chê trách cha ông, mà để phát huy và bổ sung, điều chỉnh.

Có lẽ mặt mạnh nhất thuộc về văn hóa (trong) giữ nước. Truyền thống yêu nước, tinh thần và bản lĩnh chiến đấu để giữ nước, không để dân tộc bị đồng hóa của cha ông ta là bất khuất, anh hùng. Các thế hệ hôm nay và mai sau muôn đời cần noi theo, học tập đến cùng, để tự hào, để kính trọng, để trung thành, để xứng đáng và nhất là để tiếp tục giữ nước lâu dài trong điều kiện và nguy cơ mới.

{keywords}
Ảnh minh họa: hanoimoi

Một dân tộc yêu hòa bình, nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc đã phải đương đầu nhiều lần với các thế lực mạnh hơn ta rất nhiều đến từ phương Bắc và phương Tây, trong đó, với phương Bắc hàng chục lần và họ đã có thời kỳ đô hộ ta hàng nghìn năm, dùng mọi thủ đoạn để đồng hóa dân tộc Việt Nam.

Một nghìn năm bị đô hộ trực tiếp mà không bị đồng hóa quả là một dân tộc phi thường, kỳ diệu và bất diệt. Văn hóa dân tộc, dòng máu yêu nước đã ngấm sâu vào từng thế hệ, từng con người Việt Nam, biến thành sức mạnh bất tử trong công cuộc giữ nước bền bỉ và can trường. Các đảng viên cộng sản ngày ấy, các sĩ quan và chiến sĩ quân đội, kể cả những người dân bình thường dũng cảm khác, đã bước lên pháp trường và bước ra chiến trường bằng sức mạnh của một nền văn hóa ẩn chứa sâu xa trong mỗi con người.

Nhìn xa hơn về phía cội nguồn sẽ thấy Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… đã làm cho lịch sử dân tộc rạng ngời, đầy hào khí non sông.

Thời đại Hồ Chí Minh đã nối tiếp một cách xứng đáng với truyền thống giữ nước ngàn đời của dân tộc. Đã bổ sung vào lịch sử những chiến công lừng lẫy và tên tuổi của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng của người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, bảo vệ tồn vong của dân tộc và toàn vẹn non sông là chiến thắng của một nền văn hóa. Nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của chính trị và quân sự, bởi  trong chính trị, quân sự của Việt Nam đều có cái lõi văn hóa vô cùng quý giá và chắc chắn, nhờ nó mà bảo đảm tính chân chính của chính trị giữ nước và tinh thần thượng võ trong nghệ thuật chiến tranh.

Nếu như không có những chiến công hiển hách và những người anh hùng ấy thì có lẽ lịch sử của dân tộc chỉ còn là những trang ảm đạm, tối tăm, buồn tủi. Ai nói gì thì nói, nhưng lịch sử sẽ mãi rạng ngời những sự tích oai hùng và những tấm gương nghĩa khí mà cha ông đã ghi tạc bằng xương máu và lòng dũng cảm được kính trọng muôn đời.

Trong công cuộc giữ nước và trường tồn của dân tộc, làm theo cha ông, được như cha ông đã là rất giỏi, rất lớn lao, khó mà có thể hơn được, mặc dù phải luôn bổ sung, hoàn chỉnh chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình và điều kiện rất khác xưa, dân tộc ta còn phải vượt qua nhiều thử thách hiện tại và trong tương lai.

Mặt khác, bên cạnh niềm tự hào to lớn ấy, cần phải thấy một điều nữa là, mãi cho đến nay, ta chưa có được một Việt Nam phát triển, dù lịch sử dân tộc không chỉ có chiến tranh (đừng đổ lỗi hết cho chiến tranh) mà còn có nhiều thời kỳ dài trong hòa bình xây dựng.

Nói vậy không nhằm mục đích phê phán cha anh, vì mỗi giai đoạn đều có những hoàn cảnh lịch sử và điều kiện cụ thể. Nhưng rất cần suy ngẫm, chiêm nghiệm, xem thử vì sao Việt Nam ta chưa thành một quốc gia phát triển, từ đó mà bổ sung, điều chỉnh cách nghĩ, cách làm khác với cha anh.

Thực tế đã minh chứng cha ông giữ được nước và bảo tồn dân tộc qua muôn vàn thử thách, bàn giao lại cho hậu thế một quốc gia có vị thế như hôm nay; và đồng thời thực tế cũng minh chứng Việt Nam là một quốc gia chưa phát triển, chưa từng phát triển bao giờ.

Nếu phân kỳ ra, thì trách nhiệm nặng hơn đang thuộc về chúng ta, thế hệ công dân sau 1975 đến nay, khi đất nước đã hòa bình thống nhất gần nửa thế kỷ rồi, khi nhiều nước đã tiến vượt bậc, còn chúng ta vẫn “lẹt đẹt”, chưa phát triển lên được. Chúng ta chưa xứng đáng với một dân tộc anh hùng và cũng chưa xứng đáng với truyền thống của Đảng ta, với hàng triệu người đã ngã xuống cho độc lập hòa bình và thống nhất.

Lúc này, với tình hình như vậy, phải ra sức đổi mới và sáng tạo, đổi mới một cách căn bản, trong đó có nhiều việc phải nghĩ khác, làm khác cha anh, để tránh những sai lầm như đã có, thoát ra khỏi những nguy cơ, cản trở, giáo điều, lạc hậu, để phát triển vượt lên. Làm vậy là trung thành với cha anh, với mong muốn một Việt Nam phát triển, mong “con hơn cha” để nhà có phúc. Trung thành với lý tưởng một dân tộc và một đất nước Việt Nam phát triển cường thịnh, một xã hội thật sự tốt đẹp (chứ không phải trung thành  là phải nghĩ, phải nói, phải viết, phải làm hệt y như cha anh, dù hoàn cảnh đã khác).

Thế hệ người lớn hôm nay có ý định để lại gì cho lớp trẻ? Thông thường, nhiều người có trách nhiệm và tâm huyết vẫn nghĩ phải phấn đấu để lại cho lớp trẻ một quốc gia phát triển. Đó là mong muốn chính đáng, làm được như thế thì quá tốt. Nhưng làm sao mà để lại được cho lớp trẻ một đất nước phát triển khi mà ta chưa tạo ra được một đất nước như vậy? Ta không thể để lại cái mà ta chưa làm ra được.

Có lẽ phải nghĩ cách khác, trước nhất, quan trọng nhất, là để lại cho lớp trẻ sự trưởng thành của chính nó, của cả cái sự nó suy nghĩ khác ta, để từ đó những con người Việt Nam (mới) ấy sẽ tạo ra một đất nước Việt Nam phát triển. Để lại con người mới là để lại tất cả. Còn để lại tất cả (nếu có) mà không để lại được con người thì tất cả cũng sẽ không còn.

Sau việc quan trọng nhất ấy, làm được cái gì nữa để tạo tiền đề cho một Việt Nam phát triển thì tiếp tục làm, được càng nhiều càng tốt. Nhưng phải bám thật chắc, không lúc nào quên, là để lại cho lớp trẻ chính bản thân nó  - những con người phát triển và sáng tạo.

Sự phát triển của một quốc gia nhất thiết phải đạt được mục tiêu phát triển con người. Và khi có những con người phát triển thì không lo gì quốc gia không phát triển, bởi quốc gia là do con người xây đắp nên. Phải có một lớp trẻ hơn cha anh, bằng tầm nhìn thay thế cho kinh nghiệm, biết sử dụng thành thạo ngoại ngữ để hiểu và tiếp cận thường xuyên với nhân loại văn minh, biết quản trị đất nước theo cách hiện đại nhất, để từ đó mà làm nên một quốc gia phát triển. Cũng chính lớp người tương lai ấy, với tâm hồn trong sáng, với tinh thần hào hiệp, cao thượng và khoan dung, sẽ hóa giải những hận thù mà lớp trước chưa giải quyết xong, để cả dân tộc cùng nắm tay nhau bước tới.

Muốn có một lớp trẻ như vậy thì người lớn hôm nay phải từ bỏ cách giáo dục theo kiểu bề trên áp đặt dạy dỗ bề dưới, phải tạo ra một nền giáo dục thật sự đổi mới, một nền giáo dục mở, thực học, tập trung phát triển năng lực Người thay cho việc truyền thụ kiến thức áp đặc một chiều, thực hiện tự chủ đại học và tự do học thuật.

Ra sức tạo điều kiện tốt nhất, môi trường “thuận lợi” nhất, trong đó có sự gương mẫu về nhân cách và sự tận tụy của người lớn, để thế hệ trẻ trưởng thành lên từ chính nó, để nó giỏi dang hơn, hiểu biết hơn, năng lực hơn cha anh, vượt thầy và vượt sách, có thói quen phản biện khoa học (kể cả với những điều tưởng như thiêng liêng, như chân lý bất di bất dịch, và luôn phản biện với chính bản thân mình), biết tư duy độc lập, lật ngược lật xuôi vấn đề, không chấp nhận sự áp đặt hoặc bao cấp tư duy từ người khác, không thụ động, không phụ thuộc, không ỷ lại vào tư duy của người khác, không nói theo, làm theo một cách thụ động, tự do tư tưởng, tự do học thuật.

Người lớn cần giúp thế hệ trẻ biết tiếp cận mở để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và các thành tựu khoa học của thế giới, biết sống và ứng xử đúng trong đa dạng văn hóa, có chính kiến rõ ràng, có bản lĩnh và quyền thể hiện chính kiến, tự do ngôn luận, không sợ bị quy chụp trù dập, không phải nói dối vì sợ bị quy chụp, thành những con người trung thực và tự chủ hơn, tự do và tự tin hơn, tự do từ bên trong của mỗi người, tự do với chính mình, luôn năng động và sáng tạo.

Lớp trẻ được bình đẳng đối thoại với người lớn, kể cả những người có chức vụ cao, kể cả cha anh và thầy giáo. Người lớn phải khai hóa văn minh, không làm cho lớp trẻ thụ động, phải tôn trọng lớp trẻ, dân chủ và bình đẳng với người trẻ, người lớn không độc quyền chân lý mà làm người bạn đồng hành với lớp trẻ trong quá trình đi tìm chân lý của cuộc sống, không áp đặt một chiều các tư tưởng giáo điều cũ kỹ cho lớp trẻ, luôn tìm cách tạo tự tin cho các em, khuyến khích các em có chính kiến riêng, dám “cãi lại”, tôn trọng cá tính của các em.

Người lớn cần hiểu lớp trẻ không phải là cái bóng theo sau mình, chỉ biết gọi dạ bảo vâng và làm theo, phục tùng và cúc cung tận tụy, trung thành với mọi điều người lớn nghĩ, người lớn nói, người lớn đã viết, phải thuộc lòng không sai một chữ, kể cả sau này khi người lớn không còn sống. Suy nghĩ như vậy là lạc hậu, không phải minh triết.

Nếu người lớn để lại một lớp sau giống mình, y như mình, bản sao chép của mình, thì cũng có nghĩa là một đất nước, một dân tộc không phát triển. Mỗi thế hệ đều có sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, lớp trước không thể quyết định thay, cũng không thể vô trách nhiệm đẩy hết mọi việc phải giải quyết về cho hậu thế.

Người lớn không để nợ nần nhiều cho lớp trẻ phải nai lưng ra làm tối tăm mặt mũi để trả nợ, không ngóc lên được. Bằng đôi vai và bàn tay của mình, người lớn phải nâng lớp trẻ lên cao hơn mình để chúng có thể nhìn xa hơn mình, nhìn rõ năm châu bốn biển và nhìn thấy tận tương lai.

Còn lớp trẻ thì phải hết sức khiêm tốn, chịu khó tự học  không ngừng, học tập kinh nghiệm của cha ông và của thế giới, liên tục cập nhật những tri thức mới từ nhiều nguồn khác nhau. Và mặt khác, không được tự ti, phải tự tin vào chính mình, ý thức được vị trí chủ thể bình đẳng của mình, như người lớn, không phân biệt địa vị xã hội, không tự cho mình là nhỏ bé; luôn tự chủ và khát khao vươn tới những ước mơ, độc lập tư duy, dám đối thoại thẳng thắn,

Lớp trẻ cần có chính kiến rõ ràng và dám bảo vệ chính kiến, biết phản biện, thấy đúng thì tiếp thu, biến thành của mình, thấy không đúng thì không nghe theo; luôn nâng cao sức đề kháng, thấy người lớn tha hóa đạo đức thì biết đấu tranh chống lại; trung thực và nhân ái, năng động và sáng tạo; không tham vọng quyền lực, không ỷ lại và dựa dẫm quyền lực của người thân, phải biết tự trọng, luôn nuôi dưỡng tinh thần tự lập nghiệp của bản thân, tâm huyết góp phần xây dựng đất nước…

Điều quan trọng nhất là để lại một lớp trẻ như vậy – có nhân cách và năng lực, có những tư duy về văn hóa phát triển khác với cha anh – để lớp người ấy có thể nghĩ mới hơn, nghĩ khác và làm khác người lớn hôm nay, để Việt Nam có được một dân tộc và đất nước phát triển, có một xã hội thật sự tốt đẹp như Bác Hồ và nhân dân ta mong muốn, kế thừa và phát huy tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là “Dân tộc phát triển và dân chủ xã hội”.

Dân tộc độc lập thì mới phát triển được, mà phát triển thì mới giữ vững độc lập lâu bền được. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển. Dân tộc phát triển cao và một xã hội có dân chủ thật sự thì mới là XHCN. Dân tộc, dân chủ là mục tiêu của Cánh mạng Tháng Tám và vẫn còn là mục tiêu lâu dài phải tiếp tục phấn đấu, để có được một đất nước “dân chủ và giàu mạnh” như di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phấn đấu để lại cho được một lớp trẻ “con hơn cha” như vậy quả là một công việc lớn lao, trọng đại. Để có thể làm được việc này đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy đối với công tác tư tưởng, văn hóa, giáo dục và quản lý xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam cần tập trung lãnh đạo tốt công việc này sẽ là công lao to lớn đối với đất nước và hậu thế, từ đó mà năng lực lãnh đạo của Đảng sẽ nâng cao và vai trò lãnh đạo của Đảng cũng sẽ được bền lâu.

TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.