Chiều tối qua, tôi đi một vòng quanh những phố xá quen thuộc ở trung tâm Hà Nội trước 0h. Những tuyến phố dài vắng lặng, những cánh cửa đóng im ỉm, quán xá đã dừng bán, chỉ còn lác đác vài chiếc xe máy, vài bóng khách bộ hành bước vội.

Về cơ bản, quang cảnh đó cho thấy người dân Hà Nội đã tự cách ly sau những khuyến nghị của Chính phủ và chính quyền Thành phố.

Những bức ảnh, những bài viết của các đồng nghiệp cho thấy khung cảnh vắng lặng tương tự ở TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Sự cảnh giác cao độ của người dân trước dịnh bệnh, những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống trong suốt thời gian dài vừa qua là một giá trị không thể phủ nhận để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hà Nội là nơi phát hiện nhiều ca dương tính nhất cả nước với 58 trường hợp. Tất cả đều được xét nghiệm và phát hiện ra trong số những người đang bị cách ly sau khi họ đến/trở về từ nước ngoài.

Tất cả những bệnh nhân dương tính đó đều đang được chữa trị ở các bệnh viện, có nghĩa họ đã được cách ly khỏi cộng đồng.

Như vậy, nhiều người đặt câu hỏi, làm sao chúng ta phải đồng lòng đóng cửa, phải thực hiện dãn cách xã hội?

{keywords}
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM, vắng lặng

Để trả lời câu hỏi này, có thể đoạn hội thoại về bệnh viện Bạch Mai tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều qua 27/3 là phù hợp nhất (*).

Bệnh viện Bạch Mai đang nổi lên là ổ dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất trên địa bàn Hà Nội khi phát hiện 2 lần riêng biệt 2 nhóm các ca dương tính. Lần trước đây liên quan đến 2 cô điều dưỡng; và lần này liên quan đến nhóm các bệnh nhân 161, 162, 163 và 133 (bệnh nhân Lai Châu). Ca số 161 là mẹ chồng của ca 162 và là bà nội của 163. Ca 161 được các ca 162, 163 chăm sóc và chung phòng với ca 133.

Tại cuộc họp, Phó giám đốc, Trưởng ban phòng, chống dịch Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết: “Về phía dịch tễ, khi có thông tin bệnh nhân số 133, chúng tôi đã cho xét nghiệm ngay lập tức (các trường hợp liên quan). Hai bệnh nhân vừa nói thêm (bệnh nhân 161 và bệnh nhân 162) thì bà mẹ (ca 161 là bà cụ 88 tuổi ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên) lên kết quả dương tính ngay, rất rõ ràng. Còn người con dâu (162, trú tại Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) phải làm đi, làm lại mới thấy dương tính, mà dương tính rất yếu ớt”.

Khi được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung hỏi lại về việc “dương tính yếu ớt”, ông Hùng lý giải là “thời gian lên dương tính chậm”.

“Lúc đó, vi sinh báo xuống là từ từ để cho kiểm tra lại. Giả thiết ở đây là lượng virus thấp, nên chưa đủ để lên dương tính rất nhanh. Cái này một là do mới nhiễm, hai là đã nhiễm trong giai đoạn thoái triều. Chúng tôi cho làm định lượng về kháng thể thì dương tính với kháng thể rất rõ rệt, tức là nhiễm đã lâu. Chúng tôi rà lại lịch trình thời gian bệnh nhân ở Lai Châu, vào viện ngày 17.3, ra viện ngày 22.3, tức là tiếp xúc với nhau 5 ngày”.

“Rõ ràng Bệnh viện Bạch Mai có 2 ổ. Một ổ là 2 cô điều dưỡng, không liên quan gì đến nhóm này. Còn 3 bệnh nhân này nằm ở cùng phòng. Sơ đồ dịch tễ hình dung ra là cô con dâu nhiễm, sau đó bà mẹ nằm cùng giường với bệnh nhân Lai Châu, nên thành ra cả 3 người đều nhiễm virus”, ông Hùng lý giải.

Ông Hùng cho rằng, với thời gian nhiễm của bệnh nhân 162 này, “rõ ràng trong cộng đồng có ca bệnh, nhưng không sàng lọc được bằng xét nghiệm”. “Cô này không có biểu hiện lâm sàng, vì mối liên quan (nên bệnh viện) mới cho làm xét nghiệm thôi, nhưng bệnh đang ở giai đoạn thoái triều. Như vậy, cô này đã nhiễm trong cộng đồng. Chắc là trong cộng đồng có nhiều người như vậy, không có triệu chứng lâm sàng. Tính toán thời gian thì không phải nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai”, ông Hùng nêu quan điểm.

Đến sáng nay thì Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra phát thông cáo nhận định “có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện”.

Đây là thông tin chính thống lần đầu tiên được phát đi công khai mà tôi nghĩ nhiều người nên đọc để hiểu bản chất của vấn đề để cảnh giác hơn chứ không phải để lo sợ.

Vấn đề là ở chỗ, chúng ta không biết có bao nhiêu trường hợp như vậy trong cộng đồng.

Cách đây 5 ngày, ngày 23/3 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có gần 100.000 từ Hoa Kỳ và châu Âu.

“Những người nhập cảnh này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện được 1 ca nhiễm bệnh, việc truy vết để tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm hết sức khó khăn vất vả”, ông nói.

Còn trước đó, chỉ trong tháng Hai có 1,2 triệu khách du lịch nước ngoài đã đến Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê.

Đặt ra bối cảnh như vậy để thấy, Chính phủ ra Chỉ thị số 15/CT-TTg từ hôm nay 20/3 đến 15/4 là thể hiện nỗ lực rà soát tổng lực lại xem có những ca bệnh nào có thể còn trong cộng đồng.

Với hệ số lây nhiễm RO từ 2-3, theo các nhà khóa học, nếu có các trường hợp mang mầm bệnh trong cộng đồng không được phát hiện, thì rủi ro bệnh dịch bùng phát tới đây là cao.

Tôi nghĩ, đây chính là điều chúng ta cần biết để đề phòng, tự bảo vệ mình, người thân và cộng đồng. Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 là nhằm mục tiêu đó. Chúng ta cần đồng lòng thực hiện dãn cách xã hội để chung tay cùng Chính phủ.

Trên những con phố thưa thớt ở Hà Nội, nơi nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm tạp hóa,… đã trả mặt bằng, tôi cứ nghĩ mãi về thân phận của những người làm công, những người chạy bàn, những người sống nhờ  hè phố. Họ, những người đã lọt qua tấm lưới an sinh, tới đây sẽ sinh sống thế nào? Liệu làng quê họ, hay đúng hơn là nông thôn có phải là tấm lá chắn cuối cùng của họ, như cách đây hơn thập kỷ khi chúng ta gặp khủng hoảng? Liệu có chính sách nào đó giúp đỡ họ?

Những suy tư đó cũng chỉ là suy tư, nhưng tôi muốn viết ra với mong muốn thân phận họ sẽ được quan tâm hơn, không bị bỏ lại phía sau.

Trong một thế giới giờ đã phân mảnh, các quốc gia tự cô lập để chống đại dịch, Việt Nam chúng ta đang nỗ lực hết sức để ‘chữa bệnh, cứu người’ và chính sách đó, xét về rất nhiều góc độ như văn hóa, xã hội,… đang được lòng người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sỹ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Tất cả chúng ta đang trong trạng thái cảnh giác cao độ để chống dịch, như hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ.

Tôi chợt nhớ bài phát biểu rất hay của một nhà lãnh đạo nước ngoài với người dân, trong đó không ít người đang hoài nghi nỗ lực chống dịch của chính phủ, trong đó có ý: “Thời gian cho việc đánh giá rồi cũng sẽ đến, mọi người sẽ có cơ hội được thẩm định và phán xét tất cả”.

Lịch sử rồi sẽ phán xét chúng ta, nhưng bây giờ là thời điểm của hành động và tinh thần trách nhiệm, của tất cả không trừ một ai.

Hoàng Tư Giang, Kiên Trung

(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/benh-nhan-162-la-nguon-lay-covid-19-vao-khoa-than-kinh-benh-vien-bach-mai-1202289.html?io_utm_social=fanpage&fbclid=IwAR0P0G4PokXuY-6_0gvurUrstAJuxn5f3KJoy2NWR1uThbF0d1HbRJmQb4c