Xuất phát từ tấm lòng với miền Trung đang gồng mình chống lại cơn thịnh nộ của Thủy Tinh, chuyên gia từ Hà Lan gửi tới Tuần Việt Nam phân tích về những kinh nghiệm đối phó với lũ của 2 nước châu Âu. 

Giải quyết tận gốc vấn đề lũ lụt 

Nhiều người tức giận cho rằng nguyên nhân chính là do xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ trên các đoạn sông ngắn và phá hủy rừng ven sông gây ra. 

Tôi nghĩ cần bình tĩnh phân tích và đưa ra giải pháp, kiến nghị cho Chính phủ để giải quyết tận gốc vấn đề lũ lụt trong tương lai vì các nước khác cũng đã làm được. Chẳng hạn, Hungary nắn dòng sông Tisza hay Hà Lan nằm dưới mặt nước biển nhưng vẫn không bị lụt hay triều cường mặc dù cũng chịu ảnh hưởng đổi khí hậu như nước ta. 

{keywords}
Nước dâng cao lịch sử hơn đỉnh lũ năm 1979 cả mét khiến hàng ngàn nhà dân ở Quảng Bình bị ngập nặng

Lụt là nguyên nhân nước tích tụ nhiều trong một diện tích và lượng nước thấm xuống đất ít hơn, muốn tránh được thì phải ngăn không cho nước vào hoặc dẫn nước ra và không chống được thì phải tránh xa chỗ luôn bị ngập. 

Ngoài ra, cần có dự báo chính xác về thời tiết và lượng nước sẽ đổ về hạ lưu để chuẩn bị phòng chống kịp thời, để giảm thiểu thiệt hại về người và của. Hàng nghìn năm qua, con cháu Sơn Tinh đã đắp đê ở miền Bắc và làm hệ thống kênh rạch dẫn nước đồng bằng Nam Bộ và đạt được kết quả đáng tự hào. 

Trước hết nói về lượng mưa ở ta, trung bình khoảng 1500mm đến 2000mm, gấp 3 lần ở Hungary hay Hà Lan, và những ngày gần đây có chỗ lên đến 3000mm. Có nghĩa là lượng nước trời cho nhiều hơn rất nhiều và khi mưa xuống nước sẽ theo các sườn núi và đồi chảy về vùng trũng gây lụt lội. 

Nếu các sườn núi hay sườn đồi có rừng cây thì nước sẽ bị cản và ngấm vào đất được một lượng đáng kể, có thể giữ được tới 90% lượng nước mưa. 

Cho nên khi xây dựng các nhà máy thủy điện hay khu vực công nghiệp, diện tích cả một vùng rừng lớn ven sông suối bị phá đi và những người dân sống ở đó phải chuyển lên cao hơn và diện tích rừng bị phá đi là gấp đôi. Có người cho rằng mục đích phá rừng nguyên sinh là chủ yếu vì công suất vài MW điện không đáng là bao nhiêu. Cho nên mọi người trút cơn giận lên các nhà máy thủy điện là có cơ sở một phần. 

Chuyển dân cư lên vùng cao hơn, xây nhà tránh lũ kiên cố  

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. 

Từ tổng hợp của 58 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, trong khoảng 5 năm qua, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng gần 38.300 ha/1.892 dự án. Đáng lưu ý, một số vụ phá rừng nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên được phát hiện chậm. 

{keywords}
Sở KHCN Nghệ An sản xuất nước muối điện hoạt hoá hỗ trợ bà con vùng lụt 

Theo Bộ NN&PTNT, chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, gây bức xúc trong xã hội. Trên một số tờ báo, những bức ảnh cho thấy những bộ bàn gỗ quý dày hàng mét ở các gia đình hay cơ quan của cơ quan chức năng bảo vệ và quản lý rừng. Và hôm nay các tỉnh miền Trung đang phải chịu hậu quả một phần do nguyên nhân nói trên. 

Bạn tôi quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình kể, khi còn nhỏ phải thay nhau canh nước khi nào tràn xuống. Anh ấy năm nay đã hơn 60 tuổi rồi và lũ vẫn vậy và thậm chí còn lớn hơn. Có phải chăng dân vẫn bám vùng lũ tới cùng hay quy hoạch thành phố hay phát triển nông thôn có vấn đề? 

Tại sao không có thể chuyển dân cư lên vùng cao hơn như người La Mã đã làm hơn 2000 năm trước - chọn vùng đồi núi cao để xây các thành phố mới? Hay ít nhất xây dựng vài căn nhà tránh lũ kiên cố và trang bị ít thuyền cao su cho địa phương hay phát triển hệ thống IoT cảm biến thông báo nước về? 

Ngoài ra các vùng nông thôn cũng bị bê tông hóa gần hết như khu phố cổ Hà Nội, không còn ao bèo chứa nước, và đường gạch như xưa. Khi bị bê tông hóa thì nước mưa không ngấm được xuống đất thì tràn ra, còn ao bị thì lấp, gây ngập lội khi mưa một chút mà trước đây không có.

Ở Hà Lan, các đường đi bộ, vỉa hè trong làng hay thành phố đều lát gạch trên lớp cát khoảng 35-40 cm, như vậy giúp thấm được một lượng nước đáng kể và có rất nhiều hồ và kênh giữ nước rất dễ thương. 

Hungary nắn sông Tisza làm cho dòng chảy thẳng 

Phần tiếp theo, chúng ta nên bàn làm sao để nước chảy nhanh ra hồ chứa hay biển vì khi nhìn vào bản đồ những con sông suối của ta uốn khúc quanh co, rất nên thơ nhưng nước chảy sẽ không nhanh được gây tràn lên các bờ. 

{keywords}
Sông Tisza, Hungary

Dòng sông không thẳng chính cũng là nguyên nhân gây lụt lội hàng năm ở Hungary cho đến khi họ nắn lại dòng sông Tisza làm cho dòng chảy thẳng. Nếu nhìn kỹ các ảnh dòng suối được tải lên Internet thì có thể thấy các dòng quanh co, chỗ lõm, chổ lồi một cách tự nhiên, không được nạo vét, nhất là các cửa sông. Thiết nghĩ bài học của Hungary cũng rất đáng lưu ý. 

Hà Lan đắp đê quanh sông, bờ biển 

Phần đắp đê bao không cho nước tràn vào khu dân cư nếu không chuyển được họ lên chỗ cao. Hà Lan có 1/3 diện tích nằm dưới mặt nước biển, bị đợt lụt lịch sử vào tháng 2 năm 1953, khoảng 20% diện tích nằm dưới nước hơn 1m và triều cường ập vào, gây thiệt hại rất lớn về người và của. 

{keywords}
Hàng rào chắn sóng tự động duy nhất trên thế giới - Maeslantkering ở Hà Lan

Họ đã thành công trong việc đắp đê quanh sông, bờ biển và thiết lập hệ thống bơm nước mưa ra khỏi vùng dân cư khi cần thiết. Và từ năm 1953 đến nay, chỉ có những chỗ bị ngập nho nhỏ nếu mưa to rất to. Kiến thức về đắp đê và thủy lợi thì không có gì mới. Thậm chí, có nhiều học sinh được đào tạo về quản lý nước tại Hà Lan nhưng hình như kiến thức vẫn chưa thấy được sử dụng. 

Dự báo lũ chính xác 

Phần cuối cùng là dự báo thời tiết và lũ chính xác là cực kỳ quan trọng để có những hành động phòng chống kịp thời, là môn khoa học phức hợp dựa trên dữ liệu thu thập trong nhiều năm và phối hợp của nhiều ngành khoa học khác nhau như khí tượng thủy văn, đo đạc, thổ nhưỡng... 

Dự báo thời tiết thường dựa trên mô hình toán học hiện đại NWP (Numerical Weather Prediction) để nội suy nhiệt độ, mưa bão, hay gió dựa trên dữ liệu được thu thập như độ ẩm, gió, áp suất và nhiệt độ… ở nhiều nơi khác nhau qua các thiết bị quan trắc, radar và ảnh vệ tinh. 

{keywords}
Ảnh chụp thời tiết tại Hà Lan lúc 3h45 sáng

Ở Hà Lan, trước khi đi ra khỏi nhà, mọi người có thói quen xem chương trình dự báo trên điện thoại thông minh xem có mưa không để mang ô. Tôi rất ngạc nhiên là kết quả chính xác đến từng giờ. 

Những số liệu liên quan đến thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa, áp suất, điạ phương, thời gian… cần được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu lớn – Big data nhưng Trung tâm dự báo thời tiết của ta vẫn chưa có cho nên không có dữ liệu chi tiết được thu thập được nhiều năm và có thể dùng phương pháp Học máy - Machine Learning để có thể dự đoán chính xác, giúp cho chúng ta có thể ứng phó nhanh chóng với thay đổi của thời tiết. 

Trung tâm dự báo thời tiết nên nắm bắt những kỹ thuật số mới như phát triển App dự báo thời tiết chính xác trên nền tảng Điện toán Đám mây cho tất cả mọi người. 

Còn về dự báo lũ sẽ về khi nào và những phần nào bị ngập thì cần có bản đồ số về sông ngòi, rừng, loại đất, khả năng thẩm thấu nước của đất, lượng mưa, đường phân thủy, diện tích lưu vực và bản đồ số về độ cao – Digital Terrain Model (DTM). DTM là mô hình toán học dựa trên tọa độ (X,Y,Z) đã biết để nội suy ra những điểm chưa biết. 

Xây dựng trung tâm dữ liệu khí tượng thủy văn hiện đại 

Trong những năm 80, những nghiên cứu về thuật toán DTM (và chính DTM đã đưa tôi vào thế giới IT) là nhu cầu rất lớn cho quân đội để mô phỏng và điều kiển tên lửa hành trình hay máy bay không người lái. 

Còn trong xây dựng thì có thể dùng để thiết kế 3 chiều, tối ưu san lấp đất đá, tính toán thể tích khai thác mỏ, xây dựng thiết kế đường ống dẫn nước thải, nước mưa, tối ưu chỗ đặt các trạm thu phát trong viễn thông (BTS) hay trạm radar… 

Trong bài toán tính lũ lụt có thể mô phỏng được khi nước lên, chẳng hạn 3m thì khu vực nào sẽ ngập dưới nước, cần sơ tán. Ở Hungary, tất cả kiến thức về thủy lợi, đo đạc, xây dựng công trình, quản lý nước… đều được dạy trong trường Bách khoa Budapest nhưng ở ta thì nằm rải rác các trường đại học và các bộ chủ quản khác nhau nên rất khó cùng hợp tác để có thể có giải pháp cụ thể trong thời gian gần. 

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nên lập bản đồ số độ cao và bản đồ số địa hình với các lớp thông tin cần thiết, dự liệu được cập nhật, tỷ lệ từ 1:10.000 đến 1:2000, để phục vụ cho việc dự báo nước lũ tràn xuống ở những thời điểm nhất định như đã phân tích ở trên. 

Công việc lập bản đồ số chính xác và xây dựng trung tâm dữ liệu khí tượng thủy văn hiện đại cần được coi như một nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Bộ TN&MT. 

Mỗi người nên trồng một vài cây xanh 

Vài ý kiến nhỏ như nén nhang lòng, cầu mong siêu thoát cho các nạn nhân, chia sẻ sự mất mát và đau thương của các gia đình miền Trung. Hy vọng, các cơ quan chức năng lắng nghe, có biện pháp nghiêm khắc ngăn chặn nạn phá rừng, không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá, dùng năng lượng mặt trời, gió và thủy triều thay cho các nhà máy thủy điện nhỏ và môn học bơi cần bắt buộc trong các trường học ở vùng hay bị lũ lụt. 

Cần tổ chức hội thảo với tất cả các nhà khoa học liên quan và cơ quan chức năng để có chiến lược chống lũ lụt khả thi trong tương lai. Việc cần làm ngay sau lũ là mỗi người nên trồng một vài cây xanh trên đất mình có thể. Tôi tin rằng con cháu của Sơn Tinh sẽ đánh bại hậu duệ của Thủy Tinh. 

Lâm Việt Tùng (Chuyên gia tư vấn CNTT - Viễn thông cho Vodafone Ziggo)

Giáo sư ‘người rừng’: Chúng ta đang buôn bán, đánh đổi với thiên nhiên

Giáo sư ‘người rừng’: Chúng ta đang buôn bán, đánh đổi với thiên nhiên

GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng chúng ta đang điều tiết thủy điện theo bản năng chứ không theo dòng chảy.