- Dù cố gắng bao nhiêu thì pháp luật vẫn luôn chậm hơn so với cuộc sống, nên xét cho cùng người thực thi luật pháp vẫn giữ vai trò quyết định.

Theo thông tin mới nhất về diễn biến vụ xử xe container tông xe Innova lùi trên cao tốc, một lãnh đạo Tòa án tối cao xác nhận do quá trình xét xử chưa chặt chẽ nên TAND Cấp cao quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.

Đây chỉ là một trong những vụ việc liên quan đến khía cạnh thực thi pháp luật gây “dậy sóng” trong cộng đồng xã hội, tạo nên rất nhiều tranh luận thời gian qua. Nào là vụ anh Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng vì đổi tờ 100 đô la không đúng chỗ, rồi vụ ông chủ nhà đánh trộm thương vong lĩnh án đến 9 năm tù dù đã chủ động đưa nạn nhân đi cấp cứu…

Những chuyện này không chỉ là mục tiêu chỉ trích của xã hội, mà trên thực tế những bất hợp lý trong các quy định pháp luật cũng như cách thức xử lý của những người đại diện cho pháp luật đã và đang bị xem xét lại. Ít nhất thì công dân Cà Rê cũng đã không còn bị phạt gần trăm triệu, hai bản án vụ xét xử anh tài xế xe container đã bị hủy… 

{keywords}
Hai bản án vụ xét xử anh tài xế xe container đã bị hủy để điều tra lại. 

Lỗi ở đâu? Sự vô lý trong các quy định hay sự kém cỏi của những người thi hành luật pháp? Có lẽ là cả hai. Tình trạng luật viết ra từ trong nhà kính hoặc chịu sự chi phối của nhóm lợi ích vẫn còn tồn tại, hậu quả là “pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất” khó có thể đi vào cuộc sống, hoặc chỉ phục vụ cho lợi ích thiểu số.

Trước khi cố gắng đưa pháp luật vào cuộc sống thì điều cần làm là hãy đưa cuộc sống vào pháp luật. Những quy định phải phản ánh và mang hơi thở của cuộc sống, vì cái chung mới mong được đón nhận và tạo dựng niềm tin mạnh mẽ vào công lý trong người dân. Điều này đã được viết và bàn không ít nhưng chắc chắn sẽ còn phải trở đi trở lại khi mà những bất cập chưa được xử lý triệt để.

Tuy nhiên, dù cố gắng bao nhiêu thì pháp luật vẫn luôn chậm hơn so với cuộc sống, nên xét cho cùng người thực thi luật pháp vẫn giữ vai trò quyết định. Pháp luật không thể định liệu hết mọi tình huống vốn luôn bao hàm trong nó vô vàn yếu tố chủ quan, khách quan tác động. Đừng hy vọng có các quy định chi tiết và đầy đủ đến mức chúng ta có thể dùng nó như một công cụ hoàn mỹ để “input” dữ liệu rồi “output” một kết quả chính xác. Cho dù có đến thời đại bao nhiêu “chấm” đi chăng nữa, chẳng máy móc nào có thể thay thế con người.

Vì vậy người thực thi luật pháp không những phải nắm vững quy định của pháp luật, mà quan trọng không kém là cần hiểu thấu đáo tinh thần của luật pháp. Cái tinh thần có thể gọi là “lẽ thường” ai cũng nhìn thấy đó tiếc rằng nhiều khi lại không được thấu tỏ.

Ai cũng hiểu rằng khi trộm cắp lẻn vào nhà bị phát hiện săn đuổi thì dễ dàng chuyển từ “trộm” sang “cướp”, ra tay tàn độc với chủ nhà, gây ra thảm án. Vì vậy nên phải tự cứu mình trước khi lực lượng chức năng kịp đến.

Ai cũng biết rằng lùi xe trên đường cao tốc là một sự vi phạm nghiêm trọng, nhất là khi người điều khiển trong tình trạng nồng độ cồn vượt mức cho phép, rất khó để các phương tiện khác có thể tránh kịp. Và người mang tiền đi đổi thì hầu như sẽ chẳng mấy quan tâm hỏi xem chủ cái cửa hàng kia to đẹp đàng hoàng kia có được cấp phép không, bởi chúng ta đều có niềm tin (ngây thơ mà rất đời thường) vào việc quản lý của mấy “ông” nhà nước.

Ít nhất những vụ việc trên đã được xem xét lại, hoặc có cơ hội để được xem xét lại. Nhưng còn biết bao sự vụ mà nếu người thực thi pháp luật không làm hết lương tâm, trách nhiệm thì hậu quả vô cùng khó lường. Những án oan chấn động như Nguyễn Thanh Chấn, Trần Văn Thêm, Huỳnh Văn Nén…, cho dù đã được giải oan thì rất nhiều tổn thất của họ vĩnh viễn không bù đắp lại được. Và liệu còn bao nhiêu vụ việc bị xử lý, xét xử bất hợp lý, bất công bị chìm vào bóng tối?

Mong sao các quy định gần gũi cuộc sống thường nhật với những “lẽ thường” của người dân, hướng tới sự công bằng, tiến bộ. Và cũng mong những người thực thi luật pháp đừng biến thành các rô-bốt vô cảm để ra các quyết định vô tình, gây bất bình! Chỉ khi ấy tinh thần “thượng tôn pháp luật” mới có thể chạm đến từng ngõ ngách nhỏ của cuộc sống, trong từng công dân và xã hội mới trật tự, văn minh như chúng ta kỳ vọng.

TS Đinh Văn Minh

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Vì sao gây sốc?

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Vì sao gây sốc?

Để một quy định pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy được tác dụng giúp xã hội tốt lên thì phải đến từ cả hai khía cạnh: tính hợp lý, công bằng của quy định và cách thực thi.    

Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí

Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí

Việc cổ vũ các "hiệp sỹ" rồi nhân rộng điển hình thành phong trào, sẽ khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng...

Xử phạt “tè bậy” và sự đòi hỏi của văn minh, pháp luật

Xử phạt “tè bậy” và sự đòi hỏi của văn minh, pháp luật

Để có được một môi trường sạch sẽ, không chỉ là việc phạt thật nặng – mà cần những tư duy lớn, bao quát hơn…

“Nã pháo” vào sự trì trệ

“Nã pháo” vào sự trì trệ

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét, cứ khi nào khu vực kinh tế tư nhân được cởi trói thì nền kinh tế lại trở nên sinh động, phát triển nở rộ.

Tham nhũng kiểu “Chí Phèo”

Tham nhũng kiểu “Chí Phèo”

Việc khuyến khích làm giàu thay vì “xoá nghèo” sẽ liên quan đến việc thay đổi quan điểm chủ đạo về ưu tiên chính sách.

Tham nhũng vặt và 'quan cách mạng'

Tham nhũng vặt và 'quan cách mạng'

Tham nhũng vặt dù không gây tác hại lớn về kinh tế, nhưng nó gặm nhấm lòng tin của người dân và hủy hoại hình ảnh nền công vụ.