“Việt Nam đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện các khuyến nghị quốc tế về nhân quyền”. Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh.

Bản tuyên ngôn của phẩm giá và công bằng

Cách đây tròn 70 năm, ngày 10/12/1948, Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền Quốc tế, bao gồm hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được LHQ thông qua vào năm 1966. Năm 1950, ngày 10/12 được chính thức công nhận là “Ngày Nhân quyền thế giới”.

Nhân dịp này, ngày 06/12, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị chuyên đề kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền thế giới.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đoàn Công Huynh nhận định: “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến bộ lịch sử và giá trị to lớn về mặt đạo đức, chính trị và pháp lý”.

Theo đó, “Tuyên ngôn dù có nhiều hạn chế có tính lịch sử, vẫn là lý tưởng phấn đấu và là chỗ dựa cho chúng ta ngày nay trong các cuộc đấu tranh chống bất công, xung đột, áp bức vì mục tiêu bảo đảm quyền con người, phẩm giá và công bằng cho tất cả mọi người”.

Trong tham luận của mình, PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh đã phân tích nền tảng sâu xa cùng bối cảnh ra đời sau hai cuộc Chiến tranh thế giới tàn khốc của Tuyên ngôn.

Từ đó PGS đánh giá: “Những từ ngữ về quyền con người trong Tuyên ngôn được trả bằng giá đắt mà loài người đã từng phải hứng chịu qua chiến tranh và bạo tàn, bằng máu và nước mắt để chống lại bất công và bạo lực qua hàng ngàn năm mới có được”.

Vì thế mà “70 năm qua, các quy định của Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị, vẫn thường được dùng để đánh giá hành động của các chính phủ, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực, vi phạm, chà đạp quyền con người”.

Để biến tư tưởng của Tuyên ngôn thành hiện thực, trách nhiệm của các nhà nước phải cam kết hành động bởi nếu không, như lời mở đầu của Tuyên ngôn đã ghi nhớ rằng, Điều cốt yếu là quyền con người cần phải được pháp luật bảo vệ để con người không buộc phải nổi dậy như là một biện pháp cuối cùng nhằm chống lại sự độc tài và áp bức”, PGS Tường Duy Kiên nhấn mạnh.

Thành tích được quốc tế ghi nhận

PGS Tường Duy Kiên nhấn mạnh, việc Bộ TT&TT thông qua Cục Thông tin đối ngoại tổ chức hội nghị này là một sinh hoạt rất có ý nghĩa, phù hợp với tất cả các nước trên thế giới. Đặc biệt với Việt Nam, một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn về giá trị của con người, về quyền làm người và quyền được sống trong độc lập tự do. 

{keywords}
Hội nghị đã nhấn mạnh giá trị nhân loại của Tuyên ngôn. Ảnh: Hải Tâm

Theo PGS Kiên, ở Việt Nam, các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ đã được quy định và thể hiện ngay trong bản Hiến pháp năm 1946 – trước khi Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người được thông qua năm 1948. Tuy nhiên, trong các bản hiến pháp sau này từ Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng thế giới thừa nhận.

Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp được ban hành trên cơ sở tổng kết gần 30 năm đổi mới, trên cơ sở kế thừa giá trị của các bản hiến pháp trước đó”, PGS Kiên khẳng định.

Cũng theo ông Kiên, các văn bản pháp luật được ban hành nhất là từ sau Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa các nguyên tắc về tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm sự hài hòa với các nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Khái quát sơ lược những thành tựu đạt được, ông Đoàn Công Huynh nhìn nhận, hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành tích được quốc tế ghi nhận trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nhất là thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trước đây và các Mục tiêu Phát triển bền vững hiện nay.

Ông Huynh chỉ ra, từ một đất nước nghèo kém phát triển, người dân thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên đạt tăng trưởng GDP cao trên 6% trong hơn 20 năm qua, là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới và từ năm 2010 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống của gần 100 triệu người dân được nâng cao.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện các khuyến nghị quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam chấp thuận thông qua các cơ chế của LHQ, như cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát UPR, cơ chế báo cáo định kỳ các Công ước mà Việt Nam là thành viên, v.v…

Dù còn nhiều thách thức, Việt Nam sẽ nỗ lực để người dân ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người và thành quả của công cuộc phát triển đất nước. Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hoạt động của các cơ quan LHQ về quyền con người, trong đó có Hội đồng Nhân quyền LHQ”, ông Đoàn Công Huynh phát biểu.

Hải Tâm 

Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1948, với lời mở đầu và 30 điều khoản, xác lập nguyên tắc bình đẳng về các quyền, không bị phân biệt đối xử, quy định các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng và với người khác khi thực hiện các quyền vì lý do đạo đức, trật tự xã hội…