Càng về sau, tôi càng hiểu cách giúp đó hợp lý, giúp tôi học hỏi được hơn rất nhiều so với việc cô chỉ cần đơn giản cho tôi tiền (hoặc cho vay).                                     

Của cho và cách cho

Những năm lại đây, đời sống kinh tế của nhiều người dân khá lên cũng như nhờ sự phổ cập của internet tạo ra kết nối “siêu không gian”, các hoạt động cứu trợ, từ thiện diễn ra sôi nổi.

Tuy nhiên, kết quả của không ít hoạt động trên thực tế chưa đáp ứng được sự kì vọng của những người có tấm lòng từ thiện. Sau khi đoàn cứu trợ rút đi và những món đồ được cứu trợ được đem ra dùng hết, cuộc sống của những người được cứu giúp lại trở lại trạng thái như cũ.

Câu chuyện về bản Lòm mà nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ trên Facebook đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng là một ví dụ.

Qua bao nhiêu năm tiếp nhận hàng cứu trợ và từ thiện, bà con sống ở đây vẫn duy trì nguyên nếp sinh hoạt và tư duy cũ với cảnh tượng người lớn “ngồi bên cửa nhìn ra ngoài” còn trẻ con thì “trốn khi có người lạ ngó lên”. Hoạt động kinh tế của họ vẫn chủ yếu dựa vào nguồn cứu trợ, từ thiện và hoạt động sản xuất tự cấp tự túc.  

Thực tế ở bản Lòm đặt ra câu hỏi lớn hơn: cộng đồng của những con người kém may mắn như thế sẽ có mối quan hệ gì với những cộng đồng còn lại trong một quốc gia?

Do có cơ hội tiếp xúc với những công trình nghiên cứu, sách vở người Nhật viết về người dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế miền núi ở Việt Nam, tôi nhận thấy việc nâng cao trình độ sống của cả một cộng đồng với những tập tục, thói quen đã được xác lập ngàn đời không phải dễ.

Để làm được điều đó, trước hết cần đến các chính sách khoa học, hợp lý ở cấp vĩ mô gắn với phát triển bền vững của nhà nước. Nó cũng cần tới cơ chế dân chủ để tất cả những người có tấm lòng, tài năng có thể tham gia thông qua các tổ chức dân sự cũng như sự hợp tác với các chương trình của chính phủ.

Đương nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu kĩ với cách tiếp cận ở nhiều phương diện, thực hiện ở nhiều lĩnh vực để xem cách thức trợ giúp và phát triển có phù hợp với cộng đồng ở đó không. Cần phải có một cách làm tạo điều kiện cho họ có thể lao động và cải thiện đời sống dựa trên chính những tài nguyên và không gian sinh tồn đã gắn bó lâu dài. Nghĩa là, muốn giúp họ lâu dài, hiệu quả thì phải làm cho họ có tinh thần và cuộc sống tự lập.

{keywords}

Sau đợt lũ lụt miền Trung vừa qua, rất nhiều cá nhân đã đứng ra tổ chức các hoạt động từ thiện, trong số đó có MC Phan Anh. Ảnh: Dân Việt

Lúc khó khăn, tôi đã được giúp ‘cần câu’

Câu chuyện bản Lòm khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm. Khoảng năm 2008, sau khi hết thời hạn du học với tư cách thực tập sinh, tôi đăng ký thi cao học tại Nhật Bản, nhưng thầy hướng dẫn không đồng ý với lý do “năng lực tiếng Nhật chưa đủ”.

Tôi đành ngậm ngùi học tiếp trong tư cách “thực tập sinh tự túc”. Số tiền phải lo cho một năm đó lân tới 90 vạn yen (khoảng 180 triệu VNĐ). Biết chuyện, cô giáo dạy tiếng Nhật tình nguyện (miễn phí) cho tôi đã thuê tôi làm trợ lý cho chồng cô khi ấy đang là phó chủ tịch một hiệp hội kĩ thuật lớn nhất nhì Nhật Bản.

Mỗi tuần tôi đến trụ sở hiệp hội 3 lần, làm việc từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Công việc chủ yếu là kiểm tra thư, báo, công văn sau đó phân loại và chuyển cho các phòng ban có liên quan, chuyển phát các bưu kiện, giấy tờ… Tôi được trả 1 vạn yên/ngày (khoảng 2 triệu đồng), một số tiền khá lớn vì khi đó lương làm thêm của sinh viên thông thường chỉ khoảng 800 yên/giờ.

Làm được một thời gian thì có đủ tiền đóng học phí nên tôi xin không làm nữa. Tôi hiểu, vợ chồng cô giáo có lòng tốt muốn giúp đỡ tôi tiếp tục học hành và giúp một cách rất “tế nhị”. Bởi công việc ở hiệp hội không quá cần kíp để phải thuê thêm người, hơn nữa lúc đó tôi nói tiếng Nhật chưa thực sự tốt.

Càng về sau khi sống lâu ở Nhật, phải dùng nhiều đến tiếng Nhật để học và kiếm sống, tôi càng hiểu cách giúp đó hợp lý, giúp tôi học hỏi được hơn rất nhiều so với việc cô chỉ cần đơn giản cho tôi tiền (hoặc cho vay). 

Không cải tạo thế giới, nhưng từ thiện vẫn rất cần thiết

Từ thiện có thể giúp nhiều cá nhân bớt đi sự bất hạnh. Nhưng muốn tạo ra sự phát triển bền vững của cả một cộng đồng, một xã hội tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho tất cả, chúng ta phải nỗ lực tạo ra những nền tảng cơ bản nhất.

Những nền tảng tốt đẹp, có ý nghĩa phổ quát ấy sẽ đảm bảo và thúc đẩy những giá trị, hành động tốt đẹp, cũng như tạo ra sức mạnh cộng hưởng của nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều cộng đồng lớn nhỏ, bất chấp những khác biệt khác còn tồn tại giữa họ.

Đương nhiên, trước khi nghĩ đến những việc lớn lao ấy thì việc làm từ thiện hay giúp đỡ những người gặp khó khăn, bất hạnh là điều cần phải làm. Nó giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó, nguy hiểm nhất là trong tình trạng khẩn cấp như thiên tai, tai nạn…

Đó là đạo lý thông thường của con người trong thế giới văn minh. Bởi thế, chuyện đặt ra câu hỏi “làm từ thiện để làm gì?” sẽ là rất phản cảm với những người làm từ thiện.

Người làm từ thiện cũng có khi chẳng cần nghĩ ngợi phức tạp, mà hành động của họ chỉ đơn giản xuất phát từ lòng thương cảm hay sự trăn trở khi mình được may mắn, hạnh phúc hơn bao người kém may mắn khác. Những hoạt động từ thiện vì thế sẽ giúp chính họ trở nên bình yên, hạnh phúc hơn và chúng cần được trân trọng, biết ơn thay vì công kích hay có những cái nhìn ác ý.

Nguyễn Quốc Vương