Trong thế giới rộng lớn được kết nối đan xen hiện nay, người thành công không phải là người thuộc lòng nhiều công thức nhất, mà luôn là người nhanh nhạy linh hoạt học hỏi cái mới nhanh nhất.

Khi Thông tư 30 được áp dụng, tôi và nhiều phụ huynh thì thấy sung sướng lắm, trong khi không ít cha mẹ khác đang lo âu mất ăn mất ngủ.

Bộ Giáo dục vừa công bố phương pháp thi mới cho năm 2017, trong khi những nhà chuyên môn vẫn đang tranh cãi chuyện thi trắc nghiệm môn toán tốt hay dở hơn cách thi cũ. Như thường lệ ngay thi thông tin được loan tải, các phụ huynh lại lên cơn sốt vì lo thay đổi con lại thành chuột bạch…

Cũng có con đang đi học, nhưng tôi nghĩ đơn giản, học là quá trình rèn luyện, là để thâu nạp kiến thức mới và học cách tiếp nhận những thay đổi và quan trọng hơn cả là để có thể mưu sinh để tồn tại.

Khi Thông tư 30 được áp dụng, phụ huynh như tôi thì thấy sung sướng lắm. Cứ thấy con đến trường vui vẻ, về nhà hồn nhiên, không bị căng thẳng lo lắng điểm số là tôi ủng hộ hết lòng. Tôi tin rằng nhiều ông bố bà mẹ có chung suy nghĩ này.

Tuy nhiên, không ít ông bố bà mẹ khác lại không vui. Trên nhiều diễn đàn họ sôi nổi kháo nhau và cùng lo sợ sẽ “không biết lực học thật sự” của con ra sao khi áp dụng cái mới.

{keywords}

Học là một con đường rất dài, cho mọi đối tượng, ở mọi thời điểm để phát triển. Ảnh minh họa

Cá nhân tôi thấy chẳng có gì phải gay gắt cả, vì ngay cả Bộ Giáo dục cũng phải học hỏi để phù hợp với sự vận động của thực tế và thế giới xung quanh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thông tin đa dạng trên thế giới phẳng, việc dạy/học đang bị tác động và chi phối bởi quá nhiều yếu tố. Gì thì gì chứ cái mới được cập nhật từng giờ từng phút buộc chúng ta phải thích nghi nhanh chóng nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa có thể điều cơ bản không thay đổi nhiều, nhưng chắc chắn những môn khoa học xã hội như Văn, Sử, ngoại ngữ thì luôn cập nhật thông tin mới, đa chiều, thậm chí có cả xung đột góc nhìn/thông tin giữa kiến thức trong sách vở, ngoài thực tế và cả ở những nguồn tư liệu khác nhau. Vậy thì chúng ta phải làm sao?

Bởi thế, tôi đã suy nghĩ cùng các con và nhận ra rằng, yêu cầu mới của cuộc sống hôm nay buộc chúng ta, các phụ huynh nên tính tới phương án tốt nhất là trang bị cho các con sự sẵn sàng thích nghi và dám thích nghi với sự thay đổi. Chẳng tội gì không coi đó là những cơ hội để rèn luyện khả năng thích nghi với cuộc sống.

Trong thế giới rộng lớn được kết nối đan xen hiện nay – theo tôi – người thành công không phải là người thuộc lòng nhiều công thức nhất, mà là người nhanh nhạy linh hoạt học hỏi cái mới nhất. Một cái Thông tư phương pháp học, một bài thi thay đổi hình thức đã làm học sinh, phụ huynh tá hỏa; xã hội xôn xao… thì khi các em được gửi sang nền giáo dục, văn hóa khác; các em sẽ choáng váng thế nào?

Để có thể sinh tồn trong cuộc chơi hội nhập, các ngành nghề, công việc, phong cách làm việc… đều đa dạng và biến hóa nhanh chóng mặt, nếu không chuẩn bị cho bọn trẻ kỹ năng ứng biến e sau này khi tham gia cuộc chơi cao hơn, đa dạng hơn chúng nó sẽ bị hụt hơi, tụt lại rất xa chúng bạn.

Cho nên, thay vì hốt hoảng bàn tán với những suy nghĩ tiêu cực chúng ta hãy cùng nhau giúp bọn trẻ thay đổi. Thôi học thay cho các con, và cũng đừng cố kiết lập trình cuộc đời chúng nó kiểu ép con phải học môn này, thi môn kia, điểm số phải cao chót vót….

Nếu cứ mãi ôm khư khư tư duy “tôi đã học/ôn dạng bài này cả tháng trời, thi kiểu gì cũng được điểm cao, giờ thay đổi thi cách khác thì tôi thiệt thòi quá” thì chúng ta chỉ chạy theo những tư duy thời vụ ngắn hạn, không rèn luyện cho các con theo đường dài. Thêm nữa, cách tư duy ấy dễ khiến bản thân con trẻ và cha mẹ chúng mắc kẹt trong cái bẫy đua nhau, nhìn nhau, tranh nhau đuổi theo những cái viển vông, rồi từ đó đẻ ra chạy chọt, phong bì, chữa điểm...

Học là một con đường rất dài. Cuộc đời luôn rộng mở với vô số bất ngờ.

Mỗi ngày có biết bao nhiêu người tuy học ngành nọ nhưng làm việc kia. Mỗi ngày có biết bao nhiêu nghề cũ mất đi và biết bao nghề mới sinh sôi. Nếu muốn giỏi thì chả còn cách nào ngoài việc nhanh chóng thích nghi. Làm được vậy thì sợ chi một bài thi kiểu mới.

Giờ là thời của những công dân toàn cầu. Hãy thôi đừng co cụm lại.

Nguyễn Thị Hải Hà* - Hoàng Hường

* Tác giả Nguyễn Thị Hải Hà là Phó trưởng Khoa Kinh tế Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong