Những tiêu chí “thành phố sống tốt” hay “thành phố đáng sống” là thước đo nhằm giúp cho chính quyền và cả người dân nhận biết kết quả, mức độ thụ hưởng các mặt vật chất và tinh thần của cư dân đô thị trong một khoảng thời gian nhất định.

LTS: Thế nào là một thành phố văn minh hiện đại? Câu hỏi đang khiến dư luận trăn trở này đã được thực tế chứng minh rằng, không chỉ cần những quy chuẩn kỹ thuật phục vụ và tạo ra tiện nghi cho cuộc sống mà thành phố đó phải là nơi có đời sống tinh thần phong phú nhân văn, người dân thấy hạnh phúc, biết tương kính lẫn nhau, tôn trọng thiên nhiên, có trách nhiệm với hiện tại ,với quá khứ và tương lai….

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu những ý kiến nhìn từ câu chuyện Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) nhằm lý giải cho câu hỏi này.

Thời gian còn làm việc tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tôi tham gia một số nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn phục vụ việc xây dựng “Đề án Tiêu chí xây dựng TPHCM xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại”.

Đến nay, năm 2016 Viện vẫn tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí này với tên gọi “Bộ tiêu chí TP.Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Bộ tiêu chí được triển khai thực hiện vừa như một công trình khoa học vừa như một nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo thành phố giao cho Viện. Do đó Viện đã tham khảo khá nhiều bộ tiêu chí của các cá nhân, tổ chức quốc tế đã đánh giá xếp loại các thành phố, nhất là ở khu vực ĐNA và châu Á vì gần gũi với điều kiện Việt Nam, nhưng đồng thời cũng phải chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn nước ta và thành phố HCM.

Những tiêu chí “thành phố sống tốt” hay “thành phố đáng sống” là thước đo nhằm giúp cho chính quyền và cả người dân nhận biết kết quả, mức độ thụ hưởng các mặt vật chất và tinh thần của cư dân đô thị trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy nó được xây dựng một cách khoa học, khách quan, hướng đến chuẩn chung của khu vực và thế giới.

“Đáng sống” hay “sống tốt” là so với khu vực nào, so với cái gì nên tiêu chí mang tính định lượng cụ thể về điều kiện vật chất như hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa… Đồng thời luôn có những tiêu chí về lĩnh vực tinh thần đánh giá bằng “định tính” qua trải nghiệm, cảm nhận của cư dân.

Một thành phố văn minh hiện đại không chỉ cần những quy chuẩn kỹ thuật phục vụ và tạo ra tiện nghi cho cuộc sống mà còn là nơi có đời sống tinh thần phong phú ,đa dạng, nhân văn, thể hiện bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa những con người (trong cộng đồng, chính quyền và cư dân), giữa con người và thiên nhiên, cụ thể như thái độ, ứng xử, sự quan tâm, ý thức, trách nhiệm không chỉ ở hiện tại mà còn đối với quá khứ (di sản văn hóa), đối với tương lai (môi trường, khai thác tài nguyên, phát triển bền vững…). Vì vậy những tiêu chí hướng đến việc nâng cao tri thức, tính trách nhiệm, sự tự giác và tinh thần dân chủ là biểu hiện cơ bản và quan trọng của một xã hội văn minh, hiện đại.

{keywords}

Dù còn nhiều điều khó khăn và hạn chế nhưng Sài Gòn vẫn là một “thành phố đáng sống” hơn một số nơi khác trong nước. Ảnh minh họa: News.Zing

Như trên đã nói, những bộ tiêu chí đánh giá mọi mặt đời sống của một thành phố thường do các tổ chức độc lập đánh giá trên những “bậc thang” được xây dựng từ quá trình nghiên cứu thực  tế và chuỗi số liệu khách quan, liên tục của các thành phố trong từng khu vực. Vì vậy, sự đánh giá này vừa cho biết mức độ“đáng sống” hay “sống tốt”của thành phố vừa phản ánh trình độ quản lý của chính quyền đô thị. Nói cách khác, chất lượng cuộc sống còn là thước đo năng lực và trách nhiệm của chính quyền, của nhà quản lý.

Ví dụ trong lĩnh vực quản lý xã hội, vấn đề “hộ khẩu” ở các thành phố lớn thực sự là một ám ảnh không chỉ đối với người nhập cư mà cả người đã có hộ khẩu. Từ mục đích quản lý (số lượng, biến động) dân cư trên một địa bàn nhất định, nhằm đảm bảo an ninh xã hội (nhất là trong thời chiến trước đây ở miền Bắc), sổ hộ khẩu dần dần biến thành “cánh cửa” nặng nề kèm ổ khóa kiên cố đối với người muốn vào sống ở thành phố: không có hộ khẩu thì từ việc làm, nhà ở, giáo dục, y tế - bốn lĩnh vực quan trọng của an sinh xã hội - đều khó khăn, thậm chí tìm việc trong một cơ quan nhà nước tại thành phố phù hợp với chuyên môn được đào tạo mà không có hộ khẩu thì vô phương! Còn người thành phố thì bao nhiêu việc phải dùng đến hộ khẩu hoặc “sao y bản chính” hoặc phải có  công chứng. Lỡ mất hộ khẩu thì thật là một tai họa!

Từ một công cụ để chính quyền quản lý phục vụ cuộc sống của người dân tốt hơn (đảm bảo an ninh) thì hộ khẩu trở thành rào cản, thậm chí là công cụ gây phiền hà, làm nảy sinh tiêu cực trong bộ máy quản lý, đồng thời cũng gây nên sự bất bình đẳng trong dân cư đô thị, nhất là với người nhập cư luôn có những đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Như vậy, một “thành phố đáng sống, sống tốt ” là với “người có hộ khẩu” hay cả những người chưa/không có hộ khẩu nếu thành phố đó chưa có sự công bằng (tương đối) trong việc được cung cấp dịch vụ xã hội và  chưa “bình đẳng” về thân phận (tinh thần) giữa những cư dân đang sống ở đó? Và như vậy, quản lý là để phục vụ hay để “làm khó” người dân? Chế độ hộ khẩu sẽ được cải tiến, thay đổi hay là vẫn duy trì như cũ là tùy thuộc vào câu trả lời của nhà quản lý!

Cùng với những tiêu chí của các lĩnh vực khác, cách thức và hiệu quả quản lý cũng là một biểu hiện của “văn minh, hiện đại” trên phương diện quản lý của chính quyền.

Còn về đặc điểm thứ ba là “thành phố nghĩa tình” thì từ góc độ văn hóa – xã hội có thể nhận thấy, Sài Gòn từ khi khởi lập (thế kỷ XVIII với thành Gia Định) đến nay luôn có ba điều cơ bản:

1/ Làm ăn dễ dàng, kinh tế phát triển đa dạng, cởi mở, bất cứ trong điều kiện nào người Sài Gòn cũng có thể biến thành cơ hội để kiếm sống, để phát triển.

2/ Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu”. Vùng đất của những người tứ xứ nhưng chính  họ lại trở thành người Sài Gòn, không phân biệt gốc gác xuất xứ nên có sự công bằng, chính trực trong làm ăn, trong quan hệ đối xử.

3/ Cũng từ nguồn gốc lịch sử của dân cư Nam bộ, Sài Gòn có  lối sống nghĩa tình, hào sảng, bao dung dựa trên sự tin cậy lẫn nhau trong các mối quan hệ.

Nếu hai điều trên là hệ quả của vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử thì điều thứ ba là sự kết tinh di sản tinh thần của người Nam bộ, người Sài Gòn mà hiện nay chính quyền đang thừa hưởng để đưa thành một “tiêu chí” của thành phố.

Trên thực tế Sài Gòn – TP.HCM có thể đáp ứng nhu cầu của người dân từ bất cứ nơi nào hoàn cảnh nào đến đây tìm kiếm cơ hội sống và cả cơ hội làm giàu.Thậm chí đối với nhiều người, dù còn nhiều điều khó khăn và hạn chế nhưng Sài Gòn vẫn là một “thành phố đáng sống” hơn một số nơi khác trong nước.

Nguyễn Thị Hậu