Thay vì trả lời chất vấn của đại biểu, vị Trưởng ngành lúc đó đã đặt câu hỏi: Không hiểu vì sao, đại biểu ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà lại có nhiều công văn, giấy tờ và giám sát một vụ việc tại Hà Nội để chất vấn như vậy?

Hơn chục năm trước, tôi không khỏi ngạc nhiên khi được một ĐBQH kể lại câu chuyện ông đã bị “làm khó” thế nào khi thực hiện quyền chất vấn trên diễn đàn QH. Đó cũng là lần đầu tiên, với tư cách một cử tri, tôi hiểu ra rằng, “dũng khí” - vốn dĩ là một thuộc tính, phẩm chất phải có của đại biểu dân cử, nhưng quả thực, nói thì dễ mà thực hiện lại không đơn giản như vậy.

Bị “làm khó”

Câu chuyện ĐBQH bị “làm khó” sau khi chất vấn hoặc giám sát, tiếc rằng, không phải là hy hữu. Những ai theo dõi hoạt động của QH hẳn vẫn còn nhớ phiên chất vấn căng thẳng và bùng nổ năm 2006. ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn một vị trưởng ngành về việc có nhiều thẩm phán cố tình “đạp lên pháp luật mà đi”, và lấy dẫn chứng cụ thể nhà 83 Đội Cấn, Hà Nội đã được các ĐBQH đặt ra suốt 5 kỳ họp của QH. Thay vì trả lời chất vấn của đại biểu, vị Trưởng ngành lúc đó đã đặt câu hỏi: Không hiểu vì sao, đại biểu ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà lại có nhiều công văn, giấy tờ và giám sát một vụ việc tại Hà Nội để chất vấn như vậy? Ngay cả người có vị trí cao như vậy trong bộ máy nhà nước cũng vẫn chưa thật thấm nhuần quy định ĐBQH không chỉ là đại diện cho cử tri ở nơi ứng cử mà còn đại diện cho người dân cả nước.

Tình huống bị “làm khó” của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Khóa XI Lê Văn Cuông, người nổi tiếng với những chất vấn “có gang, có thép” về nạn chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng… còn “căng” hơn thế. Năm 2009, trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp, ông Lê Văn Cuông đã chất vấn Thủ tướng về việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang nhiều lần “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến vụ việc của Công ty Sông Lô. Phiên chất vấn buổi sáng thì buổi chiều, khi đang thảo luận tổ, ông nhận được cuộc điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang với lời cật vấn: “Tại sao anh lại đưa chuyện Hà Giang lên QH? Anh là đại biểu Thanh Hóa cơ mà?”.

Mấy ngày sau, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang làm văn bản dài tới 4 trang giấy A4 gửi tới các Đoàn ĐBQH để chất vấn lại ông Cuông với nội dung tập trung vào hai việc. Một là, ĐBQH Lê Văn Cuông lấy căn cứ ở đâu để khẳng định Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang 5 lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng? Hai là, nếu không đủ căn cứ, đề nghị ĐBQH Lê Văn Cuông phải có trách nhiệm với phát biểu của mình. Ông Cuông kể rằng, sau văn bản đó, nhiều đại biểu lo lắng cho ông và có vẻ như, cũng có những đại biểu ở các Đoàn khác đã nhìn ông với con mắt khác. Nhưng ông đã không chọn cách im lặng mà phản hồi văn bản của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang một cách đàng hoàng, nêu rõ căn cứ khiến ông đưa nội dung chất vấn đó ra QH.

{keywords}

Ông Lê Văn Cuông phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XII. Ảnh: ĐBND

Hay như ĐBQH Khóa XI Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum), người đầu tiên có đơn đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với 4 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngay sau đó, đã có nhiều người “bóng gió” nói đến tai ông rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vì “ức” với đề nghị này nên đã cắt mất một số chương trình, dự án giáo dục của tỉnh Kon Tum, nơi mà ông được bầu làm người đại diện cho dân. Nhiều năm sau, khi nói về việc này, ông Dũng khẳng định không có chuyện đó. Nhưng ông cũng cho rằng, “nhiều khi thiên hạ tung tin đồn để nắn gân mình xem sao. Đại biểu mới hăng hái được vài lần, nếu yếu bóng vía, nghe xong những tin đồn như vậy thì có thể rụt cổ lại…”.

Không dễ “tròn vai”

10 năm qua, QH, HĐND đã có những thay đổi hết sức mạnh mẽ trong hoạt động của mình, đặc biệt là tính dân chủ trong chất vấn, giám sát và thảo luận, quyết định các vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, ngân sách, lập pháp… đã ngày càng được thể hiện rõ nét. Và quan trọng hơn, quan điểm giám sát và chất vấn của QH, HĐND không phải là “săm soi, bới móc”, chăm chăm tìm ra khuyết điểm mà là để tìm giải pháp, đồng hành với cơ quan nhà nước giải quyết tốt nhất những kiến nghị, bức xúc của dân, đã thẩm thấu và dần trở thành nền nếp trong hoạt động của QH, HĐND và cơ quan nhà nước các cấp.

Bây giờ, chắc hẳn sẽ không có vị bộ trưởng, trưởng ngành hay lãnh đạo địa phương nào “vô tư” đặt ra những câu hỏi như vị Trưởng ngành hay Chủ tịch tỉnh Hà Giang đã hỏi đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh, đại biểu Lê Văn Cuông gần chục năm trước. “Áp lực” đến từ nhận thức của các đối tượng liên quan về hoạt động giám sát và chất vấn của đại biểu dân cử có thể chưa được gỡ bỏ hoàn toàn nhưng chắc chắn đã không còn gay gắt như trước.

Nhưng đó cũng mới chỉ là gỡ bỏ rào cản về mặt tâm lý. Còn có một rào cản khác, lớn hơn. Đã có những đại biểu bị lãnh đạo tỉnh hoặc lãnh đạo cơ quan mà mình đang làm việc nhắc nhở sau khi “mạnh miệng” chất vấn hoặc giám sát vì những nội dung đại biểu nêu có thể sẽ gây bất lợi cho địa phương, cho ngành, cho cơ quan. “Bất lợi cho cá nhân mình thì thôi, nhưng đây lại là bất lợi cho địa phương, cho ngành thì… khó mở lời được nữa!” - một ĐBQH đã phân trần như vậy khi được hỏi, tại sao, mới chiều hôm trước, anh đã chuẩn bị rất kỹ càng để chất vấn về tình trạng chạy dự án, đầu tư tràn lan khiến dân lãnh đủ hậu quả, mà hôm sau, nội dung chất vấn lại khác. Dù không tán thành với lựa chọn đó, nhưng tôi cũng hiểu rằng, sau quyết định “khó mở lời lắm” ấy đã có bao nhiêu trăn trở, đắn đo và cân nhắc, chưa hẳn đã là vì lợi ích của cá nhân đại biểu như lẽ thường người ta sẽ nghĩ.

Hơn chục năm theo dõi hoạt động của cơ quan dân cử, tôi thấy chia sẻ với “cái khó” của những đại biểu khi không thể “mở lời” nhiều hơn là trách cứ. Khó không phải vì bản thân họ không thấy rõ nhiệm vụ của người đại biểu dân cử là phải nói lên tiếng nói của cử tri, của nhân dân. Khó là vì sự “phân vai” không rõ ràng khiến không ít người bị chênh vênh giữa vai trò một đại biểu dân cử với vai một cán bộ trong hệ thống cơ quan ban, ngành cụ thể. Sự xung đột giữa hai vai trò này đã có. Và thực ra, cũng không nên duy ý chí mà cho rằng, người đại biểu nào cũng có thể “tự nhiên” cân bằng được hai vai này. Nhất lại là khi, đại biểu dân cử ở nước ta hiện vẫn chưa thực sự được xem là một nghề, và “sự nghiệp” của đại biểu dân cử ấy chưa bị ràng buộc chặt chẽ với cử tri.

Người Việt có câu “sinh nghề tử nghiệp”. Đã không được coi là “một nghề” thì thật khó để mỗi đại biểu dân cử có thể bình thản bước qua các mối quan hệ, và cả những lợi ích, nói lên được tiếng nói của dân. Và khi ấy, như nhiều ĐBQH nêu quan điểm trên Diễn đàn “Để hoạt động giám sát thiết thực, hiệu quả” của Báo Đại biểu Nhân dân, cái gọi là dũng khí, là bản lĩnh có thể sẽ xuất hiện ở nhiều đại biểu nhưng vẫn sẽ khó trở thành thuộc tính, thành phẩm chất phải có của tất cả đại biểu dân cử cả nước. 

Theo Bạch Long/ Báo Đại biểu Nhân dân

* Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt.