Kỳ vọng hợp tác để vực dậy vùng đất khó khăn

14 năm trước, Savannakhet với chúng tôi chỉ đơn giản là một tỉnh lớn của Lào nằm trên trục liên kết Đông - Tây, một mắt xích mang theo bao kỳ vọng về sự hợp tác phát triển để vực dậy những vùng đất vốn rất khó khăn của 4 quốc gia Myanmar - Thái Lan - Lào và Việt Nam.

Savannakhet bây giờ đã khác. Đường sá, phố phường, nhà cửa khang trang hơn. Trò chuyện với chúng tôi giữa khu vườn rợp bóng cây xanh, ông Santiphap Phomvihan - Bí thư, Tỉnh trưởng không giấu nổi niềm vui về sự đổi thay trên quê hương.

Cơ sở hạ tầng kinh tế nơi đây ngày càng hoàn thiện, các thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, khoáng sản, thương mại - dịch vụ… được khai thác hiệu quả, đời sống người dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 2.136 USD/năm.

{keywords}
Một khu nghỉ dưỡng tại Savannakhet

Ngoài tiềm năng về đất đai, khoáng sản, thế mạnh nổi trội của Savannakhet vẫn là phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, khi đây là tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, một trục giao thương quan trọng của ASEAN, kết nối miền Trung Việt Nam với các tỉnh Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. 

Có lẽ vì thế mà từ 12 năm trước, Lào đã thành lập đặc khu kinh tế Savan - Seno với nhiều chính sách ưu đãi vượt trội.

Mấy năm gần đây, đặc khu kinh tế Savan - Seno đã trở thành khu kinh tế năng động hàng đầu của Lào với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn từ nước ngoài. 

Trưởng ban quản lý đặc khu này, ông Thongsay Sayavongkhamdy cho biết, đến nay, có gần 130 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất các thiết bị công nghệ, viễn thông, phụ tùng máy bay, mỹ phẩm, đồ chơi..

Các tên tuổi lớn trên thế giới cũng đã hiện diện tại đây như công ty sản xuất và xuất khẩu linh kiện điện tử, viễn thông Celestica của Canada; nhà máy sản xuất linh kiện máy ảnh của Nikon - Nhật Bản… Mỗi năm doanh thu của khu kinh tế đạt 300 triệu USD, nộp ngân sách 12 triệu USD.

Từ một vùng rừng núi hoang vu, giờ đây Savan - Seno đã trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại rộng hàng trăm ha với nhiều sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu “Made in Laos”.

Cảng cạn Savannakhet đang trở thành một trung tâm logistic quan trọng của khu vực khi mỗi ngày, tại đây có hàng trăm lượt xe vận tải, xe container vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ Thái Lan đi Việt Nam và ngược lại, ra vào sử dụng dịch vụ.

Con đường đậm nghĩa tình Việt - Lào

Việt Nam là quốc gia láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, gắn bó thủy chung với Lào. Các doanh nghiệp Việt Nam sang Savannakhet đầu tư ngày càng nhiều. Hiện có khoảng 20 dự án với số vốn khoảng 500 triệu USD, chủ yếu là đầu tư khai thác khoáng sản, trồng cao su, vận tải, khách sạn, nhà hàng…

{keywords}
Thanh niên Lào làm việc trong nhà máy chế biến mủ cao su

Đặc biệt, cây cao su do công ty cổ phần Quasa-Geruco Lào thuộc tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư ở các huyện phía đông là Sepon, Muong Phin và Muong Nong, sau nhiều năm phát triển đã trụ vững trên đất Savannakhet với hơn 7.300ha.

Từ tỉnh lỵ Savannakhet vượt gần 150km theo quốc lộ 9 về cửa khẩu Densavan - Lao Bảo, con đường thênh thang băng qua nhiều làng mạc, nhiều cánh rừng xanh ngút ngàn cao su, chúng tôi đã thấy được sự hồi sinh kỳ diệu của mảnh đất này.

Từ tỉnh lỵ Savannakhet vượt gần 150 km theo quốc lộ 9 về Sepon, những quả đồi nối tiếp nhau hai bên đường được phủ lên một màu xanh non của cao su mới trồng vài ba năm tuổi, chúng tôi đã thấy được sức sống kỳ diệu của mảnh đất này.

{keywords}
Nông trường cao su của công ty Quasa-Geruco

Đường 9 - con  đường của chiến tranh, chết chóc năm xưa, giờ đã xanh non màu xanh no ấm.

Vùng đất Sepon của Savannakhet còn được biết đến với những mỏ vàng, mỏ đồng có trữ lượng khá lớn. Hoạt động vào năm 2002, mỏ vàng Sepon đã cho sản lượng hơn 1.2 triệu ounce vàng và 1 triệu tấn đồng tinh luyện, đóng góp hơn 1,5 tỷ USD cho ngân sách nhà nước Lào, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương

Với cặp cửa khẩu quốc tế Densavan - Lao Bảo được áp dụng cơ chế “một cửa, một lần dừng”, cơ hội hợp tác đầu tư giữa Savannakhet với các tỉnh miền Trung Việt Nam được xem là rất lớn. 

Ông Santiphap Phomvihan kỳ vọng nhiều vào khả năng hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng và chế biến nông sản xuất khẩu, dịch vụ logictis… làm sao để hợp tác về kinh tế tương xứng với mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Mảnh đất văn hóa và mến khách

Nếu như cố đô Luang Prabang được gọi bằng cái tên mỹ miều “Thành phố giấc ngủ trưa” thì Savannakhet lại được gọi là “Thành phố thiên đường”.

Savannakhet thu hút du khách bởi những công trình tôn giáo cổ kính, mang nhiều giá trị kiến trúc, nghệ thuật, tâm linh trong đời sống tín ngưỡng của người dân Lào.

Tọa lạc ngay bên bờ sông Mekong, Wat Sainyaphum là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1542, có kiến trúc nguy nga, tráng lệ, thu hút hàng chục nghìn khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm.

{keywords}
Thánh địa Phật giáo Inghang mùa lễ hội

Một điểm đến khác không thể bỏ qua trong hành trình đến với Savanakhet là Thánh địa Phật giáo Inghang, cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 12km về phía Đông Bắc, xây dựng từ thế kỷ 16, tương truyền là nơi thờ xá lợi của Đức Phật.

Thị xã tỉnh lỵ của Savannakhet bây giờ đã đổi tên thành thành phố Kaysone Phomvihane - mang tên nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Lào. Khu lưu niệm cố Tổng bí thư Kaysone Phomvihane là địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống cho khách tham quan và các thế hệ người Lào về vị lãnh tụ.

Khu di tích Liên minh chiến đấu Lào - Việt bản Đông, khu bảo tồn quốc gia nai Cà toong tại huyện Xonnaboury, gần thành phố Kayson Phomvihane cũng là những điểm tham quan nhiều người biết đến.

Trên con đường 9 thênh thang, Savannakhet không chỉ là “chốn thiên đường” trên câu chữ, mà thực sự đã là điểm hẹn của các nhà đầu tư dọc tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây.

Đây cũng là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Họ đến để tham quan các di sản văn hóa, tôn giáo đặc sắc; thắp nén hương thơm bày tỏ sự ngưỡng vọng đối với nhà lãnh đạo tài ba, lãnh tụ kính yêu của nhân dân các dân tộc Lào - người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào “cao hơn núi, dài hơn sông”.

Lưu Hương

Tiết học đặc biệt nơi cột mốc biên giới

Tiết học đặc biệt nơi cột mốc biên giới

Hơn 5h sáng, mây và sương vẫn lảng bảng lưng chừng ngọn núi bao quanh đồn Biên phòng Hướng Lập, thầy giáo đã chỉn chu trong bộ quân phục, xem lại giáo án, chuẩn bị ra thực địa giảng dạy.