- Nhiều nước không xem ngày giờ, không đốt giấy tiền vàng mã, không ai cúng sao giải hạn... mà sao xã hội đất nước họ phát triển thịnh vượng, dân trí cao, xã hội nhân bản văn minh?

Trong bối cảnh sự mê tín mông muội của những người được coi là "quần chúng phật tử" đã vượt "ngưỡng chịu đựng" của xã hội, mới đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn yêu cầu loại bỏ hủ tục đốt vàng mã ra khỏi sinh hoạt chùa chiền. Những tranh cãi xung quanh tục đốt vàng mã vốn đã có từ lâu, nhưng việc GHPGVN ra công văn chính thức đã tạo ra sự cộng hưởng lớn trong dư luận xã hội cũng như kỳ vọng về những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức thực hành tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt.

Kẻ mê tín biện hộ "trần sao âm vậy" rồi bày ra đủ thứ quần áo nhà lầu xe hơi, smart phone, tiền VNĐ, tiền USD... mà cúng mà đốt, gây nhiều hệ lụy cho xã hội như lãng phí công sức tiền của, “đem tiền thật đổi ra tiền giả”, gây hỏa hoạn, ô nhiễm không khí... Nhưng cái cần "đốt" chính là quan niệm lỗi thời và vô căn cứ! Nếu thực sự có cõi âm thì ở dưới cũng có ngân hàng lo việc in tiền, cũng phải đi làm mới được lĩnh lương... cớ sao phải đốt, "trần sao âm vậy" mà lại cho cõi âm xài đồ giả? 

{keywords}
Những tranh luận xung quanh tập tục đốt vàng mã đã có từ lâu. Ảnh minh họa

Có người lại vin vào truyền thống. Tuy nhiên, như trong một cuộc trả lời phóng vấn trên VTV mới đây, PGS.TS Trần Lâm Biền nhận định: "Truyền thống của chúng ta là sự hòa giữa tổ tiên, thần linh và con người. Đến với đình chùa, con người sống hòa với thiên nhiên vũ trụ, hòa với thần linh, coi thần linh là chân lý. Đem vàng mã theo lối trần tục để hối lộ thần linh, để làm những nghi thức theo kiểu tốt lễ dễ kêu thì không có thần linh nào ủng hộ. Đốt vàng mã càng nhiều thì có nghĩa càng đi ngược lại tinh thần truyền thống"[1].

Không chỉ là hủ tục đốt vàng mã, nhiều tập tục khác như việc coi ngày coi giờ, cúng sao giải hạn, trai đàn chẩn tế, giải oan bạt độ... cũng cần phải được đưa vào tầm ngắm chấn chỉnh lại hoặc loại bỏ để trả lại môi trường sinh hoạt tâm linh tinh khiết cho những người theo đạo Phật.

Tôi còn nhớ, tại một buổi pháp thoại tổ chức ở TP. HCM năm 2005, khi được hỏi về quan niệm thế nào là ngày tốt giờ tốt, thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời, đại ý rằng: Ngày giờ tốt để tổ chức một sự kiện là ngày giờ phù hợp với điều kiện tự nhiên để tổ chức sự kiện đó, hơn nữa phải thuận tiện cho việc tham dự của các thành viên, sao cho không gây trở ngại khó khăn thiệt hại cho họ...

Vị cao tăng giải thích thêm: tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà cha mẹ, nếu khăng khăng làm cho đúng ngày giờ tốt mà con cháu phải bỏ học nghỉ làm... thì không thể gọi ngày giờ tốt được. Lễ di quan tiễn đưa người thân vừa qua đời đi an táng, nếu nhà ở nơi hay kẹt xe mà ông thầy coi giờ tốt đúng vào giờ cao điểm gây ra kẹt xe cho xã hội thì cũng không thể gọi đó là giờ tốt được...

Nhà chùa một mặt phủ nhận việc coi ngày coi giờ, cúng sao giải hạn, đốt giấy tiền vàng mã... là có nguồn gốc của đạo Phật, nhưng mặt khác vì chiều lòng thí chủ hay có những khi vì lợi nhuận mà làm, tức là đang làm trái lý giáo lý của Phật, truyền bá mê tín dị đoan.

Khi đề cập đến số lượng tín đồ của 12 tôn giáo ở Việt Nam một nhà nghiên cứu dùng con số ước định trên 22 triệu, trong đó Phật giáo “có trên 10 triệu tín đồ, hơn 45 nghìn chức sắc tăng ni và gần 17 nghìn chùa chiền cơ sở thờ tự…” [2]. Với ngần ấy chùa chiền và tăng ni, với thông lệ 1 ngày ba thời tụng kinh của nhà chùa thì mỗi ngày có hàng triệu triệu lời cầu nguyện về "quốc thái dân an", "âm siêu dương thái"... vang lên khắp trên mọi miền đất nước. Nhưng thực tế thì hiện trạng xã hội Việt Nam như thế nào, những vấn nạn ngổn ngang đang tồn tại hẳn ai cũng có thể thấy.

Những người mê tín dị đoan nên biết khuynh hướng Đa nguyên tâm linh (Multiple spirital tradition) trong thế giới hiện đại! Hơn 7 tỉ người trên hành tinh này tin theo hàng trăm tôn giáo khác nhau nhưng chúng ta tồn tại trong hòa bình thì phải tuân theo những chuẩn mực văn minh hiện đại. Nên hiểu Phật pháp là một phương pháp rèn luyện tâm linh chứ không phải là phép thuật. Nhiều nước không xem ngày giờ, không đốt giấy tiền vàng mã, không ai cúng sao giải hạn... mà sao xã hội đất nước họ phát triển thịnh vượng, dân trí cao, xã hội nhân bản văn minh?

Trong Kinh Tương Ưng, Phật Thích Ca dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác" và lời dạy nổi tiếng của ngài mà nhiều tài liệu nghiên cứu hay trích dẫn là "hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi"... Để "ngọn đuốc" trong mình soi sáng, để bản thân vững vàng bản lĩnh... không còn cách nào khác ngoài việc nỗ lực trui mài bản thân về thể lực trí lực về đạo đức và nhân cách, đối với sư sãi là chuyên tâm hành trì giới định huệ, thực tập thiền định...

Albert Einstein từng nói: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo". Hãy nhân rộng phát triển đạo Phật trên tinh thần như vậy.

Trúc Nguyễn

-----------

Tham khảo:

[1] Đốt vàng mã càng nhiều càng đi ngược lại tinh thần truyền thống, VTV.vn, 24/02/2018.

[2] Thống kê tăng, ni, phật tử ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn, Phatgiao.org.vn, 14/09/2016.

[3] Albert Einstein và đạo Phật, Btgcp.gov.vn.

Lễ hội Đền Trần Nam Định: Còn ai xin ấn?

Lễ hội Đền Trần Nam Định: Còn ai xin ấn?

Câu chuyện phát ấn nơi Đền Trần diễn ra nhiều năm. Giờ là lúc nhà quản lý và nhà Đền tỉnh táo quyết định ngừng việc phát ấn lợi ít hại nhiều này.  

Chớ “tiêm nhiễm” niềm tin tín ngưỡng thái quá

Chớ “tiêm nhiễm” niềm tin tín ngưỡng thái quá

Tưởng như xã hội càng văn minh, những biểu hiện sùng bái vào thế giới siêu nhiên, huyền bí sẽ ngày càng bị đẩy lùi lại phía sau. 

Xuân về, suy ngẫm về “Phúc, Lộc, Thọ”

Xuân về, suy ngẫm về “Phúc, Lộc, Thọ”

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi người ước nguyện cho nhau luôn được “Phúc, Lộc, Thọ”. Người nào được toại nguyện cả ba điều ước và mong muốn ấy thì cuộc đời thật mỹ mãn.

Mang ‘Tâm’ gì đi lễ chùa đầu năm?

Mang ‘Tâm’ gì đi lễ chùa đầu năm?

Tâm bình an tỷ lệ thuận với lòng tử tế, nhiều tâm bình an là xã hội bình an, không có thánh thần nào "bảo lãnh" bình an cho bạn được!