Muốn giáo dục khai phóng, xin đừng cố chạy theo thành tích ảo mà trước hết phải chăm lo “khai phóng” đạo đức, nhân cách và trí tuệ người thầy!

Có hai câu chuyện buồn về giáo dục xảy ra trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay.

Chuyện buồn thứ nhất xảy ra ở trường THCS Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Thông tin trên báo chí cho hay, cô giáo T đã tát, đuổi học và có lời lẽ xúc phạm học sinh, coi thường nghề nghiệp của bố mẹ em. Đây cũng không phải là lần đầu, theo phản ánh của phụ huynh, cô giáo T đã từng tát học sinh của mình chảy máu miệng, gãy răng.

Chuyện thứ hai, buồn ghê gớm, xảy ra ngày 19/11, sát ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng mới được phát hiện vài hôm nay khiến dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ.

Đó là vụ một học sinh lớp 6 bị phạt 231 cái tát phải nhập viện cấp cứu ở Quảng Bình. Tổng cộng cháu N phải nhận 230 cái tát của các bạn trong lớp và 1 cái tát bồi “ân huệ” cuối cùng của chính cô giáo chủ nhiệm.

Sau khi vụ việc bị đưa lên công luận, Hiệu trưởng nhà trường xác nhận sự việc nhưng lại xin báo chí đừng lên tiếng bởi trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.

Tôi không bàn luận cụ thể gì thêm về hai vụ này, vì những ngày qua, báo chí và dư luận đã lên tiếng, đã phán xét và đều chung một quan điểm: Giáo dục không thể chấp nhận những biện pháp quân phiệt, xúc phạm thân thể, phẩm giá của con người; giáo dục không có chỗ để những người như cô T, cô Thủy biến nó thành cái “cần câu cơm” cho mình.

Ở đây, tôi muốn cố gắng đào sâu hơn để phần nào nhìn vào căn nguyên của vấn đề. 

{keywords}

Chỉ tiêu, thành tích làm méo mó giáo dục nước nhà. Ảnh minh họa

Xem nhẹ đầu vào ngành sư phạm

Thời tôi đi học, cách đây trên 40 năm, đã từng nghe những câu ngạn ngữ như “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua,…”, “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”.

Nhưng rồi, vào những năm 90 thế kỉ trước, ngành Sư phạm bỗng dưng đắt giá. Nhà nhà, người người chen nhau vào các trường sư phạm từ sơ cấp cho đến đại học. Nhiều cơ sở không có chức năng đào tạo sư phạm cũng cố “chạy” bằng được giấy phép mở mã ngành của Bộ.

Việc tuyển sinh rầm rộ theo kiểu “trăm hoa đua nở”, chỉ cần số lượng không cần chất lượng, càng không chú ý đến con người cụ thể sau này sẽ là nhà giáo. Điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm các trường đại học chưa bao giờ lọt tốp trên. Các trường cao đẳng sư phạm thì chuẩn đầu vào suýt soát điểm sàn, thậm chí nhiều ngành phải hạ cạn cùng.

Hệ trung cấp, sơ cấp (cấp tốc 6 tháng, 1 năm) thì chất lượng đầu vào miễn bàn, chỉ cần không có môn nào bị điểm liệt (0 điểm) là trúng tuyển. Ở đâu trên thế gian này nhận đào tạo thành thầy dạy học mà điểm thi đầu vào cả ba môn chỉ 1,5 điểm?

Vì thế, rất nhiều người chọn ngành sư phạm chỉ vì nó dễ tìm cho mình cái “cần câu cơm” mà không đòi hỏi cao về năng lực học tập, phẩm chất nghề nghiệp.

Với cơ chế tuyển sinh ào ạt như vậy thì không những chuẩn đầu vào thấp về trình độ kiến thức mà còn thấp cả về chuẩn mực đạo đức và những phẩm chất cần có khác của một người thầy.

Bao giờ thì nghề dạy học xứng đáng là “nghề cao quý” để thầy cô không phải thẹn với danh xưng mà xã hội đã phong tặng: “Kỹ sư tâm hồn”?

Chỉ tiêu, thành tích làm méo mó giáo dục nước nhà

Trở lại vụ học sinh nhận 231 cái tát chỉ vì nói tục. Trong lúc phụ huynh, báo chí và dư luận sôi sục trước vụ hành xử thô bạo, phản giáo dục của đồng nghiệp thì đương kim hiệu trưởng lại có cách hành xử kì lạ, xin đừng làm to chuyện vì sợ trường không được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.

Còn giáo viên chủ nhiệm vì sợ mất điểm thi đua mà đề ra “luật rừng” của lớp, phạt không nương tay học trò của mình hàng trăm cái tát.

Than ôi, chỉ vì chỉ tiêu, chỉ vì thành tích mà nhà trường, thầy cô đánh mất thiên chức dạy người của mình?

Hơn mười năm trước, một vị Bộ trưởng với ý muốn tạo đột phá trong giáo dục đã phát động rầm rộ cuộc vận động trong toàn ngành “nói không với bệnh thành tích”. Thời gian trôi qua, nghiêm túc nhìn lại thì thấy hiệu quả của cuộc vận động không được như ý muốn, bệnh thành tích dường như không thuyên giảm.

Áp lực về danh hiệu thi đua vẫn đè nặng lên người thầy, chi phối mọi lời nói, hành động của nhà giáo.

Ở sân trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra vụ 231 cái tát, có câu khẩu hiệu: “Chất lượng là danh dự của nhà trường…”. Danh dự thì đâu cũng cần, chẳng cứ nhà trường, nhưng nó phải được xây dựng trên những hành động tôn trọng phẩm giá, danh dự của người khác.

 “Chỉ tiêu thi đua, thành tích làm “tê liệt” người thầy”. Cái tít này chạy trên một tờ báo mạng khi đưa tin về buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách "Từ phụ huynh đến nhà giáo: Những vấn đề kinh tế - xã hội trong nền giáo dục phổ thông" của PGS. TS Trần Hữu Quang cùng nhóm nghiên cứu vừa qua.

Có những số liệu đáng chú ý mà nhóm nghiên cứu đã đưa ra sau nhiều năm khảo sát ở nhiều tỉnh thành: 79% giáo viên cảm thấy bị áp lực chỉ tiêu thành tích trong hoạt động giảng dạy, trong đó mức độ 6% cảm thấy rất thường xuyên, 19% cảm thấy thường xuyên. 28,6% GV cho rằng áp lực chỉ tiêu thi đua làm giảm sút chất lượng dạy học. 31,8% GV cho rằng cần loại bỏ chỉ tiêu thi đua trong nhà trường.

Nếu nhìn sâu xa hơn thì những hành vi như của cô Thủy Quảng Bình, cô T ở Ứng Hòa, hay cô giáo bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng… không đơn thuần là bột phát, “cáu giận mất khôn”, mà nó là hệ lụy của cả một quá trình giáo dục buông lỏng quản lí, đánh mất thiên chức dạy người của mình.

Muốn giáo dục khai phóng, xin đừng cố chạy theo thành tích ảo mà trước hết phải chăm lo “khai phóng” đạo đức, nhân cách và trí tuệ người thầy!

Nguyễn Duy Xuân

Cái tát và triết lý giáo dục

Cái tát và triết lý giáo dục

Tôi cho rằng, xứng đáng ban bố trình trạng khẩn cấp cho tình trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.

Chúng ta sẽ trở thành những con người 'dân tộc” hay “toàn cầu”?

Chúng ta sẽ trở thành những con người 'dân tộc” hay “toàn cầu”?

Hiện nay chúng ta có thể thống nhất với nhau một nhận định chung: Nền giáo dục đang lạc hậu, chưa đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Quà 20/11: Có món làm cô giáo khóc, có món làm cô… cười ngất

Quà 20/11: Có món làm cô giáo khóc, có món làm cô… cười ngất

Cái thành ý ẩn chứa sau món quà là mênh mông khó lường, và không hẳn lúc nào cũng vô tư quý mến hàm ơn nhau, trân trọng như ý nghĩa vốn có của hai chữ tặng quà.

Khi cuộc sống đã tiến lên, giáo dục vẫn giẫm chân ở chỗ cũ?

Khi cuộc sống đã tiến lên, giáo dục vẫn giẫm chân ở chỗ cũ?

Tụt hậu của đất nước, về phương diện nào đó, chính là tụt hậu về giáo dục, mà trước tiên là chậm đổi mới giáo dục.  

Có thành cường quốc, đạo đức vẫn xuống cấp nếu…

Có thành cường quốc, đạo đức vẫn xuống cấp nếu…

Khi lời nói, sách vở, và thực tế cuộc sống khớp nhau hài hòa như thế thì người dân có lòng tin, coi trọng sách vở, và ý thức giữ gìn văn minh kỷ luật xã hội sinh ra một cách tự nhiên thành nền tảng đạo đức.    

Phải học đại học mới có tiền và địa vị?

Phải học đại học mới có tiền và địa vị?

Câu hỏi lớn nhất là liệu Bộ Giáo dục và cả hệ thống chính trị có ủng hộ và có đủ quyết tâm theo đuổi những mục tiêu này cho toàn bộ hệ thống giáo dục hay không?