Trong những người đồng chí của ba tôi, bác Lê Đức Thọ có lẽ là người chúng tôi được gặp nhiều nhất. Ông là người đọc điếu văn khi ba tôi mất, và sau đó năm nào cũng đến nhà tôi vào ngày giỗ ba, ngày mẹ mất, hay những ngày vui của gia đình. Đặc biệt, tôi còn được gặp ông nhiều lần khi đang ở chiến trường Campuchia, về TP.HCM, ra Hà Nội khi tôi đã trở thành sĩ quan quân đội. 

Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021).

{keywords}
Bức chân dung ông Lê Đức Thọ gửi tặng ông Nguyễn Chí Thanh

Hội nghị Tân Trào và cái tên Nguyễn Chí Thanh

Năm 1944, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ Nguyễn Vịnh vinh dự được ra Việt Bắc làm đại biểu dự hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào khai mạc ngày 14/8/1945 và được bầu vào TƯ, tham gia  TƯ Việt Minh để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Người viết thư giới thiệu ông Vịnh ra dự hội nghị Tân Trào là ông Tố Hữu, Bí thư Thừa Thiên Huế.

Được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên, Nguyễn Vịnh rất hồi hộp và xúc động, không ngờ mới gặp Bác nói ngay: “Chào ông tướng du kích”, rồi Bác kéo ngồi cạnh, hỏi chuyện về cuộc đấu tranh đầy ác liệt ở Bình Trị Thiên.

Trong hội nghị Tân Trào, ông Lê Đức Thọ lúc bấy giờ phụ trách công tác tổ chức, bồi dưỡng đào tạo cán bộ của Đảng. Khi hội nghị sắp kết thúc, Ban tổ chức đọc danh sách những người trúng cử TƯ, đều là những cái tên quen thuộc, nổi tiếng trong phong trào cách mạng cả nước. Duy có Nguyễn Chí Thành là cái tên mới toanh.

Nguyễn Vịnh (lúc ấy mới 31 tuổi) đứng cạnh bác Phạm Văn Đồng, thấy đọc tên Nguyễn Chí Thành, mới hỏi: “Nguyễn Chí Thành là ai đấy anh?”. Bác Đồng trả lời: “Là anh đấy. Chính Bác đã đặt cho anh tên mới để giữ bí mật và cũng có nhiều ý nghĩa”. Sau đó, Nguyễn Vịnh báo cáo với ông Thọ và thưa với Bác là trong họ có người tên Thành (theo phong tục Huế, người ta kiêng lấy tên người lớn đặt cho mình, mà trong lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ, có người tên thật là Thành, ông Thanh sợ “phạm húy”), nên xin Bác Hồ đặt là Thanh. Và cái tên Nguyễn Chí Thanh bắt đầu từ đó.

Nói chuyện với ông Đoàn Chương ở Paris trong ngày giỗ đầu ông Thanh, ông Thọ kể: “Tôi biết anh Thanh từ hội nghị Tân Trào. Hồi đó, để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, Bác Hồ bảo phải kiện toàn TƯ. TƯ Đảng lúc đó số lượng vừa ít, lại vừa nhiều người miền Bắc, Bác chỉ thị phải bổ sung thêm các đồng chí Trung bộ, Nam bộ nữa.

Anh Cả (tức Nguyễn Lương Bằng), anh Hoàng Quốc Việt và mấy anh nữa phát hiện 4 người để lựa chọn: miền Trung hai người, là anh Nguyễn Chí Thanh và anh Lê Viết Lượng; miền Nam hai người, là anh Hà Huy Giáp và anh Ung Văn Khiêm. Anh Thanh được tín nhiệm cao và được bổ sung làm ủy viên TƯ chính thức luôn. Và cũng dịp đó anh mang tên mới là Nguyễn Chí Thanh, do chính Bác đặt cho”.

Nhà chính trị “đa di năng” của Đảng

Trong thời gian ba tôi ở miền Bắc, tôi thường thấy bác Thọ đến nhà, hai ông gặp nhau nói chuyện rất lâu, lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười. Một ông làm tổ chức, một ông làm quân sự, sao mà có nhiều chuyện nói với nhau thế?

Sau này, chính bác Thọ kể cho mẹ tôi, khi đó ông và ông Thanh cùng tham gia “Ban công tác miền Nam”, nằm trong Bộ Chính trị, gọi tắt là Ban B, chuyên theo dõi và chỉ đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam, do Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo, ông Lê Duẩn làm Tổ trưởng, thành viên có Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng. Bên cạnh đó có Ban A, gồm một số thành viên khác của Bộ Chính trị, được phân công chuyên trách theo dõi chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc.

{keywords}
Ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính trị trình bày Báo cáo của Ban chấp hành TƯ về công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 (12/1976). Ảnh: TTXVN

Người ta nói nhiều về quá trình hoạt động cách mạng của ông Thọ: Gan dạ, tỉnh táo, tù đày gian khổ, vào sống ra chết trong kháng chiến chống Pháp rồi chiến trường Nam bộ ác liệt…, nhưng tôi thì thấy ở ông dáng dấp của một ông giáo học, ngay ngắn, chững chạc, nho nhã, điềm đạm, sâu sắc, luôn nở nụ cười trên môi, ăn mặc nói năng vô cùng giảng cứu, mà đúng ông cũng đã làm nhà giáo thật.

Ngay sau khi ra tù lần thứ hai, tháng 9/1944, ông đã được Đảng giao nhiệm vụ phụ trách khu an toàn của TƯ, công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ. Tháng 10/1944, ông được chỉ định làm ủy viên TƯ, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. 

Từ đó cho đến ngày cách mạng thành công, và trong suốt quá trình 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông là người chủ trì, tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp, sơ cấp của Đảng. Sau tháng 8/1945, ông tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo cho nhiều tỉnh, thành để bổ sung cán bộ lãnh đạo khắp cả nước. Sau này ông Thọ còn có 2 lần kiêm chức Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Trong giao tiếp thông thường, ông cũng dân dã như mọi người, và đặc biệt điềm đạm, chỉ có điều khác người là ông nói ít nhưng câu nào “chết” câu đó, không nói đi nói lại bao giờ. Nói như dân Nam bộ, “nghe biết liền là ông lớn”. Có lẽ vì phong cách ấy của ông mà người ta đồn thổi là gặp ông hay bị “sợ” và lúc đầu tôi cũng không hiểu vì sao ông lại có biệt danh “Sáu Búa”.

Ngày giỗ đầu của ông Thanh

Ngày ông Thanh mất, ông Thọ là người đọc điếu văn. Sau đó, gần như năm nào giỗ ông Thanh, ông cũng đến với tình cảm sâu sắc, gần gũi. Câu chuyện của ông về ba tôi bao giờ cũng đẹp, trong đó ẩn chứa nhiều bài học để chúng tôi phải suy nghĩ.

Trong hồi ức của chú Đoàn Chương, trước làm thư ký cho ba tôi, sau giúp việc bác Thọ trong đoàn đại biểu Việt Nam ở hội nghị Paris, có kể về buổi sáng Paris cùng ông Lê Đức Thọ, đúng một năm sau ngày ba tôi mất:

“Hôm ấy là ngày 6/7/1968, ngày giỗ đầu của anh Thanh, tôi thức dậy rất sớm, đi lại trong phòng. Rồi vì ngại làm mất giấc ngủ của anh em khác, tôi xuống sân, vừa hút thuốc vừa đi lui tới. Với bao kỷ niệm sâu lắng, tôi nhớ anh, nhớ chị và các cháu, nhớ các đồng chí cùng giúp việc cho anh gắn với nỗi nhớ nhà của người xa xứ. Bất ngờ thư ký của anh Thọ xuống mời tôi lên gặp. Tôi lên tầng hai, ngôi nhà của đồng chí Maurice Thorez (cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp), nơi lúc đó hai anh Lê Đức Thọ và Xuân Thủy ở và làm việc.

Anh Thọ hỏi thăm sức khỏe chị Cúc, các cháu và kể lại nhiều chuyện mà trước đó tôi chưa biết. Anh Thọ nói như lặng đi: “Anh Thanh mất đi là một tổn thất lớn cho Đảng. Với tớ, Đảng giao cho làm công tác tổ chức càng cảm thấy sâu sắc điều này, vì Bác và Bộ Chính trị đưa anh Thanh và anh Phạm Hùng vào chỉ đạo miền Nam cũng là để chuẩn bị đội kế tiếp, ai ngờ anh Thanh đi sớm quá”. 

Hãy để mẹ cháu, ba cháu luôn là tấm gương

Tôi nhiều lần gặp bác Thọ, người bác nghiêm nghị nhưng luôn tươi cười. Càng sau này tôi mới nhìn ra ông là con người đầy quyền lực, và rất dứt khoát, sai nguyên tắc là không được. Chúng tôi có một kỷ niệm về tính nguyên tắc ấy của bác Thọ.

Đó là khi mẹ tôi mất, gia đình tôi có nguyện vọng chôn mẹ ở khu ưu tiên. Khi đó bác Lê Duẩn đồng ý, nhưng bác Thọ là người quyết định theo thẩm quyền của Trưởng Ban Tổ chức TƯ. Nghe tin mẹ tôi mất, bác Thọ đến ngay. Các chị nêu nguyện vọng ấy ra, ông im lặng không nói gì, suy nghĩ một lát ông nói: “Ba cháu đã sống và làm việc rất gương mẫu, cho đến lúc mất. Mẹ cháu cũng là người như vậy. Bây giờ bác có thể quyết định cho mẹ cháu vào chỗ đấy nhưng sẽ có nhiều người đòi hỏi, vì những người tương tự như mẹ cháu không được vào chỗ đó”. 

Bấy giờ chú V. - thư ký cũ của ông Thanh, là người thân của gia đình nói: “Thưa anh, anh Thanh chị Cúc đã gương mẫu cả đời, nay đến lúc mất không ưu tiên được hay sao?”. Ông Thọ nói ngay: “Tôi không tiếc gì chuyện ưu tiên cho chị Cúc cả, nhưng không nên để người ta lấy chị Cúc ra làm ví dụ về việc chúng ta không gương mẫu”. Thế là cả gia đình tôi chấp thuận ý kiến của ông (mà không chấp thuận cũng không được).

Lúc bấy giờ gia đình tôi quả thật có buồn và giận ông, nhưng bây giờ nghĩ lại tôi mới hiểu bác Thọ đã xử lý đúng, nói cho cùng cũng là để giữ trọn vẹn uy tín cho ba mẹ tôi. Và cũng thấy được sự quyết liệt và dứt khoát của ông, ông biết là sẽ bị giận, nhưng vì cái chung, vì danh dự của ba mẹ tôi nên ông đã buộc phải có một quyết định dù nhỏ bé nhưng cũng rất khó khăn như vậy.

Sức mạnh quyền lực của ông trước hết chính là ở sự gương mẫu và luôn giữ vững những nguyên tắc chung của Đảng.

“Ông trùm mật vụ” thời kháng chiến

Sau khi ba tôi mất gần 1 năm, bác Thọ lên đường đi hội nghị Paris. Trong mấy năm đó, mỗi lần từ Pháp về Hà Nội ông đều đến thăm mẹ con tôi, lần nào bà nội và tôi cũng có quà. Ông say sưa kể chuyện hội nghị Paris, về các cuộc đấu trí tại hội nghị. Tôi cũng chưa hiểu gì nhiều, nhưng những câu chuyện ấy cuốn hút tôi kinh khủng, ông Thọ hiện lên như một con người thao lược, tài giỏi.

{keywords}
Trong gần 5 năm đàm phán ở Paris, ông Lê Đức Thọ được ví như "vị tướng ngoài biên ải", người góp phần to lớn vào tiến trình đàm phán, buộc Mỹ ký kết hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1/1973). Ảnh: TTXVN)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh các nhiệm vụ về Đảng, đối ngoại, an ninh mà nhiều người nói tới, tôi rất chú ý là ông được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử vào Tổ công tác miền Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn phụ trách, và có những lần bí mật có mặt ở miền Nam tham gia chỉ đạo chiến tranh giải phóng.

Sau đợt 1 của chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông được cử vào Nam làm Phó bí thư, cùng TƯ Cục trong những ngày khó khăn nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, sau đó lại được Bác Hồ gọi ra Hà Nội gấp để lên đường đi Paris. Sau này tôi cố công tìm hiểu ông đi vào Nam - ra Bắc theo con đường nào, nhưng không có câu trả lời. Tôi đoán chắc ông cũng đi bằng con đường tuyệt mật mà ba tôi đã dùng vài năm trước đó để vào chiến trường. Cho tới năm 1975, ông lại trở về Nam, lần này là “Trưởng Ban Miền Nam của TƯ Đảng”, Đại diện của Bộ Chính trị bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày thống nhất đất nước.

Lớn lên, tôi nghe, đọc nhiều về ông, và rất tò mò khi biết ông là một người lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực: Công tác tổ chức của Đảng (từ ngày vào Đảng cho tới khi ông mất), chỉ đạo công tác quân sự, an  ninh ở Nam bộ trong thời gian dài, rồi công tác nghiên cứu chiến lược, công tác đối ngoại… việc gì ông cũng để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử của Đảng và của đất nước. Sức mạnh quyền lực của ông cũng ở chính những dấu ấn ấy mà đối thủ của ông ở Paris - Henry Kissinger đã phải thừa nhận: “Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tuỵ và khéo léo”.

Cũng chẳng hiểu sao hồi trẻ tôi cứ ấn tượng mãi với danh xưng thân mật mà các chú, các bác dành cho ông - “Sáu Búa”. Sau này tôi mới hiểu đấy là tên gọi thân mật mà các đồng chí ở miền Nam đặt cho ông từ kháng chiến chống Pháp, nói về tính cách ngay thẳng, trung thực và quyết liệt của ông.

Theo ông Cao Đăng Chiếm - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, biệt danh này của ông cũng giống như biệt danh “Hai Đe” của ông Phạm Hùng. Ông Thọ “rất ghét những người báo cáo láo và tô hồng hiện thực, ông nghiêm khắc đòi hỏi cán bộ cấp dưới phải luôn luôn trung thực, hễ biết thì nói biết, nếu không biết thì nói không biết. Không vì chạy theo thành tích mà lừa dối cấp trên và tự lừa dối ngay cả với chính mình”.

Nhưng tôi còn có một cảm nhận thăng hoa khác khi hình dung “chiếc búa” đó còn được ông Sáu sử dụng khi đối mặt với kẻ thù trên chiến trường hay tiến công quyết liệt vào mọi âm mưu và thủ đoạn của đối phương tại bàn đàm phán, vừa trực diện dứt khoát, vừa uyển chuyển mềm dẻo nhưng sắc lẹm khi ông mổ xẻ đến tận gốc rễ mọi vấn đề đặt ra.

Nhà ngoại giao Mỹ “cáo già” Henry Kissinger từng thừa nhận là đã bị ông Sáu “phẫu thuật như một bác sỹ lành nghề” và thốt lên: “Chúng tôi không may gặp phải các ông, chứ nếu được lựa chọn, chúng tôi sẽ chọn đối phương dễ tính hơn!”.

{keywords}
Cuộc gặp riêng giữa Cố vấn đặc biệt phái đoàn Việt Nam DCCH Lê Đức Thọ với Cố vấn cao cấp phái đoàn Hoa Kỳ Henry Kissinger tại Paris, năm 1973. Ảnh: Cục Lưu trữ Văn phòng TƯ Đảng

Sau này tôi càng hiểu, càng ngấm hơn vì sao ông Sáu sử dụng “chiếc búa” ấy hoàn hảo đến thế, khi nào thì chiếc búa vung lên, khi nào “ẩn dưới gầm bàn”. Búa mà vung lên không đúng lúc thì chỉ lộ bài cho đối phương. Ngược lại, nếu giữ búa để đối phương còn phải “ngóng” xem mình ra đòn thế nào thì giữ được thế trận hóc hiểm và đã hành động là thành công. Nhưng quan trọng nhất, không bao giờ thay đổi là chỉ có thể giành được chiến thắng trên bàn ngoại giao khi chúng ta có chính nghĩa, và sức mạnh của chính nghĩa đó được thể hiện bằng những chiến thắng trên chiến trường.

Còn nữa, khi công tác trong ngành tình báo, tôi rất ngạc nhiên khi biết ông chính là người hình thành và chỉ đạo lực lượng an ninh - tình báo Nam bộ từ những ngày đầu tiên, khi Nam bộ kháng chiến chống Pháp, cho đến những năm đầu chống Mỹ ở miền Nam, khi ông là Phó bí thư Xứ ủy và sau đó từ tháng 6/1952 là Bí thư TƯ Cục miền Nam.

Ông Mười Hương (Trần Quốc Hương) kể với tôi: “Trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng an ninh, tình báo đều bắt đầu từ công tác binh địch vận, do ông Sáu Thọ phụ trách. Sau hiệp định Genève mới hình thành lực lượng tình báo, an ninh riêng biệt, cự ly do ông Sáu Thọ trực tiếp tổ chức và chỉ đạo. Riêng những cơ sở đi sâu tiềm năng, đặc biệt có giá trị như Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Phạm Ngọc Thảo… đều được ông Sáu trực tiếp gặp, kiểm tra và tuyển mộ”. Chính ông Mười Hương cũng đã được ông Sáu “chọn mặt gửi vàng”, xin TƯ cử vào Nam bộ làm công tác huấn luyện tình báo.

Còn ông Hai Trung thì kể: “Hồi kháng chiến, tôi đâu biết tình báo là gì, chỉ có cảm tình với cách mạng. Được mấy ổng kêu vào khu gặp ông Sáu Thọ - Bí thư TƯ Cục miền Nam. Đó là ngày 4 Tết Giáp Ngọ (6/2/1954), khi ta chưa mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ổng hỏi: “Sắp tới ta phải đánh Mỹ, vậy tính làm sao để nắm được Mỹ, hiểu được Mỹ để thắng Mỹ?”. Tôi nói: “Dạ Pháp thì mình biết cả trăm năm nay rồi, chớ Mỹ đã ai gặp nó bao giờ đâu mà biết. Bây giờ muốn nắm được Mỹ, thì phải hiểu lối sống Mỹ, biết cách nghĩ của Mỹ, mà việc đầu tiên là phải biết tiếng Mỹ”.

Vậy là ổng quyết định đưa tôi vào ngành tình báo, giao nhiệm vụ phải tìm cách vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ngay trong năm đó vì sắp tới sẽ có cuộc chuyển giao chiến lược chiến trường Đông Dương từ Pháp qua Mỹ. Nên người của mình phải sáp vô với Mỹ ngay từ bây giờ, đứng trong đội ngũ những người mà rồi đây Mỹ sẽ dùng, cộng tác từ những ngày đầu, là một gương mặt quen thuộc, được tin cẩn thì sẽ rất lợi cho nhiệm vụ sau này. Sau đó ông Mười Hương dặn: Sắp tới chú phải đi Mỹ, nhưng không hoạt động gì cả. Chỉ cần học tiếng Mỹ cho thật giỏi, hiểu thật kỹ người Mỹ rồi về đây tổ chức giao công tác sau”.

* Kỳ tới: Cuộc gặp của Thượng úy Vịnh với nhà lãnh đạo số 2 của Đảng

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh 

Hòa đàm Paris và 'kẻ xúi bẩy' đằng sau Johnson

Hòa đàm Paris và 'kẻ xúi bẩy' đằng sau Johnson

Việc chọn Harriman đứng dầu đàm phán bị Rostow nhìn nhận với thái độ thù địch.