Sáng, mở trang báo ra đọc, đập vào mắt những dòng tít “lạ” đến ngỡ ngàng: “Giám đốc sở nên được xét thẳng chuyên viên cao cấp chứ thi họ rất sợ... trượt”, “Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh: Kỷ luật cán bộ dân bầu là rất khó”, “Nên giữ giáng chức, từ giám đốc sở mà cách chức làm nhân viên thì rất... phí”.

Những bài báo trên phản ánh thảo luận tại tổ vài hôm trước của các đại biểu Quốc hội về Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.

Tinh thần là… ưu ái cán bộ cho dù có sai phạm

Bàn về thi nâng ngạch, đại biểu Y Khút Niê (đoàn Đắk Lắk) bày tỏ “quan ngại” cho các vị đang và sẽ là giám đốc sở: “Trước đây có quy định xét nâng ngạch, sau này chuyển sang thi hết, có giám đốc sở còn chưa phải chuyên viên chính. Ở một vị trí nào đó nên xét ngạch chuyên viên cao cấp cho dễ, cho rõ luôn. Giám đốc sở cho đi thi người ta rất ngại đi thi là... rớt”. [1]

Còn chuyện kỉ luật cán bộ sai phạm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho rằng, trong thực tiễn hiện nay, xem xét kỷ luật cán bộ, công chức do bầu cử, do dân bầu là rất khó. "Cần phải tính toán, chứ hiện nay vướng, không kỷ luật được cán bộ đấy đâu”, ông bí thư Vinh nói về chuyện không kỷ luật nổi một vị phó chủ tịch HĐND tỉnh nơi ông “cai trị”. [2]

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) đề nghị nên giữ kỷ luật giáng chức vì nhẽ, “Một đồng chí đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng điều hành không được, năng lực không đáp ứng được, thì giáng xuống làm cấp phó hoặc xuống trưởng phòng. Chứ bây giờ vi phạm trên mức cảnh cáo mà cách chức, từ giám đốc sở xuống làm chuyên viên, nhân viên luôn thì rất là phí về phẩm chất chuyên môn”. [3]

Đồng tình với ông Trà, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức vì “đang là trưởng phòng giáng chức xuống phó phòng thôi. Tất nhiên là nếu còn chỗ. Nhất thiết gì phải cách chức, mất đi cả quá trình người ta phấn đấu”, đại biểu Thành nói. Đại biểu Y Khút Niê (đoàn Đắk Lắk) cũng cho rằng nên giữ lại hình thức giáng chức để cán bộ phấn đấu (!). 

{keywords}
Kỷ luật cán bộ dân bầu là rất khó? Ảnh minh họa

Không sàng lọc, không có cán bộ tài đức

Tại sao lại phải ưu ái cho vị trí giám đốc sở như ý kiến của đại biểu Y Khút Niê trong khi thi tuyển là cách tốt nhất để đảm bảo sự công bằng và lựa chọn được người tài?

Nếu giám đốc đi thi nâng ngạch mà sợ rớt thì e rằng, cần phải xem xét lại năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo của vị giám đốc đó. Trong những trường hợp như thế, chỉ có hai khả năng, hoặc là tổ chức chọn nhầm người, hoặc là leo lên ghế nhờ… “chạy” giỏi.

Đặc quyền đặc lợi đang khiến cho công tác cán bộ khó có sự đột biến. Phát biểu của ông Triệu Tài Vinh cho thấy rõ điều đó. Lối tư duy đã là lãnh đạo thì không thể kỉ luật dù có sai phạm hoặc đã làm lãnh đạo thì mặc nhiên suốt đời vẫn còn bám chắc gốc rễ trong suy nghĩ của rất nhiều người.

Tầm của một bí thư tỉnh ủy mà cho rằng “kỷ luật cán bộ, công chức do bầu cử là rất khó” khiến dân thất vọng. Một độc giả trên TNO chia sẻ thẳng thắn: “người có đạo đức, có sĩ diện, liêm sỉ và có lòng tự trọng, có khí chất và liêm khiết thì phải tự xử bằng cách từ chức cho dân nhờ chứ sao đợi tới bị kỷ luật!”. [4]

Đã sai phạm thì phải bị kỉ luật, bị cách chức. Lẽ tự nhiên ấy ai cũng hiểu bởi đó là quy luật đào thải của xã hội. Chỉ có như thế xã hội mới phát triển, nền hành chính công mới lành mạnh và đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong thời đại hiện nay.

Không thể, không nên khư khư giữ mãi nếp nghĩ, “kỉ luật hết thì lấy ai mà làm”. Cho nên đừng lo “vi phạm trên mức cảnh cáo mà cách chức, từ giám đốc sở xuống làm chuyên viên, nhân viên luôn thì rất là phí về phẩm chất chuyên môn”.

Nước gần trăm triệu dân không hiếm người tài giỏi để lấp chỗ trống bởi những kẻ yếu kém về năng lực hay tham ô, nhũng nhiễu, vi phạm về đạo đức tư cách.

Thực tế cho thấy, trừ những trường hợp bổ nhiệm thần tốc con ông cháu cha, còn thì phần lớn lãnh đạo đều đi từ dưới lên. Đã đến lúc phải bình thường hóa việc lãnh đạo bị thôi chức vì năng lực yếu kém hoặc bị cách chức vì sai phạm trở về làm công tác chuyên môn ban đầu. Công chức, viên chức có vào có ra. Quy luật sàng lọc ấy bị xem nhẹ sẽ dẫn đến một nền hành chính công thiếu minh bạch, yếu kém, trì trệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Người còn nhắc nhở: “Nếu đào tạo một mớ nhát gan dễ bảo, “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”.

Học Bác thì phải thấm lời dạy của Người. Quan trọng hơn là làm được như lời Người đã dạy.

Nguyễn Duy Xuân
-----

[1]. Giám đốc sở nên được xét thẳng chuyên viên cao cấp chứ thi họ rất sợ... trượt, Thanh niên online, 24/05/2019.

[2, 4]. Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh: Kỷ luật cán bộ dân bầu là rất khó, Thanh niên online, 24/05/2019.

[3]. Nên giữ giáng chức, từ giám đốc sở mà cách chức làm nhân viên thì rất... phí, Thanh niên online, 24/05/2019.