- Việc phản ứng với những cái tên không vừa ý, như với Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, phần nào phản ánh tâm lý phòng vệ vô thức của một số người.

{keywords}
Trong cuộc sống, có những nhu cầu hết sức chính đáng và cần thiết, nhưng lại không được quan tâm nhiều bởi tính “tầm thường” của nó. Nhà vệ sinh là một ví dụ.

Trong cuộc sống, có những nhu cầu hết sức chính đáng và cần thiết, nhưng lại không được quan tâm nhiều bởi tính “tầm thường” của nó. Nhà vệ sinh là một ví dụ. Tôi cá rằng ai trong chúng ta cũng đã từng phải vất vả tìm chỗ vệ sinh, khi đang đi chơi trên phố hay “mắc kẹt” trên những chặng đường xa.

Những chiếc toilet công cộng giá hàng tỷ đồng nồng nặc mùi hôi thối, sự bẩn thỉu kinh hoàng của toilet tại các trường học, hay những đám đông chen chúc nhau ở những khu vệ sinh rất “mất vệ sinh” tại các điểm dừng xe khách, khu du lịch... là nỗi ám ảnh chưa bao giờ chấm dứt của người Việt.

Quyền đi vệ sinh sạch sẽ là yêu cầu cơ bản và vô cùng thực tế. Về mặt thống kê, còn đến gần 20% số gia đình cả nước chưa được sử dụng toilet hợp vệ sinh, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016. Con số này, tất nhiên, chưa tính toán được chất lượng của các nhà vệ sinh công cộng.

Thế nên tôi hoàn toàn ủng hộ có thêm nhiều tiếng nói từ xã hội nhằm cải thiện chất lượng nhà vệ sinh ở nước ta, trong đó có việc thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam. Tôi thấy ngạc nhiên bởi có nhiều tiếng nói dè bỉu, chê bai, thậm chí còn đặt câu hỏi về lý do tại sao cho phép thành lập Hiệp hội này.

Nhiều người phàn nàn rằng cái tên của Hiệp hội này là phản cảm, “mất vệ sinh”, nhưng tôi nghĩ phải nhận diện đích danh thì mới có thể giúp giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Bill Gates, tỷ phú từng nhiều năm giữ vị trí giàu nhất thế giới, đã không ngần ngại cầm một chiếc lọ đựng chất thải để trình bày về cuộc khủng hoảng vệ sinh tại các nước đang phát triển trong một hội nghị gần đây ở Trung Quốc. Người đàn ông từng là tiên phong trong cuộc cách mạng máy tính của thế kỷ trước, cũng không kém phần tự hào khi giờ đây trở thành một trong những nhà vận động tích cực nhất trong cuộc “cách mạng toilet”. Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng tỷ phú này đã tài trợ hơn 200 triệu USD – con số dự kiến sẽ tăng lên 400 triệu USD – cho nghiên cứu và ứng dụng loại toilet không cần nước và tự biến thành phân bón phục vụ nông nghiệp.

Một vấn đề cấp bách và ý nghĩa như thế, hà cớ gì chúng ta phải lẩn tránh nó?

Lý do phản đối có lẽ đến từ một nguyên do quan trọng hơn cái tên. Đó là vấn đề kinh phí. Dường như một số người cho rằng nhà nước sẽ phải chu cấp hoạt động cho hiệp hội này. Đây là một nhầm lẫn rõ ràng, bởi Hiệp hội cho biết họ sẽ thực hiện đúng nguyên tắc tự chủ, tự quản, và tự cân đối hoạt động tài chính của mình mà không hề có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Xã hội – thông qua cơ chế tài trợ - sẽ quyết định họ hoạt động hiệu quả hay không. Về điểm này, họ khác so với các hội đặc thù đang hoạt động ở trung ương và địa phương mà hàng năm vẫn tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách.

Việc tự chủ tài chính nghĩa là nếu hoạt động tốt, họ sẽ mang lại thay đổi tích cực, ít nhất cho một phần nào đó của xã hội. Nếu họ hoạt động không hiệu quả, người dân cũng không mất đi một xu nào tiền thuế. Bởi thế, thiện ý của Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam – cũng như của tất cả các tổ chức xã hội tự chủ nào – nên được trân trọng.

Việc tạo lập các tổ chức như vậy là câu chuyện hết sức bình thường ở mọi quốc gia, khi có những cá nhân hay tập thể mong muốn đóng góp sức mình để làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng ở nước ta, trách nhiệm này từ trước đến giờ vẫn thuộc về nhà nước. Các hội, hiệp hội – vốn được coi là tổ chức trung gian giữa người dân và nhà nước – được mặc định là đại diện cho chính quyền. Quá trình Đổi mới không chỉ thay đổi tư duy kinh tế lỗi thời, mà còn cả cách quản lý xã hội. Nhà nước không còn “ba đầu sáu tay” điều chỉnh mọi vấn đề, mà cần đến sự góp sức của người dân thông qua chính sách “xã hội hóa”. Tuy thế, tư duy hiệp hội bao cấp vẫn còn thống trị. Trong số hơn 55 nghìn hiệp hội, hội đang hoạt động trên cả nước, rất nhiều trong số đó được thành lập với mong muốn được nhà nước cấp ngân sách và biên chế. Không có nhiều nghiên cứu đánh giá được hiệu quả hoạt động của họ, nhưng việc người dân không hài lòng với các hiệp hội nhận tiền từ ngân sách không phải là vấn đề mới.

Việc phản ứng với những cái tên không vừa ý, như với Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, phần nào phản ánh tâm lý phòng vệ vô thức của một số người. Họ không muốn có thêm những tổ chức nhân danh họ hoạt động nhưng không mang lại giá trị đáng kể nào cả.

Tranh cãi xung quanh cái tên của hiệp hội nhà vệ sinh, bởi vậy, ẩn chứa nhiều vấn đề hệ trọng hơn. Đó là cắt giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế bao cấp ngân sách cho hội, hiệp hội, thay vào đó, thực hiện các cơ chế tài trợ hiệu quả và công bằng hơn. Đó là nâng cao nhận thức của người dân về quyền hiệp hội và vai trò thực sự mà chúng mang lại cho xã hội. Và trước hết, đó là câu chuyện thể chế hóa quyền hiệp hội của người dân thông qua Luật về hội, vấn đề được thảo luận hơn 20 năm qua mà chưa có kết quả.

Nguyễn Khắc Giang

“Nỗi khổ trẻ con, nỗi nhục người lớn”

“Nỗi khổ trẻ con, nỗi nhục người lớn”

Cũng không phải vô lý khi một bài báo mới đây đã miêu tả tình trạng thiếu nhà vệ sinh như một “nỗi khổ trẻ con, nỗi nhục người lớn”.

Quyền chính đáng của Hiệp hội Nhà vệ sinh

Quyền chính đáng của Hiệp hội Nhà vệ sinh

Ở Việt Nam, ước tính vẫn còn khoảng 20 triệu người chưa tiếp cận với điều kiện vệ sinh hợp chuẩn.

Nhà vệ sinh rất quan trọng với… nhân phẩm

Nhà vệ sinh rất quan trọng với… nhân phẩm

Dường như công tác quản trị trường học hiện nay mới chú trọng đến các mặt học hành, thi đua chứ các vấn đề ăn ngủ, vệ sinh của học sinh thường bị coi là việc phụ.