Lòng yêu nước thời bình không phải chịu thử thách dưới bom đạn, ngục tù, nhưng lại phải đối mặt một “trận chiến” mới mà kẻ thù là sự suy thoái, biến chất, lòng tham, chủ nghĩa cơ hội, v.v… 

Đã từ lâu người dân sở tại cũng như khách thập phương có thói quen dâng hoa trái, thắp hương tại Nghĩa trang Hàng Dương vào 12 giờ đêm để tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì nước tại các trại giam Nhà tù Côn Đảo - “Địa ngục trần gian”. 

Đúng 12 giờ đêm ngày mùng 2/6/2018, chúng tôi có mặt trước Đài tưởng niệm của Nghĩa trang và mộ nữ liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu. Cũng đúng sáng hôm đó, tại Thủ đô Hà Nội, Đảng, Nhà nước trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ.  

{keywords}
Chứng kiến những chuồng cọp nơi giam giữ những cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi chạnh nghĩ nhiều điều. Ảnh: Vũ Lân

Vào Bảo tàng Côn Đảo, lướt vội bài báo “Viên sinh tố” của tác giả Mai Hân, một tù nhân đăng trên tờ SINH HOẠT, số đặc biệt, ra vào Xuân Quý Sửu (1973) được xuất bản trong nhà tù, tôi chụp được mấy dòng cảm động sau đây:   

Tôi không làm sao quên được cải cảnh nuôi đau của anh em ta trong Chuồng Cọp-Giặt từng cái quần dơ hoặc ngửa tay hốt những cục máu đầy vi trùng kiết. Chịu năm ba chục cây (cây gậy tra tấn của địch – TG) để đem được một cọng rau già vào chữa bệnh ngặt nghèo vì thiếu sinh tố, không ngần ngại kề môi vào mũi người bệnh để hút từng ngụm máu đang trào lên nghẹn thở. Khát nước cháy cả cổ, nhưng vẫn nhường từng giọt cho người bệnh, v.v... 

Đó mới chỉ là một trong muôn ngàn hình ảnh cảm động khác, chưa kể đến những gương hy sinh dũng cảm tuyệt vời của những anh em đã chấp nhận cái chết để đổi lấy cái sống cho đồng đội, đem lại vinh quang cho vị trí. Sự hy sinh cao quý đến thế thì ai mới có, những người nào mới làm được việc ấy”.   

Liên hệ với câu nói nổi tiếng của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, mấy người trong chúng tôi chung nhận định: 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ cách mạng của chúng ta bị kẻ địch cầm tù, tra tấn dã man, hy sinh ở Côn Đảo trong suốt 113 năm, là những người thi đua nhất, vì họ yêu nước nhất nên đã hy sinh tự do, tính mạng của mình. 

Rồi bất chợt không khỏi liên hệ đến nhiều chuyện buồn lòng xảy ra trong hiện tại, chúng tôi còn có ý nghĩ cực đoan rằng: Hãy đưa những kẻ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khi có quyền lực trong tay thì ra sức vơ vét cho đầy túi tham, nhốt vào Chuồng Cọp, Côn Đảo vài tháng để cho họ biết thế nào là cái giá mà hàng vạn các chiến sĩ cách mạng của chúng ta phải chịu đựng hy sinh! 

Bởi vì Bác Hồ cũng đã nói rằng, “Để phát triển phong trào thi đua, chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”. 

Ngày nay, tham nhũng đang là “quốc nạn”, tàn phá, kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm sụt giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thiên biến vạn hóa của nạn tham nhũng ra sao đã được chỉ ra rất nhiều trong các bài phát biểu của các lãnh đạo, trên truyền thông… Tuy nhiên có một loại tham nhũng chưa hẳn đã được cảnh báo đúng mức, đó là tham nhũng… danh hiệu – là khi người ta lợi dụng thi đua, thay vì như một con đường chứng tỏ lòng yêu nước, thì lại thành chỗ tư lợi. 

Nổi cộm là việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy huân chương”; vẫn còn tình trạng khen thưởng theo kiểu “đường sữa thì phát từ trên phát xuống, cuốc xẻng phát từ dưới phát lên”. 

Suy cho cùng tình trạng “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy huân chương” là biểu hiện của bệnh thành tích và cuối cùng người có lợi nhất vẫn là cán bộ lãnh đạo, quản lý nhanh chóng được “thăng quan, tiến chức” vào những vị trí có nhiều bổng lộc, dễ tham nhũng, tiêu cực. 

Chúng ta đã từng chứng kiến một số đơn vị được phong danh hiệu “Anh hùng thời kỳ đổi mới”, nhưng chỉ một vài tháng sau đã bị phá sản vì báo cáo thành tích để tuyên dương anh hùng đã thêm thắt, bịa đặt, báo cáo sai sự thật. Chúng ta cũng đã biết có trường hợp người từng đứng đầu cấp ủy đảng một địa phương bị tước danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” sau khi phong không lâu vì quần chúng, nhân dân, đồng đội tố cáo có hành vi bịa đặt, gian dối khi báo cáo thành tích trong chiến đấu... 

Bệnh thành tích có khi là của một tập thể, có khi là của một cá nhân, người đứng đầu, người phụ trách với những động cơ khác nhau, đặc biệt là để cấp trên “đánh giá cao” rồi để dẫn đến danh hiệu này, danh hiệu nọ. Danh hiệu là phương tiện, nấc thang để họ leo cao hơn, chui sâu hơn vào các vị trí lãnh đạo, mục đích cuối cùng là nhiều tiền, nhiều của. 

Để ngăn chặn, đẩy lùi bệnh thành tích mà đằng sau nó là lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân hoặc nhóm lợi ích, có nhiều việc phải làm, như 5 nhóm vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra trong Bài phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).[1] Điều đặc biệt lưu ý là, chính các cơ quan, hội đồng thi đua-khen thưởng các ngành, các cấp, các địa phương phải trở thành “người gác cổng” tin cậy và nghiêm ngặt trong công tác quan trọng này. 

Để có được Việt Nam ngày nay, bao nhiêu xương máu các thế hệ đã đổ xuống, không thể để những “con sâu làm rầu nồi canh” phá tan thành quả đã đạt được. Lòng yêu nước thời bình không phải chịu thử thách dưới bom đạn, ngục tù, nhưng lại phải đối mặt một “trận chiến” mới mà kẻ thù là sự suy thoái, biến chất, lòng tham, chủ nghĩa cơ hội, v.v… Chỉ có đánh bật những “kẻ thù” đó, lòng yêu nước vốn luôn nồng nàn trong huyết quản mỗi người dân Việt mới có cơ hội tỏa rạng.   

Vũ Lân

---- 

[1] Xem thêm “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Hà Nội mới, 03/06/2018.

Thi đua để “được người, được việc, được tổ chức”

Thi đua để “được người, được việc, được tổ chức”

Sứ mệnh cao cả của các hoạt động thi đua là làm cho con người ngày càng tiến bộ, trưởng thành và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển giàu mạnh, văn minh.  

Cán bộ lãnh đạo: Trong sạch và không lợi ích nhóm?

Cán bộ lãnh đạo: Trong sạch và không lợi ích nhóm?

Một khi từng cá nhân thừa quyền lực, giàu tiền bạc, dư lòng tham câu kết hình thành “sâu bầy” bòn rút nguồn lực quốc gia, thì sự nguy hại tăng gấp bội.

Cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng: Làm đến cùng, không bỏ giữa chừng

Cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng: Làm đến cùng, không bỏ giữa chừng

Những câu mà ý thơ như vận vào cuộc chiến chống tham nhũng hôm nay: Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa/ Biết bao nhiêu là sự khó khăn.../Khi lửa đà chắc chắn bén lên/ Thì mưa gió chi chi cũng cháy...

Gục trước ‘đạn bọc đường’, người chống tham nhũng thành kẻ bảo kê

Gục trước ‘đạn bọc đường’, người chống tham nhũng thành kẻ bảo kê

Tội phạm tham nhũng sẵn sàng ôm cả đống tiền để chạy tội, chạy án, thậm chí cao chạy xa bay trước khi bị phát hiện và xử lý.

Chống tham nhũng mà tay ‘nhúng chàm’ thì chống sao nổi?

Chống tham nhũng mà tay ‘nhúng chàm’ thì chống sao nổi?

Nếu không chấn chỉnh và làm sạch sẽ bộ máy này đương nhiên sẽ không thể nào ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực.