Truyền thông không đúng mực, lợi bất cập hại 

Đến hẹn lại lên, đầu xuân năm mới, mùa lễ hội truyền thống lại tưng bừng khắp mọi miền đất nước. Trên các trang báo đầu xuân, nhất là báo điện tử đưa thông tin, hình ảnh khá đậm nét về các lễ hội này, nhất là những lễ hội thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, như lễ hội đền Trần (Nam Định), Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ)… 

Báo chí với tư cách là cầu nối giữa lễ hội với người dân, đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá và lan tỏa những giá trị tích cực của lễ hội đến đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, báo chí cũng đã lên tiếng kịp thời, phản ánh nhanh nhạy về những hiện tượng thương mại hóa, tiêu cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, qua đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để đưa lễ hội vào nền nếp văn minh hơn. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, hình ảnh phản cảm, biến tướng trong lễ hội xuất hiện ngày càng “dày đặc” trên nhiều ấn phẩm báo chí, nhất là báo điện tử. 

Cần phải nói ngay rằng, những bất cập đó trước hết là do công tác quản lý, tổ chức của chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng còn hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp tình hình và chưa lường hết được những hệ lụy. 

Nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận, báo chí, truyền thông cũng là một trong những “tác nhân” làm trầm trọng thêm sự quá tải, biến tướng này, nhất là với một số lễ hội lớn, lễ hội nổi tiếng hoặc có nghi lễ nhạy cảm. 

Lễ hội truyền thống của người dân trước đây thường được tổ chức trong phạm vi làng xã. Không khí tuy tấp nập, rộn ràng nhưng trong tâm thế bình yên, vui vẻ, tạo sự hứng khởi cho bà con trong những ngày đầu năm mới. 

Tuy nhiên, trong xã hội bùng nổ thông tin, do cách thức thông tin, tuyên truyền, quảng bá rầm rộ tập trung vào một thời điểm mà báo chí, truyền thông đã vô hình trung góp phần đưa nhiều lễ hội vượt ra khỏi ranh giới “lũy tre làng”, đặc biệt là các lễ hội mang tính tâm linh. 

Có lúc do vô tình, có khi cũng do cố ý mà báo chí đã khuếch trương, thổi phồng ý nghĩa tâm linh của một số lễ hội, đánh “trúng” vào tâm lý, thị hiếu tò mò của người dân. Nhiều người bỏ bê cả công việc đổ xô đến một số chùa chiền, lễ hội, gây sự quá tải cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội của địa phương.  

{keywords}
Cảnh mài tiền vào cột chùa Đồng, Yên Tử năm nay vẫn tiếp diễn. 

Điển hình nhất có lẽ là lễ hội đền Trần ở Nam Định. Lễ hội này vốn trước đây chỉ được tổ chức trong phạm vi cộng đồng làng xã, sau này tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Do báo chí khai thác quá sâu, đưa tin quá đậm về “tính thiêng” của nó này mà người nọ rỉ tai người kia kéo đến ùn ùn để xin “lộc thánh”, gây nên sự “vỡ trận”, dẫn đến nhiều nguy cơ, hệ lụy. 

Hay như lễ hội đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh cũng vậy. Từng có tờ báo đưa những cái tin lập lờ, đại loại như: Tại sao đền Bà Chúa Kho lại linh thiêng như vậy? Đi lễ đền Bà Chúa Kho để cầu “mua may, bán đắt”, v.v… 

Không ít tờ báo thỉnh thoảng lại liệt kê những ngôi chùa thiêng nhất ở nước ta, có tờ lại mô tả chi tiết đến “chùa này, lễ hội kia” thì người dân nên làm gì... Kiểu đưa tin này đã vô hình trung “gây nhiễu ám thị” cho rất nhiều người dân vốn thiếu hiểu biết, lại chỉ tin vào những điều may rủi trong cuộc sống. 

Đừng thành “cánh tay nối dài” 

Đi lễ hội để cầu an, cầu lộc, cầu may là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân. Nhưng nét đẹp truyền thống đó giờ đây đã ít nhiều bị mai một do nhiều người dân đến đền, chùa, di tích lịch sử - văn hóa sa đà vào những hành vi mê tín thái quá, lợi bất cập hại. 

Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người Việt là dễ bị ảnh hưởng, thậm chí bị “kích động” bởi tâm lý đám đông. Điều này xuất hiện rất rõ ở một số lễ hội trong thời gian gần đây. Mặt trái của tâm lý đám đông trong lễ hội là dễ lôi cuốn nhiều người hành động theo bản năng, thiếu kiểm soát, gây ra những hình ảnh biến tướng, phản cảm. 

Báo chí cần nhận rõ đặc điểm này để có cách hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp, thận trọng, tránh phản ánh phiến diện, không vô tình “tiếp tay” cho người dân đi lễ hội chỉ vì niềm tin tín ngưỡng thái quá. Bên cạnh đó, báo chí cũng rất cần bình tĩnh, tỉnh táo để không làm “cánh tay nối dài” cho một số địa phương muốn thông qua truyền thông để tuyên truyền, quảng bá rầm rộ lễ hội cho địa phương mình chỉ vì mục đích kinh tế, lợi nhuận. 

Việc báo chí phản ánh, phê phán những bất cập, tiêu cực trong hoạt động lễ hội cũng rất cần thiết, nhưng phải qua lăng kính trung thực, khách quan, công tâm, tránh tình trạng “ít suýt ra nhiều”, “bé xé thành to”. 

Mặt khác, khi phản ánh về lễ hội nào, người làm báo cũng rất cần có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về lịch sử, nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa của nó. Như vậy mới không sa vào tuyên truyền hời hợt, chỉ đề cập đến hình thức, nghi thức bên ngoài hay những hiện tượng nhất thời nảy sinh mà không hiểu hết giá trị cốt lõi và ý nghĩa đích thực của lễ hội, thành ra “thầy bói xem voi”. 

Việc báo chí tuyên truyền đúng mực, khách quan cũng là một trong những giải pháp thiết thực nhằm góp phần giúp người dân hiểu đúng bản chất, giá trị, ý nghĩa nhân văn của lễ hội truyền thống, trả lại môi trường trong lành cho hoạt động này. 

Thiện Văn