Thật thú vị, cộng đồng mạng, đàn ông lẫn đàn bà bình luận những người “tiền nhiều mà vẫn không giữ được mái ấm gia đình”, mỉa mai những người phụ nữ bị chồng “bỏ rơi”, và nhìn ly hôn như một sự đổ vỡ mang tính bất hạnh.

Những nhìn nhận đó của xã hội rồi cũng sẽ thay đổi bởi tỷ lệ ly hôn ở các đô thị lớn của Việt Nam ngày nay đã vụt lên ở mức 30%. Cùng với các phong trào bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ, cách mạng tình dục, giáo dục thay đổi nhận thức thì tỷ lệ ly hôn sẽ còn tiệm cận với các nước phát triển, lên đến mức 42-50%.

Trong số các nguyên nhân ly hôn ở Việt Nam, mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%), tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), sống xa nhau nhiều ngày (1,3%). Những lý do không khác mấy so với phương Tây.

{keywords}
Tỷ phú Bill Gates và vợ quyết định ly hôn sau 27 năm chung sống

Tuy nhiên, có một vấn đề đáng báo động, đó là quá ít cặp đôi ở Việt Nam biết cách bước ra khỏi một cuộc hôn nhân với phẩm giá. Sau 5 năm thậm chí 10 năm ra toà, người trong cuộc vẫn sân hận khổ đau, người ngoài thiên hạ vẫn dèm pha, bình luận.

Vì tình là điều tuyệt vời. Hết yêu, hãy mạnh dạn chia tay nhưng trên nền tảng đàng hoàng, tử tế. Đó là cách tôn trọng chính bản thân mình.

Trước mỗi nỗi bất hạnh, ai rồi cũng như nhau. Đàn ông thu người lại trong ghế salon, yếu đuối và cô đơn, nhưng mấy ai hay!

Nhưng đàn bà có trở thành nữ anh hùng của cộng đồng mạng vì biết.… đánh ghen. Một sự kiện không hề tầm phào vì nó nói lên rất nhiều điều về thời đại và xã hội mà chúng ta đang sống!

Một người đàn ông trẻ con, không hề biết cách xử sự và đối đãi với người phụ nữ đã kí giấy hôn ước, và chọn cách chạy trốn khỏi một cuộc hôn nhân bằng lén lút vụng trộm phòng nhì. Một người phụ nữ cực kì thiếu trưởng thành và cũng cực kì ma mãnh. Bằng cách chọn đóng vai một nạn nhân yếu đuối đáng thương, cô nghiễm nhiên trở thành một chính khách dân tuý, lấy được nước mắt của thiên hạ và lấy được cả sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng để tiến hành sự trả thù vô pháp một cách chính đáng!

Vì sao nhiều người lại ủng hộ đánh ghen nhiệt tình đến như vậy?

Có thể, họ phải chịu đựng quá lâu nền văn hoá thống trị bởi ông chồng. Những người phụ nữ thường xuyên bị coi thường, bị cắm sừng, bị bỏ bê, đàn áp, lệ thuộc về kinh tế, đến một lúc nào đó, đến giới hạn nào đó, họ sẽ tung hê hết trong vai trò chủ động.

Nhưng đáng tiếc, tìm kiếm nữ quyền không phải bằng cách đóng vai trò kẻ mạnh/người đàn áp. Tìm kiếm tình yêu không bằng sự hời hợt trưng bày cơ thể như một món hàng và khỏa lấp mọi trục trặc bằng tình dục. Và càng không thể tiếp tục mãi ngu ngơ về bản chất của hôn nhân! 

Xã hội Việt Nam hầu như đang mắc kẹt trong điểm nghẽn của những quan niệm về hôn nhân - tình yêu - xã hội. Các quan niệm truyền thống của làng xã nông nghiệp, của tôn giáo và của nhà nước hầu như đều có cùng một mục đích, là biến hôn nhân thành hình thức để bảo vệ sự ổn định của xã hội, thông qua việc phải đẻ và nuôi con để tái tạo lại đúng xã hội đấy.

Những người có quyền lực thường lo lắng vì xã hội... đẻ ít, không duy trì được các mục tiêu kinh tế và xã hội lý tưởng. Điều này, một cách có ý thức lẫn vô thức, đã khiến rất nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam trở thành nạn nhân của hệ thống: Khi các cam kết về sự chung thuỷ bị phá bỏ, họ thường chọn cách im lặng để bảo toàn gia đình và sử dụng con cái của chính họ như một lá bài để níu kéo người đàn ông. Về lâu về dài, điều này bào mòn sự tự trọng của họ!.

Trong khi đó, những thông lệ mang tính truyền thống của xã hội này lại ra sức bồi đắp thêm sự khổ đau của phụ nữ: ca ngợi hình ảnh một gia đình hoàn hảo có nếp, có tẻ.

Khi phần đông tin vào sự đồng nhất về lượng của hôn nhân, họ sẽ bị triệt tiêu hai yếu tố mang bản chất con người: sự khác biệt về chất và bản năng tìm kiếm tình yêu mới. Tình yêu được sinh ra và lụi tàn, và biến đổi rất phức tạp theo thời gian, chứ không phải là ảo mộng đến “đầu bạc răng long”.

Cả đàn ông và đàn bà tiến đến hôn nhân rồi li dị, ngộ nhận về những khái niệm lãng mạn hay phù phiếm của việc lập gia đình, xoay sở vật vã mà vẫn không biết cách tôn trọng đối tác và duy trì quan hệ. Quan trọng là không biết cách bước ra khỏi một mối quan hệ khó khăn bằng đối thoại và phẩm giá. Khi tình yêu đã bị hủy hoại, không cần phải lôi hết xuống hố bằng cách tiếp tục duy trì một hôn nhân tồi tệ nhân danh con cái và để che mắt thiên hạ, hoặc là đánh ghen tung hê cho cả thế giới biết. 

Để thoát khỏi các đau đớn của hôn nhân, con người hiện đại lại nghĩ ra lắm trò: ngủ chung chứ không cưới, tìm kiếm sugar baby… nhưng đây cũng có thể là một sai lầm kiểu khác: sử dụng người khác như một công cụ để trám vào cái chỗ cả thèm chóng chán, hoang mang, bơ vơ và cô đơn của mình.

Lev Tolstoy từng viết: "Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình không hạnh phúc thì bất hạnh theo cách của riêng mình".

Có lẽ, hàng trăm năm sau, nỗi bất hạnh của con người, của nhân loại sẽ vẫn thế, riêng biệt, bơ vơ và không dễ sẻ chia.

Sơn Đặng

Mùi của Tết, mùi của yêu thương

Mùi của Tết, mùi của yêu thương

Vẫn còn đó âm hưởng Tết xa xưa đọng lại thời hiện đại. Rất nhiều thứ mùi đâu đây quanh ta, mùi quần áo, mùi người thân thương, mùi của món ăn ưa thích, mùi Tết...