- Thế hệ 6X, 7X sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hẳn số đông đều dành tình cảm đặc biệt với Cung thiếu nhi. Đó là biểu tượng tinh thần, biểu tượng của lòng biết ơn.

LTS: Liên quan đến quyết định thu hồi toà nhà kiến trúc Pháp cổ nằm trong quần thể Cung thiếu nhi Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận, Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh. Mời quý vị độc giả cùng theo dõi và tranh luận thêm.

Công trình đặc biệt

{keywords}
Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội khi mới hoàn thành (1978-1980). Ảnh tư liệu.

Hơn 200 giáo viên và học sinh vừa ký vào lá đơn kiến nghị gửi UBND Hà nội dừng việc thu hồi toà nhà kiến trúc Pháp đẹp như mơ ở Cung thiếu Nhi Hà Nội. Đây không chỉ là công trình kiến trúc và lịch sử đặc biệt mà còn mang giá trị tinh thần gắn bó với nhiều người Hà Nội. Ở góc độ một kiến trúc sư lẫn người quan tâm đến việc tạo không gian sinh hoạt cho trẻ em, ông nhìn nhận sự việc này thế nào?

Đây mới chỉ là ý kiến 200 giáo viên và học sinh đang làm việc và học tập tại đây. Con số này quá nhỏ so với hơn 30 triệu lượt trẻ em đã từng được đến đây sinh hoạt, học tập sẽ rất ngạc nhiên và thực sự khó hiểu với dự kiến thu hồi tòa nhà này để dùng vào việc khác.

Cá nhân tôi cùng với rất nhiều KTS đã từng được tới đây học vẽ suốt thời thơ ấu, cũng như nhiều nhà báo, nhà khoa học, nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng thấy khó đồng tình với dự kiến thu hồi tòa nhà này.

Bởi lẽ ngôi nhà này từng là Bảo tàng Bác Hồ với Thiếu nhi - ngôi nhà đứng đó nhắc nhở sự biết ơn của bao thế hệ thiếu nhi Thủ đô: biết ơn bác Hồ, Chính phủ, Thành phố…, biết ơn bao thế hệ cha anh đã chắt chiu dành dụm những điều tốt đẹp nhất cho thiếu nhi khi đất nước còn nghèo khó, chiến tranh. Ngôi nhà còn đó như nhắc nhở chúng tôi tiếp tục lao động quên mình để chăm lo cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, như một đạo lý đền đáp tiếp nối.

Nơi đây đã trở thành biểu tượng của sự “biết ơn“ thì cho dù ngôi nhà nhỏ bé nhưng không có gì xứng đáng để thay thế ý nghĩa lớn lao ấy.

Toà nhà kiến trúc Pháp nêu trên là nơi Bác Hồ cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố do UBND thành phố Hà Nội (ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu Trĩ Viên (tên gọi khác của toà kiến trúc Pháp) được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng. Ông đánh giá thế nào về giá trị lịch sử lẫn kiến trúc của quần thể Cung thiếu nhi Hà Nội?

Về giá trị Kiến trúc cần bảo vệ nguyên trạng bởi nó gắn bó tổng thể với không gian cảnh quan kiến trúc toàn khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, kết nối từ Hồ Gươm tới tòa nhà Ngân Hàng, bên phải là nhà Bưu Điện với Bác Bộ Phủ, bên trái với Tòa Thị Chính mở rộng và ngôi nhà Pháp trong khuôn viên Cung Thiếu Nhi. Đây là quần thể hoàn chỉnh, nguyên vẹn (may mắn chưa bị phá hủy) của tác phẩm thiết kế kiến trúc cảnh quan theo phong cách phương Tây nhưng hội đủ những niêm luật Nghệ thuật sân vườn phương Đông (tính đối xứng, quan hệ hình khối, đặc rỗng và tỷ lệ vàng).

Nó có giá trị biểu tượng của một giai đoạn lịch sử hình thành Hà Nội hiện đại (tiền kỳ) - Điều đó đồng nghĩa với việc “có ý nghĩa kiến trúc và sự hiếm có“. Đó là Hình mẫu cho nhiều các KTS, nhà thiết kế đô thị - kiến trúc cảnh quan hôm nay và mai sau, nhất là trong bối cảnh Hà Nội ta mở rộng nhiều lần, nhiều quần thể kiến trúc khổng lồ nhưng giá trị nghệ thuật kiến trúc cảnh quan còn rất yếu kém.

Như vậy nó trở thành một bộ phận cấu thành không thể thay thế, “đóng góp cho Môi trường và Bản sắc kiến trúc cảnh quan Hà Nội”.

Bảo tồn là cần thiết

Toà nhà Pháp cổ ở Cung thiếu nhi cũng có thể coi là một di tích lịch sử, một di sản văn hoá. Vậy cần phải ứng xử với nó thế nào? Giải pháp giữ lại và bảo tồn công trình này là cần thiết?

Thành phố Singapore rất hiện đại nhưng sau khi xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng, thành phố đã cuống cuồng giữ lại các công trình kiến trúc lịch sử. Họ đưa các tiêu chí bảo tồn các tòa nhà : (1) Ý nghĩa kiến trúc và sự hiếm có; (2) Ý nghĩa VH-XH- Tôn giáo và Lịch sử; (3) Đóng góp cho Môi trường và Bản sắc; (4) Tác động kinh tế.

Qua các tiêu chí ấy thì rõ ràng nôi nhà này cần giữ nguyên trạng về kiến trúc, khuôn viên cũng như vai trò “bảo tàng Bác Hồ với Thiếu nhi”. Tất nhiên ngôi nhà không mang lại “tác động kinh tế“ trực tiếp: không quy ra mét vuông để tính giá trị thành tiền, thành vàng.

Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Ngôi nhà là nơi vườn ươm tuổi trẻ, những công dân tài năng xây dựng thành phố thông minh. Không có trẻ em thì ai sẽ xây dựng thành phố thông minh? ai sẽ đủ thông minh để sống trong thành phố ấy? Do vậy công trình này còn có giá trị “tác động kinh tế“ ở mức độ rất cao và bảo tồn nó là việc vô cùng cần thiết mà không cần so tính.

Rất nhiều người Hà Nội gắn bó với công trình này bày tỏ sự nuối tiếc nếu công trình này bị thu hồi, riêng ông thì sao?

Ngôi nhà “Ấu trĩ Viên“ vốn là câu lạc bộ cho con Tây và nhà giàu, sau ngày 2/9/1945. Nơi đây trở thành tổ ấm của trẻ em nghèo đánh giày, tối về được anh chị phụ trách dạy học, dạy hát.

Cuộc cách mạng xây nền độc lập cho đất nước cũng đồng nghĩa với sự “công bằng” với quyền được vui chơi học hành của thiếu nhi. Người Hà Nội nhìn tận mắt tính ưu việt, sự tử tế của chế độ mới nên sát cánh, chung sức đồng lòng cùng Chính phủ giết giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

{keywords}
Toà nhà kiến trúc Pháp trong cung Thiếu nhi đang bị đề nghị thu hồi. Ảnh tư liệu.

"Tuần lễ vàng" đã minh chứng hùng hồn tấm lòng tin yêu của Hà Nội hướng về Chính phủ - vì họ tin vào sự tử tế, công bằng... Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), cả Hà Nội đứng lên chống lại quân xâm lược, các em thiếu nhi trong “Ấu trĩ viên” trở thành các chiến sĩ liên lạc, các “Vệ út” của trung đoàn Thủ đô “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh“ trong 60 ngày đêm khói lửa. Họ lớn lên trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, giải phóng Điện Biên, tiếp quản Hà Nội. Cung thiếu nhi mở cửa đón tất cả trẻ em Hà Nội vào sinh hoạt.

Biết bao đội viên đã trở thành thanh niên Hà Nội “ba sẵn sàng” xây dựng đất nước, “đi bất cứ nơi đâu tổ quốc cần“. Họ vượt Trường Sơn, đi vào cõi gian khổ với một niềm tin vào ngày mai bởi họ mang theo hình ảnh Hà Nội hết lòng thương quý trẻ em.

Chúng tôi lớn lên trong khi đất nước chia cắt, thiếu thốn đủ bề nhưng tất cả trẻ em Hà Nội được đến Cung Thiếu nhi – thiên đường có thật, món quà yêu thương của cả Thành phố dành cho, nơi hun đúc lòng yêu thương tới các lứa trẻ sau này. Lấy đi một chỗ chơi cho con trẻ, cá nhân tôi tự hỏi: Việc này có quá tàn nhẫn không?

Cung thiếu nhi Hà Nội hoàn thành cuối những năm 1970. Năm 2014-2015,Tổ chức Kiến trúc quốc tế lập hồ sơ để xếp hạng “Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới” nhưng 2015, công trình tiến hành cải tạo sửa chữa lớn, nhiều chi tiết kiến trúc có giá trị đã bị thay đổi thô bạo dẫn đến biến dạng nên đã không được đưa vào danh sách Di sản Kiến trúc hiện đại thế giới. Đó có phải bài học đau xót về bảo tồn di sản?

Vài chục năm trở lại đây có nhiều tình huống ứng xử với di sản kiến trúc đô thị rất bất ổn, đây không phải là trường hợp duy nhất. Nhưng đau xót không thay đổi gì mà nên hành động tích cực, chủ động, không mắc lại những sai lầm cũ thì mới đủ tư cách bước tới thành phố thông minh.

Hà Nội cũ vốn là một sân chơi lớn cho trẻ em. Tuy nhiên sự phát triển nóng, dân số đông, cùng quỹ đất hạn hẹp khiến diện tích dành cho sân chơi và nơi sinh hoạt của trẻ em ngày một ít. Các sân chơi xen giữa các toà nhà tập thể như trước đây ngày càng ít, biến mất hoặc bị lấn chiếm để kinh doanh. Đến Cung thiếu nhi, điểm sinh hoạt cho các em thiếu nhi nhiều thế hệ giữ trung tâm thủ đô cũng có khả năng bị sớm di dời về Mỹ Đình. Có nên đánh đổi một không gian như thế cho trẻ em để đổi lấy một công trình có công năng khác?

Trong suốt 100 năm đô thị hóa (1900-2000) nội thành Hà Nội rộng 44km2, xây 12 triệu m2 nhà ở, có một Cung thiếu nhi được mở rộng và các CLB thiếu nhi tại vài quận nội thành.

10 trở lại đây Hà Nội mở rộng gấp nhiều lần, mỗi năm xây 10-11 triệu m2 nhà ở, một năm bằng cả trăm năm. Vậy xây được thêm một nhà văn hoá thiếu nhi thì đã thấm tháp gì mà đã vội bớt đi chỗ chơi của con trẻ.

Ông có tìm hiểu các nước xung quanh họ ứng xử thế nào với các di sản có giá trị lịch sử tương tự như vậy?

Cung thiếu nhi Hà Nội như đã giãi bày ở trên không chỉ là ngôi nhà gạch đá vô tri, nó là biểu tượng của bao điều tốt đẹp, tình thương bao la của người lớn đối với trẻ em. 

Nói về di sản kiến trúc đô thị, Hà Nội nên làm mẫu cho các thành phố cả nước noi theo. Nhưng trong tình huống này, Hà Nội nên học TP.HCM: cân nhắc bảo tồn Dinh Thượng Thơ trong dự án nâng cấp trụ sở UBND TP. Bởi lẽ có một chân lý đã thành thực tiễn tại khắp các quốc gia trên thế giới: “Biết trân trọng di sản thành phố, quốc gia thì đất nước sẽ giàu mạnh và phồn vinh”. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch.

Theo ông thì giải pháp với công trình tòa nhà pháp cổ ở Cung thiếu nhi lúc này tối ưu nhất là gì?

Ta hãy thực hiện đúng Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố do UBND thành phố Hà Nội: quần thể xung quanh toà nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng. Không những vậy, ta cần phục chế, tôn tạo và duy trì mở rộng các hoạt động cho thiếu nhi tại đây cũng như khắc sâu những giá trị văn hóa lịch sử nhân văn vốn có của nó.

Cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Bích Hạnh

Một phần tình yêu với Hà Nội ở đó, sao nỡ ‘cắt bớt’ đi?

Một phần tình yêu với Hà Nội ở đó, sao nỡ ‘cắt bớt’ đi?

Hà Nội ngày càng phát triển, rất cần có một Cung thiếu nhi xứng tầm Thủ đô thế kỷ 21, nên nếu chưa thể nâng cấp thì cũng không thể thu hẹp.     

Ga Hà Nội, bài toán khó của sự thách thức

Ga Hà Nội, bài toán khó của sự thách thức

Không phải ngẫu nhiên mà “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000” vừa được UBND thành phố Hà Nội đề nghị một số bộ, ngành đóng góp ý kiến nhận được sự phản ứng của dư luận.

Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”

Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”

Vấn đề đáng quan tâm đằng sau câu chuyện di dời ga Hà Nội là cách chúng ta quản trị tài sản và đất công ra sao ở những chỗ “tranh tối tranh sáng”.

Nhìn sang Thủ Thiêm, tôi cố tìm lại góc xưa nhưng không còn dấu vết

Nhìn sang Thủ Thiêm, tôi cố tìm lại góc xưa nhưng không còn dấu vết

Với người viết bài này thì sau 4 thập kỷ, Sài Gòn, Thủ Thiêm chỉ còn lại bèo lục bình và cơn mưa là như xưa.    

Di sản mà biết nói năng...

Di sản mà biết nói năng...

Nếu nói như vậy thì bất cứ di sản nào của thời trước cũng cần phải xóa bỏ và bất cứ triều đại nào khoác áo phong kiến cũng đều "mục nát trong tâm thức người dân"?

Nếu Tết âm lịch là "di sản văn hóa"?

Nếu Tết âm lịch là "di sản văn hóa"?

Tết "ta" rất có thể là một di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam? Khi đã là di sản, thì nó sẽ có một gương mặt khác, không phải là những ngày nghỉ Tết triền miên, lãng phí toàn tập.