Chuyện xưa như trái đất

Tôi đã co rúm hết cả người khi xem đoạn video clip học sinh đánh bạn ở Hưng Yên và thực sự không dám xem đến cuối dù hình ảnh đã được làm nhòa.

Clip đó là một vụ đánh hội đồng, một vụ hành hạ, nhục mạ con người công khai và là một giọt nước làm tràn ly sức chịu đựng đối với rất nhiều người.

Tôi tự hỏi, nếu con mình bị đánh như vậy thì sao? Và ngược lại, nếu con mình là một trong những kẻ bắt nạt ấy thì sao? Điều gì dung dưỡng cái ác ở những cô gái trẻ ấy - ở độ tuổi lớp 9, chúng không còn là trẻ con nữa.

Nhưng, tôi phải thú thật – dù có thể trái tai nhiều người, là chuyện bạo lực học đường “xưa như trái đất”, thời nào cũng có, ở đâu cũng có.

Điều khác biệt chẳng qua giờ đây là người ta quay được video clip để tung lên mạng xã hội để hàng triệu người nhìn thấy.

Ngay từ thời tôi học, tụi tôi cũng từng kéo bè kéo cánh trong trường học hay ở khu phố, chỉ có điều chưa từng đánh nhau. Nhưng ai đi học mà lại không nghe đến những vụ bắt nạt, đánh lộn trong trường, kể cả đánh hội đồng. Xưa vẫn thế và nay vẫn thế, chẳng qua ngày trước không có mạng xã hội mà thôi.

Mà trên thế giới thì bạo lực học đường cũng không phải không phổ biến. Báo cáo của UNICEP công bố tháng 9.2018 cho biết, khoảng 50% thiếu niên từ tuổi 13 đến 15 trên toàn thế giới, tức khoảng 150 triệu trẻ em, nói rằng các em đã trải qua bạo lực, từ bạn bè ở trong trường và xung quanh trường, từ đánh nhau thật cho tới các hình thức bắt nạt khác.

Báo cáo này được thực hiện ở 122 nước chiếm 51% số trẻ em tuổi từ 13 đến 15 trên toàn cầu cho biết thêm, hầu hết các nước đều có tỷ lệ trung bình trẻ bị bắt nạt là 50%, trong đó ở Mỹ là 48% bọn trẻ đã trải qua bạo lực kể cả bắt nạt từ bạn bè ở trong trường và quanh trường; 17 triệu thiếu niên ở 39 nước công nghiệp phát triển thú nhận đã bắt nạt các bạn khác ở trường. Khoảng 720 triệu trẻ em tuổi đi học sống ở các nước không có luật pháp bảo vệ đầy đủ cho các em khỏi các hình thức trừng phạt thân thể ở trường.

Vì thế, bạo lực học đường không phải là chuyện riêng Việt Nam; bắt nạt là chuyện phổ biến ở tất cả mọi nơi, mọi thời điểm; là tình trạng chung trên thế giới.

Vì thế, tôi mạo muội nói rằng, không nên quy cho xã hội xuống cấp, đạo đức băng hoại, giáo dục mất dạy này khác.

Quay lại vụ ở Hưng Yên. Đương nhiên nhà trường có trách nhiệm, cô chủ nhiệm có trách nhiệm, ngành giáo dục có trách nhiệm. Nhưng chắc chắn không nhà trường nào dạy học sinh đánh lộn bắt nạt.  

{keywords}
Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), nơi xảy ra vụ việc gây chấn động. Ảnh: Thanh Hùng

Việc Chủ tịch UBND tỉnh cách chức toàn bộ Ban Giám hiệu là xử lý theo dư luận. Cần làm rõ trước vụ này Ban giám hiệu nhà trường đã làm đủ tốt để quản lý trường đó trong các khía cạnh khác không. Nhưng cuộc làm việc của Bộ trưởng với trường cũng chỉ mang tính sự vụ mà chưa đề cập đến những vấn đề sâu hơn mà ngành cần giải quyết.

Ở trường chúng ta luôn được nghe những điều tử tế từ thầy cô. Tất nhiên, học sinh có nói đi đôi với làm hay không, việc thôi thúc những điều tử tế đến mức nào, là chuyện khác. Lỗi của nhà trường là không xử lý nghiêm tất cả những hành vi bắt nạt trong trường, cũng như buông lỏng đủ thứ khác nữa.

Trách nhiệm gia đình ở đâu

Điều kinh khủng nhất tôi thấy trong vụ này là thiếu trách nhiệm của gia đình. Tôi thấy không nhiều người nói đến trách nhiệm gia đình mà chỉ thấy các chỉ trích nhà trường và cô chủ nhiệm. Theo tôi, gần như trong mọi vấn đề về học sinh, về trẻ em, trách nhiệm của gia đình phải là trước hết.

Đồng ý rằng ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều vấn đề, nhưng sao chỉ nhìn toàn những điều xấu. Cá nhân tôi tin giáo dục không tệ như báo chí hay mạng xã hội vẫn viết.

Phần lớn chúng ta, cho đến bây giờ sau khi tốt nghiệp các trường công, vẫn tử tế cơ mà. Sao chỉ luôn đổ lỗi cho nhà trường và giáo dục mà quên đi trách nhiệm của chính mình, những người làm bố mẹ.

Một đứa trẻ thường có 3 -5 năm đầu đời là sống hoàn toàn với gia đình. Cho đến độ tuổi đi học thì một ngày cũng nhiều lắm là 7 - 8 tiếng ở trường, 2/3 thời gian còn lại trong ngày là ở với gia đình. Cho nên gia đình trước hết sẽ là tấm gương cho đứa trẻ.

Gia đình các em có vấn đề gì không? Bố mẹ cư xử thế nào với con và thế nào với nhau? Bố mẹ có trò chuyện với con hay quát mắng, đánh đập con thường xuyên? Bố mẹ lắng nghe con hay giao cho con chiếc điện thoại và máy tính là xong? Có bao vụ tội phạm mà sau đó báo chí giật tít bố mẹ, hàng xóm nói rằng thủ phạm ở nhà ngoan hiền, có những góc khuất nào trong con, những bức xúc nào, quan hệ nào của con mà bố mẹ không biết hết?

Ở lớp con tôi có một cậu học sinh rất nhạy cảm. Cậu ấy khi làm bài sai hoặc có sai sót là tự đánh mình, có hôm thâm tím cả mặt mày. Vì điều đó và vì việc bố cậu ấy là người nước ngoài, nên cậu bị rất nhiều bạn trong lớp chế giễu. Cô ngày nào cũng phải dỗ dành, kết nối cậu bé với lớp. Cho đến một cuộc họp, cô giáo chủ nhiệm buộc phải đưa vấn đề ra với các phụ huynh, trình bày rất tế nhị rằng các bậc cha mẹ về nói với con đừng trêu bạn, nếu không bạn lại tự đánh mình, lại chạy ra nhà vệ sinh khóc. Sau đó các vụ trêu trọc giảm hẳn và bạn hòa nhập với lớp tốt hơn.

Tôi có thể tự tin nói rằng, con trai tôi không bao giờ trêu hay chế giễu cậu bạn ấy. Con tôi thậm chí còn can ngăn các bạn khác. Từ cấp 1, tôi đã luôn hỏi chuyện con về các bạn trong lớp, đã dạy con không được bắt nạt, kỳ thị các bạn yếu thế và khác biệt. Tôi không khoe khoang, nhưng tôi biết con trai tôi luôn cư xử nhân ái và văn minh.

Chắn chắn còn những điều tôi chưa biết hết về con mình, nhưng tôi luôn cố gắng nói chuyện với con nhiều nhất có thể, về mọi thứ và không áp đặt.

Ngoài điểm số còn những giá trị khác trong cuộc sống. Ngoài môn Toán hay môn tiếng Anh còn những môn khác như Văn, Lịch sử, Giáo dục Công dân. Nhà trường và các bố mẹ liệu có nhiều người coi trọng những môn dạy làm người, dạy ứng xử đó, hay chỉ cho đó là môn phụ?

Chúng ta chỉ nhằm vào chỉ trích nhà trường, phải chăng là một cách đổ lỗi để lờ đi trách nhiệm của gia đình, của chính mình trong vai trò phụ huynh?

Mỹ Hằng