Đại lộ danh vọng và cách tư duy “barie” cũng đang rất cần những…. barie!

Trong tuần, có hai câu chuyện của hai thành phố ở hai đầu đất nước, mà khi đọc thông tin và nhìn những hình ảnh, người viết bài không khỏi mỉm cười về tư duy quản lý xã hội. Nơi này, là đề xuất ý tưởng “đại lộ danh vọng”. Nơi kia, là “rào chắn barie” trên vỉa hè dành cho người đi bộ.  Nơi này, tư duy “bắt chước” thô thiển. Nơi kia, tư duy tiểu nông tùy tiện nhưng rất… tự tin.

Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”

{keywords}

Đại lộ Danh vọng Hollywood (Mỹ) (nguồn: baos Phụ nữ)

Theo Đất Việt, ngày 24/1, ý tưởng “đại lộ Danh vọng” được đề xuất trong đồ án Đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, do các đơn vị liên quan phối hợp với công ty Tư vấn AREP VILLE (Pháp) xây dựng. Đại lộ danh vọng này tương tự như đại lộ danh vọng Hollywood của nước Mỹ, gắn tên các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc. Khác chăng, “đại lộ Danh vọng” ở Hà Nội sẽ được lát đá, khắc tên các danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu...có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội. Những người được ghi danh sẽ do thành phố Hà Nội quyết  định.

Cũng rất nhanh, với đầu óc kinh doanh thời… kinh tế thị trường, Công ty Cổ phần Đầu tư AMD lập tức có đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội xin đầu tư tuyến đường này dưới hình thức BOT. Theo đó, AMD sẽ bỏ tiền ra xây dựng, sau đó kinh doanh còn phương án kinh doanh sẽ xem xét dựa trên những ý kiến đóng góp của nhiều bên.

Nhưng mới là ý tưởng, “đại lộ Danh vọng” ngay lập tức đã… “vọng” được sự phản ứng của các nhà chuyên môn, quản lý văn hóa xã hội.

Ở góc độ tập quán văn hóa người Việt, ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phan Đăng Long, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đều có chung một quan niệm- về sự khác biệt sâu sắc giữa tâm lý người phương tây và phương đông. Khi ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đề xuất này không phù hợp phong tục người Việt Nam, còn danh nhân thì ai công nhận, theo tiêu chí nào, chứ ai cũng thành danh nhân thì không chấp nhận được!

Còn ông Phan Đăng Long chỉ ra cụ thể: Đặt tên một người nào đó là tổ tiên, ông bà, những người có công đánh bại giặc ngoại xâm để gắn dưới nền đường thì có khác nào coi thường họ, không ai thấy đó là vinh dự. Đây là tâm lý học đòi. Trong khi, ý thức đối với các công trình công cộng của người dân còn kém, di tích, bảo vật quốc gia còn vẽ bậy, nói gì đến tên dưới chân? Đừng cố gắng bắt chước một cách lố bịch (Đất Việt, ngày 24/1)

Cái sự “học tập” và “học đòi” thật ra rất khác nhau về bản chất, dù hình thức giao thoa có phần giống nhau.  Nhưng muốn hiểu được điều này, tư duy quản lý xã hội đòi hỏi cũng phải có một cái … phông văn hóa nhất định.

Ở góc độ kinh tế, các ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông, Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, chỉ ra những vô lý của hình thức BOT. Khu vực Hồ Gươm hiện nay là không gian hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô. Đó là quyền công dân, vì họ đã đóng tiền thuế để làm đường, giờ tự xây thêm một phố đi bộ ghi danh mà thu phí của dân là bất hợp lý. Đừng thương mại hóa một con đường của Thủ đô. Đường xá là phương tiện công cộng của người dân đi lại, sinh sống và làm việc chứ không phải nơi để thương mại hóa một cách đơn giản như vậy. (Đất Việt, ngày 18/2)

Ông Nguyễn Đình Thám - Trưởng khoa Công nghệ và vật liệu xây dựng (ĐHXDHN) thì cho rằng, chỗ nào cũng BOT, dân phải nộp tiền, mở mắt đi ra khỏi cửa nhà là nộp phí, trong khi các tuyến đường xây dựng bằng tiền thuế của dân, dân đi đã đóng góp bằng thuế bảo trì đường bộ…

Còn người viết bài cho rằng, từ xa xưa, có câu thành ngữ rất sâu sắc, để nói về sự trọng vọng cái danh của người Việt- một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp. Không kể những bất hợp lý về tập quán văn hóa phương đông- phương tây, không kể những bất hợp lý trong ý đồ thương mại hóa con đường để kiếm tiền dân một cách vô lý, “đại lộ Danh vọng” trong bối cảnh xã hội hiện nay cũng sẽ phải đối mặt với không ít những phiền toái, tích cực thì ít tiêu cực có phần.

Bởi việc xác định chuẩn mực, thế nào là danh nhân, nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học tiêu biểu đóng góp cho Hà Nội, khi mà vấn nạn “chạy chọt” trong XH này luôn đắt như… tôm tươi. Chạy một ghế công chức đã trăm triệu. Chạy một “ghế” danh nhân sẽ bao nhiêu? Xin hãy nhìn vào vấn nạn đáng xấu hổ đó, để hình dung cái “đại lộ Danh vọng” đó rất có thể được… đi bằng gì?

Và như vậy, liệu “đại lô Danh vọng” có đẹp như cái khái niệm của nó. Liệu có thể “trơ gan” trước tham vọng của con người?

Thế nên, đừng vội thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào.

Phạm luật ngăn cản… phạm luật?

Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, người dân Quận 01 cũng  xôn xao bàn luận về việc Khu Quản lý giao thông đô thị số 01 (Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh) - phối hợp với UBND phường Bến Nghé (Quận 01) lắp đặt một số thanh barie trên các đường lớn như Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Pasteur, khắc phục tình trạng người đi xe máy thiếu ý thức chạy xe lên vỉa hè gây nguy hiểm cho người đi bộ và gây hư hỏng vỉa hè.

{keywords}

Barie trên vỉa hè ở một số con phố Q 1 (t/p HCM) (Nguồn: Tuổi trẻ).

Mới ở dạng thí điểm, cái barie trên vỉa hè này lập tức đã gây ra sự tranh cãi, phân hóa dư luận thành hai chiều trái ngược nhau như… hát đối.

Một chiều ủng hộ, bởi có lẽ hiệu quả “mì ăn liền” của cái barie cũng đã ít nhiều thỏa mãn tư duy giải pháp tình thế trong quản lý đô thị của các nhà quản lý xã hội. Chính cái sự “mì ăn liền” đã khiến các “nhà barie” tự tin đến mức, như ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 01 (Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu việc lắp barie có thể góp phần giảm thiểu lượng người chạy xe trên vỉa hè như hiện nay thì sẽ đề xuất UBND thành phố mở rộng lắp barie trên phạm vi toàn thành phố (TT, ngày 12/2).

Tuy nhiên, các “nhà barie” này quên mất rằng, người Việt là một dân tộc có sở trường “đánh du kích”. Thế nên, rất nhanh chóng, các barie của những con phố thí điểm cũng bị vô hiệu hóa không thương tiếc.  Người ta vẫn có thể đi xe máy, lượn lách vô tư trên vỉa hè như làm xiếc, như “chưa bao giờ có cuộc … barie”.

Rút cục, những người nào lại bị barie ngăn cản giao thông? Nếu không phải là những người già đi bộ, người khiếm thị, người tàn tật, trẻ em- tầng lớp người yếm thế mà vỉa hè vốn là “đại lộ danh vọng” của họ?

Thế nên, nhiều hơn vẫn là chiều phản đối chủ trương này. Một chủ trương phản chiếu tư duy tiểu nông kỳ cục, ngắn hạn, không quản được thì … đổ khó cho dân.

Theo luật sư Vũ Hồng Hoa, HTX Luật Đống Đa, hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, vừa không hợp lý vừa không hợp pháp (VOV, ngày 17/2).

Bởi đối xử thế nào với vỉa hè cho người đi bộ, từ lâu, Luật Giao thông đường bộ đã có quy định rõ. Đó là không được lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông. Triển khai giải pháp tình thế này, các “nhà barie” thực chất đã vi phạm luật. Như vậy, chả hóa ra, lấy sự phạm luật này để… ngăn cản sự phạm luật khác, nhân danh công quyền? Mặt khác, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS t/p HCM) pháp luật đã có quy định cấm hành vi chạy xe máy lên vỉa hè. Nếu vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng. Vậy tại sao, các cơ quan chức năng không sử dụng chế tài của pháp luật đã quy định từ lâu để điều chỉnh các hành vi vi phạm?

Người viết chia sẻ với nỗi khó khăn về nhân sự của cơ quan chức năng quản lý giao thông đường bộ, trong khi ý thức của người dân tham gia giao thông lại quá kém. Nhưng sống trong thời hội nhập, tư duy quản lý xã hội không thể … tùy tiện một mình một kiểu khác thường.

Được biết mới đây, lãnh đạo UBND Quận 01 đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT xem lại tính pháp lý của chủ trương thí điểm này, đồng thời đề xuất hướng xử lý phù hợp.

Đại lộ danh vọng và cách tư duy “barie” cũng đang rất cần những…. barie.

Kỳ Duyên  

Cô chủ nhiệm dũng cảm ở trường Nam Trung Yên

Cô chủ nhiệm dũng cảm ở trường Nam Trung Yên

Cô Nhung và các cô giáo khác quyết định nói lên sự thật là vì cảm thấy mình bị oan, cảm thấy bị xấu hổ bởi cái tiếng "hèn nhát" và "đồng lõa"...

Vị hiệu trưởng đóng vai con lừa và hiệu trưởng gian dối

Vị hiệu trưởng đóng vai con lừa và hiệu trưởng gian dối

Trong những ngày này, nổi lên trong dư luận cũng như trên báo chí câu chuyện xảy ra ở một ngôi trường ở thủ đô.

Mỹ Tâm: Nhiều điều để nể nhưng cũng có nhiều thứ đáng tiếc!

Mỹ Tâm: Nhiều điều để nể nhưng cũng có nhiều thứ đáng tiếc!

Mỹ Tâm là một hình ảnh đẹp, đặc biệt là sau “màn” Sầu tím thiệp hồng nhưng gần đây, cô đã bộc lộ một số điều đáng tiếc trong hành xử.

"Con voi trong phòng" và sự giàu có bất thường từ cổ phần hóa

"Con voi trong phòng" và sự giàu có bất thường từ cổ phần hóa

Không phải tự nhiên mà có những doanh nghiệp đã cố tình trì kéo không muốn bán cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước bởi vì họ có thể kiếm lợi được từ những trì hoãn này.

Từ cái thìa thủng đến những thanh sắt chắn ngang vỉa hè

Từ cái thìa thủng đến những thanh sắt chắn ngang vỉa hè

"Sẽ chẳng có "giải pháp kỹ thuật" nào có thể ngăn chặn một cách hữu hiệu, căn cốt nhất khi không lay chuyển được cái tư duy tranh giành, tùy tiện, sợ mất phần của số đông..."

Cầu thủ Long An làm trò hề: Sự tủi hổ của tinh thần fair play

Cầu thủ Long An làm trò hề: Sự tủi hổ của tinh thần fair play

Hình ảnh cầu thủ Long An  biến mình thành những ma - nơ- canh bất động ở sân cỏ V.League khiến nhiều người đặt câu hỏi: Có phải sân cỏ đang phản ánh chính xác dòng chảy cuộc sống này?