Mùa Tết, một mùa đỉnh cao của tặng quà, của cơ chế xin-cho. Mùa Tết, mùa mà người ta nghĩ về tính minh bạch và cơ chế giám sát trong các cơ quan công– khi nhà nhà “đi Tết sếp”. Không ai nhận ra rằng từ người cho đến người nhận đều là nạn nhân.

Từ lâu, trong dân gian, "tương truyền" một thuật ngữ gọi là “Samsonite bản bỏ quên”. Samsonite là một thương hiệu vali nổi tiếng, tóm lại là một chiếc vali sang trọng, còn “bỏ quên” tức là có những chiếc Samsonite ra đời chỉ để bị bỏ quên ở... nhà lãnh đạo. Đến thăm nhà sếp, lúc ra về, đến đầu ngõ gọi điện lại báo cáo, thưa anh, em có cái Samsonite bỏ quên trong phòng khách nhà anh, anh cất hộ em.

Chuyện những chiếc vali

Trong cái Samsonite ấy là gì thì chỉ có người trao biết, người nhận biết, hoặc là sau này nếu có chuyện gì bất trắc trong cái lý do “bỏ quên” ấy thì có thể có thêm viện kiểm sát và cơ quan cảnh sát điều tra biết nội dung vali.

Cái khái niệm mỉa mai “Samsonite bản bỏ quên” nói về một trong những phương thức giao tiếp kinh điển của xã hội ta, đã được nói đến nhiều: cơ chế xin-cho.

Và bây giờ, những ngày giáp Tết này, giới hay chuyện Hà thành lại đồn nhau, giọng bỡn cợt: hôm qua lên phố Đinh Tiên Hoàng hỏi mua cái vali, mà cả phố không còn một cái Samsonite nào, kể cả hàng fake (hàng nhái).

Những chiếc vali đang được thu mua và “bỏ quên” ở khắp mọi nơi. Cuối cùng thì sau rất nhiều những nỗ lực đi tìm một phương thức thể hiện “chút lòng thành” nào đó cho hiệu quả, từ việc chế ra những chiếc bánh Trung thu nhân yến sào tay gấu hoặc là trở thành nước tiêu thụ sừng tê giác nhiều bậc nhất thế giới, người ta phải quay trở về với giấy bạc xếp trong vali. Nhanh, tiện, hiệu quả.

{keywords}
Ảnh minh họa

Một trong những điều phân định giá trị của những chiếc “Samsonite” dịp Tết với các thời điểm thể hiện “chút lòng thành” khác trong năm, như Trung thu hay là đám cưới đám treo, là thời điểm nó diễn ra. Hãy lưu ý: khi ấy, công tác tổng kết thi đua khen thưởng năm cũ vừa diễn ra, phương hướng kế hoạch nhiệm vụ năm mới, từ việc giải ngân các gói thầu cho đến sắp xếp nhân sự đang được thực hiện. Ai là người nhanh chân? “Ấy là mặt ấy mặt này chứ ai” (Nguyễn Du).

Khía cạnh trật tự xã hội của những mùa “đến nhà sếp” đã được phân tích nhiều lần. Cơ chế ngăn chặn hiện tượng này là vô cùng lỏng lẻo. Có tới 3 đường dây nóng tố cáo tham nhũng được dựng lên trong những ngày này, và người ta đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của nó khi khung pháp lý và cơ sở tố cáo còn chưa hoàn thiện.

Theo quy định, hoạt động “tặng quà” chỉ sai khi sử dụng tiền ngân sách. Còn nếu không, trao và nhận quà là một hoạt động xã hội bình thường, và cho dù là 3 hay 10 đường dây nóng tố cáo thì cũng chẳng thể có ai tặng và nhận quà sai quy định được.

Những chiếc vali vốn được đóng kín, nhưng hoạt động đáp trả ân tình của vali là một hoạt động mở: anh “sếp” sẽ phải trả nghĩa cho người tặng trong những buổi họp sắp xếp nhân sự hoặc buổi đấu thầu, chỉ định thầu công khai. Như thế có nghĩa là chẳng có gì thực sự bí mật, vấn đề chỉ là tính minh bạch của hệ thống cơ quan công được thực thi đến đâu. Năm 2015, khắp nơi đã bàn đến Luật tiếp cận thông tin khi Quốc hội đem dự án luật này ra nghị trường. Nhưng chừng nào chưa có một dự thảo luật tốt được thông qua thì cho dù hoạt động “đi Tết” có công khai tới mức nào, chúng cũng không đi kèm với sự minh bạch. Nếu đặt những “vị sếp” vào thế phải trả lời các câu hỏi “Tại sao?” thì vali cũng sẽ tự nhiên ít đi.

Nhưng tính minh bạch hay là cơ chế giám sát là những điều đã cũ, đã được nói đến quá nhiều. Những món quà mùa Tết còn có một khía cạnh khác mà người ta không mấy khi nhận ra: người tặng quà và người nhận quà đang tự giết chết đời sống tinh thần của chính mình.

Quà Tết – từ khía cạnh tinh thần

Trong phim Human – bộ phim tài liệu độc đáo cố gắng mô tả chân dung của con người do đạo diễn Yann Arthur Bertrand thực hiện – có một đoạn phỏng vấn đặc biệt. Cựu tổng thống Uruguay, Jose Mujica, người thường được gọi là tổng thống nghèo nhất thế giới với một căn nhà nhỏ xíu và một chiếc ô tô cũ nát, ngồi biện hộ cho sự nghèo túng của mình.

Ông nói, rằng khi chúng ta đuổi theo vật chất, thì thứ đánh mất không phải là đồng tiền, mà là thời gian trong cuộc đời đã dùng để kiếm số tiền đó. “Và bạn không thể mua lại được cuộc sống”.

Hãy nghĩ về Tết. Hỏi bất kỳ ai về ý nghĩa của ngày ấy, câu trả lời cũng có thể sẽ bao gồm những từ khóa như là “gia đình”, “đoàn viên”, “sum họp” hay “nghỉ ngơi”. Nó được khải mặc là một quãng thời gian thiêng liêng nơi người ta hướng tới gia đình, tới ông bà tổ tiên, cho lũ trẻ con những khoảnh khắc hồn nhiên sung sướng trong giò, bánh và mùi hương trầm.

Ấy thế mà ở khắp nơi, chúng ta vẫn biến quãng thời gian trước Tết trở thành một cuộc marathon của lòng vụ lợi. Samsonite bản bỏ quên chỉ là một cách nói cường điệu. Thực tế có thể còn... dã man hơn thế. Mua cái gì, rượu “Giôn xanh” hay là “Chivas sứ”, phong bì bao nhiêu, hay là sếp nhiều tiền quá rồi thì phải chứng minh tấm lòng bằng món quà quê, cành đào rừng lặn lội tha từ tận Sơn La về hoặc là đôi gà ngon. Một cuộc tư duy điên đầu. Mệt mỏi.

Người nhận có thể cũng không nhận ra rằng họ đang đánh đổi thứ gì. Họ tưởng rằng mình chỉ cần pha ấm chè, ngồi nói dăm ba câu chuyện, tiễn khách ra cửa và thế là mình đã giàu lên. Trên thực tế, họ sẽ phải tiếp tục tư duy về việc trả lại những thứ ấy bằng quyền lực trong những ngày tiếp theo.

Tết bị bóp chết. Quãng thời gian được coi là ý nghĩa nhất trong tâm thức người Việt được đánh đổi để lấy một cơ hội làm giàu.

Và tất nhiên là giàu đến mấy thì rồi người ta cũng không thể mua lại được Tết.

Triết lý của tổng thống Jose Mujica, thật ra không quá khó hiểu. Chỉ là không mấy người tiếp thu nổi nó. Chúng ta vẫn luôn trong một mâu thuẫn: đánh đổi mọi thời gian quý báu, nhân cách quý báu và thậm chí là tình cảm quý báu để lấy tiền; với suy nghĩ rằng tiền có thể mua lại được thời gian sau này. Và Tết, hay đúng hơn là lúc tặng và nhận “quà Tết”, trở thành đỉnh điểm của mâu thuẫn này.

Hãy đọc lời khai của một bị cáo trong vụ Vinalines. “Cảm ơn em” – Dương Chí Dũng nói sau khi nhận chiếc vali đầu tiên. Người tặng ra về. Chiếc vali thứ 2 mang tới, Dũng lại nhận, và lại trả lời ngắn gọn, tình cảm: “Cảm ơn em”. Ba lần cảm ơn em như thế, thì thành một đại án.

Khi trao và nhận một món quà trong những ngày Tết, khi trao và nhận “của lo và của nợ” ở vào một quãng thời gian thiêng liêng, hãy tự hỏi rằng liệu mình thực sự nên cảm ơn hay không.

Đức Hoàng