- Cách đây 20 năm, khó hình dung cảnh tượng tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đàm đạo cởi mở, thân mật và thực chất như vậy với Tổng thống Mỹ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc rất tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Thành công đối ngoại nổi bật này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra cục diện mới, góp phần tăng cường vị thế của đất nước.

{keywords}

TBT Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc đàm đạo cởi mở, thực chất với TT Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Ảnh: AP

Vượt quá suy nghĩ thông thường

Chuyến đi lịch sử này lại là một minh chứng sống động cho chủ trương nhất quán đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Sự kiện càng cho thấy rõ hai quốc gia cựu thù, có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, có trình độ phát triển khác nhau, nếu có tầm nhìn chiến lược và chính sách đúng đắn, hành động thiện chí thì có thể trở thành bạn và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện vì tương lai tươi sáng. Đó là một xu hướng tích cực và lành mạnh, góp phần xóa bỏ những xung khắc, đối đầu trong đời sống quốc tế ngày nay.

Quả thực, cách đây 20 năm, khó có thể hình dung cảnh tượng tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng ở Washington, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đàm đạo cởi mở, thân mật và thực chất như vậy với Tổng thống Mỹ. Thế giới đổi thay cần tư duy mới, tư duy mới lại tiếp tục tác động làm đổi thay thế giới theo hướng tốt đẹp.

Đúng một năm trước, tháng 7/2014, nước Mỹ đón một đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu. Là thành viên trong chuyến đi đó, tôi đã cảm nhận được nét mới mẻ, quan trọng, đó là sự mở ra trong quan hệ hai nước kênh đối thoại và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng tham chính ở Mỹ. Và bây giờ, quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, xác lập từ tháng 7/2013 trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã được mở rộng và sâu sắc hơn trong chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việc lần đầu tiên Tổng thống Barack Obama đón tiếp với nghi lễ chính thức rất trang trọng dành cho người đứng đầu một đảng chính trị, mà đó lại là Đảng Cộng sản Việt Nam quả thực là một sự kiện vượt quá suy nghĩ thông thường của nhiều người. Người ta có thể nhìn nhận, lý giải sự kiện này từ nhiều góc độ khác nhau. Nhưng có một điều mà ai cũng cảm nhận được, đó là vì hiếm có một quốc gia nào trên thế giới lại vạch vào lịch sử nước Mỹ những dấu ấn sâu đậm và khác thường như Việt Nam.

Từ những hạt giống thuở ban đầu…

Nhìn lại toàn bộ tiến trình quan hệ Việt - Mỹ, có thể thấy những điều lý thú ngay từ thuở ban đầu. Những hạt giống lúa tốt của Việt Nam mà Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ Thomas Jefferson tìm cách nhập về trồng trong trang trại ở bang Virginia có thể được coi là những hạt giống đầu tiên của mối bang giao hai nước.

Hơn một thế kỷ trước đây, khi đất nước còn chìm trong đêm trường nô lệ, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, trong khi tìm đường cứu nước, đã đến nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ, thành phố Boston. Bản thân tôi và các nhà  báo Việt Nam từng xúc động đứng lặng trước chiếc bàn đá mẻ một miếng, nơi hơn 100 năm trước Bác Hồ làm việc trong xưởng bánh dưới tầng hầm khách sạn ở thành phố này.

Tiếp đó, ở buổi bình minh của nước Việt Nam mới cách đây 70 năm, một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ. Người đã mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới bằng trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ do chính Tổng thống Thomas Jefferson soạn thảo: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.    

Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh trên mặt trận chống phát xít. Cách đây 20 năm, tôi may mắn được gặp cụ Mac Shin và những người bạn Mỹ trong đơn vị tình báo chiến lược (OSS) và nhóm "Con Nai". Hôm đó, một buổi sáng mùa thu mát lành, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước ta, các cựu binh trong nhóm OSS và Việt Minh từng cộng tác trong những khu rừng già Việt Bắc, đã có một cuộc tái ngộ lịch sử sau đúng nửa thế kỷ. Và họ đã vinh dự được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

{keywords}

Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên nhóm tình báo "Con Nai" Mỹ tại Tân Trào năm 1945. Ảnh tư liệu

Các cựu binh Việt Nam và Mỹ thuở ấy hầu hết tuổi chỉ ngoài đôi mươi, nay nhiều người tóc đã bạc trắng, xúc động ôm lấy nhau, ôn lại kỷ niệm xưa. Những câu chuyện của họ ghép nối lại thành một bức tranh sống động về những ngày đầu hợp tác Mỹ - Việt rất đẹp đẽ.

Khi quân Nhật đầu hàng đồng minh, các quân nhân OSS, trong đó có Mac Shin kết thúc nhiệm vụ, được về Hà Nội. Chính những người bạn Mỹ này là những người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và ngày Độc lập của Việt Nam.

Sau đó, được lệnh nhanh chóng rời khỏi Việt Nam, những người đồng minh ngắn ngủi từ nước Mỹ đã mang theo mình bức thư của Hồ Chí Minh: "Bạn hãy tin rằng chúng tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu cho đến khi chúng tôi đạt được cái mà chúng tôi mong muốn: độc lập dân tộc. Tôi lấy làm tiếc vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa chúng ta sẽ trở nên khó khăn... Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó. Hãy tin ở tôi. Tôi sẽ mãi mãi như xưa”.

Bảy thập kỷ trước, với một tầm nhìn sâu rộng, với thiện chí và lòng kiên trì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gửi 14 lá thư cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Harry Truman vào năm 1946, đề nghị thiết lập “quan hệ hợp tác toàn diện”. Nhưng, thật đáng tiếc, những cơ hội lịch sử đó đã bị phía Mỹ bỏ lỡ và quan hệ hai nước đã bị cuốn theo một hướng khác vô cùng thảm khốc.

Bỗng dưng tôi cảm thấy một sự phi lý cùng cực khi chợt nghĩ rằng, nước Mỹ của những người tốt và hào hiệp, đã đến giúp đỡ chúng ta từ rất sớm như Mac Shin, Charles Fenn… lại đã gây ra cho nhân dân Việt Nam biết bao tai họa, đau thương bằng một trong những cuộc chiến tranh lớn, tàn phá nhất trong lịch sử.   

Mùa hè năm 2005, tôi có dịp gặp lại cụ Mac Shin trong chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải. Trò chuyện với chúng tôi, cụ xúc động kể, sau này khi trở lại thăm Việt Nam, cụ đã tìm đường về lại Tân Trào. Và cụ đã làm lễ tưởng niệm Bác Hồ như đối với người cha đẻ của mình theo đúng nghi thức cổ điển của người phương Đông. Những năm sau đó, năm nào cụ cũng gửi tiền về Việt Nam nhờ mua cho mỗi cụ đồng minh trong đại đội Việt - Mỹ ngày ấy một cành đào hay gốc quất để đón Tết.

(Còn tiếp)

Hồ Quang Lợi

>> Xem thêm các bài trong mạch Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ