Trạng thái dựa dẫm vào ai đó được gieo vào đầu con trẻ kiểu “học đi rồi ra trường có người xin việc cho”, vẽ tương lai hộ chúng chứ không phải bằng kêu gọi nỗ lực. Không ít con trẻ đánh mất tính độc lập ngay từ nhà của mình và khi trên ghế nhà trường.

LTS: Là người theo đuổi mục tiêu nâng cao dân trí bằng cách tạo điều kiện cho trẻ em nông thôn được tiếp cận nhiều hơn với sách, Nguyễn Quang Thạch là cái tên khá quen thuộc, gắn với chương trình sách hóa nông thôn mà anh theo đuổi trong nhiều năm. Đầu năm 2015, Nguyễn Quang Thạch đã đi bộ xuyên Việt để vận động cộng đồng cùng đưa sách về nông thôn. Những câu chuyện xã hội – đời sống từ Bắc vào Nam được anh chia sẻ cùng phóng viên Tuần Việt Nam.

{keywords}
Ông Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt để vận động đưa sách về nông thôn đầu năm 2015. Ảnh nhân vật cung cấp

Những ấn tượng đầu tiên của ông khi bắt đầu chuyến đi là gì?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Ngày đầu tiên đi bộ là Mùng 1 Tết, tôi ngủ nhờ qua đêm ở nhà một người bạn bán điện thoại trước cổng trường Cao đẳng Truyền hình ở Thường Tín, Hà Tây. Trò chuyện với chủ nhà, tôi được biết vài nghìn thanh thiếu niên ở đây thường xuyên chơi game oline. Có những học sinh chơi liên tiếp hai ngày, ra khỏi cửa là gục.

Một điểm chung là hầu hết các em chỉ được tiếp cận sách giáo khoa chứ không có cơ hội tiếp cận nhiều loại sách khác để khám phá và tích lũy tri thức, dẫn đến dễ dàng bị thu hút bởi các thú vui độc hại như chơi game, cờ bạc, xóc đĩa.

Khi tôi tặng sách thì nhiều người không mặn mà lắm. Có người bảo “sách vở giờ ai đọc”, trong khi đó người ta say sưa với câu chuyện rượu chè, phấn khích với thông tin kiểu “thằng kia vừa dắt mối đưa người đi lao động kiếm được lắm”.

Trên đường đi, đến Phủ Lý-Hà Nam, có học sinh  đi theo tôi đề nghị: “Anh có thể cho em đi cùng không? Em đang học lớp 12 mà giờ bố mẹ suốt ngày chửi em vô dụng”. Gặp các học sinh trên đường đi tôi  thường hỏi: “Em định chọn nghề nghiệp gì? Bạn bè cùng trang lứa em có hoài bão gì không? Có mong muốn để làm được điều gì không?” Có em bảo “Chú em làm ngân hàng nên em sẽ thi Học viện Ngân hàng”. Có em bi quan “Học xong cấp 3 em đi làm công nhân, chị em vừa tốt nghiệp đại học nhưng chưa chạy được việc”. Em thì nói “Mong muốn thế nào phải hỏi bố mẹ em.”. Ở Đồng Nai thì có em bảo “Em học tiếng Trung để lấy chồng Đài Loan”.

Ngay cả “hoài bão” cũng phải chờ cha mẹ nghĩ hộ. Trạng thái dựa dẫm vào ai đó được gieo vào đầu con trẻ kiểu “học đi rồi ra trường có người xin việc cho”, vẽ tương lai hộ chúng chứ không phải bằng kêu gọi nỗ lực. Không ít con trẻ đánh mất tính độc lập ngay từ nhà của mình và khi trên ghế nhà trường.

Trên đường đi tôi luôn hỏi các hiệu sách ở đâu, hầu như chỉ có hiệu sách nhỏ bán đồ tạp hóa và sách giáo khoa. Thị hiếu của đại chúng trong việc tiếp cận sách rất thấp. Sự quan tâm của tầng lớp dẫn dắt xã hội ở nông thôn là giáo viên đến việc sách vở cũng rất mờ nhạt.

Tôi phỏng vấn trên 3.000 người về truyện “Những tấm lòng cao cả”, chỉ có 38 người biết, nhờ hiệu trưởng của trường Bỉm Sơn, Thanh Hóa lấy thông tin  từ  926 học sinh chỉ có 35 em biết, còn trên quốc lộ chỉ có 3 người biết. Chỉ 10 trên 3.000 người biết về Robinson.

Dọc đường tôi cũng đặt câu hỏi cho nhiều  sinh viên nữ về sự độc lập của phụ nữ thì phần đa cho rằng  phụ nữ cần dựa vai chồng. Đó là một trong những điều chúng ta phải xem xét lại về mặt giáo dục con người, phải làm cho người ta định dạng được họ là ai, và dứt hẳn tư duy “dựa vào ai?” Đóng vai trò là người giáo dục và định hướng lối sống cho con cái trong gia đình, tư tưởng dựa dẫm, thiếu tự lực của phụ nữ lẫn đàn ông, sẽ tạo nên một căn bệnh trầm kha liên thế hệ.

Càng ngày tôi càng nhận ra rằng đất nước chúng ta không có triết gia lập thuyết định dạng xã hội. Ngay các tác phẩm văn chương phóng chiếu tinh thần triết học của Phương Tây để tạo ra lớp công dân dám nghĩ khác, làm khác dạng như Robinson chúng ta cũng không có.  Từ nhỏ tôi được nghe từ gia đình rằng nhà văn là các nhà tư tưởng, hoặc là những người đưa tinh thần triết học vào đời sống, nhưng ở VN có vẻ hiếm hoi.

{keywords}
Ông Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt để vận động đưa sách về nông thôn đầu năm 2015. Ảnh nhân vật cung cấp

Những câu chuyện ngớ ngẩn kiểu các nhóm thanh niên nông thôn ném đá tàu hỏa, phá đồng hoa hướng dương đưa lên mạng… đó là một khoảng trống rỗng, chới với ở bên trong, theo ông?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Cách giải phóng ẩn ức cá nhân thông qua các hành động như vậy ở Việt Nam được biểu thị dưới nhiều dạng thức khác nhau. Mỗi đứa trẻ sinh ra là một tấm bảng trống của tâm hồn và trí não. Nếu không có lượng kiến thức,  sự quan tâm và tình yêu thương đủ lớn để đưa  vào tâm hồn và trí não con trẻ thì chúng trở nên trống rỗng vô giá trị.

Thứ hai, với việc lượng kiến thức và hiểu biết ít ỏi từ sách giáo khoa và giáo trình, thậm chí nhiều người có bằng đại học nhưng vẫn không tránh khỏi việc giải quyết ẩn ức qua cờ bạc, rượu bia, gái bán hoa… Ức chế tâm lý với môi trường sống xung quanh làm người ta dồn tích những điều xấu, bức xúc... Những người không có kiến thức sẽ giải tỏa bằng các hành động bạo lực như một kiểu tự giải phóng mình. Khi chúng ta có lượng kiến thức đủ lớn, và giá trị xã hội hướng con người đến thứ nhân văn, cao cả; hướng đến cống hiến xã hội, trách nhiệm vì cộng đồng, thì người ta sẽ không phải dành thời gian cho những điều vô bổ.

Tôi đi bộ để kêu gọi sách cho trẻ em nông thôn và thường xuyên nhận được những câu kiểu: “anh này ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Đây là cách nghĩ mà theo tôi nên xóa bỏ ngay. Người ta cần hiểu rõ xã hội là nhà của mình. Việc giúp trẻ có sách đọc là việc của toàn xã hội chung tay chứ không phải việc của riêng tôi. Số lượng người chia sẻ trách nhiệm xã hội ở ta rất ít. Ta thường xuyên nói người Việt mình vô cảm. Tại sao?

Khi chúng ta không có một tiêu chuẩn rõ ràng về các quy tắc chung của xã hội, thì người ta không hiểu cộng đồng chính là của mình, là ngôi nhà của mình, cần phải chăm sóc cho ngôi nhà của mình vững chắc và to đẹp lên.

{keywords}
Ông Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi bộ xuyên Việt để vận động đưa sách về nông thôn đầu năm 2015. Ảnh nhân vật cung cấp

Trong những điều tai nghe mắt thấy, câu chuyện dọc đường nào ám ảnh ông nhất?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Ám ảnh nhất là đoạn qua Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhiều  cô gái tóc vàng tóc đỏ, ăn mặc hở hang mời vọi “Vô đây café, vô đây vui vẻ…anh ơi”. Hình ảnh khiến tôi không khỏi xót xa khi nghĩ tới tương lai u ám của các em và thế hệ kế tiếp.

Ám ảnh nữa là rác! Rác ở khắp mọi nơi. Người ta sẵn sàng vứt rác dọc đường. Có những người đi xe Lexus vứt túi rác từ trên ô tô xuống đường, ngồi trong một cái xe sang trọng hành động như thế - rất tiếc - khá phổ biến. Lượng rác thải hai bên quốc lộ nhiều vô kể.  Bao nilon bay giữa đường. Tôi liên tưởng đến sự thoái hóa đất, ô nhiễm không khí, nguồn nước, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và yếu kém của chính quyền trong việc xử lý rác. Người ta không dùng các chất liệu có thể phân hủy như tre, lá chuối, như ngày xưa.

Các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư rất nhiều tiền cho lĩnh vực môi trường, nhưng trong công việc cụ thể, thiết thực như đầu tư, nghiên cứu làm các đồ đựng, túi đựng thân thiện với môi trường thì ta không làm được.

Còn cái chúng ta gọi là văn hóa giao thông?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Ý thức giao thông thì hiển nhiên là kém. Thanh niên đi đường rất ẩu, lái xe thì họ vượt phải. Nhiều lần tôi có cảm giác đối mặt với cái chết khi xe ô tô vượt phải rà cách tôi chỉ có 10 cm. Để tranh cướp khách, họ sẵn sàng phóng nhanh, vượt ẩu bằng mọi giá, chẳng coi tính mạng người khác là gì.

(Còn nữa)

Hoàng Hường (thực hiện)