Muốn các bạn trẻ thay đổi, người lớn phải thay đổi trước.

Chừng nào xã hội đánh giá mức độ thành công của một người bằng những giá trị tốt đẹp người đó tạo ra cho chính bản thân họ và gia đình họ, cho cộng đồng và đất nước, rộng lớn hơn là cho nhân loại, chừng đó việc giáo dục và định hướng giá trị sống cho giới trẻ mới đi vào thực chất.

Lâu nay rất nhiều người lớn thường quan ngại, lo lắng về giới trẻ Việt Nam hiện nay thờ ơ, vô cảm với xã hội, mù mờ về lịch sử, lơ mơ về văn hóa đất nước…Phải chăng đây là một bức tranh thực tế về người trẻ Việt Nam? Tôi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này bằng cách nhìn lại những bạn trẻ xung quanh mình.

Người trẻ có thực sự vô cảm?

Em L.24 tuổi, là nhân viên cũ của tôi. Em tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Ba mẹ em muốn em xin vào nhà nước, có một công việc ổn định rồi lập gia đình, có một cuộc sống bình lặng như bao người. Nhưng cô bé ấy mang trong mình một khát vọng đóng góp cho việc bảo vệ môi trường cho xã hội.

Thế là ra trường, em đã làm trái ý ba mẹ, tự nộp đơn vào những tổ chức bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Dù còn trẻ, nhưng em đã đi rất nhiều nơi, ăn ngủ cùng đồng bào dân tộc miền núi hay lang thang trong rừng, vẫn miệt mài tham gia vào các dự án tình nguyện vì cộng đồng, cho dù kinh tế gia đình em cũng không mấy dư dả.

Một người em trong tổ chức Hoạt động xã hội Người Việt Trẻ với tôi, chỉ mới 26 tuổi mà đã có hơn chục năm làm tình nguyện. Con số những chương trình từ thiện, vì cộng đồng mà em tổ chức và tham gia đã lên đến cả trăm chương trình. Cách đây ít lâu, khi nghe tin tức đồng bằng sông Cửu Long hạn hán nghiêm trọng, em ngay lập tức sốt sắng: “Chúng ta phải tổ chức chương trình gì đó giúp đỡ bà con ngay và luôn, chị ạ!”.

{keywords}

Biết bao giấy mực đã bàn về tầm quan trọng của việc giáo dục giá trị sống cho giới trẻ. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Thật không công bằng khi nói phần lớn giới trẻ Việt Nam thờ ơ với xã hội, vô cảm với con người. Tuy nhiên, khi nhìn rộng hơn, đâu đó vẫn có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đang hoang mang về… chính mình, sống không mục đích, chỉ nghĩ đến bản thân và thích hưởng thụ.

Thất bại là động lực của sự thay đổi và phát triển

Các bậc phụ huynh rất hay so sánh con mình với con người khác như: “Sao con nhà người ta học giỏi thế mà con mình tệ thế này?”, “Sao đứa A, con ông B hàng xóm đậu tới mấy trường đại học, còn con mình chỉ vào cần vào một trường công cũng không nổi?”…

Những người lớn chúng ta thường học được nhiều từ thất bại hơn là thành công. Nhưng lại không muốn chấp nhận con, cháu mình thất bại. Điều cốt yếu là chúng ta cần thay đổi môi trường giáo dục, rộng hơn là môi trường xã hội nói chung.

Biết bao giấy mực đã bàn về tầm quan trọng của việc giáo dục giá trị sống cho giới trẻ. Giá trị sống của mỗi người quyết định nhân cách của người đó, lẽ sống mà người đó chọn.

Phần đông chúng ta vẫn đang đo lường mức độ thành công của một cá nhân trong xã hội bằng địa vị, danh tiếng, mức thu nhập, hay khối lượng tài sản vật chất mà người đó sở hữu, người đó đi xe hơi hiệu gì, mang giày hiệu gì, có bao nhiêu căn nhà…

Anh bạn đồng nghiệp của tôi đi Vinh công tác, thấy xe hơi chạy đầy đường thầm nghĩ đời sống người dân mình đã khấm khá lên nhiều. Ai dè hỏi ra mới biết phần đông trong số họ thế chấp nhà hay tài sản khác vay ngân hàng để mua xe. Mua xe để kinh doanh, làm ăn buôn bán, khi hỏi thì nhận được câu trả lời: “Không, để đi chơi và sáng sáng đánh con xe đi ăn sáng thôi. Nhà ông hàng xóm sắm được xe, lẽ nào mình không bằng ông ấy?”

Nếu người lớn có tư tưởng kiểu đó, làm sao trách một bộ phận người trẻ hiện nay đang quăng mình vào cuộc đua kiếm tiền khốc liệt với giấc mộng “nhà lầu, xe hơi” được xem là “chuẩn mực thành công” của xã hội?

Phải chăng muốn người trẻ thay đổi, người lớn phải thay đổi trước. Chừng nào xã hội đánh giá mức độ thành công của một người bằng những giá trị tốt đẹp người đó tạo ra cho chính bản thân họ và gia đình họ, cho cộng đồng và đất nước, rộng lớn hơn là cho nhân loại, chừng đó việc giáo dục và định hướng giá trị sống cho giới trẻ mới đi vào thực chất. Lúc đó chúng ta cũng sẽ không phải miệt mài đi tìm nguyên nhân cho việc tại sao giới trẻ Việt thờ ơ và vô cảm với xã hội nữa.

Bùi Thị Minh Châu

Thanh niên Việt sa đà rượu bia, bê tha cuộc sống

Cha mẹ trải chiếu cho con vào...biên chế

Các sếp giáo dục cũng 'lên bờ xuống ruộng'

Giáo dục thụ động sẽ biến con người thành nô bộc

'Chúng ta không thể thoát khỏi đổi mới giáo dục'