Một chủ trương nhắm vào vấn đề văn minh đô thị, nhưng chưa hẳn đã là một chủ trương thấu triệt lòng dân.

LTS: Câu chuyện TP.HCM đưa giải pháp xử lý câu chuyện người lang thang, cơ nhỡ, trong đó có chủ trương "không cho tiền người ăn xin" đã gây ra những tranh luận trái chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Phạm Huy Quân để bạn đọc tranh luận.

Thói thường, khi ai đó mở hầu bao cho tiền người ăn xin, ai cũng nghĩ đó là cách làm việc thiện nhằm giúp đỡ những người khốn khó. Rồi sau đó xuất hiện những câu chuyện về hành vi chăn dắt người ăn xin, lừa đảo, lợi dụng, biến tướng....

Khi biết lòng thương đặt nhầm chỗ, không ít người bị kích động và căm phẫn.  Bởi rất nhiều trong số những đối tượng lang thang kia là kẻ lừa đảo mà "nạn nhân" thì luôn  tình nguyện “đưa tiền”.

{keywords}

Ăn xin diễn ra một cách tràn lan (ảnh chụp sáng mùng 1 Tết tại chùa Vĩnh Nghiêm).Ảnh: VTCNews

Đáng quan ngại là, những người ăn xin theo dạng này, dù là lừa đảo, ở góc độ pháp luật không phải kẻ phạm pháp. Cái sự lừa đảo của họ đáng lên án nhưng cũng chả hại người đến mức khiến xã hội phải sôi sục.

Tựu trung, nếu coi ăn xin là một nghề, người đi ăn xin là một... giới, thì trong giới ấy cũng tồn tại đủ cả tốt xấu trắng đen.

Nếu nhìn người ăn xin bằng con mắt ấy, thì sẽ bớt ngạc nhiên và thậm chí bớt đi cả phẫn nộ lẫn thất vọng khi lòng tốt bị đặt nhầm chỗ.

Mặt khác, có người ăn xin “chân chính” vì hoàn cảnh éo le, có người “giả tạo”.  Nếu vì  mất lòng tin mà ngoảnh mặt với tất cả  thì vô hình trung, người ta đang đánh mất đi một cơ hội để lòng từ bi đơm hoa kết trái. Vậy là những người ăn xin gặp cảnh ngộ trắc trở thực thụ không còn nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Vô hình trung, người ta khiến những “lao động bắt buộc” không hoàn thành “chỉ tiêu” và nhận những hình phạt tàn khốc.

Vì sự gặp gỡ chỉ trong chốc lát thế nên rất khó phân biệt “ăn xin thật”, “ăn xin giả”. Thử tạm quên đi câu chuyện "trá hình". Thử hy vọng, trong số 10 người ăn xin nhận được món quà bố thí, chỉ cần 1 người có hoàn cảnh khó khăn thực thụ, như thế bạn đã làm được một việc thiện, có ý nghĩa.

Phải chăng nửa vời?

TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định về việc đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào cơ sở xã hội.  Theo đó, thành phố phổ biến đến người dân chủ trương “không cho tiền người xin ăn”. Người dân có lòng hảo tâm đóng góp thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội thành phố....

{keywords}
Con nghiện ma túy ở TP.HCM đứng đường ăn xin với bụng bầu giả. Ảnh: Tuấn Kiệt

Quyết định của Thành phố Hồ Chí Minh vì sự văn minh của đô thị, đương nhiên, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cái quyết định kia vẫn mới ở mức độ “nửa vời”.

Vì sao, vì đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không nơi cư trú vào các cơ sở xã hội, tức là chưa giải quyết được những người ăn xin “có nơi cư trú nhất định”.

Chủ trương “không cho tiền người xin ăn” xem ra chưa ổn! Bởi dù đây chỉ là chủ trương, tức là không thuộc phạm trù quy định của pháp luật, nhưng vẫn phạm phải khoản 2, điều 16 của Hiến pháp năm 2013: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Có lẽ, mục đích của TP Hồ Chí Minh khi ban hành chủ trương này là nhằm giải quyết “từ ngọn” vấn đề người ăn xin. Nếu không ai cho tiền, người ăn xin đương nhiên sẽ “thất nghiệp” và như thế sẽ không còn người đi xin nữa chăng?

Trên thực tế, chủ trương này khó đưa vào cuộc sống. Bởi lẽ, theo thông lệ, lòng thương cảm thường chỉ nổi lên khi gặp trực tiếp những con người đáng thương.  Làm việc thiện như vậy dễ dàng hơn là việc đi tìm những tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội để đóng góp.

Có lẽ, nên tính bài toán từ gốc. Với những “lao động bắt buộc”, cơ quan chức năng như công an, toà án phải vào cuộc xử lý những “ông trùm, bà trùm” chuyên chăn dắt.  Còn với những “lao động tự do”, không thể xử lý họ theo cách “xé vé đồng hạng”.

Với những người không nơi cư trú cố định, không có người phụ thuộc, có thể đưa họ về các trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng và đào tạo nghề. Còn thành phần sống tại thành phố, hoặc có người phụ thuộc, phải phân định từng hoàn cảnh cụ thể để các tổ chức chính trị, xã hội tìm ra phương án hỗ trợ tối ưu. Có như thế, mới hy vọng giải quyết triệt để vấn đề người ăn xin, đem lại hình ảnh hiện đại, văn minh cho đô thị.

Phạm Huy Quân