Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Cộng hòa Italia đến đất nước hình chữ S (5-8/11/2015).

Italia nằm ở phía Nam châu Âu, với tổng diện tích 301.338 km2 (chỉ nhỏ hơn Việt Nam khoảng 30.000 km2).

Người viết bài này từng có hơn một lần rong ruổi xứ này và nhiều lúc cảm thấy như mình đang đi dọc từ Bắc vào Nam của đất nước hình chữ S.  

Thật vậy, Italia cũng có ba miền Bắc, Trung, Nam, núi non ngút ngàn thoải dần xuống phương Nam với mênh mông biển rộng kề bên (khác là Việt Nam chỉ có biển phía Đông).

Nếu ai từng tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế của Italia thì sẽ thấy có điểm “na ná” như cơ cấu phát triển kinh tế của Việt Nam. Đó là hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng năm đóng góp tới gần 2/3 tổng sản phẩm quốc dân… 

{keywords}

Tổng thống Sergio Mattarella sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-8/11/2015. Ảnh: AP

Tình hữu nghị lâu năm 

Đó là những nét tương đồng về địa lý, xã hội. Còn quan hệ giữa hai nước từ lâu đã rất hữu nghị và thân thiện! 

Từ những thập niên giữa của thế kỷ trước, nhân dân và nhiều đảng phái, chính giới Italia đã rất ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Việt Nam.  

Ông Pino Tagliazucchi, một học giả nổi tiếng và là thành viên tích cực của Hội hữu nghị Italia - Việt Nam, từ năm 1965 đã dành không ít thời gian nghiên cứu, và viết sách về Việt Nam.

Sau khi ông mất (2005), con gái ông Nora Tagliazucchi đã giao lại toàn bộ tác phẩm đó cùng gần 5.000 ấn phẩm về Việt Nam do ông sưu tầm cho chính quyền thành phố Allerona. Ngày 22/2/2014, thư viện “Những cuốn sách quý của Pino Tagliazucchi về Việt Nam và lịch sử hiện đại” ra đời tại đây. 

Trước thư viện này, tại thành phố Torino cũng có Trung tâm nghiên cứu Việt Nam với khoảng 4.000 cuốn sách các loại về Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.  

Vừa qua, 5/2015, ông Antonio Turatti - Chủ tịch tập đoàn Turatti nổi tiếng của Italia đã đến Việt Nam. Từ sân bay quốc tế Nội Bài, ông A. Turatti đi ô tô thẳng đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường Hoàng Diệu, thắp hương tưởng nhớ vị tướng tài danh mà ông từng gặp gần 20 năm trước trên đất Italia. Ngày hôm sau đoàn của ông vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh… 

Thật không ngẫu nhiên, CH Italia là quốc gia Tây Âu sớm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam (23/3/1973), đồng thời là nước đi đầu nối lại và phát triển quan hệ, hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ trì trệ bởi cái gọi là vấn đề Campuchia (1979 - 1989). Sau này, Italia cũng là nước Tây Âu đầu tiên ủng hộ việc tăng cường hợp tác, ủng hộ Việt Nam và Liên minh châu Âu tại các diễn đàn quốc tế.  

Mở đầu là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Italia G. De Michelis (tháng 12/1989). Đôi bên khẳng định, Việt Nam coi Italia là một trong những cầu nối quan trọng để mở rộng hợp tác với Liên minh châu Âu, còn Italia coi Việt Nam là “đầu cầu” bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ để thâm nhập vào châu Á, nhất là với các nước ASEAN.  

Vào những năm cuối của thế kỷ XX, thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… đã thực hiện các chuyến thăm chính thức Italia. Ở chiều ngược lại, cùng thời gian này, nhiều lãnh đạo Italia cũng có các chuyến thăm Việt Nam. 

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, quan hệ hai nước thực sự bước sang một kỷ nguyên mới.

Đầu tiên phải nói đến chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italia vào tháng 1/2013 của TBT Nguyễn Phú Trọng và hai nước đã ký Tuyên bố chung Quan hệ đối tác chiến lược. Hơn một năm sau, tháng 6/2014 Thủ tướng Italia Matteo Renzi thăm chính thức Việt Nam.

Việc Việt Nam là điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông trở thành Thủ tướng (2/2014), đồng thời ông cũng là Thủ tướng đầu tiên của CH Italia thăm chính thức Việt Nam có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.  

Chỉ hơn ba tháng sau (giữa tháng 10/2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt ở Milan dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 10) sau đó thăm chính thức Italia.  

Và tiếp đến, 5 - 8/11/2015, lần đầu tiên một Tổng thống Italia sẽ thăm Việt Nam.

{keywords}

Đoàn DN Italia trao tặng tập Album ảnh tư liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng (giữa) - tại nhà riêng - Ảnh: Bùi Đức Khiêm

Quan hệ thương mại bứt phá 

Năm 2014 là năm quan hệ thương mại Việt Nam - Italia tăng tốc và bứt phá rõ nhất. Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước vượt ngưỡng 4 tỷ USD (xấp xỉ 4,1 tỷ USD), tăng 17% so năm 2013.  

Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, 4 - 5 năm qua phần lớn trao đổi thương mại với Việt Nam của các nước thành viên EU đều tăng trưởng thấp hoặc giảm, thì Italia liên tục bứt phá ấn tượng, năm sau cao hơn năm trước trên dưới 15%! Vượt ngưỡng 4 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014, Italia trở thành đối tác thương mại thứ tư 4 với Việt Nam trong EU.  

Một số tập đoàn sản xuất lớn của Italia có mặt ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 90 và đầu thế kỷ XXI như: Technip Italia, Danieli Officina, Fiat Iveco, Piaggio… Gần đây, có thêm nhiều DN khác.

Tuy nhiên, đầu tư của Italia vào Việt Nam còn khiêm tốn cả về số dự án cũng như tổng vốn đăng ký, chỉ đứng thứ 9 trong EU và thứ 28 trong số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (tính đến hết 2014).  

Nhận thấy hạn chế này, hai nước đã thành lập một Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác Kinh tế. Khóa họp lần thứ hai mới diễn ra ngày 16/10/2015 ở Roma. Tại đây, Diễn đàn “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và cơ hội hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Italia” đã được tổ chức với sự tham dự của hơn 20 DN đến từ Việt Nam và hơn 70 tập đoàn, DN nước chủ nhà. Hai bên cũng xác định Khóa họp lần thứ ba của Ủy ban sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2016 với các hoạt động kinh tế quan trọng.  

Năm 2015 sẽ là dấu mốc trong quan hệ hai nước với việc Tổng thống Sergio Mattarella thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống CH Italia đến đất nước hình chữ S.

Mục đích của chuyến thăm không gì khác như chính lời Tổng thống Sergio Mattarella khẳng định tại buổi tiếp Đại sứ Việt Nam Cao Chính Thiện trình quốc thư ngày 1/10/2015: “Quan hệ Italia - Việt Nam đang phát triển tốt đẹp về nhiều mặt. Hai nước cần phải phải không ngừng nỗ lực để tiếp tục phát triển mối quan hệ ấy lên những tầm cao mới”!  

Đây cũng chính là bước khởi động, tạo đà không thể quan trọng hơn cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Italia trước khi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được ký kết vào cuối năm 2015.  

Bùi Đức Khiêm