Đừng nên chỉ hướng sự chú ý của dư luận vào bi kịch của những gia đình có con mắc bệnh, đừng nên chỉ tìm cách công kích Bộ Y tế. Cái chúng ta cần nhất là những đứa trẻ cần được khỏi bệnh - GS.TS Lê Đăng Hà, nguyên Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới chia sẻ.

Dịch sởi không có biến chủng

Thưa GS Lê Đăng Hà, các phát ngôn của Bộ y tế trong các cuộc họp báo gần đây và của nhiều chuyên gia khác cứ luẩn quẩn trong việc nên công bố dịch sởi hay chỉ cần thông báo về bệnh này. Là người có có nhiều kinh nghiệm trong ngành lây nhiễm, quan điểm của ông thế nào?

Thời điểm này chuyện công bố dịch hay không công bố dịch không phải là vấn đề mấu chốt. Nếu công bố dịch, ta sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính quyền, các cơ quan nhà nước đều phải có trách nhiệm tuyên truyền. Còn thì Bộ Y tế dù có công bố dịch hay không vẫn phải làm đúng trách nhiệm của mình: phòng và điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh Sởi thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân, theo chu kỳ 3 -5 năm lần. Nếu số lượng các ca mắc Sởi đã giảm theo đúng quy luật mùa, thì tuyên bố dịch lúc này là không cần thiết nữa. Nếu có làm thì nên làm từ 1-2 tháng trước.

Quan trọng bây giờ là dứt khoát điều trị dứt điểm bệnh, thống nhất phác đồ điều trị đúng để không có thêm những trường hợp tử vong mới.

Nhưng như phản ánh ở Bệnh viện Nhi Trung Ương thì số ca mắc Sởi nhập viện không có dấu hiệu giảm?

Cái đó chúng ta nên tin thống kê của Bộ Y tế. Khi tôi còn là Viện trưởng Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới, tôi rất hiểu điều này. Mỗi bác sĩ ở bệnh viện chỉ nhìn thấy tình trạng bệnh nhân ở viện mình, chứ không có cái nhìn bao quát cả nước. Chúng ta không thể dự đoán tình hình dịch bệnh theo kiểu "thầy bói xem voi". Phải tin Bộ Y tế.

h{keywords}
  Dịch sởi đang ở đỉnh điểm. Ảnh: Kiến thức

Số bệnh nhân nhi tử vong lên tới trên 110 trẻ theo ông có phải là bất thường?

Theo "Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm" thì tỉ lệ mắc bệnh Sởi của chúng ta đã giảm từ 91/100.000 dân (năm 1986) xuống còn 2,35/100.000 dân (năm 2006), dịch Sởi có thể vẫn xảy ra, nhưng với quy mô cực nhỏ so với khi chưa có vắc xin.

Việt Nam cũng đã cam kết với WHO là sẽ thực hiện các chiến lược loại trừ Sởi vào năm 2017 với tỉ lệ mắc Sởi không quá 1/1.000.000 dân. Nói như vậy để thấy việc tiêm vắc xin đã hạn chế được căn bệnh này hiệu quả như thế nào, nên số người mắc Sởi và số trẻ tử vong do Sởi trong những tháng Đông - Xuân vừa qua là vô cùng bất thường.

Nhưng thay vì kết tội cho biến chủng, trước hết chúng ta cần nhìn lại những vấn đề sau:

Thứ nhất, sau khi vắc xin phòng Sởi được phổ biến rộng rãi, bệnh Sởi đã giảm rất nhiều, nay tự nhiên lại bùng lên như thế, thì đó là dấu hiệu rất đáng lo trong vấn đề tiêm chủng. Nguồn lây của Sởi rất khó ngăn chặn. Bệnh Sởi lây từ lúc chưa có những triệu chứng rõ rệt, khi người mắc bệnh vẫn đang trong thời gian ủ bệnh. Đến lúc phát ban thì mới cách ly thì đã muộn. Nên cách duy nhất để phòng chống bệnh Sởi hiệu quả vẫn là tiêm chủng.

Nếu chúng ta thực hiện đủ những bước sau: Tiêm đủ 2 mũi lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi; nhiệt độ bảo quản vắc xin chuẩn là 2 -10oC, nhưng lý tưởng nhất là 8oC; vacxin sau khi đã pha nước cất sẽ không được phép sử dụng sau 8 tiếng thì tỉ lệ trẻ mắc bệnh Sởi sẽ là cực thấp.

Vậy mà số ca mắc Sởi lại tăng đột biến trong mấy tháng vừa qua thì chúng ta bắt buộc phải đặt câu hỏi: Có đúng là tỉ lệ tiêm vắc xin là 99% hay đó chỉ là con số ma mà các địa phương báo cáo Bộ Y tế? Vacxin đưa về các địa phương có được bảo quản theo đúng quy định hay không? Nếu đúng thì không có lý do gì dịch Sởi bùng phát.

Việc đợt dịch Sởi này xảy ra sau những rùm beng về vắc xin năm 2013 cũng là điều đáng lo ngại. Tôi không có con số cụ thể về số trẻ ở từng độ tuổi cụ thể nhiễm bệnh, nhưng nếu những trẻ đó không được tiêm đủ 2 mũi vắc xin do bố mẹ lo ngại vắc xin gây sốc phản vệ thì đó sẽ là chuyện hết sức đáng lo mà chúng ta cần phải đặc biệt chú ý để tuyên truyền cho người dân.

Vậy ý ông là để dịch Sởi bùng phát và gây tử vong cao như thế này là do những nguyên nhân vừa nói trên? Tai sao ông không tính đến phương án biến chủng Sởi?

Tôi đã chữa cho không dưới 10.000 bệnh nhân Sởi. Tôi khẳng định là không có biến chủng. Ở miền Nam cũng có Sởi, nhưng không có trường hợp tử vong. Các bệnh viện ở Hà Nội để xảy ra tử vong quá nhiều thì chỉ có hai vấn đề: bệnh nhân được đưa đến quá muộn, điều trị không đúng cách và quá tải dẫn đến lây chéo. Những triệu chứng của các bệnh nhân Sởi tử vong đợt vừa qua hầu như đều là do bội nhiễm phổi và viêm não chứ không có biến chủng nào cả.

Có một điều này mà tôi nghĩ chúng ta cần lo lắng, đó là bệnh Sởi đã khá lâu không xuất hiện hoặc xuất hiện khá lẻ tẻ. Nhiều bác sĩ không có kinh nghiệm chữa bệnh Sởi, nên có thể dẫn đến cách điều trị không đúng, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Hiện nay chúng ta dùng qúa nhiều loại kháng sinh, nên tôi cũng lo rằng có thể chúng ta đã chọn loại kháng sinh không phù hợp cho việc điều trị với những biến chứng viêm phổi ở trẻ do bội nhiễm. Cái này các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ nắm rõ hơn. Bộ Y tế nên có những phác đồ điều trị cho các bác sĩ để họ ứng phó. Tôi nhấn mạnh là không có ý nói các bác sĩ hiện nay kém, mà là có thể là họ chưa có kinh nghiệm, vì bệnh Sởi không phải là bệnh thường gặp nhiều năm gần đây.

Ông có thể chỉ cho các ông bố, bà mẹ biết làm thế nào để phân biệt được thế nào là Sởi nặng và Sởi nhẹ để kịp thời đưa con đến bác sĩ trước khi quá muộn?

Bệnh Sởi bao giờ cũng mọc từ đỉnh trán rồi lan dần xuống toàn thân. Ngày thứ nhất mọc đến cổ, ngày thứ hai mọc đến ngực, ngày thứ ba mọc đến tay, ngày thứ tư mọc ở chân. Nếu không mọc đúng theo theo quy tắc này thì không phải là Sởi.

Nếu Sởi mọc hết ra ngoài, mọc dầy thì có nghĩa là Sởi nhẹ, không nguy hiểm, sau đó người mắc bệnh sẽ tự khỏi. Nếu các nốt Sởi chỉ mọc lưa thưa, hay mọc nửa người mà không lan xuống chân, đó chính là biểu hiện đáng lo. Lúc đó sẽ cần phải đưa trẻ đi khám xem có bị sốt cao không, có vấn đề gì về phổi không. Nếu sau 5 ngày, trẻ đã hạ sốt mà bỗng nhiên sốt trở lại, thì hoặc là viêm tai, hai là viêm phổi, chắc chắn có biến chứng.

Bỏ tiêm vacxin có thể là nguyên nhân dịch

{keywords}
GS.TS Lê Đăng Hà. Ảnhr: Lan Hương

Bệnh sởi như ông nói là căn bệnh "cổ điển", không xa lạ. Vậy tại sao nó lại gây ra hậu quả nghiêm trọng với số trẻ tử vong nhiều bất thường, gây hoang mang, hoảng hốt cho chúng ta như hiện nay?

Bộ Y tế sẽ phải xem lại vấn đề tuyên truyền về bệnh Sởi cho người dân, để họ hiểu bệnh Sởi có thể biến chứng. Và khi sốt thì phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Nhưng quan niệm dân gian của mình hay có thói quen chữa Sởi ở nhà bằng hạt mùi chẳng hạn, cộng với việc chăm sóc, kiêng khem không đúng cách, đến khi trẻ viêm phổi rồi mới đưa vào bệnh viện, thì đến lúc đó khó cứu chữa, mà biến chứng phổi là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ.

Khi bị Sởi, đường hô hấp của trẻ bị tổn thương, dễ dẫn đến bội nhiễm gây ra viêm phổi, nhất là với trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa tốt sẽ dễ dẫn đến tử vong.

Có một vấn đề là nhiều người dân tập trung đưa con về các bệnh viện tuyến Trung ương, mà bệnh viện Nhi là điển hình, khiến cho cái mà họ nhìn thấy càng kinh khủng hơn. Truyền thông trong cách đưa tin, phản ánh tình hình, cũng khiến cho người dân hoang mang.

Thú thật ngay cả tôi là bác sĩ chuyên ngành lây nhiễm, sống chung với Sởi từ thời chiến tranh đến giờ, điều trị không dưới 10.000 ca Sởi, nhưng cứ đọc báo, xem đài như mấy ngày qua, tôi cũng thấy hoảng. Người dân không có kiến thức y khoa, sẽ còn hoảng hốt đến nhường nào với cách phản ánh một chiều của truyền thông, chỉ nói đến hậu quả chứ không nói đến cách giải quyết, chỉ lên án và tìm cách quy kết trách nhiệm chứ không đưa ra  biện pháp.

Thú thật ngay cả tôi là bác sĩ chuyên ngành lây nhiễm, sống chung với Sởi từ thời chiến tranh đến giờ, điều trị không dưới 10.000 ca Sởi, nhưng cứ đọc báo, xem đài như mấy ngày qua, tôi cũng thấy hoảng. Người dân không có kiến thức y khoa, sẽ còn hoảng hốt đến nhường nào.

Đừng nên chỉ chăm chăm đưa tin về tình hình hỗn loạn ở bệnh viện, đừng nên chỉ hướng sự chú ý của dư luận vào bi kịch của những gia đình có con mắc bệnh, đừng nên chỉ tìm cách công kích Bộ Y tế. Chúng ta quên mất một điều rằng, cái chúng ta cần nhất là những đứa trẻ cần được khỏi bệnh.

Truyền thông cũng mắc lỗi này trong vụ vacxin Quinvaxem và vụ vacxin ở Quảng Trị. Hậu quả là nhiều đứa trẻ không được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc không được tiêm đủ hai mũi vì sự hoảng sợ của cha mẹ trước những thông tin đáng sợ đọc trên báo mỗi ngày.

Chúng ta làm người dân chỉ để ý đến việc đã có trẻ tử vong vì tiêm vacxin rồi quy tội cho vacxin, mà khiến họ quên mất rằng tỷ lệ bị sốc phản vệ là đương nhiên có ở cả những quốc gia có nền y tế hiện đại hơn nhiều; nhưng ngoài chuyện đó ra thì phần lớn những đứa trẻ sẽ được bảo vệ khỏi bệnh dịch.

Việc không đi tiêm vắc xin có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đợt dịch Sởi này. Và nếu vẫn còn tâm lý không cho con đi tiêm vắc xin vì e sợ, thì việc xuất hiện những đợt dịch khác, nghiêm trọng hơn, với hậu quả nặng nề cũng sẽ là điều không có gì phải ngạc nhiên.

GS. TSKH Lê Đăng Hà tốt nghiệp Trường Lômônôxốp (Matxcova). Về nước, ông được bổ nhiệm là Bí thư Đảng ủy- Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng ban điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới.  Hiện ông đã nghỉ hưu. Năm 2003, GS Lê Đăng Hà cùng các cộng sự của mình lập một kỳ tích là chặn đứng dịch SARS đã từng lan ra toàn cầu. Ngày 21/10/2009 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Lan Hương (Thực hiện)