Cũng nên mở rộng thêm, với đặc thù truyền hình so với các loại báo khác, những phóng viên truyền hình dễ nổi tiếng hơn, dễ trở thành ngôi sao hơn, nhưng  vì thế cũng dễ tai tiếng hơn.

Quay lại với công chúng sau hơn chục năm vắng bóng, cô thực tập sinh Nhà Trắng  nổi tiếng Monica Lewinsky đã có bài thuyết trình liên quan đến quyền tự do ngôn luận mang tên: “Cái giá của nỗi nhục nhã”.

“Chúng ta hay nói nhiều về quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng ta cần nói nhiều hơn về trách nhiệm của chúng ta với tự do ngôn luận. Tất cả chúng ta đều muốn được lắng nghe, nhưng hãy nhìn nhận sự khác nhau giữa nói có mục đích và nói để được chú ý. Bao dung giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn và an toàn hơn”, Monica Lewinsky  nói.

Thông điệp trên về sự bao dung càng ngẫm càng đúng trong thời kỳ bùng nổ thông tin  toàn cầu. Soi chiếu vào nhiều sự kiện gần đây mới càng thấy báo chí, truyền thông cần một tâm thế bao dung đến mức nào để phát huy sức mạnh của “tự do ngôn luận”.

Chỉ nói riêng trong lĩnh vực báo chí, cách dùng các nghiệp vụ chuyên môn như xảo ngôn, lộng ngữ, ém nhẹm thông tin, đổi trắng thay đen, tung tin thất thiệt… khiến bao số phận lao đao điêu đứng, khiến cho cộng đồng nhiều phen hoang mang mơ hồ… không biết đâu là thật đâu là giả.

Có lẽ, chỉ có đạo đức mới đủ khả năng, đủ chức năng điều chỉnh được hành vi của người làm báo, khiến cho nhà báo biết đâu là điểm dừng, biết đâu là giới hạn của “chừng mực, tử tế, đàng hoàng” trong cái nghề cao quý nhưng lắm cạm bẫy này. Lạm dụng báo chí, lạm dụng truyền thông vì lợi ích riêng, vì tiền tài danh vọng… đều là biểu hiện của một thái độ tiêu cực, thiếu đạo đức.

Người viết bài này nhớ đến vụ việc xôn xao dư luận gần đây. Một vụ việc về học sinh hút shisha, đã gây ra cơn bão dư luận với những phản ứng, bất bình. Và cuối cùng, cơ quan báo chí đó phải có lời xin lỗi. Bởi chương trình hoàn toàn không phải phóng sự, bám sát đời thường, thực tiễn, mà chỉ là sự dàn dựng.

{keywords}

Clip dàn dựng học sinh hút shisha đã gây ra cơn bão dư luận

Xin lỗi là một nét đẹp của đạo đức, là một điều nên làm, phải làm, nhưng nhận thức chính xác sai lầm thì lời xin lỗi mới thỏa đáng, mới làm cho người được xin lỗi cảm thông an lòng. Bỏ qua sự tranh cãi đây là loại phóng sự gì, là phóng sự điều tra hay phóng sự dàn dựng thì điều mà ai cũng thấy được là các nhà báo làm chương trình này đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tệ nhất, đối tượng, nhân vật của họ lại là những học sinh, những đứa trẻ đang ngồi ghế nhà trường…

Tổn thất về mặt tinh thần cho các em, cho cha mẹ các em, cho gia đình người thân các em trong vụ việc thật khó bù đắp.

Nhưng đây cũng không phải là chuyện hy hữu, ngoại lệ. Vụ “Vợ chồng hát rong và Điều ước thứ 7” phát trên sóng VTV3 ngày 10/01/2015, vụ “Cụt tay, cụt chân vẫn lái xe ô tô” do Đài PT&TH Bình Định thực hiện ngày 26/08/2013… đến bây giờ vẫn còn ám ảnh dư luận, vẫn mãi là “dư âm” tai tiếng.

Nhớ lại lời của Thứ trưởng bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trong lần trả lời với báo chí nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/06/2014, ông đã từng cảnh báo:

Một thiếu sót lớn nữa tôi muốn nói đến chính là đạo đức làm báo. Nghề nào cũng cần phải có đạo đức, nghề báo lại càng phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Nhưng nhiều nhà báo vì lý do này, lý do khác vẫn phạm phải những sai phạm rất đáng tiếc. Những sai phạm đó là gì? Tung tin thất thiệt, đưa tin gây ảnh hưởng, phương hại đến tổ chức, cá nhân…”.

Và để trả lời câu hỏi “Làm báo hiện nay dễ hay khó?” của các đồng nghiệp, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định rõ ràng: “Làm báo thời nay thực sự khó, không dễ dàng chút nào”.

Cũng nên mở rộng thêm, với đặc thù truyền thông báo chí nước ta, với đặc thù truyền hình so với các loại báo khác, những phóng viên truyền hình dễ nổi tiếng hơn, dễ trở thành ngôi sao hơn, nhưng vì thế cũng dễ tai tiếng hơn. Biết giữ mình, giữ cho đồng nghiệp của mình là một điều không bao giờ thừa, bởi cái xấu và cái tốt ở thời thế giới phẳng này cũng lan nhanh như… sóng truyền hình vậy.

Chợt nhớ đến dự án “Tháp truyền hình cao nhất châu Á” mà truyền hình nước ta đang mơ ước, đang quyết tâm làm, mong rằng, đạo đức của những nhà báo nói chung, người làm truyền hình nói riêng cũng nên cao… ngang tầm.

Minh Phước