{keywords}
 Việt Nam bảo đảm đầy đủ quyền con người phù hợp với chuẩn mực quốc tế

Trong hai tuần từ 15-29/10/2018, Ủy ban 3 về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa tiếp tục chương trình làm việc khóa 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc với đề mục thảo luận về "thúc đẩy và bảo đảm quyền con người."

Ủy ban đã nghe báo cáo và đối thoại với Cao ủy Nhân quyền, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền, Chủ tịch các Ủy ban Công ước cùng hơn 50 thủ tục của Hội đồng Nhân quyền về nhiều chủ đề như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, lao động di cư, các quyền dân sự-chính trị, các quyền kinh tế-văn hóa-xã hội, quyền phát triển…

Các nước tiếp tục khẳng định cam kết và kêu gọi tăng cường nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh năm 2018 kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và 25 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna; đề cao tầm quan trọng và giá trị phổ quát của hai văn kiện này và nhấn mạnh ý nghĩa thiết yếu của việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người đối với mục tiêu duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển.

Trong khi ghi nhận những tiến bộ và thành tựu vượt bậc, các nước cũng chia sẻ quan ngại về nhiều mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí thụt lùi như tình trạng nạn đói có xu hướng tăng trở lại, bạo lực phụ nữ, trẻ em, kỳ thị, phân biệt đối xử, kích động hận thù, kèm theo đó là nhiều thách thức tiếp tục gia tăng đe dọa đến cuộc sống của người dân như xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố... 

Trước những thách thức chung đó, các nước đều nhất trí đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt ở cả cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó nhiều nước nhấn mạnh thúc đẩy và bảo đảm quyền con người theo nguyên tắc khách quan, công bằng, không thiên vị và không lựa chọn, thúc đẩy đối thoại xây dựng và hợp tác thực tâm trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Đoàn Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại nhiều phiên đối thoại. Phát biểu tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, trước những thách thức đang đặt ra hiện nay, các quốc gia cần tăng cường đoàn kết, chung tay hợp tác để tìm ra những giải pháp chung, cần duy trì vai trò của các diễn đàn Liên hợp quốc trong thúc đẩy đối thoại xây dựng và hợp tác thiện chí, thay vì đối đầu, áp đặt và chỉ trích. 

Liên hợp quốc, như đúng tên gọi của mình, cần trước hết là nơi các quốc gia đoàn kết, cùng phấn đấu vì các mục tiêu chung, đáp ứng sự trông đợi của cả thế hệ hiện nay và tương lai về hòa bình và phát triển bền vững như tinh thần chủ đề khóa họp năm nay "Để Liên hợp quốc gắn bó với tất cả người dân." 

Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm đầy đủ các quyền con người phù hợp với chuẩn mực quốc tế, chia sẻ những nỗ lực và thành tựu Việt Nam đã đạt được trong y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo... 

Nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng hợp tác và đối thoại về nhân quyền trên bình diện song phương, khu vực cũng như quốc tế, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam hiện có đối thoại và tham vấn thường niên với nhiều đối tác như Mỹ, Thụy Sỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Na Uy, tham gia và đóng góp tích cực tại Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về quyền con người, thông báo Việt Nam hiện là thành viên của bảy trong tổng số chín công ước quốc tế cơ bản về quyền con người và đang tiếp tục xem xét khả năng gia nhập Công ước về người mất tích cưỡng bức và Công ước về Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ. 

Đại sứ Đặng Đình Quý cũng nhấn mạnh Việt Nam đề cao hợp tác với các thủ tục của Hội đồng Nhân quyền, đánh giá cao chuyến thăm của Báo cáo viên về Quyền lương thực tháng 11/2017 vừa qua với nhiều trao đổi cởi mở, thẳng thắn và hiệu quả, và thông tin Việt Nam đang hoàn tất báo cáo quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ ba, dự kiến sẽ trình bày báo cáo này vào tháng 1/2019./.

Thu Thủy