-Những câu chuyện tưởng rất khác nhau song đều cho thấy tư duy pháp quyền của chúng ta còn chưa rõ ràng do có sự lẫn lộn giữa tình cảm và pháp luật.

Mấy năm gần đây, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) thu hút được sự quan tâm của dư luận. Gần đây hơn nữa, khi lễ hội đập trâu ở Hương Nha (Phú Thọ) được khôi phục nó cũng gây ra nhiều tranh cãi. Đã có nhiều bài viết dưới góc độ văn hóa. Trong bài viết này, người viết muốn thông qua phản ứng của người dân về các lễ hội để bàn về một khía cạnh khác - tư duy pháp quyền ở nước ta.

Tư duy pháp quyền chưa rõ ràng

Về mặt cá nhân, xin khẳng định ngay rằng người viết không ủng hộ các lễ hội này (và bất cứ lễ hội nào có cách thức tổ chức tương tự) vì cách thức thực hành tín ngưỡng của chúng. Cảnh chém lợn làm đôi, cảnh hơn chục thanh niên dùng vồ gỗ đập đầu trâu đến chết không thể gọi là nét đẹp trong các hành vi được gọi là nghi thức đó. Người viết cho rằng luôn có những cách khác để bày tỏ niềm tự hào và sự tri ân đối với các bậc tiền nhân được thờ cúng thay vì những lễ hội trở thành… hủ tục như vậy.  

Từ góc độ người quan sát, chúng ta có quyền thấy ghê sợ và không ủng hộ. Nhưng Việt Nam chưa có đạo luật cấm ngược đãi động vật. Các đạo luật có liên quan tới động vật như Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học cũng chỉ đề cập tới việc bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Xét từ góc độ pháp luật về văn hóa, các quy định hiện hành, thí dụ như Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL quy định về nếp sống văn minh trong việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội cũng mới chỉ quy định hết sức chung chung về việc “ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội” (Điều 12, điểm g).

{keywords}

Do đó, trong tương lai nếu người dân có biện pháp vận động nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật về việc tổ chức các lễ hội và xa hơn nữa là về quyền động vật, đó sẽ là câu chuyện khác. Chưa bàn tới việc pháp luật nên can thiệp tới mức độ nào tới các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; về mặt pháp lý chừng nào chưa có những quy định đó thì việc dùng quyết định hành chính cấm đoán một vài lễ hội cụ thể là việc làm không phù hợp với một xã hội pháp quyền.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã liên hệ các lễ hội có hành vi sát hại động vật thậm chí còn ở mức độ nghiêm trọng hơn trên thế giới để minh họa cho các lễ hội dạng này ở Việt Nam. Chúng vẫn diễn ra dù gặp phải sự phản đối của rất nhiều người dân, các hiệp hội cũng như sự quan ngại của chính quyền. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, việc tôn trọng quyền tự do của người khác khi họ không vi phạm pháp luật là một yếu tố quan trọng trong xã hội pháp quyền. Đây là tư duy mà rất nhiều người dân ở Việt Nam còn chưa được trang bị.

Liên quan tới pháp luật, người viết muốn liên tưởng câu chuyện các lễ hội này với hai vụ việc tưởng như ít liên quan tới văn hóa.

Gần đây, báo chí đưa tin cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiến hành xử lý hàng trăm con mèo nhập lậu từ Trung Quốc. Dù về mặt pháp luật, đó là một việc làm đúng với quy định hiện hành, chẳng hạn như Bộ luật Hình sự và Pháp lệnh Thú y để xử lý hàng hóa nhập lậu và ngăn chặn khả năng gây bệnh truyền nhiễm. Thế nhưng, cách xử lý đó đã khiến cho nhiều người có phản ứng phẫn nộ vì cho rằng đây là hành vi tàn nhẫn.

Pháp luật cần điều chỉnh, bổ sung

Mấy năm trước đây, trong vụ án Lê Văn Luyện sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang, do kẻ thủ ác chưa đủ 18 tuổi nên căn cứ vào Điều 34, 35 của Bộ luật Hình sự, hình phạt tù chung thân hoặc tử hình không thể được áp dụng. Dư luận xã hội khi đó có rất nhiều ý kiến bất bình, cho rằng bản án bất hợp lý, nhiều người thậm chí còn đòi có ngoại lệ xét xử vượt khung.

Những câu chuyện trên đây tưởng rất khác nhau tựu chung đều cho thấy tư duy pháp quyền của chúng ta còn chưa rõ ràng do có sự lẫn lộn giữa tình cảm và pháp luật. Sự ủng hộ xã hội pháp quyền thực chất chỉ là ủng hộ khi thấy “cái lý đi đôi với cái tình” mà quên mất rằng đôi khi giữa chúng có khoảng cách. Xây dựng xã hội dựa trên nền tảng pháp quyền đòi hỏi sự thích nghi đôi khi không hề dễ dàng cho người dân vốn quen với tâm lý xuề xòa “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”.

Rõ ràng, tư duy pháp quyền của người Việt chưa mạnh, không chỉ từ phía cơ quan nhà nước mà cả phía người dân. Xã hội pháp quyền không thể tồn tại nếu chúng ta chỉ thích pháp luật được vận dụng theo nguyện vọng và tình cảm (dù là của số đông), chứ không phải theo một cơ chế khách quan, vô tư và đôi khi khá ... vô tình.

Hãy nhớ lại bộ phim Bao Thanh Thiên xử án được bao nhiêu người yêu thích. Bên cạnh rất nhiều lần chúng ta vui mừng khi kẻ ác bị trừng trị, công lý được thực thi, cũng có những lần chúng ta thấy ông cứng nhắc đến cực đoan để bảo vệ pháp luật. Có thể những lúc đó chúng ta bực bội nhưng đó chính là hình ảnh mẫu mực của cách thức thực thi pháp luật trong xã hội pháp quyền: Phải tôn trọng pháp luật đến cùng.

Nhưng mặt khác, vì tôn trọng pháp luật là điều kiện tiên quyết để có xã hội pháp quyền, lâu dài, chất lượng của pháp luật phải được cải thiện, bởi pháp luật thường đi sau cuộc sống. Để việc thực thi pháp luật không trở thành gánh nặng hoặc thậm chí đi ngược lại mong muốn của số đông người dân thì pháp luật phải hợp lý, phải được điều chỉnh, bổ sung. Khi pháp luật hợp lý, khoảng cách giữa lý và tình sẽ thu hẹp lại, việc chấp nhận và tuân thủ pháp luật sẽ tiệm cận với những chuẩn mực đạo đức hơn.

Tóm lại, xã hội pháp quyền là nhu cầu tất yếu của phát triển song cần nhận thức đầy đủ rằng nó hàm chứa cả chi phí và lợi ích. Một mặt, cần làm quen với việc tôn trọng quyền tự do của người khác và chấp nhận “cái giá” về mặt tình cảm trong xã hội pháp quyền; mặt khác vấn đề chất lượng văn bản pháp luật cần phải được chú trọng. Đây sẽ là hành trình rất dài mà Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu.

  • Khương Duy