Chừng nào người dân có thể ung dung và khoan thai di chuyển trên đường mà không lo cần cẩu hay những thứ gì đó rơi vào đầu?

Mấy hôm trước, một bạn làm báo thắc mắc hỏi tôi “sao dạo này công trình tàu điện cao tốc ở Hà Nội hay xảy ra sự cố thế nhỉ? Nguyên nhân nằm ở đâu?” Chưa kịp trả lời thì sau lại nghe tin có cháy. Mà mới trước đó chẳng bao lâu, cũng lại một vụ sập cần cẩu ở Đồng Tháp đã cướp đi sinh mạng của ba mẹ con. Người dân quả là đang phải đối mặt với biết bao “tai bay, vạ gió”.

{keywords}
Hiện trường vụ sập cần cầu đường sắt trên cao. Ảnh VietNamNet

Còn nghèo nên phải 'bóc ngắn cắn dài'?

Có những ý kiến cho rằng Việt Nam đang làm nhiều thứ đi ngược thế giới! Tuy nhiên, phần lớn những ai làm chuyên môn hay quản lý đều có một câu trả lời giống nhau: “Không phải chúng ta không biết, mà do chúng ta nghèo, thiếu vốn nên phải bóc ngắn, cắn dài khiến nhiều thứ bị dở dang”. Còn có nhiều lý do khác như chiến tranh, dân trí, hay thậm chí là tâm linh được sử dụng để biện minh cho các yếu kém trên khắp đất nước, và lý do nào xem ra cũng hợp lẽ.

Tuy nhiên, theo người viết, có ba nguyên nhân cốt lõi mà chúng ta đều biết nhưng không chịu thừa nhận hoặc miễn cường thừa nhận là: (i) tầm nhìn ngắn, hẹp; (ii) không chịu hợp tác cùng nhau; và (iii) đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Tầm nhìn giới hạn thường khiến cho người ta có xu hướng né tránh, đổ lỗi. Ví dụ, với các khu nhà gỗ xuống cấp, những con ngõ ngoằn nghèo khó định vị cụ thể địa chỉ thì được được giải thích là tàn dư của thời bao cấp, khi đất nước còn khó khăn… Tuy nhiên, với thực tế tắc đường diễn ra hàng ngày và những bất cấp thường nhật tại nhiều khu khu đô thị mới, thì rõ ràng không thể đổ lỗi cho quá khứ.

Còn nhớ, khi cố thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho xây dựng đường Thăng Long – Nội Bài những năm 1990, từng có những ý kiến cho rằng sẽ lãng phí vì đường to quá, không phù hợp với một quốc gia xe đạp.

Có thể nói các hạn chế trong tầm nhìn có nguyên nhân từ quá khứ nghèo khó, sống khép kín, thiếu thông tin với thế giới xung quanh trong một thời gian dài đã khiến cho tâm trí của nhiều thế hệ bị “bó” lại. Nếu có ai vì tính công năng sử dụng lâu dài, làm những thứ to lớn, hay rộng rãi một chút sẽ có thể bị coi là lãng phí hay “hợm hĩnh”.

Thực ra thì thời điểm quy hoạch khu đô thị Mỹ Đình, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài. Nhiều lãnh đạo vào thời đó đã được đi đây đi đó nên không thể không biết ở các nước khác người ta làm quy hoạch đô thị như thế nào. Thế nhưng Hà Nội vẫn xây dựng một khu đô thị với phần lớn công năng nằm trên mặt đất. Ai đó có thể giải thích điều này bằng lý do kinh tế (do thiếu vốn đầu tư), nhưng việc không có không gian cho các can thiệp cải thiện trong tương lai, có thể khẳng định tầm nhìn mới thực sự là nguyên nhân chính.

Hạn chế trong tầm nhìn cũng khiến cho các nhà quy hoạch khó dự báo những gì sẽ xảy ra, cũng như xác định các biện pháp can thiệp trong tương lai, nên dễ nảy sinh tâm lý làm đến đâu hay đến đấy, sai đâu sửa đấy hay... để mai tính.

Ngoài ra, vấn đề lợi ích nhóm cùng tính cách thiếu hợp tác, khó ngồi lại cùng nhau cũng phần nào làm cho ra các quy hoạch không đồng bộ, thiếu chuẩn bị. Cũng công trình dự án ấy, nếu các bên ngồi cùng nhau và lồng ghép các lĩnh vực thì có lẽ sẽ giảm thiểu được rất nhiều những nguy cơ những sự cố như vụ sập giàn giáo hay gẫy cần cẩu mới đây.

Giá như các con phố được quy hoạch to rộng hơn một chút và bên trên không có nhiều dây điện và các loại dây khác treo lơ lửng thì có thể đã không có vụ hỏa hoạn mới xảy ra.

Hơn chục năm trước, một đạo diễn có tên tuổi của Việt Nam từng nói trên truyền hình là không phải chúng ta không biết làm phim hay như Hollywood mà là do chúng ta không đủ tiền đầu tư cho các bộ phim hay. Thông cảm với tấm lòng và nhiệt huyết của vị đạo diễn này, nhưng có lẽ ông cũng giống như bao người Việt Nam khác – đem hoàn cảnh và sự nghèo túng ra để đổ lỗi cho các hạn chế của người mình.

Trên thế giới không phải nước nào cũng làm được phim hay như Mỹ, Pháp. Trong lĩnh vực âm nhạc không phải nước nào cũng có dàn nhạc giao hưởng. Cường quốc thể thao như TQ nhưng môn bóng đá nam của họ rất hạn chế. Nói như vậy có nghĩa rằng chúng ta không nên cố mãi ở những lĩnh vực không phải là thế mạnh, vì sẽ để lại những hệ lụy làm khó thế hệ sau.

Trong rất nhiều cái “cố” này, theo ý kiến chủ quan của tôi, có thứ chúng ta làm kém là Quy hoạch - nhưng có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội và để lại tác động lâu dài. Và thay vào "cố", chúng ta đi thuê bên ngoài sẽ hiệu quả và kinh tế hơn.

Câu hỏi chừng nào người dân có thể ung dung và khoan thai di chuyển trên đường mà không lo cần cẩu hay những thứ gì đó rơi vào đầu xem ra chưa thể có lời giải hợp lý, chừng nào đất nước vẫn còn được vận hành theo cách “mạnh ai nấy làm”, hạn hẹp trong tư duy, manh mún trong quy hoạch.

Trần Văn Tuấn