Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

{keywords}
TS Nguyễn Văn Đáng: Tư duy quản trị là một xu thế ngày càng phổ biến trên thế giới. Ảnh: Phạm Hải

Thưa ông, giới báo chí đã quen với các khái niệm quản trị doanh nghiệp, quản trị đô thị, quản trị rủi ro, quản trị toàn cầu… Tuy nhiên, có phải đây là lần đầu tiên văn kiện Đại hội Đảng sử dụng khái niệm “quản trị quốc gia”?

Đúng là có lẽ đây là lần đầu tiên văn kiện Đảng sử dụng đến khái niệm “quản trị”. Cụ thể hơn, trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 trình bày tại Đại hội 13, phần “Những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược của nhiệm kỳ Đại hội 13”, Đảng chủ trương: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”.

Khái niệm này cũng được sử dụng với hàm ý như vậy trong phần “Bài học kinh nghiệm” của Báo cáo kinh tế - xã hội 2016-2020; Nghị quyết Đại hội 13; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Như vậy, khái niệm “quản trị quốc gia” đã được sử dụng 4 lần trong văn kiện.

Khái niệm “quản trị” xuất hiện từ bao giờ và có hàm ý như thế nào?

Khái niệm “quản trị” vốn có nguồn gốc trong tiếng Hy Lạp cổ đại là “kubernân”, có nghĩa là điều khiển/chèo lái. Sau này, Plato sử dụng từ đó với hàm ý “thiết kế một hệ thống cai trị”. Đến thời Trung cổ thì trong ngôn ngữ Latinh xuất hiện từ “gubernare”, cũng hàm ý chèo lái/điều khiển hay cai trị thông qua pháp luật. Cho đến những năm 1970 thì “quản trị - governance” vẫn thường được sử dụng hoán đổi, cùng nghĩa với “cai trị - government”. 

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội Đảng 13, ban hành ngày 1/2/2021

 

Đầu những năm 1980, khái niệm “quản trị” được sử dụng ngày càng phổ biến hơn và với hàm nghĩa rộng hơn.

Quản trị không chỉ để cập đến các hoạt động của chủ thể nhà nước, mà còn mở rộng ra đến các chủ thể ngoài nhà nước. Mạng lưới các chủ thể đa dạng này dần giảm bớt ý niệm về ranh giới giữa các đơn vị trong chính quyền, giữa khu vực công - tư, hay nội địa - quốc tế.

Đến nay, giữa các ngành khoa học vẫn tồn tại những cách hiểu khác nhau về khái niệm “quản trị”. Xét riêng việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, “quản trị” hay “quản trị công” được hiểu một cách khái quát là việc thiết lập, vận dụng, và thực thi “luật chơi”.

Cụ thể hơn, đó là một tập hợp các nguyên tắc ra quyết định tập thể trong những bối cảnh nhiều chủ thể, và giữa họ không tồn tại một hệ thống kiểm soát chính thức nhằm chi phối các điều khoản về mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia hệ thống quản trị.

Khác biệt giữa “quản lý nhà nước” và “quản trị quốc gia”

Đâu là những đặc điểm chính của nền quản trị quốc gia?

Thứ nhất là đặc điểm đa chủ thể. Hệ thống quản trị sẽ không chỉ bao gồm chính quyền, luật pháp, nguyên tắc và quy định hành chính và các cơ quan nhà nước, mà còn bao gồm các chủ thể tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận, cũng như vai trò ngày càng tích cực và chủ động của mỗi công dân.

Cũng bởi thế, lợi ích công không còn là cơ sở duy nhất cho các quyết định quản trị. Trong khung khổ quan hệ đa chủ thể, các mong đợi lợi ích của các chủ thể khác nhau đều phải được tôn trọng. Do đó, các chính sách hay quyết định quản lý có xu hướng bị chi phối nhiều hơn bởi các lợi ích đa dạng, chứ không phải chỉ lợi ích công.

Thứ hai, giảm bớt khoảng cách và thu hẹp ranh giới công - tư. Hệ thống quản trị tích hợp các hệ thống hành chính với các cơ chế thị trường và phi lợi nhuận, qua đó thu hẹp và làm mờ đi ranh giới giữa nhà nước và xã hội.

Thứ ba, quan hệ hợp tác giữa các đối tác sẽ dần thay thế quan hệ áp đặt theo trật tự thứ bậc như trong mô hình chính quyền truyền thống. Do sự tham gia của các chủ thể đa dạng vào các quan hệ quản trị nên hình thức của các quan hệ đó sẽ chuyển dần sang dạng thức quan hệ theo chiều ngang, mang tính chất đối tác, hợp tác, và bình đẳng hơn.

Thứ tư, hoạt động quản trị có tính liên thông - các khuôn mẫu, mô thức quản trị bao gồm các thể chế và con người ở tất cả các cấp độ chính quyền cũng như các lĩnh vực chính sách khác nhau, và không bị giới hạn bởi biên giới lãnh thổ địa phương.

Vậy đâu là điểm khác biệt căn bản nhất giữa “quản lý nhà nước” và “quản trị quốc gia”?

Quản lý, dù ở cấp độ tổ chức, địa phương, hay quốc gia, đều luôn tồn tại một chủ thể có vai trò kiểm soát các mối quan hệ và việc ra quyết định (chính quyền, ban giám đốc, ban giám hiệu…). Tuy nhiên, khi nói đến quản trị thì sẽ không tồn tại một chủ thể trung tâm như vậy.

{keywords}
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Ảnh: Phạm Hải

Do đó, sự khác biệt căn bản nhất so với các hệ thống quản lý là sẽ không tồn tại một chủ thể có thể kiểm soát hoàn toàn quá trình ra quyết định tập thể trong các mối quan hệ quản trị đa chủ thể.

Dấu hiệu đáng mừng

Vai trò của chính quyền sẽ như thế nào trong hệ thống quản trị quốc gia?

Các hệ thống quản trị đòi hỏi chính quyền phải dần thích ứng được với vai trò điều phối sự khác biệt về mong đợi và lợi ích của các chủ thể quản trị. Cũng có nghĩa, chính quyền không thể dễ dàng áp đặt ý chí của mình cho các bên liên quan như trong mô hình quản lý nhà nước truyền thống.

Ông đánh giá thế nào về sự xuất hiện của khái niệm “quản trị quốc gia” trong văn kiện Đại hội 13?

Trước hết, tôi cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng bởi nó thể hiện sự chuyển biến về nhận thức của Đảng trước thực tiễn biến đổi hàng ngày. Tuy nhiên, tần suất sử dụng còn hạn chế cũng chứng tỏ một sự thận trọng nhất định của Đảng đối với khái niệm mới mẻ này.

Theo ông, vì sao lại có sự thận trọng đó?

Theo tôi, “quản trị” là một khái niệm có nguồn gốc phương Tây nên phản ánh truyền thống và thực tế tại các xã hội phương Tây. Cũng bởi vậy, khái niệm này sẽ còn rất lạ lẫm với nhiều người Việt Nam.

Thêm vào đó, truyền thống và thực tế hệ thống chính trị - hành chính ở Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Á nói chung cũng rất khác phương Tây. Vì thế, chúng ta không thể vội vàng sử dụng một cách tùy tiện đối với các khái niệm ngoại nhập.

Xây dựng mô hình quản trị quốc gia

Ông có nhận định gì về tương lai của “tư duy quản trị” ở Việt Nam?

Chúng ta đang sống trong một thế giới biến đổi nhanh và phụ thuộc lẫn nhau. Bởi thế, từ cuối những năm 1990, tư duy quản trị là một xu thế ngày càng phổ biến trên thế giới.

Ở trong nước, đổi mới hệ thống chính trị - hành chính theo hướng tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là chủ trương nhất quán của Đảng trong nhiều kỳ Đại hội gần đây.

Thực tế cũng cho thấy những giới hạn về khả năng và nguồn lực của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Bởi thế, chúng ta cũng đang chứng kiến sự tham gia ngày càng tích cực của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, và cá nhân công dân, sát cánh cùng chính quyền để giải quyết các vấn đề mang tính tập thể.

Bối cảnh hiện nay giúp chúng ta dễ hiểu hơn sự xuất hiện của khái niệm “quản trị quốc gia” trong văn kiện Đảng.

Đâu là những thách thức trong tiến trình xây dựng nền “quản trị quốc gia” ở Việt Nam?

Như đã phân tích trên đây, “quản trị” là một khái niệm ngoại nhập. Bởi thế, thách thức đầu tiên là chúng ta phải định nghĩa được khái niệm này gắn với bối cảnh thực tế ở Việt Nam hiện nay. Điều này chưa được thể hiện trong văn kiện Đại hội 13.

Trên cơ sở đó, bước tiếp theo là phải xây dựng được lý thuyết và mô hình quản trị quốc gia, vừa đón được xu hướng vận động của thế giới, vừa dung hòa được với những đặc thù truyền thống và hiện tại của Việt Nam.

Tôi cho rằng, đây là một thách thức lý luận cần được Đảng quan tâm trong những năm tới.

Hiền Anh

Quốc gia hùng cường cần tư tưởng truyền cảm hứng

Quốc gia hùng cường cần tư tưởng truyền cảm hứng

Những thành công lãnh đạo rực rỡ của Đảng trong thế kỷ 20 đều gắn với những tư tưởng truyền cảm hứng, đáp ứng được khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.