“Người lãnh đạo tốt là người biết đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân và bất kỳ lợi ích nhóm nào khác”.

>> Xem bài 1: Sửa tệ mua quan, bán chức mới mong cầu người tài

Khái niệm “người tài” rất đa nghĩa và trừu tượng nên trong ngôn ngữ có tính lịch sử và văn học người ta thường dùng chữ “hiền tài” để chỉ người tài đem lại dấu ấn có nghĩa tích cực, tiến bộ cho xã hội.

Không đúng với Điều lệ Đảng

Đối với lãnh đạo đất nước nói chung, trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay theo phạm trù rộng là tìm một hệ “tư duy mới” hay “nhận thức đầy đủ” để đề ra cương lĩnh hành động vì sự phát triển mới là cốt lõi vấn đề. Còn nếu thiếu các yếu tố về tư duy và nhận thức đầy đủ thì người tài mấy cũng không giải quyết được.

Về nhận thức tài – đức: Trong lựa chọn lãnh đạo của ta hiện nay, tiêu chí “tài và đức” như người này, người kia rất mơ hồ. Động cơ của bất kỳ ai đều là ngày càng thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần cho cuộc sống, đương nhiên là chính đáng. Nhưng với người lãnh đạo còn đòi hỏi trách nhiệm phải làm cho nhu cầu đó luôn phát triển kịp với các cộng đồng hay các quốc gia khác.

Công tác tuyển chọn người làm việc nước ở ta xưa nay vẫn được đúc kết trong cụm từ “Quy hoạch cán bộ”!. Mục đích của quy hoạch là tạo nguồn cán bộ nhưng vấn đề quan trọng nhất là ai quyết định việc chọn lựa đó.  Nếu không cẩn thận, rất có thể nảy sinh hiện tượng lũng đoạn cán bộ, chỉ lựa chọn những người cùng cánh hẩu, dễ bảo để tăng vây cánh, nhiều người thực tài thì ra rìa ngay từ vòng đầu.

Nếu “mổ xẻ” chính sách tuyển chọn, bố trí cán bộ, chương trình giảng dạy trong các trường Đảng và trường hành chính quốc gia, trong nội dung giáo dục công dân và đạo đức của toàn bộ ngành GD và ĐT sẽ thấy rõ nguyên nhân chất lượng cán bộ không đáp ứng đuợc yêu cầu cuộc sống .

Trong Quy chế mới đưa ra về bầu cử trong Đảng (quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban CHTƯ Đảng) có một số  quy định hạn chế quyền ứng cử, đề cử, bầu cử không đúng với Điều lệ Đảng.

Các tiêu chí đề ra để chọn người tài thực ra là chỉ để chọn người có đạo đức (được hiểu là không có lỗi) và trung thành với chủ nghĩa Mác Lê Nin và trung thành với Đảng. Cả 03 tiêu chí này không phải là tiêu chí của người tài, dù đó là những tiêu chí của người tốt với Đảng, song như thế không nhất thiết là tốt cho đất nước, càng khó có thể là người tài mà đất nước cần.

{keywords}
Ảnh minh họa: ĐH Đại biểu Đảng bộ TP.HCM. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Nên chăng đặt vấn đề: Chọn người tài là chọn người có thể giúp đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ, bất cập, có khả năng đề ra các đối sách, có khả năng tổ chức nhân dân giác ngộ và phấn đấu thực hiện những mục tiêu đó. Người tài là người có khả năng tập hợp được lòng dân, đưa đất nước phát triển cập nhật với những giá trị văn minh: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn mấy tiêu chuẩn về đạo đức con người thiết nghĩ người bình thường nào cũng phải có.

Bản năng sáng tạo phải mạnh nhất

Trước đây, khi xã hội chưa phát triển việc tìm kiếm tập hợp trí tuệ rất khó khăn, tốn nhiều công sức và thời gian, còn ngày nay nhờ tiến bộ khoa học công nghệ, người và bộ máy lãnh đạo có thể thực hiện công việc đó thuận lợi hơn nhiều, để họ có thể tập hợp kịp thời cho điều chỉnh và kiểm soát sự phát triển xã hội theo hướng tiến bộ và hạn chế sự trì trệ. Người có tư duy làm việc đó chắc chắn sẽ thành công, đó chính là một cái tài rất cụ thể.

Người dân nước nào cũng mong muốn có người lãnh đạo tài giỏi. Ở VN mong muốn này càng cháy bỏng.

Ngày nay, nước ta đã độc lập, cuộc sống được tự do, người dân được đảm bảo quyền cơ bản, đa phần có cơm ăn, áo mặc, được học hành, v.v... Đấy là những điểm thuận! Còn điều nghịch? Cũng có rất nhiều bất cập cả trong đối ngoại và đối nội, như: Mức sống người dân  thấp, nền kinh tế ốm yếu, tham nhũng, quan liêu, thiếu minh bạch, quyền con người bị xâm hại, văn hóa có dấu hiệu ... suy đồi.

Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh "toàn cầu hoá" cả về kinh tế, văn hoá và chính trị. Đây là "thời và thế" của VN trong giai đoạn lịch sử hiện nay và sắp tới. Đây cũng là "bài toán" cần giải cho vận mệnh của dân tộc và đất nước. Vì vậy, tiêu chí chọn người tài để lãnh đạo đất nước ở thời kỳ này  cần có các tố chất sau:

-  Hiểu đúng, đánh giá đúng thực trạng kinh tế xã hội và văn hóa của VN, vị trí và hoàn cảnh đất nước trong bức tranh chính trị kinh tế xã hội toàn cầu.

-  Định hướng và lựa chọn đúng con đường và mô hình phát triển xã hội, thể chế chính trị.     

-  Có khả năng tập hợp quần chúng và thu phục nhân tâm, biết dụng người tài, biết tổ chức và  hành động thực hiện kiên quyết, khéo léo phù hợp với văn hoá Việt.

-  Là người có trình độ chuyên nghiệp cao trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên lấy chính trị, kinh tế và văn hoá là chính.

-  Là người có tư tưởng cải cách và dân chủ đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên hết.

-  Trong 05 bản năng gốc, thì bản năng "sáng tạo" phải mạnh nhất, để chi phối các bản năng còn lại.

-  Trong 07 trí thông minh, thì "thông minh ngôn ngữ", "giao tiếp" và "tự xử" phải nổi trội...

Từ xưa đến nay, yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển của đất nước chính là con người. Con người sinh ra thể chế và thể chế lại tạo nên con người. Đây là mối quan hệ nhân quả. Đất nước ta, trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này, “hiền tài” luôn là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên.

Người dân quan tâm "tiêu chí", đến cách thức chọn nhân tài cho đất nước. Xin mượn lời Mohammed Bin Rashid Al Maktoum  đã khẳng định trong hồi ký My Vision – Tầm nhìn thay đổi quốc gia để kết luận bài viết này: “Người lãnh đạo tốt là người biết đặt lợi ích cộng đồng , lợi ích quốc gia lên lợi ích bản thân và bất kỳ lợi ích nhóm nào khác”.

Tô Văn Trường

Bất cứ một lãnh đạo nào trên thế giới cũng không bao giờ giỏi hơn người khác về nhiều mặt đâu, mình chỉ học một cái chuyên môn thôi nhưng mà cái hay cái giỏi của một người lãnh đạo là biết quy tụ những người giỏi, trở thành một sức mạnh tổng hợp. (Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời pv bên lề phiên khai mạc ĐH Đảng bộ TP.HCM).

(Zing.vn)

>> Xem thêm các bài khác trong loạt Góp ý Đại hội Đảng XII:

Cùng cơ chế thị trường, tại sao nhiều nước không bứt phá?