Chúng ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. "Cái thể chế này nó thế!" Chúng ta nói, và khoanh tay chờ đợi.

Những người cuối đường đua

Mỗi khi có dịp tới xem một cuộc chạy marathon, tôi thường không quan tâm lắm tới người vô địch và liệu anh ta có phá được kỷ lục này nọ hay không. Tôi thấy những người về chót thú vị hơn nhiều. Lần nào cũng vậy, khi những người thắng cuộc đã lên bục nhận giải, chụp ảnh, trả lời TV, rồi đã về nhà tắm rửa xong, thì nhóm người này vẫn hì hục, nhẫn nại ở những cây số cuối cùng. Tôi đứng ở ven đường để ngắm lòng quyết tâm đầy đau đớn của họ.

Thường khi họ rẽ vào khúc ngoặt cuối cùng dẫn tới đích thì các băng rôn đã được tháo xuống từ lâu, cũng không còn ai đứng ở vạch đích để bấm thời gian cho họ, và người xem cũng đã ra về gần hết rồi. Bám sát gót những người đang lê lết này là các nhân viên vệ sinh khua chổi quét đường.

Tôi không để ý tới những người về đầu vì họ là dân chuyên nghiệp, họ sinh ra để dẫn đầu, họ có tố chất để làm điều siêu phàm.

Những người về cuối thì hiểu rằng họ không có vai trò gì trong cái cuộc thi thố này. Họ chẳng đem lại vinh quanh cho ai, mà thất bại của họ cũng không làm ai mảy may quan tâm. Động cơ để họ cắn răng lê bước tiếp không phải là những gửi gắm của một tập thể, chẳng phải là danh dự của một quốc gia, hay danh tiếng của bản thân mà họ cần phải bảo vệ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể là hơi điên rồ. Họ tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ.

Cái bướng bỉnh và điên rồ của những con người bình thường này có cái gì đó thật lôi cuốn tôi. Nó làm tôi liên tưởng tới câu chuyện mà tôi mới được biết về em bé 6 tuổi da đen Ruby Bridges - cũng là một cuộc chạy marathon, nhưng ở dạng khác.

{keywords}
Bao giờ rụng quả ơi?

Kẻ bướng bỉnh cô đơn

Vào cuối những năm 1950, bang New Orleans ở Mỹ đã xoá bỏ sự phân biệt mầu da ở các thư viện, trên xe buýt và ở các công viên công cộng, duy ở các trường học thì vẫn không. Năm 1960, một toà án liên bang ra quyết định bắt chính quyền bang này phải cho phép học sinh da đen tới các trường vốn dành cho da trắng. Ruby đăng ký học lớp Một ở một trường gần nhà. Em sẽ là học sinh da đen đầu tiên và duy nhất của trường vào năm đó.

Ngày nhập trường, bốn cảnh sát toà án liên bang hộ tống Ruby và mẹ em tới trường trong một chiếc xe limousine lớn. Đợi họ ở cổng trường là một đám đông da trắng giận dữ, gào thét, chửi rủa.

Xuống xe, hai cảnh sát đi trước, hai đi sau để bảo vệ, họ đi dọc những bức tường đầy vết cà chua và những dòng chữ thoá mạ. Một người đàn bà da trắng gào lên "Tao sẽ đầu độc mày, tao sẽ tìm được cách." Nhớ lại hành trình đi qua đám đông hung dữ đó, một cảnh sát liên bang nói về Ruby: "Em không khóc. Em không thút thít. Em chỉ xốc bước đi cùng, như một người lính bé nhỏ. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về em."

Cả ngày hôm đó, hai mẹ con không dám bước chân ra khỏi phòng hiệu trưởng. Qua vách kính, họ chứng kiến cảnh các phụ huynh da trắng xông vào trường và giận dữ kéo con mình ra ngoài.

Ngày hôm sau, cảnh sát lại hộ tống Ruby, đám đông da trắng lại gào thét ở cổng trường. Ám ảnh nhất với Ruby là hình ảnh một chiếc quan tài với một búp bê da đen nằm bên trong. Bên trong trường vắng tanh, không có một học sinh nào khác ngoài em. Toàn bộ các giáo viên cũng từ chối đứng lớp. Toàn bộ, trừ một cô giáo trẻ tên là Barbara Henry. Hôm đó, cô bắt đầu dạy bảng chữ cái, như trước một lớp học bình thường. Và trong một năm học đó, ngày này qua ngày khác, lớp chỉ có một thầy một trò.

{keywords}
Em Ruby Bridges, 6 tuổi, vào học lớp một năm 1960 dưới sự bảo vệ của cảnh sát liên bang Mỹ (Ảnh: Internet)

Đọc những dòng trên thật là dễ dàng, chỉ vài giây là xong. Nhưng chúng ta hãy dừng lại một chút để hình dung ra những gì mà Ruby và gia đình em đã trải qua. Một năm trời lủi thủi một mình, không có bạn chơi, một năm trời một đứa bé lớp một hứng chịu sự căm thù của người lớn.

Cái giá phải trả không phải chỉ là sự cô đơn và khủng bố tinh thần mà Ruby 6 tuổi phải trải qua hàng ngày. Bố Ruby bị đuổi việc vì sự cả gan của mình. Cửa hàng thực phẩm quen từ chối bán hàng cho mẹ em. Ngay cả ông bà của Ruby ở Mississipi cũng bị đuổi khỏi mảnh đất mà họ đã thuê để trồng trọt trong 25 năm qua, khi câu chuyện lan tới bang này.

Trong năm đó, mỗi ngày là một cơ hội để Ruby chuyển sang trường tiểu học khác, nơi các bạn da đen của em đang học với nhau, và cuộc sống sẽ trở lại bình thường, sẽ như cũ. Bố mẹ của Ruby không phải những người hoạt động xã hội hay tham gia chính trị gì. Với một đứa bé 6 tuổi, với một gia đình lao động nghèo và ít học, sự cám dỗ để bỏ cuộc lớn tới mức nào. Thật khó mà lý giải được sự bướng bỉnh và điên rồ của họ. Họ vẫn tiếp tục vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ. Vì "như cũ" không phải là điều họ muốn.

Chúng ta hay có xu hướng bám lấy những người siêu phàm, những người được cho rằng một tay thay đổi thế giới, mà bỏ qua câu chuyện của những kẻ người trần mắt thịt như chính bản thân chúng ta, những người lê lết đau đớn ở cuối đoàn marathon, những người như em Ruby.

Chúng ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. "Cái thể chế này nó thế!," Chúng ta nói, và khoanh tay chờ đợi. Chúng ta đợi một Lý Quang Diệu mới xuất hiện để bộ máy công quyền trơn tru hơn, đợi một Mẹ Theresia mới để lòng tử tế nảy nở trong cộng đồng, đợi một Martin Luther King mới để sự bình đẳng được lan truyền trong xã hội.

Dạng tâm lý này không chỉ đặc trưng cho những việc ngoài xã hội. Với cuộc sống riêng của chúng ta, ta cũng xử sự như vậy.

Khi Ruby lên lớp hai, em không cần cảnh sát liên bang hộ tống nữa. Không còn đám đông la ó trước cổng trường nữa. Trẻ em da trắng lại tới trường, cùng với Ruby và thậm chí cả vài học sinh da đen khác nữa.

Điểm chung của cuộc vật lộn của những con người vô danh này là họ hành động vì họ cho rằng họ cần làm như vậy, không phải vì có người khác nhìn vào họ, trông chờ vào họ, hay trao nhiệm vụ cho họ. Họ không đại diện cho ai cả, và có lẽ sự kiên cường của họ đến từ điểm này. Những cuộc marathon bướng bỉnh và điên rồ của những con người bé nhỏ, nếu may mắn như trong trường hợp của Ruby thì được nhắc tới trong một chú thích bé tí của lịch sử, nhưng phần lớn xảy ra âm thầm, không ai biết tới.

Nhưng tôi tin rằng không có họ thì cũng không có thay đổi trong xã hội.

Đặng Hoàng Giang

(Phó giám đốc CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển)

Xem bài cùng tác giả

Tử tù sinh con, quyền hay đặc ân

Những 'hổ báo' dũng mãnh trong đám đông