Ngày càng nhiều tiếng nói “trấn an” nhằm giảm thiểu rủi ro từ khả năng “vỡ nợ” và “thoái lui” khỏi EU của Hy Lạp, nhưng chừng đó chưa đủ để xua tan những hệ lụy.

Bề ngoài là vấn đề nợ của quốc gia có 11 triệu dân, với tổng GDP chiếm chưa đầy 2% của Liên minh châu Âu (EU), nhưng ẩn chứa bên trong là quả “bom nổ chậm” mang tên Hy Lạp đe dọa “công phá” EU, làm suy yếu khu vực đồng Euro (Eurozone) và phủ bóng mây đen lên quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vừa mới nhen nhóm.

“Bóng ma” mang tên Hy Lạp

Về mặt lý thuyết Hy Lạp đã chính thức “vỡ nợ” do chính phủ nước này tuyên bố  không trả được 1,6 tỷ Euro cho IMF đáo hạn vào ngày 30/6/2015. Tuy nhiên, quyết định của Nhóm Bộ ba gồm Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về tương lai Hy Lạp sẽ được lui lại sau ngày Chủ nhật 5/7 sau khi người dân Hy Lạp quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý về việc họ sẽ tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” để “được” ở lại EU, hay sẽ chia tay cả EU lẫn Eurozone.

Thực chất, đây là cách làm dân chủ, minh bạch và chiếu theo logic thông thường thì châu Âu, với truyền thống dân chủ, sẽ bật đèn xanh. Tuy nhiên, dường như đã biết trước câu trả lời của cử tri Hy Lạp và cũng quá bất ngờ trước quyết định trưng cầu dân ý của Thủ tướng Hy Lạp Tsipras, cả châu Âu như bị “điện giật”, đồng thanh phản đối, trách cứ Tsipras là kẻ “tội đồ”, “phá hỏng” tương lai của Hy Lạp, đẩy EU và cả Eurozone vào một tương lai bất định.        

EU và thế giới không phải chờ lâu. Ngay trong ngày 29/6 khi tin về đàm phán giữa Hy Lạp và Nhóm Bộ ba thất bại, chỉ số chứng khoán DAX của Đức giảm 3,6%, chỉ số Stoxx của 50 cổ phiếu hàng đầu châu Âu giảm 2,5%. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones có phiên giảm điểm sâu nhất trong năm, mất tới 350 điểm, xuống còn 17.596 điểm; còn chỉ số Standard & Poor’s 500 mất 43 điểm, xuống còn 2.057 điểm.

Không khí hoảng loạn nhanh chóng lây lan sang châu Á, từ Thượng Hải, đến Hồng Kông và Tokyo. Vàng và USD bỗng dưng lên giá vì được xem là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu, còn “bóng ma” thực sự mang tên Hy Lạp vẫn chưa hiện đủ hình hài.    

{keywords}

Quả “bom nổ chậm” mang tên Hy Lạp đe dọa “công phá” EU. Ảnh minh họa

Hy Lạp: Nạn nhân của “lỗi hệ thống”

Câu chuyện khủng hoảng nợ Hy Lạp, nếu phân tích kỹ từ mọi ngọn nguồn, cũng kỳ bí và thú vị như hàng ngàn câu chuyện thần thoại xuất phát từ xứ sở một thời thần tiên này. Đó là các câu chuyện liên quan đến tiền bạc, quyền lực, chính trị và “trò chơi” dân chủ, diễn ra trên cả 3 cấp độ quốc gia (nội bộ Hy Lạp), Eurozone và quốc tế.

Thứ nhất, căn nguyên sâu xa bắt nguồn từ sự khập khiễng của EU là có đồng tiền chung (Euro), nhưng lại không có chính sách tài chính chung. EU lập ra ECB nhưng lại không loại bỏ ngân hàng quốc gia các nước thành viên khiến cho ECB không có được vai trò như của Cục dự trữ liên bang Mỹ, không có chế tài. Còn Ngân hàng trung ương quốc gia của các thành viên Eurozone vẫn có tiếng nói quyết định trong chính sách tài chính, tiền tệ của quốc gia mình.

Thứ hai, việc vay mượn vô tội vạ và thiếu trách nhiệm của người dân, các công ty và các chính phủ kế tiếp nhau của Hy Lạp, cộng với sự cho vay dễ dãi của các chủ nợ. Trong khi đó, EC và ECB hoặc “bất lực” hoặc nhắm mắt “làm ngơ” khi thâm hụt ngân sách Hy Lạp liên tục đụng và vượt “giới hạn” trần 2% GDP do chính ECB đặt ra. Khi nợ vượt tầm kiểm soát, Hy Lạp lại biến thành “tội đồ” để EU trút lỗi; là “con chuột bạch” để Nhóm Bộ ba EC, ECB, IMF thử nghiệm chính sách; là “miếng xương tàn” để các chủ nợ rỉa nốt những miếng thịt cuối cùng.

Thứ ba, khi Hy Lạp đã lâm “trọng bệnh” nhưng Nhóm Bộ ba “thầy thuốc” IMF, EC và ECB vẫn tiếp tục “kê” các bài thuốc “cũ rích”, và chẳng khác mấy so với cho các “bệnh nhân” nặng Mexico, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc trước đó, đó là:

(i) Thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu công tiến tới cân bằng và thặng dư ngân sách; tinh gọn bộ máy bằng cách sa thải hàng loạt công chức; giảm trợ cấp xã hội; giảm lương công chức và lương hưu;

(ii) Tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước, mà thực chất là bán tống bán tháo tài sản quốc gia và các công ty phá sản cho các công ty đa quốc gia;

(iii) Nâng lãi suất cơ bản và thả nổi tỷ giá, đồng thời tăng thuế để tăng nguồn thu.

Tuy nhiên, các bài thuốc trên chỉ được “ưu ái” áp dụng cho các nước vừa và nhỏ trong tình trạng khốn cùng như Hy Lạp. Họ không còn lựa chọn nào khác mà chỉ có cách “uống hay chết” (take it or leave it).

Cần lưu ý rằng, trong trường hợp khủng hoảng tương tự thì các thành viên G7 như Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu lại “kê” cho mình bài thuốc khác hẳn, như kích cầu, hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ, giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp. Họ biết rằng bản thân mình không thể “tự uống” nổi bài thuốc “thắt lưng buộc bụng” do phản ứng chính trị và hậu quả xã hội trong nước sẽ rất xấu.

Và hệ quả khôn lường

Khách quan mà nói, các chính quyền nối tiếp nhau ở Hy Lạp từ sau khủng hoảng 2010 về cơ bản đi theo “phác đồ” điều trị của Nhóm Bộ ba. Tuy nhiên, Hy Lạp lại ngày càng rơi vào suy thoái trầm trọng. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp là 26,5%, thuộc loại cao nhất châu Âu, và trong giới trẻ thì tỷ lệ này lên tới 60%. Trong ba năm qua, GDP của nước này giảm tới 30%, còn nợ công hiện nay so với GDP là 180%. Thực tế thì Tsipras và đảng cánh tả Syriza không còn đường lùi và họ đã “quyết chiến” với EU để đàm phán lại các điều khoản cho vay nhằm nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng, nhưng đã thất bại.

Với quyết định trưng cầu ý dân, Hy Lạp đứng trước 2 sự lựa chọn. Nếu cử tri đồng ý với kế hoạch “tái cơ cấu” của Nhóm Bộ ba, thì khả năng Hy Lạp sẽ “được” tái cấu trúc nợ, vẫn ở trong EU và Eurozone. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Hy Lạp sẽ sớm bước ra khỏi suy thoái.

Trong trường hợp ngược lại, nếu cử tri Hy Lạp bỏ phiếu chống thì khả năng bị “loại” khỏi EU và Eurozone là khó tránh. Chắc chắn Syriza và Thủ tướng Tsipras đã lường trước điều này, mặc dù không mong muốn.   

Hiện các tiếng nói “trấn an” nhằm giảm thiểu các rủi ro từ khả năng “vỡ nợ” và “thoái lui” khỏi EU của Hy Lạp ngày càng nhiều (Greexist). Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để xua tan những lo ngại và hệ lụy từ việc này có thể là:

Một là, các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, sẽ nhìn từ bài học Hy Lạp mà rút ra bài học cho mình. Việc lầm tưởng có thể “đi tắt đón đầu” bằng vay vốn “rẻ” của nước ngoài để phát triển, nhưng cuối cùng lại bị các đồng tiền này quấn chặt như vòng kim cô, đẩy lui tiến trình phát triển hàng thập kỷ.  

Hai là, khả năng lan tỏa từ câu chuyện Hy Lạp sẵn sàng chấp nhận đổ vỡ, “làm lại từ đầu” sang các nước có cùng hoàn cảnh tương tự trong và ngoài EU, như Tây Ban Nha, Italia, Venezuela, Argentina… có thể làm thị trường tài chính toàn cầu thêm chao đảo trong ngắn hạn.

Ba là, lòng tin của các nhà đầu tư vào Euro sẽ giảm mạnh và việc tìm nơi trú ẩn an toàn như USD, đồng Yên Nhật, thậm chí cả Nhân dân tệ… khiến các đồng tiền này lên giá nhanh. Hệ quả là xuất khẩu hàng hóa của Mỹ, Nhật, Trung kém cạnh tranh và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bốn là, các chế định tài chính có khả năng sẽ nâng lãi suất cho vay trong phạm vi Eurozone vì lo ngại Hy Lạp tạo ra tiền lệ là các quốc gia thành viên khác có thể rơi vào khủng hoảng và dời bỏ Eurozone. Điều này cũng có thể tác động đến việc nâng lãi suất cho vay trên phạm vi toàn cầu.

Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao)