Chả thế mà cuộc sống đang yên bình bỗng nhiên lại nổi sóng chuyện đạo thơ, đạo nhạc, như vụ bài hát nổi tiếng nói trên?

Đời sống văn học – nghệ thuật lâu lắm rồi chẳng ai dám nói chuyện… được mùa, vì chủ yếu là “thất bát”, trong đó nhiều nhất, liên tục nhất là chuyện đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo “lời”…

Gần đây, cái sự “đạo” này không chỉ nằm trong vài câu thơ, bài thơ, đoạn văn, bản nhạc… mà “to” lên thành cả chương sách, quyển luận văn, lan sang cả những lĩnh vực khác như nghiên cứu khoa học, giảng dạy; ban đầu là những tác giả mờ ảo trong bóng im dần, tiến đến dính dáng cả những tiến sỹ nọ, phó giáo sư kia. Nói chính xác ra, xã hội ta, không hiểu sao dạo này lại… được mùa cái sự “đạo” kia, bà con nhỉ?

Câu chuyện mới nhất liên quan đến bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nhà thơ  Nguyễn Phan Quế Mai được Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc với tên gọi “Tổ quốc gọi tên mình”. Mới đây thôi, chiều 2.9 tại Nhà hát lớn Hà Nội, bài hát này được làm “kết” cho Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi, ca sỹ Đăng Dương và Nhà hát Giao hưởng VN, chỉ huy Nhạc trưởng Lê Phi Phi đã tạo nên một cảm xúc dâng trào, mãnh liệt vô cùng, vô tận…

{keywords}
 Ca sĩ Đăng Dương với "Tổ quốc gọi tên mình". Ảnh: Lê Anh Dũng

Vậy mà gần đây lại  có chuyện cất lên…

Chắc chắn câu chuyện sẽ sớm được làm sáng tỏ để trả đúng tên tác giả bài thơ.

Thời chưa có Trung tâm bản quyền tác giả, những vụ việc “đạo” nọ kia âm ỉ trong dư luận, lên báo và… chấm hết. Không ai kết luận, phân xử và câu chuyện cứ thế trôi dần về quên lãng. Đáng nói là sự việc bị quên đi vì chỉ là chi tiết nhỏ, không nên cơm nên cháo gì với bất cứ ai.

Sau này mọi việc đã khác đi, phân minh tỏ tường hơn nhưng không phải ai cũng am hiểu tường tận, căn cơ và nhất là đúng pháp luật.

Không hiểu sao từ lâu nay, những câu chuyện kiểu như vậy lại liên quan đến những người vốn rất gần gũi với mình, thậm chí cả với mình, khi “bên bị”, khi “bên hại”, có chuyện được giải quyết gọn nhẹ, êm thấm, có chuyện ầm ĩ.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, thời trẻ có bài thơ khá duyên và hay “Xe tăng qua miền quan họ” được tiếp sức bởi Nhạc sỹ An Thuyên với một phần lời trong bài hát “Khi xe tăng qua miền quan họ”. Thời điểm đó, nhạc sỹ không biết nhà thơ là ai, ở đâu, làm gì, chỉ đọc được bài thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, “lẩy” ra và phổ nhạc. Sau đó, nhà thơ tìm đến nhạc sỹ đồng hương, vui chén rượu, chén trà, hai người lính ôm nhau thân thiết. Tôi chú ý rằng, bất cứ ở đâu khi xuất hiện bài hát này, nhạc sỹ cũng yêu cầu giới thiệu phần lời “Phỏng thơ Nguyễn Ngọc Phú”. Đó là một việc làm đúng đắn và rất đáng trân trọng.

Còn trường hợp bạn tôi là có thơ in trên tờ Văn nghệ trẻ, thế rồi được… phổ nhạc trọn vẹn cả bài (nói thật là bài hát và bài thơ đều… không ai biết). Nhà thơ không mừng cũng không vui, nhưng cũng cố tìm xem nhạc sỹ là ai mà… đọc thơ mình?

Vị nhạc sỹ tưởng nhầm nhà thơ tìm là để đòi tiền bản quyền, nên to tiếng, ý rằng, “nhờ tôi phổ nhạc thơ ông mới được người ta nghe đến, ông đòi tôi hay tôi đòi ông đây?”.

Bạn tôi cười mà rằng, tôi đòi ông “xin ý kiến tôi trước khi “đày” thơ tôi trên khuông nhạc của ông theo luật, và cũng theo luật, tôi đòi ông trả tôi 01 xu tiền bản quyền bài thơ. Ông trả ngay, không có oong-đơ gì, trả xong, tôi và ông mời bạn bè đi uống rượu, mừng tôi “xử” nghiêm vụ bản quyền”…

Thế đấy, trong đời sống sáng tạo nhiều khi bỗng thấy câu thơ, ý thơ tâm huyết của mình thấp thoáng đâu đó trong thơ bạn bè và ngược lại. Có thể vô tình, cũng có thể cố ý. Có thể vui vẻ xuê xoa, lại cũng có thể um xùm to chuyện. Vậy thì tốt nhất là cứ phải theo luật, phải đăng ký, phải có hồ sơ, phải có cân nhắc tình nghĩa…

Có nhà thơ rất nổi tiếng nhưng không có bài nào phổ nhạc được và ông rất tự hào về điều đó. Lại cũng có nhà thơ làm thơ chỉ cốt được phổ nhạc và ông cũng tự hào về điều đó! Ôi vui nhỉ, thơ và nhạc kỳ diệu nhỉ? Chả thế mà cuộc sống đang yên bình bỗng nhiên lại nổi sóng chuyện đạo thơ, đạo nhạc, như vụ bài hát nổi tiếng nói trên?

Cứ tin rằng, vụ này phân giải xong xuôi sẽ lại có vụ khác, vụ nữa, vụ tiếp xuất hiện. “Được mùa” đến thế nhỉ?

Châu Phú