“Chúng ta có thể thấy được từ các vị tỷ phú Mỹ rất nhiều điều mà các doanh nghiệp trẻ nên học hỏi. Tuy nhiên những gì họ thực sự đã làm không giống những gì mà nhiều người trẻ đang làm ngày nay, đó là sự khác biệt lớn” – GS David Yoffie, trường Đại học Kinh doanh Harvard chia sẻ với Tuần Việt Nam những bài học về quản lí và kinh doanh đáng suy ngẫm của các vị tỷ phú Mỹ.

Dám đương đầu với rủi ro

Tôi được biết ông đã rất thành công với cuốn sách “Quy luật của chiến lược” viết về 3 nhà tỉ phú Bill Gates, Andy Grove và Steve Jobs được dịch ra 18 thứ tiếng, trong đó có Tiếng Việt. Làm thế nào mà ông hiểu được rất sâu về sự nghiệp kinh doanh cũng như đặc điểm tính cách cá nhân của các vị tỷ phú này?

GS David Yoffie: Phải nói là tôi đã gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp. Tôi bắt đầu từ một dự án ở Tập đoàn Intel vào những năm đầu thập niên 80, và có cơ hội gặp gỡ ông Andy Grove. Đến nay tôi đã làm việc ở đó được 28 năm.

Đến năm 1990, Andy Grove giới thiệu tôi với Bill Gates và Steve Jobs. Trong hơn 20 năm qua, tôi liên tục tương tác, trao đổi và thực hiện nghiên cứu với họ. Tôi đã thực hiện khoảng 40 dự án khác nhau trong cả Intel, Apple và Microsoft. Từ đó tôi có mối liên quan mật thiết đến họ để rút ra được những điều mà tôi đã viết trong cuốn sách của mình.

{keywords}
GS David Yoffie, Đại học Kinh doanh Harvard

Ông có thể chia sẻ những câu chuyện trong sự nghiệp kinh doanh đáng suy ngẫm của Bill Gates, Steve Jobs hay Andy Grove giúp giới công nghệ thông tin và kinh doanh ở Việt Nam có thể học hỏi?

Bài học thứ nhất, là “Mong chờ - Nhìn lại”. Đây chính là một ý tưởng có thể áp dụng vào chiến lược lớn. Nó giống việc tính nước đi tiếp theo khi chơi cờ, ngay cả khi con người luôn nghĩ về những điều phía trước, họ vẫn có thể nhìn lại, ngẫm nghĩ về ý nghĩa của những việc đã qua và biết được mình cần làm gì ở hiện tại. 

Ví dụ, Intel đã từng đề ra chiến lược sản xuất máy tính như một hãng sản xuất máy tính lớn và hàng hóa thông thường. Sau đó, họ từng bước nhận ra những gì sẽ mang lại hiệu quả trong tương lai và những gì cần loại bỏ khỏi sản phẩm dịch vụ kinh doanh của mình. Từ đó họ chỉ tập trung sản xuất một vài sản phẩm linh kiện máy tính, mở rộng cơ hội thị trường và thu lợi nhuận từ những sản phẩm đó.

Cũng như những tỷ phú khác, Andy Grove tin vào việc nhìn về tương lai và nhìn lại những gì đã qua để thực sự thay đổi những gì sẽ làm trong hôm nay, từ đó thành công hơn.

Bài học thứ hai, là “Đánh cược lớn – Nhưng không đánh cược với sự sống còn của công ty”. Phần này lấy ý tưởng chính từ việc bạn có thể tính toán kĩ lưỡng nhưng thực tế diễn ra luôn không chính xác.

Bill Gates và Steve Jobs chia sẻ, khi thực hiện những thay đổi lớn quan trọng, họ luôn là những người dám đương đầu với rủi ro nhưng họ không bao giờ đẩy công ty, tổ chức hay nhân viên của mình vào tình thế nguy hiểm. Những quyết định mạo hiểm của họ đã tái định hình lại công ty, doanh nghiệp và định hình cho cả nền công nghệ thế giới.

Ví dụ, Bill Gates đã thiết kế một sản phẩm ở IBM. Những gì ông chỉ yêu cầu là 6 nhân lực cho gần ba mươi thiết kế ở IBM. Bill Gates dựa vào 2 điều mà ông chắc chắn rằng chúng sẽ không đưa công ty vào thế rủi ro. Đó là, dù họ có thất bại thì Bill Gates vẫn sẽ giữ lại những nhân viên tốt và ông thậm chí còn lên kế hoạch tại IBM Software dành cho trường hợp ông thất bại. Dù mọi thứ có trở nên tồi tệ, ông cũng không bao giờ lấy công ty ra để đánh cược.

Bài học thứ ba, là “Xây dựng nền tảng và hệ sinh thái”. Nhìn vào lịch sử của nền công nghệ, những sản phẩm tuyệt vời luôn luôn vận động và thay đổi, nền tảng tốt là thứ tạo ra giá trị cho những sản phẩm đó. Trong sự nghiệp kinh doanh của cả Bill Gates, Steve Jobs hay Andy Groves, bạn cũng có thể thấy rõ điều này.

Tập đoàn Apple và Microsoft

Không ai cho rằng Microsoft Software là công ty phần mềm tốt nhất trên thế giới, nhưng họ là công ty lớn tốt nhất vì có thể tạo ra hệ thống người dùng rộng lớn, điều này thu hút một lượng lớn kĩ sư phát triển phần mềm để viết ra những phần mềm mới. Chính những điều này tạo ra hệ sinh thái, những tiện ích mới và dễ dàng tiếp cận đến với người dùng.

Tập đoàn Intel cũng đã làm điều tương tự với sản phẩm bộ vi xử lí máy tính của họ. Họ đã đưa nó vào nền tảng, mở rộng thị trường, giúp đưa hình ảnh sản phẩm vào tâm trí người dùng. Sau đó, những bộ vi xử lí khác cũng được cải tiến tốt hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Steve Jobs thì không làm điều này ngay từ những bước ban đầu. Ông đã gặp một số sai lầm trước khi nhận ra điều này thực sự hữu ích. Hãy nhìn vào sự phát triển của iTunes, iPad, AppStore và iPhone. Lúc bấy giờ iPad chỉ có chiếm 3% thị trường. May mắn thay, những chia sẻ xung quanh đã thuyết phục và giúp ông nhận ra mình cần phải xây dựng nền tảng để có thể chiếm lĩnh được toàn bộ thị trường, phải tạo ra những hệ điều hành thích hợp có thể vượt được Windows.

Một quyết định khác đưa ra, đây cũng là quyết định đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử Apple. Đó là sản phẩm Apple có thể được bán cho tất cả mọi người, xây dựng iTunes trên nền tảng đại chúng (mass platforms) và tạo nền tảng cơ bản cho iPhone và AppStore.

Bài học thứ tư, là “Tận dụng đòn bẩy và sức mạnh”. Chúng tôi so sánh những chiến thuật trong môn võ Judo và Sumo, không chỉ biết cách đề ra những chiến lược lớn hay có năng lực tư duy cao,  mà bạn còn phải sử dụng thành thạo những chiến thuật có thể áp dụng trong công việc hàng ngày, từ những việc đó có thể xây dựng công ty tốt hơn.

Steve Jobs là người rất biết cách sử dụng sức mạnh và vai trò của mình. Cách ông thực hiện là tận dụng thứ mà chúng tôi gọi là “Puppy door” có nghĩa là trở thành những dãy hàng rào, bao quanh chính mình khi có ai đó bảo bạn phải làm việc mà lẽ ra người đó không có quyền làm như vậy. Steve Jobs đã khiến tất cả những công ty âm nhạc đồng ý cung cấp toàn bộ nguồn dữ liệu âm nhạc cho iTunes. Lúc bấy giờ, iPad chưa bao giờ được biết đến với tính năng như một thiết bị nghe nhạc thông minh, hơn nữa iPad lúc đó chỉ chiếm 2-3% trên thị trường.

Tuy nhiên, Steve Jobs đã thuyết phục được những công ty cung cấp nhạc bởi vì ông chẳng có gì để mất, lúc này Apple còn rất nhỏ, không hề nổi bật, không có cơ hội để nói với họ rằng việc đầu tư tiền và nội dung của họ sẽ đầy triển vọng. Bằng việc sử dụng “Puppy door”, ông đã thuyết phục được các công ty cung cấp tất cả nguồn nhạc của họ cho mình, đó chính là một trong những nền tảng cơ bản nhất của iPad.

Bài học cuối cùng, là “Xây dựng công ty dựa trên thế mạnh cá nhân”. Tôi ví dụ về một điều mà Steve Jobs không thực sự giỏi. Lần đầu tiên ông cố gắng theo đuổi mục tiêu xây dựng NeXT, ông luôn bắt đầu những ý tưởng thông minh trong căn phòng mình, cố gắng làm tất cả mọi việc, và ông đã thất bại rất nhiều lần. Khi ông quay lại Apple vào những năm nửa sau của thập niên 90s, ông nhận ra mình rất cần sự hỗ trợ từ những người giỏi ở quanh mình.

Từ trái qua phải: Bill Gates, Steve Jobs và Andy Grove

Đó là lý do ông bắt đầu tuyển những người như Tim Cook vào làm những công việc về chuỗi cung ứng, điều hành và về sản xuất… Điều này dần trở thành một điều thiết yếu quan trọng. Nếu Steve Jobs cố gắng vận hành Apple theo cách đầu tiên ông làm thì Apple có lẽ đã không trở thành công ty lớn mạnh hàng đầu thế giới như bây giờ.

Bill Gates, Steve Jobs không dấn thân chỉ vì tiền

Những bậc thầy kinh doanh như Bill Gates, Steve Jobs thành công nhờ có tầm nhìn đi trước thời đại và triển khai thành công trong thực tế. Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp hiện nay bởi trên thực tế họ không thiếu những ý tưởng sáng tạo nhưng khi ứng dụng vào thực tiễn thì không thành công. Ông có chia sẻ gì để giúp các ý tưởng khi triển khai vào thực tế có khả năng thành công cao hơn?

Theo tôi, tất cả các doanh nghiệp trên thế giới đều phải đối mặt với cùng một thách thức đó. Chúng ta có thể thấy được từ các tỷ phú rất nhiều điều mà các doanh nghiệp trẻ nên học hỏi. Tuy nhiên những gì họ thực sự đã làm không giống như những gì mà nhiều người trẻ đang làm ngày nay, đó là một sự khác biệt rất lớn.

Điều đầu tiên, không một ai trong các vị tỷ phú Bill Gates, Steve Jobs hay Andy Grove dấn thân chỉ vì tiền. Họ dấn thân và thực sự tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, thay đổi cơ bản mô hình kinh doanh mà họ cố gắng thành lập, họ muốn thay đổi thế giới và họ đã làm được điều đó. Đó là điều quan trọng. Nó không còn là việc leo lên được một vị trí cao, bán một thứ gì đó nhanh chóng, kiếm được một ít tiền và ổn định cuộc sống. Đó không phải là con đường mà họ nghĩ đến.

Họ luôn đặt cao tư tưởng rằng bạn tham vọng không chỉ cho riêng bạn, mà còn cho công ty, cho mọi người và cho cả đất nước bạn. Ở một mức độ nào đó, tầm nhìn của họ sẽ rộng hơn về những gì họ cần làm trong một công việc.

Thứ nữa, cả ba người họ đều rất tin tưởng vào vai trò của việc xây dựng một nhóm gồm những người có cái tôi, có tính cá nhân mạnh và có thể thách thức họ, bởi không một ai trong cả ba vị ấy trọng dụng một người luôn gật đầu đồng ý. Họ muốn một người cùng họ trao đổi, bàn luận. Quá trình đó cũng giúp những người này dần dần có tầm ảnh hưởng.

Cuối cùng, họ đều có động lực vô cùng to lớn, thu hút một lượng lớn nhân lực. Điều này hẳn cũng sẽ rất quan trọng đối với một quốc gia như Việt Nam. Có rất nhiều cách để truyền cảm hứng tới mọi người. Chẳng hạn như việc kể về những chuyện có thật họ đã làm, họ đã xây dựng một hệ thống quản lí thực sự mạnh, họ thử thách con người theo cách có thể làm cho người ta làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết.

Tại lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và học sinh đạt điểm xuất sắc nhất kì thi THPT quốc gia 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kì vọng giáo dục Việt Nam phải đổi mới toàn diện mới có thể hi vọng tương lai có những nhà kĩ nghệ, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân như Bill Gates, Jack Ma ở Việt Nam. Nhưng như ông biết đấy, Bill Gates đã nghỉ học đại học giữa chừng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Vậy có hay không vai trò của Giáo dục trong việc hình thành nên các nhân tài đó?

Đúng là Bill Gates và Steve Jobs đều bỏ học đại học giữa chừng, chỉ có Andy Groves là đạt đến bậc Tiến sĩ, có thể nói ông đã học hành một cách rất nghiêm chỉnh. Thật ra là không đúng khi nói Bill Gates đã “bỏ học đại học”, ông ấy có cũng quãng thời gian 2 năm học tại Harvard. Xét theo phương diện cá nhân, họ rất tận tâm với việc học, chỉ là Bill Gates và Steve Jobs học theo một cách khác so với việc ngồi trong giảng đường.

Steve Jobs rất tập trung vào việc tìm ra những người có thể giúp ông học được những cái mới. Ông nhận ra điều này khi ông bảo lưu tại trường đại học. Ông cơ bản vẫn được giáo dục, chỉ là ông bắt đầu theo một cách khác.

Bill Gates thì hơi khác, ông lại tập trung vào việc đọc nhiều hơn. Bill yêu đọc sách. Ông đọc vô vàn thứ mới mẻ, những ý tưởng mới hay những tài liệu mới. Ông đã học theo cách đó.

Vì vậy, tôi nghĩ những gì Thủ Tướng Việt Nam đã nói là đúng. Chúng ta cần nghĩ nhiều hơn về sức mạnh của giáo dục, thứ mang lại cho những người có xuất thân khác nhau có thể học hỏi từ các Giáo sư, những người thầy kích thích họ có những ý tưởng mới và chỉ cho họ cách thực hiện và kiểm soát nó.

GS David Yoffie là Giảng viên trường Đại học Kinh doanh Harvard. Ông là tác giả của cuốn sách bán chạy “Competing on Internet Time” và Strategy Rules (Quy luật của chiến lược). Giáo sư đã có gần 30 năm làm việc với Tập đoàn Intel, Apple và Microsoft. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Đổi mới Lãnh đạo Giáo dục toàn cầu. 

Lan Anh thực hiện