Căn bệnh này đã thành ác tính mà ba năm qua, xã hội ta vẫn loay hoay tìm giải pháp tối ưu, thì làm sao đất nước phát triển, xã hội công bằng dân chủ văn minh?...

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014) của Việt Nam. Đáng quan tâm và cũng đáng buồn nhất, suốt ba năm qua, Việt Nam “không có cải thiện gì thêm” về thứ hạng (Dân trí, 3/12)!

Bình luận về thứ hạng không thay đổi nói trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định, đánh giá này phù hợp với tình hình tham nhũng tại Việt Nam.

Nhưng làm sao xã hội ta, đông đảo những người Việt chính trực có thể chấp nhận nổi thực trạng đó? Không chỉ tham nhũng, mà các tệ nạn khác cũng rất đáng lo ngại, khi chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa phải thẳng thằn nhận định, so với chạy chức, chạy huân chương…, thì “chạy án cũng rất ghê gớm”.

Sự vướng mắc về cơ chế quản lý cán bộ là nguyên nhân đầu mối. Bên cạnh đó, cũng có biết bao chuyện phải bàn xung quanh những sự thật khóc thì hổ ngươi, cười lại giàn giụa nước mắt. Bởi nói cho công bằng, tham nhũng giờ đây có muôn vàn diện mạo, mà lợi dụng chế độ, đãi ngộ chính sách còn chưa thoát khỏi tư duy bao cấp xin- cho, cũng là một ví dụ.

Chẳng hạn, tiền thuê ngôi biệt thự rộng hàng trăm m2, có tên gọi là ‘nhà công vụ’ ngay giữa thủ đô mà con trai ông nguyên Chủ tịch thành phố HN đang ở chỉ có… 460.000 đồng/tháng. Trong khi đó, một cái gọi là căn phòng trọ ở tỉnh lẻ, rộng 8 m2, sinh viên phải thuê 105.000 đồng/tháng(!?)

{keywords}
Nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa "là nhà cho thuê, không phải nhà công vụ". Ảnh: Phạm Hải

Sự đối lập về hai mức giá, hai thân phận, hai mức sống giữa thủ đô và xứ “nhà quê”,  giữa quan chức và thường dân, tự nó là một câu chuyện buồn về sự công bằng.  Đã thế, suốt 08 năm chiếm dụng tài sản công với cái giá bèo như cho không như thế, làm sao có thể không coi đó là tham nhũng?

Cũng tương tự như thế với một ‘nguyên’ quan chức cao cấp khác là ông Trần Văn Truyền, chỉ riêng “của nổi” để thiên hạ nhìn thấy được đã là 5-6 căn biệt thự khủng mà cũng vẫn chỉ là có dấu hiệu lạm dụng chức quyền, thì điều đó quả thật, chưa thuyết phục được dư luận xã hội. Và người dân vẫn cho là “giơ cao đánh khẽ”. Điều đó khiến cho dư luận xã hội theo dõi, quan tâm vụ việc này chưa tâm phục, khẩu phục.

UNESCO định nghĩa ‘văn hóa là hệ thống tổng thể các ký hiệu, tín hiệu (signal) quy định cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng và làm cho cộng đồng đó có đặc thù riêng”.

Từ cái định nghĩa rất chung chung này về văn hóa, liệu có thể hiểu cái “văn hóa tham nhũng” mà chúng ta đang chống quyết liệt, chống một cách rất kiên trì, bền vững – phải đến khi nào hội đủ được hàng ngàn dấu hiệu, tín hiệu (signal) mới có thể quy kết thành tội phạm? Thực tế trả lời rất rõ đó thôi. Chả lẽ hàng ngàn tỷ đồng sai phạm, của công thành của riêng suốt bao nhiêu năm trời; 69 quyết định bổ nhiệm chỉ trong mấy chục ngày tại vị sau cùng của chức vụ vẫn chỉ là… một dấu hiệu?

Được biết đến thời điểm này, ông cựu Chủ tịch t/p đã đồng ý trả lại biêt thự 128 Nguyễn Chế Nghĩa, ông cựu chánh TTCP xin lỗi Đảng, xin lỗi dân, và mới đây, ông cựu Phó CT tỉnh Vĩnh Phúc đã phải đập tường xây bao biệt thự là đất lấn chiếm, trả lại nhà nước.

Chợt nhớ, dân ca Quan họ có một làn điệu đặc thù là tình tính tang, sau đó lại tang tính tình, cô mình rằng, cô mình ơi… Làn điệu một bước tiến hai bước lùi ấy thật đẹp trong tình cảm, ý tứ, ứng xử hoa mỹ của trái tim người. Nhưng là điều không thể chấp nhận trong việc phòng chống tham nhũng. Căn bệnh này đã thành ác tính mà ba năm qua, xã hội ta vẫn loay hoay tìm giải pháp tối ưu, thì làm sao đất nước phát triển, xã hội công bằng dân chủ văn minh?...

Lo quá!

  • Hà Văn Thịnh