Xây dựng đảo nhân tạo và bồi đắp cơ sở hạ tầng quy mô lớn một cách phi pháp, kết hợp với việc triển khai các lực lượng quân sự tại Biển Đông đang trở thành công cụ hiệu quả để TQ đảm bảo hai lợi ích cốt lõi.

Cuộc họp Ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 49 (AMM 49) đã kết thúc ngày 24/07/2016. Bản tuyên bố chung chỉ được công bố vào trưa hôm sau.

AMM 49 diễn ra chưa đầy nửa tháng sau phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS. Bối cảnh này khiến những diễn tiến tiếp theo trên Biển Đông càng trở thành tâm điểm chú ý.

Thứ nhất, bất đối xứng quyền lực và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng lên. Dù điều này không có nghĩa rằng các nước láng giềng nhỏ hơn phải nhượng bộ về chủ quyền và tài nguyên trên Biển Đông, thì họ vẫn cần duy trì quan hệ với Trung Quốc. Bởi không thể phủ nhận lợi ích tổng thể từ quan hệ ASEAN – Trung Quốc như một khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới là rất lớn.

{keywords}

Hình ảnh TQ xây dựng trái phép tại phía trái đảo Gạc Ma. Ảnh: Huy Phong

Thứ hai, Mỹ không còn là cường quốc duy nhất hoạt động tại vùng Biển Đông Nam Á. Dưới sự phát triển năng lực quân sự và các lợi ích kinh tế, Trung Quốc đang dần mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ra khu vực Biển Đông.

Xây dựng đảo nhân tạo và bồi đắp cơ sở hạ tầng quy mô lớn một cách phi pháp, kết hợp với việc triển khai các lực lượng quân sự tại Biển Đông đang trở thành công cụ hiệu quả để TQ đảm bảo hai lợi ích cốt lõi. Bao gồm (i) việc tiếp cận các tuyến hàng hải trong khu vực, và (ii) duy trì sự chiếm đóng với các khu vực lãnh thổ và các vùng kinh tế mà nước này yêu sách.

Điều này dẫn đến một hệ quả bắt buộc là cả Washington và Bắc Kinh phải tìm ra các nguyên tắc đồng thuận chấp nhận được đối với việc tiếp cận các tuyến hàng hải và các nguồn tài nguyên trên Biển Đông. Sẽ không có quốc gia nào trong cả hai muốn tiến hành chiến tranh vì đá và đảo, nhưng nếu không có một sự đồng thuận nhất định thì rủi ro va chạm trên biển có thể sẽ kéo theo các xung đột.

Thứ ba, Trung Quốc dường như sẽ tiếp tục con đường phát triển quốc gia theo trật tự quốc tế hiện có. Có ba lý do để đưa ra nhận định này.

Một là, Trung Quốc đang hưởng lợi rất lớn từ trật tự quốc tế hiện tại, trong khi chỉ phải chịu đựng một số ràng buộc và đóng góp trách nhiệm rất nhỏ. Sự bất cân bằng trong lợi ích và trách nhiệm của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế hiện tại lớn đến mức độ mà Mỹ và phương Tây đã phải liên tục yêu cầu Trung Quốc trở thành một thành viên có trách nhiệm hơn.

Hai là các đối tác thương mại và quan hệ kinh tế chủ chốt của Trung Quốc đang vận hành dưới các quy luật và nguyên tắc mà hệ thống hiện tại đã tạo ra.

Ba là vì quá trình chuyển đổi thành công nền kinh tế nội địa của Trung Quốc có thể bị xói mòn bởi các bất ổn trong khu vực, nên người ta có thể kỳ vọng các lãnh đạo Trung Quốc sẽ kiềm chế sự thái quá trong các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Khó có khả năng Trung Quốc chịu đảm nhận các trọng trách lớn hơn hay bỏ rơi các đối tác của mình. Và càng khó có khả năng Trung Quốc từ bỏ sự phát triển kinh tế thần tốc – yếu tố cốt lõi duy trì sự ổn định và vững chắc cho quyền lực của giới lãnh đạo.

Đối với một cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc, mặt hạn chế khi chấp nhận trật tự sẵn có là phải dành cho các quốc gia nhỏ hơn nhiều sự quan tâm hơn mức thông thường. Chẳng hạn,  việc nước này phải tôn trọng những phán quyết pháp lý quốc tế không có lợi cho mình.

Tuy nhiên, mặt tích cực vẫn rất đáng kể, bởi rất nhiều luật lệ quốc tế cũng mang lại lợi ích cho các cường quốc. Ví dụ, khi Trung Quốc phát triển năng lực hải quân tầm xa, các lãnh đạo và quân đội của họ cũng sẽ hưởng lợi từ quyền “đi lại không gây hại” (innocent passage) tại vùng lãnh hải, cùng với việc triển khai một số hoạt động quân sự nhất định tại các vùng EEZ của các quốc gia khác – một điều mà Trung Quốc phản đối Mỹ rất mạnh mẽ.

Các xu hướng khu vực này cho thấy, trừ khi Trung Quốc không định đàm phán về Biển Đông, họ không thể bỏ qua bước gặp gỡ trực tiếp ASEAN như một khối thống nhất.

Sẽ là không cần thiết khi bên chiến thắng trong nội chiến Trung Quốc gần 70 năm trước theo đuổi con đường của bên thua cuộc – tấm bản đồ đường 11 đoạn của Quốc dân Đảng (mà nay là đường 9 đoạn).  

Dĩ nhiên, một kết quả cùng thắng từ phán quyết tại The Hague cũng sẽ phụ thuộc vào các hành động của ASEAN và Mỹ. Song, trong bối cảnh hiện nay, cả ASEAN và Mỹ sẽ khó tin được những lời rao giảng vẫn được TQ không ngừng lặp lại về một sự trỗi dậy hòa bình, nếu nước này không tự kiềm chế và bắt đầu đàm phán cùng ASEAN trên thiện chí giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

 Quỳnh Mai, Kim Duyên