“Trước những diễn biến đang diễn ra ở Biển Đông gần đây, cử tri yêu cầu Quốc hội, Chính phủ thực hiện các giải pháp cụ thể, rõ ràng trong việc bảo vệ chủ quyền” – Đại biểu Lê Nam cho biết.

LTS: Ngay sau thảo luận tổ chiều 26/05, Đại biểu Quốc hội Lê Nam- Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã có một số chia sẻ với Tuần Việt Nam về vấn đề biển Đông.

Thưa ĐBQH Lê Nam, vừa rồi ông có nhận được kiến nghị, câu hỏi nào của cử tri liên quan đến chủ quyền biển đảo không?

Với những động thái, diễn biến trên biển Đông vừa qua, cử tri đã bày tỏ, chia sẻ với chúng tôi rất nhiều.

Thứ nhất, cử tri yêu cầu được cập nhật thông tin, tình hình biển Đông thường xuyên hơn. Việc này những năm gần đây truyền thông đã làm khá tốt, đăng tải thông tin nhanh chóng, giới thiệu tư liệu sâu về biển đảo. Không chỉ vấn đề liên quan đến Việt Nam mà họ cũng quan tâm các vấn đề quốc tế.

Thứ hai, cử tri cho biết, họ đồng tình khi Chính phủ thể hiện quan điểm, thái độ thông qua người phát ngôn của Bộ ngoại giao, cũng như qua các kênh đối ngoại Chính phủ.

Phát biểu của Thủ tướng tại các kì họp Quốc hội và trong các cuộc họp quốc tế liên quan đến chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc (và gần nhất là phát biểu của Chủ tịch nước trong cuộc tiếp xúc cử tri) được thông tin rộng khắp cũng được cử tri quan tâm theo dõi.

{keywords}
ĐBQH Lê Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đồng thời, cử tri yêu cầu Quốc hội, Chính phủ thực hiện các giải pháp cụ thể, rõ ràng trong việc bảo vệ chủ quyền.

Trước những diễn biến đang nóng từng ngày, nhiều vị ĐBQH đã yêu cầu được báo cáo chi tiết hơn về biển Đông. Quan điểm của ông thế nào?

Trong các báo cáo kinh tế- xã hội của Chính phủ với Quốc hội cũng có đề cập đến vấn đề này. Nhưng chúng tôi muốn có một báo cáo chi tiết hơn, triệt để hơn nữa.

Qua tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy yêu cầu của họ lúc này là được nghe, được biết về những giải pháp. Hầu hết người dân đều đã nắm được tình hình sơ bộ thông qua các phương tiện truyền thông hàng ngày rồi.

Yêu cầu của cử tri đã đặt ra rõ ràng như vậy, vấn đề là các ĐBQH sẽ làm gì trong câu chuyện chủ quyền biển đảo?

Vai trò quan trọng nhất của ĐBQH là chuyển tải ý kiến người dân đến với các cơ quan chức năng. Điều này chúng tôi đã và đang làm.

Tại kỳ họp này, tôi sẽ phát biểu trước QH rằng đã đến lúc phải bàn về những việc cụ thể hơn.

Cao hơn nữa là trách nhiệm của Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề về biển đảo thế nào, thưa ông?

Với tình hình đang nóng hiện nay, như chúng ta đã thấy, vừa rồi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã bình luận về việc hãng CNN công bố video TQ cải tạo trái phép các bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN và việc Hải quân TQ 8 lần cảnh báo máy bay giám sát Mỹ.

Ông Bình khẳng định rất rõ ràng rằng, Biển Đông là nơi có những tuyến hàng hải, hàng không quan trọng của thế giới. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích, cũng như nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Trước những hành động của TQ như báo chí đã nêu, cử tri cũng yêu cầu quốc hội có trách nhiệm đánh giá lại để có giải pháp phù hợp.

Vậy sau khi lắng nghe ý kiến cử tri, cá nhân ông có đề xuất cụ thể gì tại diễn đàn QH kỳ này?

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, tôi đã nhiều lần phát biểu tại các kỳ họp trước.  

Tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải gấp rút triển khai chiến lược kinh tế biển tốt hơn nữa. Có như vậy mới góp phần khẳng định được chủ quyền của mình trên vùng biển quốc gia.

Về công tác đối ngoại, cần phải tăng cường truyên truyền, chia sẻ, công bố các tài liệu, dữ liệu lịch sử ra với công luận trong nước và quốc tế. Trong câu chuyện nay, không thể thiếu sức mạnh, sự tiếp sức, chia sẻ thông tin và sự ủng hộ của các nước, các nhà nghiên cứu, các học giả.

Tại kì họp trước Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã có Nghị định 67 về chính sách cho ngư dân. Nhưng cho đến nay trước báo cáo Quốc hội thì mới thực hiện được 10%. Hơn nữa, chính sách của chúng ta khi đi vào thực tế vẫn còn nhiều rào cản.

Lan Anh - Minh Huệ