Điều đáng buồn và trớ trêu, trong lúc người lớn chúng ta đang phải tìm cách rút ngắn con đường dài nhất Việt Nam- từ lời nói đến hành động, bằng cách “nói và làm” thì người Việt trẻ tuổi cứ “nói là làm” nhưng toàn nói và làm những hành động dại dột, thiếu trí khôn.

Có một vụ việc xảy ra tuần qua, sau những ồn ào bàn cãi, giờ đã lắng xuống, nhưng ấn tượng của vụ việc này lại rất ám ảnh khiến người viết xin được đề cập.

Cái giá của sự nổi tiếng và quyền lực “ảo”?

Đó là vụ việc một em gái, tuổi mới 13, nguyên là học sinh của Trường trung học cơ sở Phạm Ngũ Lão, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. 08 giờ sáng ngày 09/10, cô bé đến trường, với ½ lít xăng, chọn phòng Y tế, sát phòng thầy phó hiệu trưởng nhà trường, đổ xăng và đốt trong sự hò reo, cổ vũ và quay video trực tiếp của nhóm bạn phía sau.

{keywords}

Cảnh cô bé T. chạy ra khỏi đám cháy sau khi châm lửa đốt phòng Y tế (Nguồn: Báo Thanh Niên.

Góc phòng cháy. Đương nhiên, cô bé cũng bị lửa táp và cuống cuồng bỏ chạy. Được biết, cô bị bỏng độ 01 ở vùng mặt, bỏng độ 1-2 ở hai cẳng chân. Phải điều trị kháng sinh, khoảng 5-7 ngày mới có thể xuất viện.

Rất nhanh chóng, ngọn nguồn của hành vi dại dột và ngông cuồng không phải lối này đã được tìm ra. Nó là sản phẩm “chính chủ” của trò “Việt Nam nói là làm” của một số người trẻ tuổi trên mạng FB, theo nhà báo Hoàng Linh- đã bùng lên như một phong trào, từ sau vụ “có 40.000 like việc gì cũng làm”.

Điều đáng buồn và trớ trêu, trong lúc người lớn chúng ta đang phải tìm cách rút ngắn con đường dài nhất Việt Nam- từ lời nói đến hành động, bằng cách “nói và làm” thì người Việt trẻ tuổi “nói là làm” nhưng toàn nói và làm những hành động dại dột, thiếu trí khôn.

Ai đã chơi FB, đều biết một tâm lý thường trực- người nào có stt càng nhận được nhiều like càng thích thú. Như một sự khẳng định về “cái tôi”, vì đi liền kề là quan niệm đó mới là “nổi tiếng”. Cho dù trong thực tế, cái sự nổi tiếng đó có thể biến thành… tai tiếng ngay lập tức.

Cái “danh” trong tâm lý người Việt nó muôn hình muôn vẻ.

Nhưng nó sẽ trở nên vô cùng tai hại khi con người nhàn cư vi bất thiện, rất dễ dẫn đến những ước muốn quái gở, giật gân, chẳng giống ai. Và càng giật gân chẳng giống ai, thì có vẻ như càng hấp dẫn, kích thích số người like, như một kiểu thách đố. Cũng như trong trường hợp này của cô bé, khi cô hứa trên FB rằng, nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường.

Và cô đã phải đốt. Bởi nếu không “nói là làm”, như cô bé thú nhận- sẽ bị đánh.

Chút trí khôn hiếm hoi, là cô bé chọn đốt phòng y tế, chứ không đốt phòng thầy hiệu phó nhà trường. Nếu không, câu chuyện sẽ trượt dài trong dư vị cay đắng…

Cái giá đắt của sự “nổi tiếng” đã diễn ra ngay sau khi lửa bùng phát.

Trước đó, đêm 20-9, cư dân mạng liên tục chia sẻ clip một nam thanh niên tự tẩm xăng châm lửa đốt và nhảy xuống nước. Sau vài giờ đăng tải, đoạn clip chỉ dài 06 giây đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem cùng nhiều bình luận. Lời thách thức được đưa ra trước đó chỉ một ngày, vượt trên 40.000 like cho một facebooker vô danh (Tuổi trẻ, ngày 10/10).

FB là mạng xã hội có sức lan tỏa rất mạnh về thông tin. Và sự biểu cảm lan tỏa thông tin được phản chiếu ở số lượng like. Hàng trăm like, hàng nghìn like. Đến nỗi có facebooker khẳng định: Hạnh phúc là khi nhìn thấy số lượng like của facebooker khác … ít hơn của mình (!) Thật bất ngờ khi hạnh phúc được định nghĩa một cách “trần trụi” và ngộ nghĩnh đến vậy. Số lượng like trên FB nghiễm nhiên như trở thành một thứ thước đo về sức mạnh, “tài năng” của chủ FB, mà họ quên mất rằng trong thực tế, có khi số đông vẫn không phải là chân lý.

Nhưng người viết cũng không quên có lần xem một clip trên FB, lấy làm ám ảnh mãi vì thấy kinh khủng cho sức mạnh của FB, sức hấp dẫn của những cái like, sự mê hoặc của câu like: Một người đàn bà ngoại quốc bị tai nạn giao thông. Chui từ trong ô tô ra, mặt đầm đìa máu, bà ta lập tức lấy điện thoại di động tự quay gương mặt mình để rồi đưa lên FB, với một chú thích đáng sợ, đại ý là: Nhanh, nhanh đưa lên FB!

Nhất là khi mà mạng XH khiến cho con người bỗng trở nên … lột xác, như chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành từng nhận xét khá sắc sảo: Chỉ cần có lượng theo dõi lớn trên mạng XH là ai đó có khả năng sẽ kiếm được tiền, được ve vuốt cái “tôi”và sở hữu một “quyền lực ảo”, trong nhiều trường hợp là một “ảo tưởng về quyền lực” (TT, ngày 10/10)

Mất phương hướng sống?

Chả lẽ FB đã khiến con người ta bỗng nhiên khóc cười, bỗng nhiên hành động mất cả lý trí, cả tỉnh táo tối thiểu? Chắc chắn, bước tiến vĩ đại của công nghệ đem đến cho con người hàng ngày lượng thông tin đầy ắp vừa vàng lẫn thau, vừa chất xám lẫn sỏi sạn này hoàn toàn không có lỗi. Có lỗi chính là ở những người sử dụng.

Ở những vụ việc tự thiêu lãng xẹt và vớ vẩn đó, thuộc về những người Việt trẻ tuổi, đi tìm sự “nổi tiếng” của mình theo kiểu lười nhác, cộng chút ngông cuồng nông nổi và sĩ diện của tuổi trẻ- Một lời trót đã nói ra/ Dẫu rằng ngựa Tứ khó mà đuổi theo. Khi đi tìm sự “nổi tiếng” của mình một cách thiếu thông minh, nếu không nói là xuẩn ngốc.

Những người đã like ủng hộ ý tưởng điên rồ của họ, những người bạn ảo mà tai nạn sống- chết của bạn họ trên mạng ảo trong những vụ việc bi hài rất thật đó, cách nhau chỉ một cú nhấp chuột có… lỗi không, có phải chịu trách nhiệm không? Tùy nhận thức của họ.

Dĩ nhiên như mọi lần, XH bàn về sân chơi cho người trẻ, bàn về nền GD với đủ mọi khiếm khuyết.

Khi đưa bài viết “Giới trẻ cần được dạy dỗ để trở thành người Việt tử tế” (Một thế giới, ngày 11/10) lên FB, xoay quanh ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia tâm lý trẻ em bàn về giáo dục kỹ năng sống- những giải pháp muôn thuở mà chưa bao giờ ngành GD đáp ứng, người viết chú ý có một comment ngắn gọn, nhưng thật ra vừa rất có lý, vừa rất chua chát: Giới già cần hơn!

Chỉ là cụm từ ngắn gọn, nhưng đã “chạm” đến một hiện tượng đáng buồn trong xã hội lâu nay, môi trường sống XH đang bị “nhiễm độc” bởi sự suy thoái của một phận không nhỏ người lớn, hẳn đã có tác động tiêu cực cũng…không nhỏ tới người Việt trẻ.

Đó là hiện tượng sâu mọt hoành hành tứ bề thọ địch. Là lợi ích nhóm, tham nhũng quyền lực, lợi dụng một cách công khai nguyên tắc tổ chức cán bộ, tạo ra những bi hài “chi bộ họ ta”, “kính thưa đ/c bố”, “đ/c này là con đ/c nào?”. Là chạy chọt, mua quan bán tước, kể cả kêu cầu bấu víu vào các tín ngưỡng dân gian, ông đồng bà cốt, khiến cho XH một phen ngả nghiêng đàm tiếu: Trẻ “câu like” già “câu… ghế”

Trong sự suy thoái mang tính phổ biến đó, người Việt trẻ đứng ở đâu, nếu họ không rơi vào trạng thái mất phương hướng sống. Bởi những giá trị đúng sai, hay dở, tốt xấu trở nên rối loạn, lẫn lộn trắng- đen? Ngông nghênh chấp nhận những hành vi … thiêu thân nhưng khi vận mệnh đất nước bị đe dọa, lại ngông nghênh bày cho nhau cách trốn lính, ngay trên FB!

Khi người Việt trẻ mất phương hướng sống, lỗi tại họ hay tại ai?

Kỳ Duyên